Ghi chép cuối tháng 12/08: Hà Nội

Cứ mỗi lần ra một phi trường Việt Nam để lên máy bay về nhà, tôi thấy có chút gì bồi hồi, một cảm giác tôi không có trong khi ra các phi trường quốc tế khác. Có lẽ vì Việt Nam là quê hương, lên máy bay rời Việt Nam là đồng nghĩa với việc rời xa anh em, bà con, chòm xóm, và bạn bè bên ấy, nên tôi cảm thấy mình chùng lòng. Thành ra, khi làm thủ tục check-in mà tâm trạng thì cứ thẩn thờ rất khó tả.

Nhưng chuyến đi nào cũng đến hồi kết thúc. Tôi vừa kết thúc một chuyến đi tương đối dài ở Việt Nam. Một phần là việc công, nhưng một phần là việc tư. Việc công là đi nói chuyện về đề tài vitamin D và loãng xương, vấn đề chẩn đoán và điều trị loãng xương ở Việt Nam, và một số bài nói chuyện về kinh nghiệm nghiên cứu y học cũng như những điều cần biết về cách viết và công bố một bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Còn việc riêng là thăm nhà, nghỉ ngơi. Nói là “nghỉ ngơi”, nhưng thật ra lịch làm việc cũng kín mít từ ngày xong việc công cho đến lúc lên máy bay.

Trong chuyến đi này, qua sự dàn xếp của MSD, tôi rất hân hạnh được tiếp chuyện các đồng nghiệp ở Hà Nội (Viện lão khoa, Đại học Y, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện 108), Huế (Đại học Y), Nha Trang (Bệnh viện Nha Trang), Sài Gòn (Bệnh viện 115), và Kiên Giang. Có nhiều bạn bè tuy mới quen nhưng đã liên lạc qua email trước đây, lại có bạn bè từ những năm trước. Xin mượn trang blog này để nói lời cảm ơn các bạn đã nồng nhiệt chào đón tôi, và cho tôi cơ hội trao đổi nhiều chuyện. Thậm chí có người còn chịu khó dẫn tôi đi Bình Quới để thưởng thức những món ăn Nam bộ trong thời sơ khai của vùng đất này. Xin thành thật cám ơn các bạn.

Vì có dịp đi qua 3 miền đất nước, nên tôi có ghi lại vài cảm nhận cá nhân về những chuyện lặt vặt mà tôi thấy và chiêm nghiệm.

Hà Nội

Tôi đến Hà Nội hôm 8/12/08, tức là sau trận lụt lịch sử làm chết hàng chục học sinh ngay giữa lòng thành phố. Dư luận vẫn còn âm ĩ về thảm nạn đó trong những câu chuyện vỉa hè và trên bàn tiệc. Tôi ở khách sạn Melia, một trong những khách sạn hàng đầu ở Hà Nội, nhưng ngay cả người bảo vệ vẫn nói đến trận lụt và những phát biểu không mấy hạp lòng dân và dễ nghe của mấy quan chức thành phố.

Đêm đầu tiên, tôi bước ra ngoài khách sạn thì có một thanh niên đuổi theo. Anh ta nói với tôi bằng thứ tiếng Anh bồi, rất khó nghe. Nhưng nghe kĩ một hồi thì tôi mới hiểu anh ta quảng cáo các dịch vụ “vui vẻ”. Anh ta thậm chí cầm theo một tập hình của các cô gái để thu hút sự chú ý của tôi. Tôi làm bộ trả lời bằng tiếng Anh, và nói là chỉ đi dạo mát chứ không muốn vui vẻ gì đâu. Anh ta lải nhải theo tôi cả nửa cây số, làm tôi cũng lo lắng và đầu thì tìm cách đối phó nếu anh ta có hành vi bạo động. Nhưng may quá, có lẽ thấy tôi quá kiên trì nên anh ta tha. Có thể Hà Nội không phải là một Bangkok thứ hai, nhưng với những kẻ hành nghề bất lương như thế này thì nguy cơ vẫn tiềm ẩn đâu đó. Điều làm tôi quan tâm hơn là ngay phía ngoài của một khách sạn sang trọng như thế này mà còn có mấy kiểu “chào hàng” vô nhân cách như thế thì người nước ngoài họ nghĩ gì về nhân cách của người Việt?

Trong thời gian ngắn lưu lại ở Hà Nội, tôi có dịp gặp các Các bạn trong ban biên tập của Tạp chí Tia Sáng. Tôi viết cho TS thường xuyên, nhưng ít khi nào có dịp ghé tòa soạn, ngay cả khi tôi ra Hà Nội làm việc. Có lẽ quá lâu tôi mới ghé đây, nên tòa soạn có đưa tôi một bao thư chứa 2 triệu đồng, tạm gọi là tiền nhuận bút trong thời gian qua. Tôi không nhớ mình đã viết bao lăm bài cho TS (chắc cũng cả 20 bài), nhưng viết thì viết thế thôi, chứ tôi ít khi nào nghĩ mình có nhuận bút. Khác với Tuổi Trẻ, Người lao động hay các tờ báo khác, Tia Sáng không được lưu hành rộng rãi, nên họ chẳng có quảng cáo gì đáng kể để tăng thu nhập. Nghe nói ngân sách TS chẳng là bao, nên cầm trên tay 2 triệu đồng cũng làm tôi ái ngại.

Tôi rất vui khi gặp lại những người quen cũ và một người mới quen. Chúng tôi đã có một buổi trò chuyện thú vị về những chuyện “trên trời dưới đất”, và về tình hình khoa học ở trong nước. Nói chung, ai cũng nhìn thấy vấn đề, nhưng làm gì để thay đổi tích cực hơn thì hình như ai cũng … bó tay. Bó tay là vì người có tâm huyết thì không có quyền để thay đổi, còn người có quyền thì chưa chắc có tâm, mà ngay cả có tâm thì chưa chắc họ có cái tầm. Rồi người ta đổ lỗi cho “cơ chế”. Cơ chế bó tay. Hèn gì ở trong nước người ta có chữ “bótay.com”.

Khi mới ghé Hà Nội tôi ngạc nhiên thấy người dân ở đây mặc đồ mùa đông, ai cũng vận khăn choàng cổ chống lạnh, lại có người mặc áo bành tô trông rất Tây. Nhưng riêng tôi thì thấy thời tiết ở đây rất dễ chịu, hay nói theo tiếng Anh là “cool”, chứ có lạnh gì đâu. Thật vậy, với nhiệt độ 16-18 độ C thì sao gọi là lạnh được. Tuy nhiên, có lẽ sống đâu quen đó, cho nên dù những người như tôi thấy mát mẻ, nhưng dân địa phương thì thấy lạnh rồi.

Đi một vòng mấy con phố chung quanh khách sạn, tôi “khám phá” ra một vài nhà hàng “coi được” gần đó. Thành ra, khi có ông đồng nghiệp Thái Lan sang, tôi mời đi ăn tại một nhà hàng chuyên về các món ăn Huế chỉ cách khách sạn Melia khoảng 3 phút đi bộ. Tuy trên danh nghĩa là nhà hàng Huế, nhưng cũng có nhiều món ăn đặc trưng Bắc kì. Một đặc điểm ở đây (Hà Nội) là người ta ít sử dụng nước mắm, và do đó món ăn có vẻ lạt (đối với tôi). Ngay cả có nơi sử dụng nước mắm đi nữa, thì cũng là loại nước muối chứ không phải nước mắm. Chẳng hạn như hôm H dẫn tôi đến quán Ngon, trông rất Nam bộ nhưng khi ra đây thì “Bắc bộ hóa” rồi (cũng dễ hiểu), nên khó tìm được những món ăn đậm đà được. Ngoài ra, cũng muốn ăn rau lắm, nhưng đầu thì lại tưởng tượng cảnh người dân ở ngoài này trồng rau với những thứ phân nguy hiểm nên cũng không dám ăn. Do đó, tôi phải thú thật ở đây: trong thời gian ở Hà Nội tôi chẳng thưởng thức được món ăn nào để tôi có thể hạ bút viết chữ “ngon”.




(Còn tiếp)
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét