Tên đề tài nghiên cứu và động từ

Hôm qua (24/12) tôi có cơ duyên nói chuyện với các đồng nghiệp ở Bệnh viện Nhân dân 115 (chẳng hiểu từ đâu có cái con số 115 này). Tôi nói về hai chủ đề: cách viết và công bố một bài báo khoa học, và cách trình bày kết quả nghiên cứu khoa học bằng powerpoint. Chỉ có 2 tiếng đồng hồ, nên tôi phải nói nhanh và … chạy. Tuy nhiên, điều làm tôi thấy vui là có nhiều người quan tâm đến nghe, hội trường chật kín người và hình như họ cũng theo dõi nghiêm chỉnh chứ không ngủ gật như tôi hay thấy trong các hội thải khoa học khác ở trong nước.

Trong phần câu hỏi và thảo luận, có một đồng nghiệp hỏi một câu khá lạ (nhưng sau này thì tôi mới biết là hoàn toàn không lạ). Anh ấy hỏi rằng các tập san khoa học có một qui định nào về cách viết tựa đề (title) cho một bài báo khoa học hay một đề cương nghiên cứu hay không. Anh ấy nói thêm rằng ở trong nước, nhất là ngoài Bắc, người ta có qui định rằng tên đề tài nghiên cứu phải có động từ. “Người ta” ở đây là các vị trong Bộ nào đó, trong đại học nào đó, hay trong hội đồng khoa học nào đó.

Tôi rất ngạc nhiên với qui định này. Mới nghe qua thì cứ như là thời bao cấp: cái gì cũng phải như thế này, như thế kia, phải cao thấp theo chuẩn mực, và chuẩn mực thì giống như rơi từ trên trời xuống.

Hèn gì khi đọc các đề cương nghiên cứu từ Việt Nam tôi bắt gặp những cụm từ như “Nghiên cứu nhu cầu điện ảnh của sinh viên”, “'Nhận thức của thanh niên nông thôn về chất lượng cuộc sống gia đình hiện nay”, “Phát huy vai trò của tri thức ngành y tế Việt Nam trong công cuộc đổi mới”, "Nhận thức của công chức hành chính về việc sắp xếp lại bộ máy của cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố”, “Xác định tỉ lệ lưu hành bệnh ABC”, “Bước đầu thiết lập hệ thống XYZ” (rất nhiều nghiên cứu với “bước đầu”!).

Nhưng tôi trả lời dứt khoát cho anh biết là: không. Tôi phục vụ trong ban biên tập của một số tập san lớn về nội tiết học và loãng xương trên thế giới, và tôi biết rõ rằng hoàn toàn không có một qui định nào về đặt tên cho một đề cương nghiên cứu. Tác giả muốn đặt gì thì đặt, chẳng cần phải có động từ hay gì gì đò, và cũng chẳng có ai can thiệp. Tác giả phải chịu trách nhiệm cho việc chọn tên đề cương của mình, chứ chẳng ai cầm tay chỉ việc để tác giả phải làm.

Tuy nhiên, người có kinh nghiệm làm khoa học thường đầu tư thời giờ để suy nghĩ về tựa đề nghiên cứu khoa học của họ, vì họ ý thức rằng tựa đề là cái mà người đọc sẽ thấy và đọc đầu tiên khi cầm bài báo trên tay, là cái thu hút sự chú ý của người đọc. Ngoài ra, trong thời đại điện tử ngày nay, tựa đề thường có những “từ khóa” (keywords) để cho người truy tìm dễ dàng tìm bài báo trong chủ đề của mình theo đuổi. Chính vì thế mà việc đặt tên bài báo khoa học hay công trình khoa học thường theo các định hướng “nên” và “không nên” như sau.

1. Nên cố gắng đặt tựa đề với một thông điệp mới hay “new thing”. Làm được như thế rất dễ gây sự chú ý của người đọc. Ví dụ: “A novel relationship between osteocalcin and diabetes mellitus”, ở đây chữ novel có tác dụng gợi ra một cái mới và làm cho người đọc thấy thích thú.

2. Không nên viết tựa đề theo kiểu phát biểu (statement). Khoa học không có gì là bất biến và “sự thật” hôm nay có thể sai trong tương lai. Do đó những tựa đề kiểu như “Smoking causes cancer” nó chẳng những cho thấy sự ấu trĩ hay ngây thơ trong khoa học của tác giả mà còn làm cho người đọc cảm thấy rất khó chịu.

3. Không bao giờ sử dụng viết tắt trong tựa đề bài báo. Mỗi công trình nghiên cứu thường tập trung vào một vấn đề chuyên sâu nào đó, và nếu chúng ta sử dụng viết tắt thì chỉ những người trong ngành mới hiểu, còn người ngoài ngành không hiểu và đó là một thiệt thòi cho nghiên cứu của mình.

4. Không nên viết tựa đề theo kiểu nghịch lí. Những tựa đề nghịch lí là “Yếu A ảnh hưởng xấu đến X, nhưng tác động tốt đến Y”. Những tựa đề kiểu này có thể làm cho người đọc khó chịu, và có khi làm lẫn lộn vấn đề của nghiên cứu.

5. Tựa đề không nên quá dài hay nhiều chữ. Tựa đề có nhiều chữ làm khó đọc và làm cho người đọc … dễ quên. Thông thường, tác giả nên cố gắng đặt tựa đề dưới 20 chữ. Có nhiều bài báo mà tựa đề có khi chỉ một chữ!

Hi vọng những chỉ dẫn này sẽ giúp cho các bạn vài thông tin có ích. Sau cùng, tôi muốn nói rằng những ai đó ở Việt Nam ra điều lệ rằng tên đề cương nghiên cứu cần phải có động từ nên bỏ ngay cái qui định quái đản đó đi. Bỏ ngay! Nói chuyện hội nhập khoa học quốc tế mà đi kèm bên nách với một qui định như thế thì rất dễ làm trò cười cho thiên hạ.

NVT

Xem thêm: Đường về miền Tây: Đau khổ
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét