Cải cách giáo dục :D

Hôm qua, download bản “Kiến nghị cải cách, hiện đại hóa giáo dục” của Viện nghiên cứu phát triển IDS, đọc một mạch, rồi đọc lại lần thứ 2 và thứ 3. Cần nhắc lại rằng bản kiến nghị này ra đời sau khi bản chiến lược giáo dục của Bộ GDĐT được công bố. Tôi thấy có một xu hướng thú vị ở nước ta là dù ai cũng nghĩ ngành giáo dục nước ta đang khủng hoảng, nhưng ít ai tranh luận. Người phê phán và phản biện cứ viết, chẳng có ai quan tâm phản hồi, hay có phản hồi thì cũng chỉ là khen nhau (như thấy ở đây). Khen nhau tất nhiên là tốt rồi (hiệu ứng tâm lí mà), nhưng tôi nghĩ chỉ ra những khiếm khuyết cũng cần thiết. Thành ra, ở đây, tôi muốn trình bày vài cảm nhận và suy nghĩ của mình sau khi đọc bản kiến nghị trên.

Trước hết, đây là một kiến nghị đầy tâm huyết của một “lão tướng” trong ngành giáo dục. Các nhận xét và nhận định trong bản kiến nghị có thể nói là rất thẳng thắn và không khoan nhượng. Nhưng tôi nghĩ những nhận xét và bình luận đó, dù có thể khó nghe đối với các quan chức giáo dục, nhưng là những phát biểu cẩn thiết trong tình hình hiện nay. Tình hình giáo dục hiện nay chỉ có thể mô tả bằng hai chữ: khủng hoảng. Trước một “bệnh trạng” nặng như thế thì lời lẽ “chẩn đoán” cũng cần phải thành thật.

Đọc xong bản kiến nghị tôi không biết mục tiêu chính của tài liệu là gì. Mặc dù mang danh nghĩa “kiến nghị”, nhưng hình như tác giả cũng chỉ xoay quanh những yếu kém trong ngành giáo dục, còn phần kiến nghị có vẻ hời hợt, chung chung. Cũng dễ hiểu vì muốn làm một cách chi tiết thì chắc chắn cần đến một ủy ban làm việc suốt vài năm và bản báo cáo phải dài vài trăm trang, chứ đâu phải chỉ vài trang. Do đó, tôi không hiểu mục tiêu mà tài liệu này muốn đạt được là gì. Có lẽ là chỉ để tranh thủ vận động sự đồng tình của giới lãnh đạo cao nhất về nhu cầu cải cách giáo dục (mà họ đã đồng ý rồi!)

Tuy nhiên, những nhận định, vấn đề, và kiến nghị hoàn toàn không có gì mới. Mà, có lẽ cũng chẳng có gì mới để viết, khi trong thời gian qua có quá nhiều đóng góp và kiến nghị như thế. Thật vậy, tất cả các phát biểu trong bản kiến nghị này đã được Gs Hoàng Tụy và nhiều người khác đề cập đến, nhưng hình như chưa được các giới chức quan tâm hay chú ý. Thật ra, tôi chẳng biết họ có đọc hay không nữa, vì chẳng có phản hồi gì cả. Tất cả những góp ý trong thời gian qua đã rơi vào một không gian im lặng đáng sợ.

Một số nhận xét và kiến nghị của IDS có lẽ chịu sự chi phối của kinh nghiệm cá nhân của những người soạn thảo. Chẳng hạn như những tiêu chuẩn GS/PGS, những nhận định về “Chuyên gia tầm cỡ quốc tế” rõ ràng là theo cách nhìn của những người làm toán. Điều này cũng giống như đề cương xây dựng trường “đại học chất lượng cao” trước đây cũng chỉ là những cái nhìn của người làm về kinh tế và làm toán, và những nhận định của những người này không hẳn phản ảnh quan điểm của những người làm khoa học và công nghệ. Thật vậy, nhìn qua những bảng số liệu dự kiến của nhóm này tôi phải nói là hình như người ta đơn giản hóa việc điều hành những bộ môn khoa học, kể cả y khoa, của một trường đại học cứ như là một trường dạy nghề. Đơn giản hóa là cần thiết, nhưng đơn giản hóa đến độ như thế thì nói như Einstein là có nguy cơ “deception”. Một đại học đâu chỉ bao gồm những bộ môn toán hay kinh tế, và nếu những kiến nghị đứng trên quan điểm của hai ngành hẹp này thì tôi e rằng có phần phiến diện. Có lẽ chính vì thế, hay do truyền thống cả nể nhau, mà chẳng ai quan tâm và góp ý.

Điểm yếu lớn nhất của bản kiến nghị này là thiếu dữ liệu. Điều này thật ra cũng rất khó cho những tác giả, bởi vì số liệu về giáo dục thì Bộ GDĐT đều nắm cả, mà họ chưa chắc chịu công bố, còn những số liệu họ công bố thì chẳng ai muốn đọc (tức là chỉ công bố cho có). Có lẽ vì thiếu dữ liệu nên rất nhiều (nếu không muốn nói là tất cả) những phát biểu trong tài liệu mang chút màu sắc cảm tính. Rất dễ dàng đồng ý với những phát biểu như “Cơ cấu tổ chức và hoạt động giáo dục mất cân đối, rối loạn trầm trọng”, “lãng phí và tham nhũng khiến chi phí cho giáo dục tăng cao một cách phi lý”, “sai lầm quản lý có tính hệ thống làm tha hóa giáo dục”, “tầm nhìn hạn hẹp, nông cạn, cùng với một bộ máy quản lý điều hành thiếu chuyên nghiệp, cả tâm và tầm đều dưới xa yêu cầu”, v.v… nhưng tôi nghĩ những phát biểu trên sẽ thuyết phục hơn nếu được “yểm trợ” bằng những dữ liệu thực tế.

Cũng có vài nhận xét mang chút định lượng tính như “trong một thời gian ngắn đã xuất hiện hàng vạn tiến sĩ và hàng nghìn GS, PGS, trong đó một tỉ lệ khá lớn (không dưới 2/3) dưới chuẩn, thậm chí hữu danh vô thực” nhưng dữ liệu thì hình như chỉ là một phỏng đoán không hơn không kém. Dù ai cũng thấy như thế, cũng cảm nhận như thế, nhưng nếu có người hỏi “bằng chứng đâu” thì tôi nghĩ sẽ rất khó biện minh. Thật ra, rất khó nói thế nào là dưới chuẩn; tôi nghĩ (cũng chỉ là võ đoán) nếu so với chuẩn của các trường lớn bên Mĩ thì chắc 99% GS, PGS nước ta đều dưới chuẩn! Thiếu những dữ liệu này làm cho bản kiến nghị thiếu tính khoa học.

Nói chung, tôi thấy lợi ích của bản kiến nghị này là nhấn mạnh đến nhu cầu cải cách giáo dục. Có lẽ trong chúng ta, ai cũng đồng ý với nhu cầu cải cách giáo dục, bởi vì đó là một nhu cầu có thật. Nhưng tôi cảm thấy bản kiến nghị cũng chỉ nêu được nhu cầu cải cách, mà chưa đưa ra một định hướng cụ thể cải cách như thế nào. Bản kiến nghị dành hơn 9 trang để nói về những yếu kém của ngành giáo dục (mà ai cũng biết), nhưng chỉ 4.5 trang cho phần kiến nghị!

Chẳng phải bản kiến nghị này, mà tất cả các kiến nghị trước của các nhóm khác cũng chưa đưa ra một đường hướng và bằng chứng cụ thể để đưa nền giáo dục nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Tôi đoán ông Nguyễn Thiện Nhân, nếu đọc một kiến nghị, thì những câu hỏi mà ông muốn có câu trả lời không phải là “có cần cải cách giáo dục”, mà là: cải cách cái gì, giữ cái gì, sửa cái gì, lựa chọn nào (có nhiều mô hình chứ đâu phải chỉ một mô hình cải cách) và tại sao.

Vấn đề bằng chứng ở đây cũng rất quan trọng. Cải cách giáo dục, nếu tiến hành, sẽ ảnh hưởng đến nhiều người trong vài thế hệ. Do đó, câu hỏi cần đặt ra là nếu làm cải cách theo một mô hình nào đó, lấy bằng chứng nào để nói rằng định hướng đó sẽ làm cho ngành giáo dục tốt hơn hiện nay? Hiện nay, người ta nói nhiều đến cải cách, nhưng tôi thấy chưa ai thuyết phục rằng cải cách sẽ tốt hơn, và tại sao tốt hơn hiện nay.

Ở ngoài này tôi thấy họ làm từ việc nhỏ đến việc lớn đều có nghiên cứu cẩn thận. Làm một con đường người ta phải bỏ ra cả năm để nghiên cứu và đánh giá lợi hại. Thời thập niên 1980s, Úc làm cải cách giáo dục đại học chỉ khi đã có nghiên cứu, tham khảo và phân tích của trên 200 chuyên gia trong và ngoài nước. Thành ra, cải cách giáo dục ở nước ta cần phải điều nghiên cẩn thận, chứ không phải chỉ làm theo những phát biểu thiếu cơ sở khoa học. Vì thế, vấn đề đặt ra là lấy bằng chứng gì để cho rằng cải cách theo một định hướng nào đó sẽ làm cho hệ thống giáo dục nước nhà tốt hơn? Rất tiếc là cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thấy được những bằng chứng thuyết phục từ các nhóm kêu gọi cải cách giáo dục.

Thế thì, nếu tôi là bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi đọc xong bản kiến nghị nàyđề cương này, tôi sẽ làm gì? Tôi sẽ viết một lá thư cám ơn.

NVT
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét