Khai bút đầu năm: trả lời báo Bình Định

Thật ra, đây không phải là khai bút đầu năm, mà là cách đây hai tháng tôi có trả lời phỏng vấn cho báo Bình Định về việc làm bên này. Người phỏng vấn (anh Lê Viết Thọ) hỏi nhiều câu thú vị, và kèm theo đây là những câu tôi trả lời. Có lẽ khi đăng báo thì họ biên tập lại rồi, nhưng đây là bản gốc. Hôm nay đi ăn tiệc cũng nhiều quá, nhưng chẳng hiểu sao vẫn nhớ nhà nên post bài này như là một khai bút đầu năm ... Hi vọng qua bài này các bạn trẻ sẽ có vài kinh nghiệm sau này trong việc học hành.
NVT

===


1. Nguyên quán ở Bình Định, nhưng lớn lên ở Kiên Giang và định cư tại Australia. Quê hương trong ký ức của ông? Liệu hình ảnh quê hương và tính cách con người ở đó (quê nội và quê ngoại của ông) có ảnh hưởng đến ông trong quá trình học tập, làm việc?

NVT: Ba tôi lúc sinh tiền ít nói lắm, nhưng mỗi khi ông nói thì lúc nào cũng nhắc đến quê ngoài Bình Định, như gián tiếp nhắc cho tôi biết nguyên quán mình ở đâu. Mà, tôi nghĩ mỗi người Việt Nam, dù là ở trong nước hay ngoài nước, đều có một cái quê trong người. Tôi cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ. Cái quê trong tôi là một làng quê Chàm Chẹt nằm ven cánh đồng và bên con sông hiền hòa nơi mình sinh ra, là cái thôn Cảnh Vân, xã Phước Thành nơi Ba tôi xuất thân và bà con vẫn còn ở đó, là huyện Phù Mỹ nơi ông ngoại tôi sinh ra và sau này cũng “Nam tiến” như Ba tôi. Tất cả những địa phương này đều có chung một đặc điểm: đó là cái nghèo. Cái nghèo đó thật sự là động cơ để tôi vươn lên trong học tập và làm việc. Thú thật, lúc nào tôi cũng nghĩ (hay mơ ước) làm gì để một ngày nào đó người dân dưới quê tôi ở Kiên Giang không còn “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, không còn cảnh mấy người em họ tôi ngoài Bình Định phải gánh gồng những viên đá nặng chịch hay tùy thuộc vào mấy con bò để mưu sinh hàng ngày.


2. Từ một chân phụ bếp rồi phụ tá trong bệnh viện để mưu sinh, ông đã tự vươn lên trở thành một người có tiếng trên trường quốc tế về chuyên môn. Ông có thể tiết lộ quá trình tự vươn lên của mình và bí quyết để ông vươn lên trong cuộc sống cho các bạn trẻ quê nhà?
NVT: Thật ra thì không có bí quyết gì cả. Tùy hoàn cảnh mỗi người mà ứng phó thôi. Khi tôi mới sang Úc, tiếng Anh thì rất lôm côm, công việc thì chưa có, làm gì để vươn lên là một câu hỏi lớn. Tôi rửa chén, làm phụ bếp mà đầu thì lúc nào cũng hỏi phải làm gì để thoát khỏi cái cảnh này. Tôi nghiệm ra một điều đơn giản là: phải học và phải nắm lấy tiếng Anh. Bây giờ nhìn lại quãng đường mình đi qua, tôi thấy có thể chia sẻ một số kinh nghiệm với các bạn trẻ và những người đi sau. Kinh nghiệm của tôi thì như thế này:

Phấn đấu vượt trội. Đối với một người đến từ một đất nước nghèo và chiến tranh triền miên như Việt Nam, mà lại xuất thân từ nông thôn, thì ấn tượng mà giới trung lưu ở phương Tây có trong đầu sẽ là một kẻ tầm thường, không đáng chú ý. Do đó, tôi tự đặt cho mình một cái chuẩn khắt khe hơn: tôi phải hơn họ ít nhất là hai cái đầu. Tôi nghĩ hơn họ một cái đầu vẫn chưa đủ. Phải phấn đấu hơn họ, làm hơn họ thì họ mới không xem thường mình được.

Hi sinh vài nhu cầu cá nhân. Để vượt trội hơn người khác thì chỉ có 2 cách: một là làm việc có hiệu quả và thông minh hơn họ, và hai là nếu không thông minh hơn thì phải làm việc nhiều thì giờ hơn họ. Để có nhiều thì giờ cho công việc, tôi nghĩ chúng ta cần phải hi sinh một số nhu cầu cá nhân, hạn chế những tiệc tùng, giao tiếp cá nhân không cần thiết. Nói cách khác, đôi khi cũng cần phải tự đóng cửa, tự cô lập mình để hoàn thành những dự án, những dự tính mà mình đã đặt ra.

Mục tiêu rõ ràng và kiên trì. Trong cuộc sống và công việc tôi thấy đôi khi tôi bị thu hút bởi những chuyện không đâu, và tốn nhiều thời gian không cần thiết. Cho nên, bài học cá nhân của tôi là làm việc gì cũng phải có mục tiêu cụ thể, phải biết việc mình đang làm sẽ dẫn đến thành quả gì. Rồi từ đó, vạch định việc làm cho từng thời gian cụ thể. Tôi có thói quen mỗi sáng ngồi xuống viết ra những việc mình cần làm hôm nay, và lúc nào cái danh sách dự án cũng trên bàn nhắc nhở mình đã và đang đi đến đâu trong tiến trình của việc đạt mục tiêu. Phải kiên trì theo đuổi mục tiêu cho đến cùng, chứ không nên bỏ dở giữa chừng.

Nắm lấy phương pháp. Tôi để ý thấy nhiều đồng nghiệp họ nói rất hay và có khi rất nổi tiếng, nhưng khi được hỏi về những chi tiết phương pháp thì họ lúng túng. Rất tiếc, đó là tình trạng khá phổ biến ngày nay. Do đó, một trong những chỉ tiêu tôi đặt ra là phải nắm lấy phương pháp, vì có phương pháp trong tay cũng có nghĩa là mình có một thế đứng bậc trên khi cạnh tranh với người khác. Nói cho cùng, nói đến khoa học là nói đến phương pháp. Chính vì thế mà tôi khuyên nghiên cứu sinh của mình ngoài việc suy nghĩ về vấn đề, còn phải làm chủ cho được phương pháp, để mai đây mốt nọ ra trường có thể trở thành độc lập nhanh chóng trong nghiên cứu khoa học.

Tìm thầy giỏi và một trung tâm tốt. Ông bà ta có câu “không thầy đố mày làm nên” hay “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Tôi vẫn thấy hai câu này rất thực tế và cũng là một lời khuyên rất có ích. Để thành công trong khoa học, mỗi người cần phải chọn cho mình một người thầy có tiếng trên trường quốc tế. Những người thầy có tiếng thường chỉ làm những nghiên cứu lớn, và do đó, làm cho họ cũng có nghĩa là chúng ta làm quen với cách suy nghĩ lớn, chứ không tủn mủn như những nhóm nghiên cứu khác. Ngoài ra, một trung tâm nghiên cứu nổi tiếng là một môi trường khoa học rất tốt để giao lưu cùng những nhà khoa học giỏi. Do đó, cần tìm đến “đầu quân” cho những trung tâm này để học hỏi từ họ, học hỏi từ cách tổ chức và làm việc, đến những vấn đề chuyên môn.

Làm việc theo nhóm (teamwork) và hợp tác. Tôi chưa thầy ai thành công trong khoa học mà làm việc đơn lẻ. Trong hoạt động khoa học ngày nay, người ta tập trung nhau thành từng nhóm. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì nghiên cứu khoa học ngày nay đòi hỏi sự đóng góp của nhiều người từ nhiều ngành nghề khác nhau. Làm việc theo nhóm có một lợi thế là các thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi phương pháp lẫn nhau, và nhất là phát triển ý tưởng mới liên ngành, và qua đó có thể nâng cao “năng suất” khoa học.

Tiếng Anh. Ngay từ những ngày đầu tiên mới định cư ở Úc, tôi nhận ra tiếng Anh là phương tiện để tồn tại trong xã hội này. Trong khoa học, tôi có thể không ngần ngại nói rằng tiếng Anh là một chìa khóa thành công, bởi vì phần lớn các tập san khoa học ngày nay đều sử dụng tiếng Anh làm phương tiện thông tin. Không rành tiếng Anh thì khó mà thành công trong khoa học, cho dù nhà khoa học giỏi cỡ nào. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp tác giả có những nghiên cứu rất hay, nhưng khi trình bày thì do tiếng Anh quá kém nên làm nãn lòng đồng nghiệp. Nhưng giỏi tiếng Anh như thế nào để thành công? Tôi nhớ đến lời khuyên của ông Mười Hương, một thượng cấp của tướng Phạm Xuân Ẩn (một nhà tình báo tài ba) khi ông Ẩn được cử sang Mĩ học: sang bên ấy, cậu phải luyện tiếng Anh cho tốt, phải nói, viết và hành xử như người Mĩ, chứ không phải như người Việt. Nói cách khác, phải hội nhập với đồng nghiệp bằng thứ ngôn ngữ của họ, với cách nói và viết của họ chứ không phải cách diễn tả của người Việt.

3. Ai hay điều gì ảnh hưởng lớn nhất đến những sự lựa chọn của ông?
Tôi nghĩ đến hai người: Ba tôi và người thầy thời tiểu học. Ba tôi rất ít nói chuyện với con cái, nhưng mỗi lần tôi đi học xa về và có dịp ngồi nói chuyện, thì Ba tôi thường hay nhắc là Ba và Má rất ít học nên muốn cho con cái phải học đến nơi đến chốn. Tôi thì nhìn Ba tôi như là một tấm gương phấn đấu. Ngày Ba tôi bị thương, mất hết một cánh tay, giải ngũ về làm ruộng, bà con ai cũng ngao ngán lo cho tương lai gia đình chẳng biết sẽ ra sao. Ba tôi phải miệt mài tập làm việc bằng tay trái, và ông đã thành công. Cho đến ngày nay, cả làng tôi khi nhắc đến “Ông Ba Ý” ai cũng phục là ông có thể phác cỏ, đào đất, viết chữ bằng tay trái, mà làm chẳng kém ai. Từ một người thương binh, Ba tôi đã tạo dựng được một cơ ngơi có thể nói là vững vàng về mặt kinh tế để anh em tôi có thể đi học. Trong cuộc sống tinh thần, Ba tôi cũng là một tấm gương: ông trung thành với lí tưởng chính trị của ông, dù bị tù đày tra tấn ông vẫn không tiết lộ thông tin làm hại đồng chí ông. Ba Má tôi còn nhận nhiều con nuôi, cho đi học nghề để sau này mở cơ xưởng riêng. Ba tôi cho tôi một bài học lớn là có thể vươn lên và vượt qua nghịch cảnh. Má tôi cho tôi một bài học là phải sống tử tế với mọi người.

Người thứ hai ảnh hưởng đến tôi là thấy giáo Phát, thầy dạy thời tiểu học. Nay thì Thầy đã qua đời khá lâu, nhưng tôi vẫn nhớ Thầy là một nhà giáo đúng mực, một nhà giáo tiêu biểu. Thầy rất nghiêm nghị nhưng công bằng và rất tận tụy với học trò. Dù ở trong quê, nhưng mỗi khi lên lớp là Thầy vận quần áo nghiêm chỉnh (áo bỏ vô quần, mang giầy), câu đầu tiên của bài giảng lúc nào cũng là đạo đức học. Bây giờ tôi mới biết đó là những bài Thầy trích tứ Quôc văn Giáo khoa thư. Ở Thầy, tôi còn thấy một sự phân định rạch ròi giữa cá nhân con người và chức phận. Thầy có những đam mê cá nhân (như thích đá gà) có thể ngày nay không được xem là hay lắm, nhưng về mặt chức phận Thầy là một người làm tròn nhiệm vụ nhà giáo. Thầy gieo cho tôi đạo đức xã hội và mẫu mực của một nhà giáo.

4. Là nhà khoa học, nhà giáo, người viết văn, viết báo, biên khảo… Nhiều nghề tay trái như vậy, trong thâm tâm, ông xác định chỗ đứng của mình là ở lĩnh vực nào?
Có một triết gia (hình như là Jean Paul Sartre) có nói một câu như thế này: trí thức là người làm những việc chẳng liên quan gì đến họ, nhưng đó là chuyện mà họ thấy là của họ. Bây giờ nhìn lại những chuyện mình làm, như anh nói nào là viết văn, viết báo, sưu khảo, v.v… là những chuyện tôi thấy là chuyện … của mình. Về khía cạnh này tôi thấy mình là đồ đệ của cụ Nguyễn Khắc Viện, vì cụ ấy cũng làm những việc ít liên quan đến chuyên ngành của cụ. Trong tôi có 2 con người: một con người xã hội và một con người chuyên ngành. Con người xã hội của tôi nó thôi thúc mình tranh luận và phản biện những vấn đề như giáo dục, văn hóa, văn học, khoa học, y tế, môi sinh, xã hội, chất độc da cam, v.v… nhưng con người chuyên môn thì chỉ biết có loãng xương. Hai con người nhưng là một: đó là con người Việt Nam.

5. Làm việc tại Úc, nhưng lại rất gắn bó với quê nhà thông qua những bài báo rất cập nhật tình hình thời sự trong nước, đăng trên các báo, tạp chí trong nước. Ông thu nhận thông tin về quê nhà bằng con đường nào? Lý do gì thôi thúc ông viết và gửi in trên báo chí ở quê nhà, trong khi ông có thể gửi đăng báo nước ngoài hay chỉ tập trung vào con đường nghiên cứu khoa học?
Về chất độc da cam thì tôi thu thập thông tin từ các tập san khoa học chuyên môn. Thậm chí, có khi tôi phải bỏ tiền túi ra để mua những thông tin này. Còn những vấn đề thời sự trong nước thì tôi thu thập qua internet là chính. Nhưng trong nhiều chuyến vế quê tôi cũng mua rất nhiều sách báo để tham khảo. Vì thế, trước một vấn đề nằm trong tầm radar của mình, tôi có khá nhiều thông tin để viết. Tôi có cái lợi thế là tôi được đào tạo trong môi trường khoa học và có thể xử lí thông tin khoa học nhanh và chính xác hơn so với các Các bạn trong báo chí. Tôi lại có thói quen của người làm khoa học là lúc nào cũng có dữ liệu làm cơ sở cho phát biểu của mình chứ không suy luận linh tinh.

Nhưng những bài báo mà tôi gửi cho các báo trong nước chỉ là những ý kiến bình luận hay phản biện. Ngay cả những bài có vẻ “khoa học” thì tôi chỉ xem là loại khoa học thường thức, những việc mình làm vì trách nhiệm xã hội. Còn về nghiên cứu khoa học thì tôi xem đó là việc làm chính của mình, là nghĩa vụ khoa học. Viết cho các tập san khoa học rất khác với viết cho báo chí đại chúng. Những bài báo đại chúng không phải và chưa bao giờ là những “viên gạch” cho sự nghiệp khoa học của tôi; vì thế nghiên cứu loãng xương vẫn là nhiệm vụ số 1 và ưu tiên số 1 trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi.

Tôi thấy hai việc làm (việc cá nhân và việc công) nó bổ sung cho nhau. Tôi cũng giúp một số đồng nghiệp làm nghiên cứu y khoa ở trong nước, cho nên những vấn đề thời sự trong nước cung cấp cho tôi một cái nhìn chung để tìm ý tưởng cho nghiên cứu.

Có người thấy tôi viết nhiều như thế nên hỏi đùa rằng tôi có ngủ không. Thật ra, viết những bài bình luận hay phản biện tôi có thể viết rất nhanh, chỉ 1 hay 2 giờ là xong. Có bài bàn về tiêu chuẩn chất lượng đại học, người ta nghĩ tôi chắc phải tiêu ra cả tuần để viết, nhưng trong thực tế bài đó tôi viết chưa đầy 4 giờ đồng hồ. hay như bài xã luận vầ chất độc da cam cho báo Tuởi Trẻ trước đây tôi viết trong khi đi xe đò về quê.

6. Ông bỏ ra nhiều năm nghiên cứu về chất độc da cam, dioxin. Lý do ông quan tâm đến đề tài này? Kết quả và điều tâm huyết nhất mà ông thâu nhận qua quá trình nghiên cứu?
Nhiều ngưòi hỏi tôi về động cơ viết cuốn sách đó. Tuổi thơ và ấn tượng tuổi thơ lúc nào cũng theo đuổi mình và là một trong những động cơ làm việc. Thuở còn nhỏ khi đi tản cư tránh giặc tôi chứng kiến cảnh chất độc màu da cam diệt cỏ như thế nào. Rồi khi lớn lên qua tìm hiểu mới biết đó là một chất mà thế giới lên án. Thế là tôi tự hỏi: một chất mà thế giới lên án như thế tại sao họ lại đem sang sử dụng ở nước ta. Tôi tìm hiểu về “câu chuyện da cam” này suốt hơn 10 năm trời, thu thập đủ dữ liệu và viết thành sách. Tôi rất hài lòng vì những dữ liệu đó đã giúp ích cho nạn nhân chất độc da cam, và gióng lên được một tiếng nói trên thế giới về tác hại của nó ở Việt Nam. Tôi có trả lời phỏng vấn cho tập san Science của Mĩ rằng tôi hi vọng công lí sẽ đến với nạn nhân ở Việt Nam, và hi vọng sẽ không có một câu chuyện da cam trong tương lai nữa.

7. Ông có hay theo dõi thông tin về quê nội, quê ngoại (Bình Định)? Nếu có đóng góp cho Bình Định, ông sẽ làm gì? Ông có ý kiến gì đề xuất với Bình Định trong quá trình phát triển?
Tôi có nhiều bạn bè gốc Bình Định, và vẫn theo dõi phát triển ở đó, kể cả … những chuyện lem nhem tiêu cực. Tôi thật sự thấy vui nừng khi biết tỉnh đã và đang có những dự án phát triển kinh tế (như cầu Thị Nại chẳng hạn), tạo công ăn việc làm cho người dân. Tôi vẫn tự hỏi: mình có thể làm gì để giúp quê? Và, thú thật cho đến nay tôi vẫn chưa có câu trả lời, bởi vì tôi rất bận với những nơi khác. Tôi nghĩ đóng góp cho quê nhà thì chỗ nào cũng được, chẳng nhất thiết phải là tại nguyên quán. Tuy nhiên, tôi chỉ mong một ngày nào đó, tôi có dịp ghé thăm quê nội và ngoại, và sẽ nói với các bạn sinh viên về những bài học và kinh nghiệm của mình. Thật ra thì ngày đó cũng rất gần.

8. Ở trường ông đang dạy có học viên Việt Nam không? Nếu có, ông nhận xét gì về họ hay những bạn trẻ Việt Nam khác mà ông đã được gặp?
Tôi ít dạy, chỉ làm nghiên cứu là chính. Trong số các nghiên cứu của tôi cũng có vài người Việt Nam. Tôi nghĩ tôi may mắn có được những nghiên cứu sinh xuất sắc từ Việt Nam (một trong những người đó cũng nguyên quán Bình Định và đang làm hậu tiến sĩ cho tôi), tôi rất tự hào về họ. Thật ra, ngay cả sếp tôi cũng nể phục nghiên cứu sinh Việt Nam của tôi, và ông ấy nói công khai chứ chẳng phải “ngoại giao” gì cả.

Nhưng tôi cũng thấy một số điểm yếu của các sinh viên Việt Nam. Lúc mới ra ngoài, họ thiếu tự tin, một phần vì thiếu thông tin chuyên môn, và một phần vì cách dạy thụ động ở trong nước. Một số sinh viên Việt Nam thiếu tính độc lập trong học tập; có lẽ họ đã quen với kiểu học “cầm tay chỉ việc”, và đó là một thiệt thòi đáng kể. Sinh viên Việt Nam rất kém về kĩ năng tranh luận và trình bày quan điểm của mình trước diễn đàn khoa học, một phần do kém tiếng Anh nhưng một phần do truyền thống không dám cãi với thầy cô. Một số sinh viên thì bị chi phối bởi những chuyện linh tinh, những cám dỗ cuộc sống như rượu bia và tình cảm. Phần lớn những khiếm khuyết này bắt nguồn từ hệ thống giáo dục và cách giảng dạy ở các trường đại học trong nước, nên tôi nghĩ phải có một thời gian dài mới thay đổi được.

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét