Về "Cải cách về học hàm và học vị"

Đọc bài này (tác giả là chỗ quen biết của tôi) mới thấy trên thế giới, như Pháp chẳng hạn, người ta có chủ trương bổ nhiệm GS rất khác với các nước nói tiếng Anh như Mĩ, Canada, Úc và Anh. Theo tôi hiểu, bài này nói rằng ở bên Pháp, người ta bổ nhiệm giáo sư trước khi ứng viên đã đạt được tiêu chuẩn của một giáo sư. Nếu đúng vậy thì điều này rất lạ, vì tôi thấy ở các nước nói tiếng Anh, người ta chỉ bổ nhiệm giáo sư khi ứng viên đã hoặc đang đáp ứng đây đủ các tiêu chuẩn của một giáo sư (GS). Tôi chỉ muốn nhân cơ hội bàn thêm đôi điều chung quanh chuyện tiêu chuẩn (standard) cho một GS.

Tuyển dụng hay đề bạt?
Dũng viết rằng “Ở các nơi tiên tiến trên thế giới người ta tuyển GS (một phần lớn là người từ những nơi khác) vào, còn Việt Nam phong GS những người đang ngồi tại chỗ (mới đây đa có cách tân theo chiều hướng “bổ nhiệm GS” tại các cơ sở [2], nhưng hiện tại chủ yếu vẫn là phong tại chỗ tuy có đổi từ “phong” thành “bổ nhiệm”).”

Không biết nơi nào trên thế giới có chủ trương đó, nhưng tôi biết rõ ở Úc, Anh, Mĩ và Canada (tôi gộp chung thành “các nước nói tiếng Anh”) phần lớn GS được đề bạt (hay cũng có thể nói là tiến phong) chưa không tuyển mộ. Chẳng hạn như trong vòng 5 năm qua, số lượng GS được đề bạt ở đại học UNSW chiếm 98% tổng số GS mới. Trong trường hợp một bộ môn mới được thành lập, đại học có thể ra thông cáo tuyển mộ GS (luật đồng đẳng của Úc bắt buộc các đại học phải ra thông cáo tuyển dụng trên báo chí đại chúng), nhưng trong thực tế thì họ đã có danh sách các ứng viên rồi.

GS là "chức danh" hay "chức vụ"? Tôi nghĩ cả hai: GS vừa là chức danh, mà cũng là một chức vụ. Đối với những người mà sự nghiệp của họ gắn liền với giảng dạy trong đại học thì GS là chức vụ khoa bảng cao nhất. Đối với những người làm nghiên cứu ở ngoài đại học thì GS là chức danh. Khi họ có chức danh này, chẳng có thay đổi gì đến việc làm, chẳng có thay đổi gì đến lương bổng của họ cả.

GS là công chức? Ở Úc, vì GS không phải là công chức (ở Mĩ người ta thường nói “leo” lên chức danh professor là một “Holy Grail” của giới khoa bảng), cho nên việc đề bạt chức danh GS không phải là một “chuyện thường ngày của huyện”, mà được tiến hành theo các trình tự rất nghiêm ngặt. Chẳng hạn như một trường đại học Úc viết thẳng như sau: “Promotion to Professor is exceptional and is reserved only for those demonstrating outstanding achievement. Promotion to Professor should therefore not be seen as the usual career progression expectation for all academic staff” (tức là, đề bạt chức danh GS là một ngoại lệ và chỉ dành cho những cá nhân với thành tựu xuất sắc. Do đó, đề bạt chức danh GS không nên xem là một tiến trình thông thường của sự nghiệp cho tất cả đội ngũ khoa bảng).

Thành tích nghiên cứu nổi trội tự động thành giáo sư?
Có ý kiến cho rằng một ứng viên có thành tích nổi trội trong nghiên cứu nên được công nhận chức danh giáo sư. Nhưng ở Úc thì chuyện này không bao giờ xảy ra. Tôi còn nhớ trong lần xin NHMRC fellowship, có qui định rõ ràng rằng, khi xét cho fellowship, người ta xét thành tích toàn diện của ứng viên, chứ không chỉ dựa vào một tiêu chí nào đó. Họ còn nói rõ ngay cả một ứng viên đã có giải Nobel vẫn không thể xin chức danh Principal Fellow!

Trong các đại học Úc cũng thế: không có chuyện có một hai công trình nổi tiếng là tự động thành giáo sư. Hoàn toàn không. Tôi có một anh bạn đã công bố 3 công trình trên Science, Nature PNAS, mà mãi đến 10 năm sau anh mới được đề bạt chức danh phó giáo sư (associate professor), và đến nay anh vẫn chưa là professor. Một anh bạn khác bên Mĩ là một chuyên gia rất nổi tiếng về béo phì, đã công bố trên 150 bài báo khoa học ở các tập san hàng đầu trên thế giới, mà chỉ là assistant professor ở đại học Columbia; nhưng khi anh di chuyển về một đại học kém nổi tiếng hơn ở miền Nam nước Mĩ thì được đề bạt lên associate professor (phó giáo sư) ngay.

Để trở thành giáo sư (hay phó giáo sư), hội đồng xem xét 4 tiêu chí chính: nghiên cứu khoa học, giảng dạy đào tạo, lãnh đạo, và phục vụ. Không phải chỉ dựa vào một tiêu chí để phong giáo sư. Xin lấy một ví dụ từ đại học Harvard về tiêu chuẩn chung để đề bạt chức danh professor như sau: Ứng viên phải là người có uy danh trong nước, và trong nhiều trường hợp, có uy danh trên trường quốc tế như là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực chuyên môn; là người lãnh đạo một chương trình nghiên cứu độc lập hoặc là đóng vai trò lãnh đạo trong những hợp tác khoa học; có thành tích lâu dài về khoa bảng như: tác giả chính của các công trình nghiên cứu nguyên thủy có ảnh hưởng lớn, hoặc đóng vai trò lãnh đạo trong các bài báo khoa học có ảnh hưởng lớn, và đóng góp quan trọng đến các công trình nghiên cứu hợp tác; ứng viên cần phải có một thành tích trong việc thu hút tài trợ từ các cơ quan ngoài trường; phải trình bày bằng chứng về giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Từ đó, họ đề ra một số tiêu chuẩn cụ thể như sau:

Về nghiên cứu: Phải có một thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, những công trình nghiên cứu có tác động lớn đến chuyên ngành hay làm thay đổi định hướng của bộ môn. Những nghiên cứu này bao gồm nghiên cứu về cơ chế của bệnh, phương pháp chẩn đoán, hoặc những nghiên cứu cung cấp những dữ liệu quan trọng để hiểu biết sâu về quá trình của bệnh hay dẫn đến việc quản lí bệnh nhân tốt hơn, phát triển phương pháp mới, v.v... Phải có thành tích thu hút tài trợ, chủ trì các công trình nghiên cứu do các cơ quan liên bang hay công ti kĩ nghệ tài trợ.

Về lãnh đạo và phục vụ: Được mời thuyết giảng trong các hội nghị quốc gia và quốc tế về lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành. Phục vụ trong ban biên tập các tập san khoa học hay làm cố vấn cho chính phủ. Phục vụ trong các ủy ban xét duyệt tài trợ, các hội đồng khoa bảng xét duyệt chức danh GS của đại học, hội đồng khoa học của các hiệp hội chuyên môn. Lãnh đạo trong việc tổ chức hội nghị quốc gia và quốc tế. Giải thưởng khoa học cấp quốc gia và quốc tế.

Về khoa bảng: Tác giả chính của các công trình nghiên cứu xuất sắc, nguyên thủy, và sáng tạo có ảnh hưởng lớn đến chuyên ngành. Thành tích công bố các nghiên cứu liên ngành có ảnh hưởng đến chuyên ngành và ảnh hưởng đến thực hành lâm sàng.

Những tiêu chí và tiêu chuẩn này của Harvard cũng chính là những chuẩn mực mà các đại học Úc dựa vào để đề bạt chức danh giáo sư.

Bổ nhiệm trước rồi mới làm sau ?
Dũng viết: “[…] các GS có trách nhiệm viết sách và hướng dẫn NCS (sau khi đa thành GS, và phải đảm bảo chất lượng cao), chứ không phải là phải viết sách và hướng dẫn NCS (bất kể chất lượng) để thành GS. […] Bản thân người viết bài này được nhận làm GS ở Pháp cách đây 7 năm từ khi chưa có nghiên cứu sinh nào hay quyển sách nào, về trình độ và đóng góp trong khoa học có thể coi là tương đương trung bình của các GS Pháp trong ngành (và chỉ là epsilon so với Heisenberg), nhưng nếu theo các tiêu chuẩn của Việt Nam thì cũng “còn lâu”.”

rồi nghị bỏ các tiêu chuẩn: “Đã làm PGS ít nhất 3 năm; Đã hướng dẫn NCS; Đã có 1 quyển sách; Đã có chủ trì đề tài cấp bộ trở lên; Sử dụng thành thạo một ngoại ngữ; Có viết một báo cáo khoa học dưới dạng 1 công trình tổng quan.”

Tôi thì nghĩ khác: tất cả các tiêu chuẩn này đều cần thiết. Đây cũng chẳng phải là những tiêu chuẩn gì mới hay của riêng Việt Nam.

Về thời gian 3 năm thì ở Úc cũng thế. Dù ứng viên có đáp ứng các tiêu chuẩn và tiêu chí GS, nhưng vẫn phải chờ sau 3 năm ở chức phó GS thì mới được quyền xin đề bạt GS. Đó cũng chính là trường hợp của tôi (và nhiều người khác).

Về tiêu chí khác (như phải có viết sách, phải hướng dẫn nghiên cứu sinh, phải có bài tổng quan, v.v…) tôi thấy không có gì lạ, vì đó cũng chính là tiêu chí ở bên Mĩ (đương nhiên tôi chưa bàn đến tiêu chuẩn giữa VN và Mĩ). Chẳng riêng gì Việt Nam, ở Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân, Nam Dương, và Singapore, người ta cũng đòi hỏi xuất bản sách giáo khoa như là một tiêu chuẩn để đề bạt chức danh GS. Một anh bạn tôi bên Thái Lan đã đạt được các tiêu chí về số lượng bài báo khoa học, giảng dạy, nghiên cứu, v.v... nhưng vẫn chưa được đề bạt GS vì anh ta còn thiếu tiêu chí về sách giáo khoa! Thế là anh ta phải lấy 6 tháng nghỉ không lương để viết sách giáo khoa trước khi đệ đơn xin chức danh GS!

Ở các nước nói tiếng Anh, người ta dựa vào thành tích trong quá khứ để đề bạt chức danh GS, chứ không phải đề bạt rồi mới làm việc cho đáng chức danh GS. Chính vì thế mà trong đơn đề bạt, ứng viên phải chỉ ra cho được mình đã hoặc đang tương đương với GS nào trên thế giới. Điều này rất quan trọng, bởi vì trường không muốn có những giáo sư mà trình độ và thành tích chỉ tương đương với mấy GS “mickey mouse” ở các trường địa phương bên Mĩ chẳng hạn. Xin lấy một câu trong chính sách đề bạt và bổ nhiệm GS ở trường Sydney ra làm ví dụ: "The University acknowledges through internal promotion to Professor the contribution of academic staff who demonstrate outstanding achievement at a level normally expected of a Professor in Australian universities" (tức là người được đề bạt phải chứng minh rằng thành tựu của họ ở mức xuất sắc, tương đương với trình độ của một GS ở các đại học của Úc). Nói cách khác, ứng viên phải chứng minh mình đã đạt trình độ và tiêu chuẩn GS rồi mới xin được đề bạt, chứ không phải đề bạt xong rồi mới phấn đấu để tương đương với chức danh GS.

Còn "Bản thân người viết bài này được nhận làm GS ở Pháp cách đây 7 năm từ khi chưa có nghiên cứu sinh nào hay quyển sách nào, về trình độ và đóng góp trong khoa học có thể coi là tương đương trung bình của các GS Pháp trong ngành [...], nhưng nếu theo các tiêu chuẩn của Việt Nam thì cũng “còn lâu." Đúng như thế! Ngay cả ở Úc này với một "track record" như tác giả mô tả thì chắc chắn không thể thành một phó giáo sư (chứ chưa nói đến giáo sư), nhưng có thể tương đương với lecturer hay senior lecturer mà thôi. Mỗi nơi đều có những tiêu chuẩn khác nhau! Nếu là tôi, tôi cũng đành bị rớt chức danh GS của VN mà thôi, và điều này thì tôi chấp nhận thực tế đó.

Tiêu chuẩn nào cho Việt Nam ?
Tôi nghĩ cần phải phân biệt giữa tiêu chí (criteria) và tiêu chuẩn (standard). Việt Nam có thể dựa vào các tiêu chí nước ngoài để đề bạt chức danh giáo sư, nhưng tiêu chuẩn thì chắc phải khác với các trường Âu Mĩ. Về tiêu chí, tôi đề nghị dựa vào 4 tiêu chí mà các trường trên thế giới hay dùng: thành tựu nghiên cứu khoa học (research output), lãnh đạo (leadership), giảng dạy (teaching), và phục vụ (services). Bất cứ ứng viên nào cũng phải xét theo 4 tiêu chí này.

Về tiêu chuẩn, chúng ta phải chấp nhận tiêu chuẩn thấp hơn các trường Âu Mĩ. Không có gì phải quan tâm nếu tiêu chuẩn GS của Việt Nam thấp hơn Mĩ hay Nhật. Ngay cả các nước Á châu, kể cả Nhật, tôi thấy tiêu chuẩn GS của họ cũng thấp hơn Úc và Mĩ. Đó là một thực tế. Ngay cả ngay tại Mĩ, tiêu chuẩn cũng khác nhau giữa các trường. Những trường địa phương (như trường Wright State University ở Ohio mà tôi từng làm việc) có tiêu chuẩn GS / PGS thấp hơn nhiều so với UCLA ở California.

Không nên có những tiêu chuẩn cứng nhắc theo kiểu cân đo đong đếm. Nên đánh giá cả lượng và chất. Về lượng, cần xem xét đến hệ số ảnh hưởng của tập san, chỉ số trích dẫn của các bài báo khoa học đã công bố, và nhất là chỉ số H của ứng viên. Không nên đề ra những con số bài báo cụ thể phải là bao lăm để được đề bạt. Những chỉ số chỉ mang tính tham khảo, vì còn phải đánh giá số lượng bài báo được mời đóng góp hay những lần giảng tại hội nghị quốc tế được ban tổ chức mời và chi trả.

Nên vận dụng tối đa hệ thống bình duyệt (peer review). Triết lí đằng sau cách làm này là chỉ có đồng nghiệp cùng chuyên môn với ứng viên là những người đánh giá chính xác nhất về thành tựu và uy tín của ứng viên. Ngoài ra, để cho đồng nghiệp trong và ngoài đánh giá còn đảm bảo tính khách quan trong quá trình đề bạt.

Sau cùng tôi đề nghị nên phân chia ngạch đề bạt. Ở nước ta có nhiều người mà nhiệm vụ chính là giảng dạy, và xét phong giáo sư cho những người này không nên đặt nặng vào những tiêu chí liên quan đến nghiên cứu khoa học. Do đó, cần phải có những tiêu chuẩn cho những người chuyên về giảng dạy, nghiên cứu, và thậm chí phục vụ. Thật vậy, có người tuy không giảng dạy và nghiên cứu khoa học nhưng có thành tích trong việc phục vụ và quản lí, thì chúng ta cũng nên có cơ chế để công nhận đóng góp của họ. Ở trường tôi (UNSW) có người từng là chính trị gia, nhưng vì có nhiều đóng góp cho ngành y tế cộng đồng nên cũng được tiến phong giáo sư y khoa.

Cái khổ hiện nay là những người ngồi trong hội đồng chức danh GS chịu nhiều áp lực từ trong và ngoài nước. Ở trong nước, nhiều người chưa muốn thay đổi mô hình hiện tại. Còn ở ngoài, thì có quá nhiều "thầy dùi", mỗi người góp ý theo cảm nhận và kinh nghiệm cá nhân, mà kinh nghiệm cá nhân thì tùy thuộc vào môi trường địa phương. Người ở những nước nói tiếng Anh (như tôi) thì thấy cách làm của các nước này ok, nhưng người sống và làm việc ở Pháp thì nghĩ mô hình của Pháp là tốt nhất. Ngay cả vấn đề tiêu chuẩn tiếng Anh, tôi thì thấy cần thiết vì xuất phát từ tình hình thực tế ở nước ta, nhưng có người sống bên Pháp thì cho đó là không cần thiết, hay thậm chí có người cho là thừa! Ngay cả những người nói như thế, tôi chưa dám chắc trình độ tiếng Anh của họ tốt hay chưa, và tốt cỡ nào. Tôi sống ở ngoài này cả ba chục năm và học hoài mà thấy tiếng Anh của mình vẫn còn lôm côm lắm.

Tôi thấy Việt Nam không cần phải theo cách làm của Mĩ, Pháp, Úc, hay Thái Lan. Việt Nam không phải và không nên là phiên bản của mấy nước này theo như lời khuyên của mấy thầy dùi. Theo tôi, Việt Nam nên chọn cho mình một mô hình sao cho tiêu chuẩn phù hợp với tình hình địa phương, nhưng tiêu chí thì phù hợp với các đại học Âu Mĩ.

NVT

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét