Hậu bão Melamine

Mấy hôm nay vì bận lu bù nên không có thì giờ vào net đọc báo (mà thật ra đọc báo giấy cũng còn khó, do khó tìm chỗ mua báo), nên không “tiếp cận” với thông tin báo chí thường xuyên về những chuyện mình quan tâm. Nhưng hôm nay nhân dịp vào net tôi thấy có bài này trên Tuanvietnam. Bài viết nói về sự vô cảm của Bộ Y tế trước những mất mát của doanh nghiệp trong cơn “bão Melamine” vừa qua. Bài viết còn cho chúng ta thấy những “trước sau không như một” của BYT rất buồn cười. Nói chung thì cũng như câu chuyện mắm tôm và bao lăm chuyện khác do BYT gây ra mà thôi. Tôi thấy tác giả là người can đảm, dám nói thẳng -- thẳng đến nhức nhối và xấu hổ cho BYT -- những chuyện tưởng tư khôi hài. Phục tác giả quá.

NVT

====


Hậu bão Melamine: Bộ hết trách nhiệm, DN tự xoay xở

Đành rằng cơn bão nào đi qua cũng để lại sự hoang tàn, đổ nát, thế nhưng hậu cơn bão sữa nhiễm độc Melamine ở Việt Nam chúng ta còn để lại nỗi cô đơn, nỗi đau cho doanh nghiệp mà có lẽ đó là do sự đóng góp của con người, của cơ quan quản lý.


Phản ứng chậm trễ, xử lý bối rối

Còn nhớ, khi các thông tin về sữa nhiễm độc chất Menaline uống vào gây suy thận trẻ em bùng nổ bên ngoài biên giới mà tâm điểm xuất phát từ nước láng giềng Trung Quốc đại lục thì lúc đó các cơ quan quản lý của chúng ta mới tá hỏa phát hành thông tin cảnh báo và tiến hành rầm rộ các biện pháp chuyên môn và biện pháp của quyền lực nhà nước, kéo theo đó các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa được một phen dâu bể tìm cứu cánh từ lời vàng ý ngọc của Bộ Y tế rằng thật sự sữa của họ ra sao?


Các trung tâm xét nghiệm độc chất trong sữa lúc ấy bối rối trăm bề và quá tải trước đòi hỏi nóng bỏng của người dân và doanh nghiệp với chỉ một việc đưa ra kết luận rằng sữa của ai? ở đâu? có và không có độc chất.

Trong khi chờ kết luận kết quả xét nghiệm không kịp thời thì phản ứng an toàn và mặc nhiên của người tiêu dùng là tẩy chay sản phẩm sữa, động thái này không chỉ gây khốn đốn cho nhà sản xuất, chế biến sữa mà còn gây lao đao cho người nông dân một nắng hai sương, sữa bò vắt ra phải đổ đi trong khi không thể yêu cầu bò nhịn đói, tiếc quá một nông dân ở vùng chuyên nuôi bò sữa ở Hà Nội lấy sữa bò tắm những mong làm đẹp da nhưng không ngờ gây nên hệ lụy cho cơ thể.

Nhiều doanh nghiệp không thể chờ hay không thể tin kết quả của Bộ Y tế đã tự mình gửi mẫu sản phẩm ra nước ngoài xét nghiệm và gửi đến nhiều trung tâm xét nghiệm khác nhau trong nước. Càng bố rối hơn khi các kết quả xét nghiệm không giống nhau cho cùng một lô sản phẩm, thậm chí đối lập nhau. Đến nước này, nhà sản xuất chỉ còn biết đứng giữa ngã 3 ngửa mặt lên trời than thở và cầu mong sự may mắn đến từ đó.

Khi cơn bão tạm lắng xuống, một số nước bắt đầu công bố chỉ số an toàn của Melamine trong sữa thì ở Việt Nam, Bộ Y tế lại thêm 1 lần nữa lúng túng, nói theo cũng không được mà bảo không theo cũng chẳng xong. Cho đến khi WHO (Tổ chức Y tế thế giới) công bố chỉ số an toàn Melamine trong sữa thì Bộ Y tế cũng đành gật đầu.

Và bình thản, vô can

Cơn bão Melamine đi qua, có lẽ người trút được gánh nặng nhiều nhất cũng chính là Bộ Y tế, nhưng hậu bão tố Melamine thì còn dai dẳng với những người trong cuộc mà tâm điểm chính là các công ty sản xuất sữa. Vụ Công ty CP sữa Hà Nội (Hanoimilk) bị oan do chính kết quả xét nghiệm không chuẩn của Bộ Y tế là một khúc bi ai.

Chỉ vài dòng chữ với con dấu đỏ của cơ quan Bộ Y tế nhưng kéo theo đó là sinh mạng của cả một doanh nghiệp bởi họ chỉ sản xuất một mặt hàng này, là sự đe dọa đời sống của hàng trăm công nhân, hàng ngàn bà con nông dân nuôi bò sữa vốn là nguồn cung cấp nguyên liệu cho Hanoimilk, kéo theo đó là hàng trăm tỷ đồng đội nón ra đi.

Trả lời trước báo chí về vấn đề: Trách nhiệm của Bộ Y tế đến đâu trong việc đưa ra những phán quyết thiếu chính xác về sản phẩm gây ra thiệt hại lớn về uy tín và kinh tế cho doanh nghiệp? Ông Trần Quang Trung, Chánh thanh tra Bộ Y tế phân trần: “Đúng là có một số nhầm lẫn trong quá trình phân tích, kiểm tra một số sản phẩm của Hanoimilk. Tuy nhiên, Bộ chỉ có trách nhiệm tăng cường kiểm tra và đã công bố sản phẩm của doanh nghiệp này an toàn”.

Với câu hỏi, ngoài động tác minh oan cho doanh nghiệp bằng văn bản, Bộ Y tế có nghĩ đến biện pháp giúp doanh nghiệp khôi phục thương hiệu? Ông Trung trả lời: “Đó là việc của họ, cứ làm tốt là được. Bộ đã có công văn rồi thì thôi chứ!” (*)

Thế nhưng đại diện có thẩm quyền của Bộ Y tế trả lời trên báo chí rằng: đó là việc của doanh nghiệp.

Khó tìm được từ nào để mô tả thái độ này của những người gọi là “công bộc của dân”, mà chỉ cảm nhận thấy cảm giác tê tái, cô đơn trước cái gọi là tình đồng loại, chứ chưa nói đến trách nhiệm của người cầm cân nảy mực, trách nhiệm của cơ quan công quyền.

Có thể trong xu thế phát triển - hội nhập, cách truyền giáo bằng lý tưởng và đạo đức chung chung sẽ không còn phù hợp và ít hiệu quả, vậy thì nhất thiết chúng ta phải có thiết chế quản lý xã hội chặt chẽ, minh bạch và nghiêm ngặt.

Nhà nước cần có một bộ luật và một tòa án độc lập xét xử những người, những cơ quan hành chính sai sót gây nên hậu quả xấu cho doanh nghiệp và người dân. Trong bộ máy hành chính, xin đừng để sự tắc trách gây nên thiệt hại, xin đừng để sự vô cảm giết chết cảm hứng cống hiến và phấn đấu của doanh nhân, doanh nghiệp và người dân.

BS Minh Tân
(*) "Nghi án" Melamine: Doanh nghiệp đòi Bộ Y tế công khai xin lỗi. Báo Dân trí

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét