“Cậu tư! Ông Obama là tổng thống da đen đầu tiên của Mĩ hả cậu?” Một buồi trưa, đang nằm võng đọc báo thì đứa cháu gái đang học lớp 8 ở dưới quê kéo ghế lại ngồi bên nó hỏi câu hỏi rất thời sự làm tôi ngạc nhiên không ít. Nó tên là bé Thoa (chẳng hiểu tại sao mấy đứa cháu tôi đứa nào cũng có nick là “bé”, dù có đứa năm nay đã trên 20 tuổi!), một trong những đứa cháu favorite của tôi.
Ngay từ nhỏ nó đã tỏ ra tính tìm tòi dù dưới quê thì rất ít tài liệu để đọc. Thấy cái gì cũng hỏi. Hồi nó mới đi học lớp tiểu học, mỗi lần về quê là hai cậu cháu tôi đạp xe đạp đi mua sách vở và bút. Có lần nhân dịp Tết nó lúc đó mới 10 tuổi gì đó thấy tôi chuẩn bị tiền lì xì, đến bên cạnh rồi nói nhỏ “Cậu lì xì thì cậu nhớ cho đều nghen, đứng có cho đứa nhiều đứa ít!” Thoạt đầu tôi tưởng mẹ nó dạy nói thế nên cười thầm, nhưng sau này mới biết đó là ý tưởng của nó! Hôm nay, khi ông Obama mới đắc cử có vài ngày mà nó hỏi tôi câu này, về một nhân vật chẳng ăn nhằm gì đến chuyện học hành của nó. Tôi trả lời nhát gừng: “Ừ, mà tại sao con tìm hiểu về ổng?” Bé Thoa nói vì cô giáo mới cho bài tập và một trong những câu hỏi là thân thế và sự nghiệp của ông Obama, nên nó hỏi. Ngày hôm sau, tôi đi ra chợ tìm mua cuốn sách “Obama”, là một cuốn sách dịch mới xuất bản chỉ vài ngày trước, và dự định làm quà cho nó. Cầm cuốn sách, bé Thoa nói “Trời! Con hỏi có một câu mà cậu mua nguyên cuốn sách, làm sao con đọc hết để làm bài phải nộp tuần tới”. “Thì con đọc xem có chỗ nào có thể sử dụng được, như chương 1 chẳng hạn, thì ghi ra đó để làm tài liệu và viết, chứ cậu cũng đâu có thì giờ.” Những ghi chép sau đây một phần là do ghi chép của đứa cháu tôi, một phần là do tôi đọc thêm báo chí bên này.
NVT
===
Sự kiện ông Barack Hussein Obama, một người nguyên quán Phi châu, trở thành tổng thống thứ 44 của nước Mĩ đã làm giới báo chí Tây phương gần đây rất bận rộn đi truy tìm cội nguồn của ông. Nhưng qua đó mà chúng ta cũng biết được đôi điều về gia thế và gia cảnh của nhân vật phi thường này.
Cha, mẹ và thân thế
Cha ông cũng có tên là Barack Hussein Obama, người gốc Kenya (Phi châu). Ông có thời làm nghề chăn dê, trước khi sang Mĩ du học vào năm 1959. Trong khi theo học tại Đại học Hawaii, ông gặp Ann Dunham (người Mĩ da trắng) cũng là sinh viên của trường, hai người yêu nhau và thành hôn vào năm 1961. Tổng thống tương lai Obama Hussein Obama sinh ngày 4/8/1961.
Khi Obama lên 4 tuổi, cha mẹ ông li thân và sau này chính thức li dị. Sau khi li dị, cha ông Obama quay về sống ở Kenya. Ông lập gia đình với 3 người vợ khác và có 7 người con với 3 người vợ sau. Sau này ông chỉ gặp lại đứa con đầu (lúc đó Barack Obama lên 10 tuổi) một lần duy nhất. Đó cũng là lần cuối cùng hai cha con gặp nhau, vì sau đó thì cha của Obama chết trong một tai nạn xe ôtô ở Kenya vào năm 1982.
Sau khi li dị, bà Ann Dunham lập gia đình với một nhà ngoại giao người Indonesia (tên là Lolo Soetoro) lúc đó đang theo học tại Đại học Hawaii. Năm 1967, bà theo chồng về Indonesia sống, và đem theo Barack Obama. Do đó, Barack Obama có thời gian sống và theo học ở Indonesia. Bà Ann Dunham sống phần lớn quãng đời của mình ở Indonesia, nơi mà sau này bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về nhân chủng học tại Đại học Hawaii. Năm 1994, bà quay về Mĩ sống và bà qua đời vì bệnh ung thư buồng trứng vào năm 1995.
Bà Ann Dunham, mẹ ông Barack Obama, là một người phụ nữ trí thức và lí tưởng. Có thể nói ông Obama chịu ảnh hưởng sâu đậm từ quan điểm và cách ứng xử ở đời của mẹ mình. Ông kể lại rằng lúc còn trẻ, ông được mẹ dặn đi dặn lại rằng cần phải tỏ thái độ khinh thị những hành động ngu si và ngạo mạn của người Mĩ ở hải ngoại, phải tỏ sự kính trọng đến người Indonesia và văn hóa Indonesia. Trong cuốn sách tự sự, ông viết rằng khi còn ở Indonesia (lúc đó ông mới 6 tuổi), một hôm có một người cùi gõ cửa nhà xin ăn, trong khi ông rất lúng túng không biết phải đối xử như thế nào, thì mẹ ông sẵn sàng cho người cùi tiền và thức ăn. (Còn người cha kế người Indonesia thì khuyên ông đừng cho vì người ta hay lợi dụng sự mềm yếu của người khác!) Mẹ ông lúc nào cũng dạy ông không được trịch thượng với người bản xứ, mà phải luôn luôn hành xử theo 3 nguyên tắc của người Mĩ vùng Trung Tây: thành thật, công bằng, và nói năng rõ ràng.
Sau 3 năm sống ở Indonesia, bà Ann Dunham gửi Barack Obama về sống với bà ngoại để tiếp tục học chương trình Mĩ. Obama lần lượt theo học tại trường trung học ở Hawaii và cao đẳng ở Los Angeles, tốt nghiệp cử nhân chính trị học từ Đại học Columbia năm 1983, và tốt nghiệp luật sư từ Đại học Harvard năm 1991. Từ năm 1992, ông về chuyển về Chicago, làm giảng viên (và sau này giáo sư) luật tại Đại học Chicago trong suốt 12 năm liền.
Năm 1989, Obama gặp Michelle Robinson, lúc đó là một luật sư của công ti luật Sidley Austin. Hai người thành hôn vào năm 1992, và đến nay có 2 con gái.
Về sự nghiệp chính trị, năm 1996, Obama đắc cử thượng nghĩ sĩ bang Illinois. Năm 1998 ông lại tái đắc cử vị trí này. Năm 2004 ông quyết định ra tranh cử thượng nghị sĩ liên bang, và đắc cử năm 2005, phục vụ trong nhiệm kì 2005-2008. Ngày 10/2/2007 ông tuyên bố ra ứng cử tổng thống Mĩ, đắc cử vẽ vang vào ngày 4/11/2008, và nhậm chức vào ngày 20/1/2009.
Thân nhân
Tờ Times khám phá ra một người bà con khác của Obama: đó là bà Zeituni Onyango, người mà tổng thống Obama gọi bằng cô. Bà Zeituni Onyango là em cùng cha khác mẹ của cha ông Obama. Bà Zeituni Onyango đang sống trong một khu chung cư ở thành phố Boston mà Nhà nước Mĩ dành cho những người nghèo khổ. Bà Zeituni Onyango, 56 tuổi, sống ở Mĩ với tư cách là một người di dân phi pháp. Đáng lẽ bà bị trục xuất về Kenya 4 năm về trước, nhưng bà đã lẫn trốn và tìm cách lưu lại ở Mĩ cho đến ngày nay. Một số người trong giới báo chí có vẻ trách móc Obama. Tờ Times viết rằng bà Zeituni Onyango sống một cách khổ ải, chỉ cách trường Đại học Harvard vài con đường, nơi mà Obama là người chủ tịch đầu tiên gốc da đen của tập san luật Harvard Law Review.
Chỉ vài tháng trước khi tờ Times tìm ra bà Zeituni Onyango, tạp chí Vanity Fair tìm ra người em trai cùng cha khác mẹ của Obama: đó là ông George Hussein Onyango Obama, đang sống trong một căn lều ở Nairobi (Kenya). Bái báo cho biết ông George Obama bỏ nhà và sống trong một điều kiện hết sức tồi tệ. Lợi dụng thông tin này, trong thời gian tranh cử, đảng Cộng hòa sản xuất một đoạn phim ngắn nói: “Nếu ông Obama quan tâm đến gia đình của các bạn, thì tại sao ông chẳng thèm dòm ngó đến gia đình của chính ông?”
Thật ra, hai anh em George Obama và Barack Obama chỉ gặp nhau 2 lần. Lần thứ nhất khi George lên 5 tuổi, và lần thứ 2 vào năm 2006 khi vị tổng thống tương lai công du Phi châu. Ông George Obama nói với tạp chí Vanity Fair rằng cảm tưởng ông khi gặp người anh như là gặp người dưng. Nhưng sau này, ông phàn nàn rằng Vanity Fair đã xuyên tạc cuộc sống của ông, vì ông không đến nỗi quá khổ cực như tạp chí mô tả, mà ông được nuôi dưỡng tốt từ lúc còn nhỏ, và ông hiện vẫn sống đầy đủ. Ông còn cho biết ông rất thích hàng xóm và có nguyện vọng trở thành người thợ sửa máy.
Một người khác mà giới báo chí phát hiện mới đây là bà Sarah Hussein Obama, 87 tuổi, là người vợ thứ 3 của ông nội Obama, hiện đang sống ở Kenya. Bà thường hay xuất hiện trên đài truyền hình và báo chí ủng hộ Obama. Mới đây, khi bọn trộm xông vào chòi bà đang ở nhằm móc túi đồ đạt, sự kiện lập tức trở thành một bản tin quốc tế! Có người chỉ ra rằng bà và ông Obama rất giống nhau, và đó là một điều lạ vì hai người không có quan hệ huyết thống.
Thật ra, trong suốt hành trình tìm kiếm gia phả Obama, khái niệm “thân nhân” hình như đã được mở rộng một cách đáng kể. Cũng nhờ sự mở rộng này mà gia phả Obama trở nên phức tạp, và nếu phác họa bằng “cây gia đình” (family tree) thì chắc kết quả sẽ giống như một khu rừng! Thật vậy, nếu giới truyền thông tiếp tục truy tìm nguồn gốc họ Obama và gia phả gần xa thì chắc cả nước Kenya đều là thân nhân của tổng thống Mĩ!
Phi châu trong tầm nhìn của Obama
Thấy người sang bắt quàng làm họ. Một số lãnh tụ châu Phi có vẻ hi vọng như thế. Sau khi Obama đắc cử tổng thống Mĩ, tổng thống Nam Phi là Kgalema Motlanthe nói: “Chúng tôi hi vọng rằng Chính phủ Obama sẽ tiếp tục quan tâm đến tình trạng nghèo đói và kém phát triển ở Phi châu, vốn đang là một thách thức của nhân loại.” Cựu tổng thống Nam Phi là Nelson Mandela cũng gửi một thông điệp cho Obama, mà trong đó ông viết: “Chúng tôi tin rằng ông sẽ xem chương trình chống đói giảm nghèo như là một sứ mệnh của ông.”
Mặc dù ông Obama, trong một trả lời phỏng vấn cho đài CBS, cho rằng bà Onyango nên bị trục xuất ra khỏi Mĩ nếu bà không tuân hành luật pháp Mĩ, nhưng ông có vẻ sẵn sàng ra tay cứu giúp châu Phi. Thật vậy, trong lần tranh cử vừa qua, ông Obama từng đi thăm Darfur (Congo, nơi xảy ra nạn đói trầm trọng) và tuyên bố rằng để cho dân Darfur đói là một tội ác diệt chủng. Ứng cứ viên phó tổng thống là Joe Biden cũng tuyên bố là sẽ gửi lính Mĩ sang Sudan để giữ hòa bình ở đó.
Trong chuyến đi Nairobi (Kenya) vào năm 2006, Obama tuyên bố trước những người ủng hộ ông rằng: “Tất cả các bạn là Các bạn em của tôi.” Ông hứa sẽ nói cho người Mĩ biết về những khó khăn của người dân Kenya, và sẽ lobby để tìm tài trợ giúp đỡ Kenya. Ông Obama và phu nhân thậm chí còn tình nguyện đi xét nghiệm HIV để khuyến khích người địa phương làm tương tự. Trong bài diễn văn hôm Thứ Ba vừa qua, ông nói về những “góc trên thế giới” mà “một bình minh mới của lãnh đạo nước Mĩ đang có trong tay”.
Obama nhìn Mĩ và người Mĩ như là một lực lượng chưng ái, có nghĩa vụ phải can thiệp, giúp đỡ bất cứ ai trên thế giới kém may mắn hơn họ. Chúng ta có lẽ không nên ngạc nhiên nếu Obama sẽ dùng cội nguồn Phi châu của mình để giải thích và biện minh cho những chương trình nhằm giúp đỡ những người anh em Phi châu trong tương lai.
====
Từ Barry Obama đến Barack Obama
Ông Obama có tên khai sinh là Barack (và tên lót là Hussein), nhưng lúc nhỏ ông còn có tên là Barry. Thời đi học ông chỉ được biết đến là Barry Obama. Mãi đến năm 1980 (lúc đó ông theo học tại trường cao đẳng Occidental ở Los Angeles), ông quyết định quay về cái tên khai sinh của mình: Barack Obama. Ông cho biết, một hôm ông về thăm nhà, ông nói với mẹ: “No more Barry” (không còn Barry nữa).
Việc đổi tên cũng là một đề tài bàn tán trong giới báo chí. Cần nói thêm rằng cha của Obama khi từ Kenya sang Mĩ du học vào năm 1959 cũng đổi tên là “Barry Obama”. Việc đổi tên cũng là một quá trình tương đối thông thường của những người di dân khi họ đến định cư ở một quốc gia khác (cũng giống như ngày nay chúng ta thấy có nhiều John Nguyễn, Linda Trần, Michelle Đặng, v.v…). Trong cuốn “Dreams from my Father” (Những giấc mơ từ cha tôi), một cuốn sách ông viết lúc còn sinh viên và bán rất chạy, ông không hề nói tại sao ông đổi tên. Nhưng giới bình luận tâm lí xã hội cho rằng việc Obama quay về tên gốc của mình là một hành trình đi về cội nguồn, đi tìm một căn cước tính. Ông Obama tâm sự rằng khi còn theo học ở trường cao đẳng Occidental, ông cảm thấy mình đi vào đường cùng, ông muốn mình nối kết với một cái gì đó lớn hơn ông. Cái tên Barack nối kết ông vững chãi hơn với cội nguồn Phi châu, với Kenya.
Xem thêm: Nàng Kiều bao lăm tuổi?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét