Đúng là dòng thời gian cứ trôi chảy. Mới đó mà hôm nay đã là ngày mồng Ba Tết rồi! Thế là một cái Tết sắp qua đi, mọi người lại bước vào năm con trâu, quay về với những toan tính tương lai thiên hình vạn trạng.
Nhớ lại ngày xưa (âu cũng là triệu chứng của việc lên 1 tuổi) ở dưới quê Ba tôi thường lấy đĩa cúng trên bàn thờ xuống để xem cặp chân gà đã bị hóa kiếp từ hôm 30 Tết, để xem biết vận hội năm mới ra sao. Không biết “thủ tục” này có từ thời nào, và tại sao lại xem những gân, da của chân gà để đoán chuyện tương lai. Mới nghe qua thì đúng là phi khoa học!
Hồi xưa tết nhứt còn mang tính truyền thống, theo qui ước (như trong 3 ngày tết không được quét nhà, không làm bất cứ cái gì với hình thức vứt ra khỏi nhà), nhưng theo thời gian thì mấy “thủ tục” này cũng phai mờ dần. Nhưng mấy năm sau này tôi thấy người dân dưới quê chỉ ăn Tết có một ngày mồng Một là chính, còn mấy ngày sau là quay về với công việc đồng áng rồi.
Còn tôi bên này thì bận … xin tiền. Mùa này ở đây, những người như tôi đều bận rộn còng lưng viết đơn xin tài trợ cho năm tới. Hi vọng năm tới sẽ có nhiều điều thú vị để tường thuật lại với các bạn. Riêng các bạn ở Việt Nam thì xin báo trước là năm tới chúng tôi sẽ có một hội nghị về osteoporosis và nội tiết vào tháng 8, và trước đó là một workshop 4 ngày về di truyền học sẽ tổ chức tại Đại học Y Dược. Tôi sẽ tái bản cuốn sách EBM, và hi vọng cho ra đời một cuốn sách khác về dịch tễ học. Chỉ nghĩ đến bao lăm việc đó là cũng … ná thở rồi.
NVT
PS. Đêm qua đi ăn tiệc về thì thấy một thư chúc Tết của ông bạn bên Mĩ. Ông bạn Bắc kì của tôi hóm hỉnh chúc Tết mà kèm theo một lời khuyên như vầy (tôi trích nguyên văn): “Tôi thấy ông nên đóng của mục comment là vừa. Ông trích lời nói của ông D mà ông đâu có làm theo lời nói đó! Ông D ấy thấy mục comment là nơi người đi đường thả lựu đạn, còn tôi thấy đó là cái chợ. Ở chợ người ta khi vui thì chúc tụng nhau, khi kiếm chuyện thì phun nước miếng, khi ghét nhau thì chửi đổng. Cũng có sạch, mà cũng có bẩn. Ở cái chợ như thế thì đằng nào thì ông cũng bị thua. Hay nhất là ông đóng cửa cho xong.” Tôi ngẩm nghĩ lời khuyên này và đi đến quyết định … nửa vời. Tôi khóa mục comment, nhưng vẫn để phần các bạn có thể đăng kí góp ý hay phê phán hay viết email cho tôi. Tôi biết là quyết định này sẽ tạo nên những lời ra tiếng vào. Có thể đoán được là sẽ có người nói tôi làm như thế mất vui khi không có cơ hội trao đổi trực tiếp; vài bạn có lẽ sẽ nghĩ tôi không thích bị chỉ trích, nhưng tôi nói ngay rằng: sai. Thật vậy, đối với những người làm khoa học như tôi thì nhận chỉ trích và phê phán hàng ngày. Vì đã quá quen với những “comments” của “reviewers" như thế nên tôi không còn xúc cảm trước những chỉ trích nữa. Nhưng tôi không chấp nhận (hay khinh thì đúng hơn) cái thói mà người Anh gọi là smear, một thói xấu hay thấy ngoài xã hội.
Xem thêm: Vương Trí Nhàn bàn về tư duy người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét