Đó là tỉ số banh giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan trong trận vào chung kết để tranh giải “AFF Cup”. Tôi có cơ may chứng kiến “thời khắc lịch sử” đó trong một quán ăn trên đường Phạm Ngọc Thạch. Đang ngồi bàn tán chuyện thế sự với anh em bè bạn thì cả quán reo mừng vỗ tay khi một cầu thủ Việt Nam ghi bàn thắng thứ nhất. Rồi bàn thắng thứ hai. Nhưng đến khi Thái Lan ghi bàn thắng thì phe ta có vẻ không ồn ào gì cả! Việc đội tuyển Việt Nam thắng Thái Lan ngay trên sân xứ người và ngay vào đêm 24/12 là một điều quá xứng đáng để mừng.
Đã lâu lắm rồi (hình như là từ 1998) Việt Nam chưa thắng Thái Lan trên sân cỏ. Vì thế, thắng lợi lần này rất có ý nghĩa, và có thể nói là có tác dụng nâng cao khí thế quốc gia trong năm mới đầy thách thức. Nhưng bóng đá là một trò chơi với nhiều bất định, chúng ta thắng hôm nay, nhưng không có gì đảm bảo Thái Lan sẽ tiếp tục thua ngày mai. Thành ra, tôi rất tâm đắc với phản ứng chừng mực và dè dặt của huấn luyện viên Calisto, khi ông nói cuộc chơi vẫn chưa kết thúc và chúng ta vẫn chưa thắng. Quả thật như thế, chúng ta vẫn còn đấu với Thái Lan một trận nữa trên sân Mỹ Đình. Chỉ khi nào chúng ta thắng trên sân Mỹ Đình vào ngày 28/12 thì chúng ta mới có đầy đủ lí do để ăn mừng.
Người ta nói đấu nhau trên sân Mỹ Đình, chúng ta có nhiều lợi thế vì là sân nhà. Có lẽ đúng như thế, nhưng thực tế cho thấy suy nghĩ đó chỉ đúng có một nửa. Chúng ta đã thua người ta trên sân nhà, nhưng thắng người ta trên sân của họ. Vậy thì, chưa có lí do gì thuyết phục để nói chúng ta có lợi thế trên sân nhà chỉ vì chúng ta có nhiều cổ động viên. Không thể chủ quan. Càng không chủ quan khi họ đang thua và đang cay cú sẽ tìm mọi cách để tấn công chúng ta. Nói gì thì nói, tôi vẫn mong và hi vọng chúng ta sẽ làm nên lịch sử trong những ngày cuối năm này để Việt Nam chiếm AFF Cup.
Hôm qua, tôi nói chuyện tại Bệnh viện Nhân dân 115 về đề tài kĩ năng thông tin trong khoa học (như cách viết bài báo khoa học, cách đương đầu với tập san, và cách trình bày kết quả nghiên cứu khoa học bằng PowerPoint) cho đồng nghiệp và các nghiên cứu sinh. Trong bài nói chuyện 2 giờ đó, tôi trình bày những số liệu về năng suất khoa học giữa Việt Nam và Thái Lan, những số liệu cho thấy chúng ta thua kém Thái Lan khá xa trên “mặt trận khoa học” (thời đại này mà dùng “mặt trận” nghe sao kì cục quá, nhưng … quen rồi). Số bài báo khoa học nước ta có tăng trong mấy năm gần đây, nhưng đến nay thì chỉ bằng 1/3 Thái Lan. Trong khi Thái Lan tập trung nghiên cứu những đề tài khoa học ứng dụng (như công nghệ dược phẩm, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, sinh học phân tử, v.v….) thì Việt Nam lại tập trung vào các lĩnh vực lí thuyết như toán thuần túy, vật lí lí thuyết, vật lí chất rắn, y tế công cộng, bệnh truyền nhiễm, v.v… So sánh này cho thấy khoa học Việt Nam là loại khoa học với công nghệ thấp, trong khi đó khoa học Thái Lan đi sâu vào công nghệ cao. Những nghiên cứu về toán ở VN cũng chẳng thấy ai quan tâm, vì gần phân nửa những công trình về toán và vật lí lí thuyết của Việt Nam chẳng được ai trích dẫn.
Khoa học là hoạt động của tâm trí, còn thể thao là hoạt động của cơ bắp. Hiện nay, ở cả hai mặt này, Việt Nam đều thua Thái Lan. Thua đậm. Trí lực của ta thấp kém, mà cơ bắp lại càng thấp hơn. Do đó, chiến thắng ngày hôm qua (và hi vọng chiến thắng ngày 28/12) sẽ là một kích lực khí thế cho Việt Nam trong năm 2009.
Xem thêm: Tên đề tài nghiên cứu và động từ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét