Năng lực cạnh tranh kinh tế giữa các tỉnh thành

Đọc trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn tôi thấy có hai bài rất thú vị. Bài thứ nhất viết về chỉ số năng lực cạnh tranh (còn gọi là PCI) cho từng tỉnh thành (tôi copy lại trong bảng dưới đây đã đăng trên TBKTSG). Theo danh sách này thì Đà Nẵng là số 1, kế đến là Bình Dương. Còn tỉnh tôi (Kiên Giang) chỉ thuộc lại trung bình. Buồn 1 phút. Nhưng ngạc nhiên là Hà Nội và Hải Phòng cũng chẳng cao mấy.

Tôi tự hỏi nếu tính theo từng vùng thì ra sao. Tôi thử làm một tính toán trung bình thì thấy chỉ số PCI như sau:

Miến Bắc: 50.47 (SD 7.21)
Miền Trung: 52.33 (SD 7.55)
Miền Nam: 58.21 (SD 7.25)

Như vậy các tỉnh miền Nam có năng lực cạnh tranh kinh tế cao nhất, kế đến là miền Trung, còn miền Bắc thì hạng bét. Nhưng tại sao có sự khác biệt này? Bài thứ hai của tác giả Trần Thanh Sơn (trích dưới đây) hé lộ một chi tiết thú vị về cách sử dụng người ở một tỉnh miền Bắc. Việc “đầu tiên” là “tiền đâu”. Đoạn này rất thật:

Vợ bạn tôi là cử nhân luật. Để xin cho vợ vào làm trong một cơ quan tư pháp ở một huyện thuộc tỉnh tôi, bạn tôi đã phải “chạy” mất 60 triệu đồng. 60 triệu đồng cho một chỗ làm với mức lương chỉ 1,2 triệu đồng mỗi tháng. Phải mất gần ba năm đi làm, vợ bạn tôi mới lấy lại được “vốn”. Quả là một vụ “đầu tư” tồi.”

Hóa ra tham nhũng ngoài ấy bây giờ trở thành một hệ thống. Cái gì cũng tiền. (Có lẽ chính vì thế mà mấy nhân viên Vietnam Airlines phải đi buôn và ăn trộm để trả nợ khi được vào làm cho hãng hàng không này?)

NVT

===
Cái nghèo và chuyện “đầu tiên”
Thứ Bảy, 13/12/2008, 09:01 (GMT+7)

Mới vào công tác ở TPHCM và Bình Dương một thời gian, bạn tôi đã thấy thích nhiều thứ và muốn chuyển cả gia đình vào trong này rồi. Đầu tiên là thích cái khí hậu không lạnh và cũng không quá nóng như ở ngoài quê tôi.

Sau là thích cung cách làm việc của các doanh nhân trong này, vừa thẳng thắn lại thoải mái, nhanh gọn... Một điều nữa mà bạn tôi cũng thấy tâm đắc là đi xin việc ở trong này rất ít khi phải mất tiền, thậm chí rất nhiều tiền như ở ngoài quê tôi.

Vợ bạn tôi là cử nhân luật. Để xin cho vợ vào làm trong một cơ quan tư pháp ở một huyện thuộc tỉnh tôi, bạn tôi đã phải “chạy” mất 60 triệu đồng. 60 triệu đồng cho một chỗ làm với mức lương chỉ 1,2 triệu đồng mỗi tháng. Phải mất gần ba năm đi làm, vợ bạn tôi mới lấy lại được “vốn”. Quả là một vụ “đầu tư” tồi.

“Nhưng không xin vào đó thì biết làm ở đâu. Ở tỉnh mình, doanh nghiệp quốc doanh lẫn ngoài quốc doanh có được mấy đâu, mà phần lớn đều làm ăn chẳng ra sao. Các văn phòng, công ty luật hình như chưa có. Chỉ có mỗi con đường xin vào cơ quan nhà nước mà thôi. Mà nói thật, ở tỉnh mình, xin vào ngành nào cũng đều phải mất tiền đó” - bạn tôi phân trần.

Những điều bạn tôi vừa nói, với tôi, chẳng xa lạ gì. Hồi mới tốt nghiệp đại học, tôi cũng đã về quê, tính xin vào làm phóng viên của một tờ báo tỉnh. Nhưng khi nghe người bạn đang làm ở đó nói rằng muốn được nhận vào làm, ngoài việc chứng tỏ được khả năng viết lách, tôi cũng cần phải “chạy”.

“Chạy” càng mạnh càng tốt. Nghe vậy, tôi vừa thấy hoảng vì nhà nghèo, lấy đây ra vài chục triệu đồng để “chạy”, lại vừa thấy hụt hẫng vì ở một cơ quan báo chí mà cũng có chuyện đó sao.

Sau đó, tôi trở ra Hà Nội làm cộng tác viên cho mấy tờ báo một thời gian rồi vào TPHCM, xin vào làm phóng viên ở chi nhánh của một tờ báo chuyên về nông nghiệp, chẳng mất một đồng “chạy chọt” nào.

Mấy năm trước, một người bạn của tôi tốt nghiệp đại học sư phạm, chuyên ngành lịch sử. Bạn tôi về quê, lúc đầu cũng mang hồ sơ chạy đi chạy lại để xin được đi dạy học, dù là dạy ở một huyện miền núi cũng được. Nhưng tới chỗ nào, cũng bị người ta “gợi ý” phải chi ba, bốn chục triệu đồng thì mới nhận. Nghe vậy, bạn tôi vừa buồn, vừa nản vì chẳng ngờ, trong ngành giáo dục tỉnh nhà, cũng có những chuyện như thế. Bạn tôi hỏi xin việc sang những ngành khác có liên quan đến chuyên môn đã học, nhưng nơi nào cũng không tránh khỏi chuyện “đầu tiên”. Cuối cùng, bạn tôi đành phải từ giã ước mong được làm việc tại quê nhà, vào Đồng Nai xin đi dạy ở một trường cấp 3 dân lập.

Mấy năm làm người giữ chuyên mục bạn đọc trên một tờ tuần san, tôi đã nhận được không ít những ý kiến từ bạn đọc, phản ánh về tình trạng ở nhiều địa phương, sinh viên ra trường muốn xin được việc làm, nhất là vào các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, đều phải “chạy” khá nhiều tiền. Thì ra, chẳng riêng gì quê tôi, mà ở nhiều nơi khác, cũng đang tồn tại tình trạng đáng buồn ấy.

Trước khi ra về, bạn tôi nói sẽ thuyết phục vợ để chuyển cả gia đình vào TPHCM hoặc Bình Dương. Vào đây, cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp của bạn tôi sẽ tốt hơn, và vợ cũng không khó để tìm được việc làm mà chẳng phải làm cái việc không hề muốn là dùng tiền bạc để chạy chọt.

Tôi tin là bạn tôi có một lựa chọn đúng, cũng như tôi và một số người bạn khác đã từng trải qua. Nhưng rồi, tôi chợt thấy chạnh buồn. Quê tôi là đất học. Năm nào cũng có số học sinh đậu vào các trường đại học thuộc loại nhiều nhất ở miền Bắc. Thế nhưng, sau khi ra trường, phần lớn những kỹ sư, cử nhân mới đều lựa chọn ở lại Hà Nội, TPHCM hay một số tỉnh có ngành công nghiệp phát triển, chứ không muốn về quê.

Ở lại Hà Nội, TPHCM... nhiều công việc hấp dẫn hơn, thu nhập cao hơn, điều kiện giao lưu, học hỏi thuận lợi hơn nhiều... Nhưng ngoài những nguyên nhân ấy, còn có lý do là ai cũng sợ khi về quê xin việc, đụng chỗ nào cũng có chuyện “đầu tiên”.

Quê tôi là một tỉnh lớn, dân đông, nằm gần Hà Nội, có hai tuyến đường xuyên Việt là quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, có cảng biển nước sâu... Điều kiện tự nhiên nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế như vậy mà cho đến giờ, đó vẫn là một tỉnh nghèo. Chẳng biết trong cái nghèo ấy, có phần đóng góp nào của tình trạng tuyển dụng người vào các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, chỉ dựa vào tiền bạc cũng như các mối quan hệ, mà không phải năng lực chuyên môn?

TRẦN THANH SƠN

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét