Bài này thật ra là một bài trả lời phỏng vấn cho bản tin của Đại học Quốc gia Hà Nội. Phóng viên hỏi tôi về mấy chuyện kĩ năng mềm trong nghiên cứu khoa học.
NVT
==
PV: Thưa ông, được biết trong tháng 12 vừa qua, ông có tham gia dạy một số khóa học liên quan đến các kĩ năng như trình bày, viết báo cáo... cho các chưng sỹ, dược sỹ tại Hà Nội. Ông có thể nói rõ hơn về khóa học này ?
NVT: Thật ra, đó chỉ là những buổi seminar về cách viết và công bố một bài báo khoa học trên các tập san y học quốc tế, và cách trình bày một nghiên cứu khoa học trong các diễn đàn khoa học quốc tế. Những chủ đề này nằm trong một loạt bài tôi đã viết từ trên chục năm qua, và nay thì có dịp trình bày trước các đồng nghiệp trong nước.
Trong bài nói chuyện về cách viết bài báo khoa học, tôi nói về qui trình vận hành của một tập san khoa học, đằng sau quyết định đăng hay không một công trình nghiên cứu, cách cấu trúc một bài báo khoa học và trình bày dữ liệu như biểu đồ và số liệu sao cho thuyết phục, logic, và sau cùng là cách viết cũng như dùng chữ cho chính xác và hay.
Trong bài nói chuyện về cách trình bày một nghiên cứu khoa học, tôi nói về những nguyên tắc cơ bản trong việc chuyển giao thông tin khoa học đến người nghe một cách hữu hiệu, những nguyên tắc về việc chọn màu sắc sao cho thích hợp với từng loại diễn đàn, cách chọn chữ và thiết kế biểu đồ cũng như bảng số liệu sao cho gọn nhẹ nhưng nói lên thông điệp mình muốn chuyển giao đến người nghe. Nói tóm lại tôi chỉ nói về những kĩ năng cơ bản của một nhà khoa học.
Vì tôi có cơ duyên phục vụ trong ban biên tập của nhiều tập san khoa học trên thế giới (có tập san tôi có thẩm quyền quyết định đăng hay từ chối đăng bài), nên tôi hiểu được cách vận hành và làm việc của các tập san này, nên tôi có thể trình bày những vấn đề mà người nước ngoài họ không thể chia sẻ với các đồng nghiệp trong nước.
PV: Đằng sau quyết định đăng hay không một bài báo có thể bao gồm những gì thưa ông?
NVT: Khi bản thảo bài báo khoa học được nộp cho một tập san, tổng biên tập (editor-in-chief) đọc qua phần tóm lược (abstract), và dựa vào chuyên ngành của bài báo, sẽ giao cho một phó biên tập (associate editor) phụ trách, và người này chính là người có thẩm quyền quyết định “số phận” của bài báo. Thông thường, phó biên tập đọc qua bài báo, rồi quyết định xem có xứng đáng để gửi đi bình duyệt (peer review).
Nếu bài báo có tiềm năng và xứng đáng, phó biên tập sẽ chọn 2-3 chuyên gia bình duyệt (phần lớn những chuyên gia này nằm trong ban biên tập của tập san). Sau 4 tuần (thời gian trung bình), các chuyên gia này gửi báo cáo bình duyệt (cũng có thể tạm gọi là “phản biện”) cho phó biên tập. Nếu có một chuyên gia bình duyệt đề nghị từ chối bài báo thì thông thường phó biên tập sẽ gửi thư cho tác giả biết rằng tập san từ chối công bố bài báo.
Nếu tất cả chuyên gia bình duyệt không từ chối nhưng yêu cầu sửa đổi, thì phó biên tập sẽ chuyển các phản biện này cho tác giả để chỉnh sửa (kể cả làm thêm thí nghiệm, thêm phân tích, v.v…). Sau khi chỉnh sửa, tác giả gửi lại bản thảo mới (và kèm theo những trả lời cho các câu hỏi mà chuyên gia bình duyệt nêu) cho phó biên tập. Nếu phó biên tập thấy tác giả trả lời đầy đủ, thì sẽ quyết định đăng hay không đăng.
Nếu phó biên tập thấy tác giả trả lời chưa đầy đủ, thì tất cả hồ sơ sẽ chuyển cho các chuyên gia bình duyệt một lần nữa, và chu trình bình duyệt lại bắt đầu. Thông thường, một bài báo phải qua 2-3 lần bình duyệt, nhưng cũng có trường hợp mà tác giả phải kinh qua 6 lần bình duyệt.
Một khi bài báo đã được chấp nhận hay không chấp nhận cho công bố, phó biên tập sẽ thông báo quyết định của mình cho tổng biên tập biết. Tính trung bình, thời gian từ lúc nộp bài đến khi quyết định cho công bố tốn khoảng 6 tháng. Cố nhiên, trong các trường hợp bài báo được đánh giá là không xứng đáng ngay từ lúc ban sơ thì thời gian đi đến quyết định chỉ trong vòng 1 tuần.
PV: Thưa ông, như vậy là nhà khoa học ngày nay, ngoài khả năng chuyên môn dường như cũng còn cần phải có những kiến thức và kĩ năng nào khác?
NVT: Bạn đang nói đến kĩ năng mềm phải không? Theo tôi thì có 2 kĩ năng mềm mà các nhà khoa học Việt Nam cần phải cải tiến và học hỏi, đó là: Kĩ năng thông tin và ngoại giao. Kĩ năng thông tin ở đây là khả năng truyền đạt thông tin khoa học đến đồng nghiệp trong và ngoài nước qua viết và nói chuyện.
Viết trên các tập san khoa học quốc tế đòi hỏi những kĩ năng về tiếng Anh (vì phần lớn tập san khoa học ngày nay sử dụng tiếng Anh) và cách biện luận, mà các đồng nghiệp trong nước đều rất yếu. Điều này thì có thể hiểu được vì tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ, và theo kinh nghiệm tôi, ngay cả những người đã từng đi du học ở các nước nói tiếng Anh cũng chưa thể viết hoàn chỉnh một bài báo khoa học vì làm được việc này đòi hỏi một thời gian “cọ xát” khá lâu mới trở thành chuyên nghiệp được. Ngay cả những nghiên cứu sinh mà tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ cũng khó có thể viết một bài báo khoa học một cách chỉnh chu.
Nói chuyện trong các hội nghị khoa học đòi hỏi những kĩ năng chẳng những về ngôn ngữ mà còn nghệ thuật. Tôi đã thấy nhiều đồng nghiệp trong nước nói chuyện trong các hội nghị khoa học quốc tế, và họ phạm phải những lỗi lầm hết sức cơ bản như chọn màu sắc không thích hợp, chọn font chữ sai, sử dụng quá nhiều hoạt hình màu mè, diễn giải không thông và logic, cách nói quá đơn điệu, không biết cách trả lời người chất vấn, v.v… Có người nhầm lẫn giữa trả lời chất vấn và lên lớp, nên biến bài nói chuyện thành một buổi trao đổi khôi hài và không chuyên nghiệp.
Cộng đồng khoa học, cũng như xã hội, là một tập thể với những quan hệ đa chiều. Nhà khoa học phải tùy thuộc lẫn nhau để tồn tại và phát triển. Trong mối quan hệ đa chiều và tùy thuộc lẫn nhau như thế, kĩ năng ngoại giao rất quan trọng trong việc quảng bá công trình nghiên cứu của mình.
Có nhiều nhà khoa học trong nước nghĩ rằng họ công bố kết quả nghiên cứu và thế là xong. Nhưng khoa học ngày nay cạnh tranh ác liệt, cạnh tranh để được ghi nhận. Trong bất cứ lĩnh vực nghiên cứu nào cũng có nhiều người cùng làm, và việc tương tác với đồng nghiệp để quảng bá nghiên cứu của mình là một kĩ năng rất cần thiết để thành đạt trong khoa học ngày nay. Tôi thấy đây cũng là một điểm yếu nhất của nhiều đồng nghiệp trong nước vì họ hầu như chẳng có ý niệm gì về lobby trong khoa học.
PV: Lobby trong khoa học, dường như là một khái niệm còn khá mới mẻ đối với giới khoa học Việt Nam. Ông có thể trình bày rõ hơn về khía cạnh này?
NVT: Vâng, nói ra ý này tôi cũng nghĩ làm nhiều đồng nghiệp ngạc nhiên, vì ít ai nghĩ rằng trong hoạt động khoa học mà cũng có lobby và vận động. Chúng ta có câu "hữu xạ tự nhiên hương", với hàm ý nói nếu công trình nghiên cứu của mình tốt thì đồng nghiệp sẽ trích dẫn và ghi nhận. Nhưng rất tiếc là ngày nay lí tưởng đó khó tồn tại trong thực tế khoa học.
Trong khoa học, luôn có nhiều nhóm cùng làm nghiên cứu về một đề tài, nhưng tại sao có những nhà khoa học hay công trình khoa học được ghi nhận và nổi tiếng hơn các đồng nghiệp và công trình khác. Ngoài lí do về chất lượng và ý nghĩa của nghiên cứu, tôi nghiệm ra một phần của câu trả lời là kĩ năng ngoại giao của nhà khoa học. Do đó, khi nói lobby ở đây, tôi muốn nói đến những kĩ năng làm cho công trình nghiên cứu của mình được ghi nhận, được đề cập và trích dẫn, và qua đó gây ảnh hưởng trong chuyên ngành.
Muốn cho công trình của mình được nhiều người biết đến thì nhà khoa học phải biết cách “chào hàng” ý tưởng và công trình của mình trong các diễn đàn khoa học, phải biết tận dụng tất cả cơ hội (kể cả tranh thủ các tập san) để quảng bá nghiên cứu của mình đến cộng đồng khoa học. Những bài báo tổng quan (review), bình luận (commentary), chương sách, v.v… là những cơ hội lí tưởng để giới thiệu những công trình nghiên cứu của mình đến đồng nghiệp quốc tế.
Nhưng để được mời viết những tổng quan hay bình luận thì cá nhân nhà khoa học phải có một vị thế uy tín trong trường khoa học, và để tạo ra một vị thế đó, ngoài thành tích khoa học ra, cần phải có kĩ năng ngoại giao. Nói cách khác, nhà khoa học phải biết và tranh thủ ủng hộ của các nhà khoa học đàn anh, các nhóm nghiên cứu có tiếng trên thế giới để được nằm trong quĩ đạo của những người elite.
PV: Theo ý kiến chủ quan của ông, các nhà khoa học Việt Nam nói chung đã quan tâm đến các kĩ năng nói trên chưa? và kiến thức và kĩ năng của họ ra sao?
NVT: Theo tôi thì câu trả lời là: Chưa. Các đại học nước ta chưa chuẩn bị tốt cho nghiên cứu sinh về các kĩ năng thông tin. Tôi đã dự rất nhiều hội nghị, hội thảo, khoa học trong nước và có thể nói rằng hầu hết các nghiên cứu sinh, thậm chí cả các giáo sư, chưa có kinh nghiệm trình bày một nghiên cứu khoa học cho mạch lạc, chưa am hiểu những qui ước trong việc soạn thảo powerpoint, và nhất là chưa nói tiếng Anh thông thạo. Như tôi nói tiếng Anh thì có thể thông cảm được vì nó không phải là tiếng mẹ đẻ, nhưng một nhà khoa học cấp giáo sư mà trình bày một nghiên cứu quá sơ sài, quá cẩu thả, và bất chấp qui ước khoa học thì khó mà chấp nhận được. Trong thực tế, tôi đã thấy (và báo chí cũng có lần phản ảnh) về các nhà khoa học hàng đầu nước ta khi nói chuyện trong hội nghị quốc tế làm cho chủ tọa cứ lắc đầu! Do đó, tôi nghĩ những kĩ năng cơ bản như kĩ năng thông tin cần phải được đưa vào chương trình học bắt buộc (compulsory subject) cho sinh viên đại học. Trong khi chưa có những chương trình giảng dạy như thế, tôi nghĩ chúng ta có thể tổ chức nhiều khóa học theo dạng workshop cho các đồng nghiệp trong nước để chúng ta nhanh chóng làm quen với “luật chơi” khoa học ở ngoài.
PV: Theo hiểu biết của ông, các nhà khoa học phương Tây bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của những kĩ năng này từ lúc nào? và ở các đại học phương Tây cũng như tại Đại học New South Wales nơi anh đang làm việc, người ta tổ chức bồi dưỡng những kĩ năng này cho các nhà khoa học như thế nào?
NVT: Thật ra, ở các nước như Úc hay Mĩ, kĩ năng thông tin đã được truyền đạt và thực hành ngay từ bậc tiểu học. Ở các nước này, học trò lớp 4 hay lớp 5 được tổ chức thành hai “đảng” cầm quyền và đối lập, các em tranh luận nhau về một chủ đề nào đó mà xã hội quan tâm. Kĩ năng này được phát huy ở một cấp cao hơn khi các em vào trung học và đại học. Ở các trung tâm đào tạo sau đại học như Viện nghiên cứu y khoa Garvan của chúng tôi, nghiên cứu sinh bắt buộc phải tham dự các buổi seminar của Viện hàng tuần, seminar của nhóm nghiên cứu, và được khuyến khích tham dự các hội nghị chuyên ngành cấp quốc gia và quốc tế. Trong các seminar và hội nghị này, nghiên cứu sinh sẽ có cơ hội trình bày các nghiên cứu của mình bằng poster hay bằng miệng (oral presentation) trước một diễn đàn lớn với hàng trăm hay hàng ngàn người. Qua những kinh nghiệm như thế, kĩ năng thông tin của nghiên cứu sinh càng ngày càng hoàn thiện hơn.
Ở Đại học New South Wales và Viện Garvan, chúng tôi có những khóa học chỉ chuyên dạy về cách viết một bài báo khoa học hay đơn xin tài trợ, cách viết một đơn xin học bổng, cách trình bày một nghiên cứu khoa học cho nghiên cứu sinh. Tôi cũng từng tham gia giảng dạy và soạn tài liệu về cách viết một bài báo khoa học, nên qua đó cũng có thể chia sẻ với các đồng nghiệp trong nước.
PV: Như vậy, muốn tiếp cận trình độ quốc tế, các nhà khoa học và các nhà quản lý đại học cần phải quan tâm đặc biệt đến kĩ năng mềm. Theo ông, các đại học Việt Nam cần phải làm thế nào để các nhà khoa học có thể học hoặc tự học để nâng cao những kĩ năng này?
NVT: Ông bà ta có câu “Không thầy đố mày làm nên”. Nói đến “kĩ năng” là nói đến thực hành, và thực hành thì khó mà tự học được. Những bài giảng, kể cả bài giảng về cách viết bài báo khoa học, tràn ngập trên internet, nhưng không phải có những bài giảng đó là có thể viết một bài báo khoa học được. Bất cứ kĩ năng nào cũng cần phải học và tiếp cận với những người có kinh nghiệm.
Qua làm việc thực tế với các bạn trong nước, tôi thấy cái khó khăn lớn nhất là các đại học Việt Nam chúng ta thiếu những người có kinh nghiệm về các kĩ năng mềm này, đơn giản vì nhiều giáo sư và nhà khoa học nước ta chưa từng công bố các nghiên cứu khoa học trên các tập san quốc tế. Ngoài ra, tuy ngày nay các đại học nước ta cũng có một số nhà khoa học được đào tạo từ nước ngoài, nhưng khả năng độc lập mà họ có thể công bố một công trình nghiên cứu trên các tập san quốc tế vẫn còn rất hạn chế. Do đó, chỉ có một cách hữu hiệu nhất là mời các chuyên gia nước ngoài về trực tiếp giúp trang bị các kĩ năng mềm này cho các nhà khoa học trong nước.
Một kinh nghiệm mà tôi thấy cần học từ các nước láng giềng như Thái Lan và Nhật là ở một số đại học lớn tại các nước này, người ta có hẳn một hay hai người ngoại quốc nói tiếng Anh chuyên làm nghề biên tập khoa học (scientific editor) cho trường. Khi nhà khoa học soạn xong một bản thảo, họ trực tiếp làm việc với các chuyên gia này để hoàn chỉnh bản thảo trước khi gửi đi nộp cho một tập san khoa học. Tôi thấy đây cũng là một mô hình thực tế có thể giúp nâng cao sự có mặt của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế.
Xem thêm:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét