Tôi là người ngưỡng mộ vua Trần Nhân Tông từ thời còn mài đũng quần ở ghế trung học, cho nên tôi sưu tầm một “đống” sách về ông vua độc đáo này. Sưu tầm nhiều thế thôi, chứ lâu lâu mới mở ra đọc một cuốn. Mấy năm trước khi về thăm nhà, tôi còn lội ra tận Yên Tử để chụp vài tấm hình và tìm hiểu nơi ông tu hành và viên tịch ra sao.
Hôm nay đọc báo mới biết Quảng Ninh tổ chức một hội thảo nhân tưởng niệm 700 năm ngày vua nhập niết bàn, và có cả thư của cụ Võ Nguyên Giáp nữa (xem tin dưới đây). Vua Trần Nhân Tông sinh năm 1258 và qua đời ngày 1/11/1308 , như vậy ông thọ chỉ 50 tuổi. Theo phân tích của tôi thì ông thuộc vào nhóm vua có tuổi thọ trung bình thời đó. Tuy ở trọ trần gian chỉ có 50 năm, nhưng ông để lại nhiều thành tích oanh liệt và dấu ấn văn hóa mà chúng ta nên trân trọng ngày nay. Hai lần đánh bại bọn Nguyên Mông. Đánh giặc xong, giữa lúc uy thế lừng danh, ông bỏ nga i vàng, nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, đi chu du và sau cùng là xuất giá đi tu năm 41 tuổi. Như vậy, ông đi tu chỉ trên 9 năm. Trong thời gian tu thiền ngắn ngủi đó, ông sáng lập ra phái Trúc Lâm – Yên Tử (Nhạc sĩ Phó Đức Phương có một sáng tác hay về Trúc Lâm – Yên Tử) và để lại cho đời nhiều bài thơ mang tính triết lí ở đời. Tiêu biểu cho triết lí này là bài “Cư trần lạc đạo” nổi tiếng, tiêu biểu cho Trần Nhân Tông : “Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên, Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền. Trong nhà có báu thôi tìm kiếm, Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”.
Một số sử gia sau này tỏ ý trách ông gã Huyền Trân công chúa cho Chế Mân. Người ta còn đặt vè mang tính kì thị chủng tộc để chê trách cuộc hôn nhân này. Nhưng trước khi cuộc hôn nhân xảy ra, ông đi chu du ở Chiêm Thành đến 9 tháng trời. Trong thời gian ở Chiêm Thành ông được tiếp đón trọng vọng vì có công giúp Chiêm Thành đánh thắng quân Nguyên. Tôi đoán trong thời gian này ông có cảm tình với vua Chiêm Thành nên hứa gã con chăng? Vả lại, ông vua Chế Mân này cũng không đến nỗi tệ. Nhưng chúng ta biết sau khi Chế Mân chết thì vua Trần Anh Tông (anh của Huyền Trân) ra lệnh cho Trần Khắc Chung đem thuyền vào Chiêm Thành “đón” công chúa về nước, vì sợ theo tục lệ Chiêm Thành thì Huyền Trân có thể lên dàn thiêu theo chồng!
Ở đây lại có một giai đoạn “bí sử” về mối liên hệ giữa ông tướng Trần Khắc Chung và Huyền Trân. Nghi vấn đặt ra là chuyến đi cứu công chúa kéo dài đến 1 năm trời, và trong thời gian đó hai người có tư thông với nhau hay không? Một số sử gia cho rằng có. Nhưng bằng chứng thì … không thấy. Năm 1308, Huyền Trân về Thăng Long và cũng theo vua cha đi tu.
Các triều đại xưa nước ta, khởi đầu là Nhà Lý, rất trọng Phật Giáo, và xem đạo Phật là một quốc giáo. Đạo Phật đã đem lại những qui ước đạo đức cho những người cầm quyền thời đó. Trong sách Lý Thường Kiệt, giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết: “Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó chính là nhờ ảnh hưởng đạo Phật.” Tôi cũng nghĩ như thế. Có thể nói Nhà Lý đã tạo nên một nền tảng luân lí và đạo đức xã hội làm cơ sở cho triều đại Nhà Trần phát triển sau này.
Còn bây giờ, trong tình trạng suy đồi đạo đức và luân lí như hiện nay, đạo Phật có thể đóng vai trò gì không? Nhạc sĩ Phạm Duy từng nói rằng sau chiến tranh chỉ có tôn giáo và âm nhạc mới khôi phục đạo đức xã hội. Lúc đó khi ông nói câu đó tôi cũng chẳng để ý, nhưng nay già chút tôi ngẫm ra rất có lí. Sau này tôi cũng nghe Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói tương tự trên quan điểm Phật giáo.
Dù muốn hay không, đạo Phật là đạo lâu đời nhất và lớn nhất ở nước ta. Có rất nhiều người không biết mình theo đạo Phật bởi vì những chuẩn mực đạo đức của Phật giáo đã hòa nhập thành truyền thống đạo đức dân tộc. Do đó, Phật giáo có thể đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát huy đạo đức xã hội trong thời đại ai cũng chạy theo đồng tiền. Nhưng muốn làm chuyện đó, Phật giáo phải được cởi trói, phải trở thành một đoàn thể xã hội độc lập với Nhà nước. Thế nhưng trong thực tế chúng ta thấy hoạt động của Phật giáo vẫn chịu sự chi phối của Nhà nước. Sự chi phối đó có cái hay mà cũng có cái dở. Cái hay là Nhà nước có thể đứng ra tài trợ cho Phật giáo trong việc hoằng pháp, đào tạo tăng ni và xây dựng cơ sở vật chất; nhưng cái dở là bị mấy ông Nhà nước can thiệp vào nội bộ của Phật giáo và vô hình trung họ không có một tiếng nói để được xem là độc lập. Tôi nghĩ đã đến lúc Nhà nước nên noi theo các triều đại Lý Trần mà lấy Phật giáo làm nền tảng đạo đức và cho phép Phật giáo mở trường dạy học như ở Thái Lan và các nước trên thế giới.
NVT
Tướng Giáp: Làm sáng tỏ công lao Phật hoàng Trần Nhân Tông
Trần Nhân Tông đúng là một vị vua văn võ song toàn, một vị Phật hoàng có công lao to lớn đối với dân tộc - Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong thư gửi Hội thảo khoa học "Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông - con người và sự nghiệp" diễn ra hôm nay (26/11) tại Quảng Ninh.
Hội thảo được tiến hành trong dịp Đại lễ Tưởng niệm 700 năm ngày nhập Niết-bàn của Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông do Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức.
Trong lá thư đề gửi Chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, tăng ni và các nhà nghiên cứu tham dự Hội thảo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam , hòa nhập với nền văn hóa dân tộc góp phần to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Đến thời đại nhà Trần, vua Trần Nhân
Tông đã hai lần trực tiếp lãnh đạo quân và dân Đại Việt đánh thắng quân Nguyên Mông và mở mang đất nước".
"Trong thời đại nhà Trần, lần đầu tiên xuất hiện một vị vua - vua Trần Nhân Tông đã rời bỏ nga i vàng đi vào nhân dân, xuất gia tu hành đạo Phật, sáng tạo nên một trường phái Phật giáo mới - Phật giáo Việt Nam.
Trần Nhân Tông đúng là một vị vua văn võ song toàn, một vị Phật hoàng có công lao to lớn đối với dân tộc", Đại tướng nhấn mạnh.
Khẳng định cuộc hội thảo này "có ý nghĩa quan trọng", Đại tướng đãi đằng mong muốn hội thảo "đi sâu nghiên cứu, làm sáng tỏ hơn nữa công lao, sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông". Điều này, theo ông, sẽ "góp phần làm cho đạo Phật ngày càng gắn bó với dân tộc, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét