Trong chuyến về quê vừa qua, tôi có dịp đi từ Kiên Giang lên TPHCM bằng đường bộ. Chuyến đi, vẫn như những lần trước, làm tôi vừa buồn vừa giận. Buồn vì đến năm nay, tức sau hơn 30 năm sau ngày đất nước thống nhất, mà con đường quốc lộ về miền Tây vẫn còn quá tồi. Có cần nhắc lại rằng miền Tây là dựa lúa (hay nói trắng ra là nồi cơm nuôi dân số) của cả nước? Có cần nhắc lại rằng miền Tây là nơi đem ngoại tệ nhiều nhất về cho đất nước? Ấy thế mà đây là vùng đất của nghèo đói và dốt. Đánh giá bằng bất cứ chỉ tiêu xã hội nào, miền Tây là nơi thiệt thòi nhất. Cái thiệt thòi đáng kinh tởm nhất và đáng phỉ nhổ nhất là cả một vùng gồm 17 triệu dân mà không có đến một con đường quốc lộ như ngoài Bắc hay ngoài Trung. Và, đó cũng là điều làm tôi giận nhất mỗi khi nói đến chuyện này.
Hôm còn ở trong nước tôi có đọc được bài báo sau đây, và tôi post lại để đọc và làm chứng từ. Đúng như một hành khách trong bài này nói: “Muốn biết trò chơi cảm giác mạnh là thế nào thì cũng không cần mua vé vào công viên, chỉ cần ngồi xe qua QL 80 là biết”. Chỉ cần đi ngang qua con đường Sa Đéc hay từ Mỹ Thuận về Vàm Cống, ai cũng sẽ bị cho nhảy đầm lên xuống như là điên, ai có vấn đề về lưng thì chắc nên đi chụp Xray để biết xương sống bị vẹo ra làm sao!
Tôi nghĩ các quan chức trong Bộ GTVT chắc cũng có cái đầu với vài tế bào trí não trong đó, họ chắc cũng có tế bào mắt để thấy, và hi vọng họ cũng có tế bào tim để cảm cái đau khổ của người dân miền Tây chứ. Là con người cả mà. Ấy thế mà họ vẫn dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra. Dửng dưng từ năm này sang năm khác. Sự vô cảm và vô trách nhiệm của họ thật đáng sợ và đáng kinh tởm!
NVT
PS. Cũng có thể đọc thêm hai bài sau đây của tôi để thấy vài hình ảnh đau khổ ra sao:
Đường về miền Tây;http://tuanvannguyen.blogspot.com/2008/08/ng-v-min-ty.html
Câu chuyện của Huỳnh Mai:http://tuanvannguyen.blogspot.com/2007/08/cu-chuyn-ca-hunh-mai-v-nng-thn-vng-ng.html
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200852/20081225012836.aspx
Quốc lộ 80, con đường đau khổ
Quốc lộ (QL) 80 là một trong những con đường huyết mạch của ĐBSCL, xuất phát từ cầu Mỹ Thuận qua địa bàn 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. Đây còn là tuyến đường bộ gần nhất từ các tỉnh Kiên Giang, An Giang đi TP.HCM.
Từ khi dự án nâng cấp QL 80 được triển khai thi công (2003) đến nay, nhiều đoạn trên con đường này vẫn là nỗi ám ảnh của người đi đường và cư dân sống ven QL.
5 năm khói bụi, sình lầy...
“Nếu có cuộc bầu chọn con đường xấu nhất Việt Nam thì QL 80 chắc chắn đứng đầu”- anh Nguyễn Khắc Tài, tài xế xe khách tuyến Long Xuyên - TP.HCM, bực tức nói. Dừng xe cho khách nghỉ ngơi ở một quán cơm ven đường, anh Tài than, chuyến nào anh cũng bị khách cằn nhằn là tài xế chạy ẩu. Thực ra, chạy xe trên QL 80 dù có kỹ cỡ nào thì khách cũng như “ngồi trên lưng ngựa” mà thôi. Bởi vậy cánh tài xế mới đặt cho QL 80 nhiều biệt danh: “con đường đau khổ”, “con đường trời hành”, “con đường ác mộng” hay “dũng sĩ diệt xe”...
Từ cầu Mỹ Thuận rẽ về thị xã Sa Đéc, qua 7 km đường nhựa phẳng phiu, người đi bắt đầu thấm cái sự “trời hành”. Đến cầu Cái Gia Lớn, do cầu chính vẫn đang thi công nên xe cộ phải chen nhau qua cây cầu nhỏ chật hẹp, hai bên đường dẫn thì sình lầy phủ kín. Anh Trần Phước Trung, một người dân sống gần cầu Cái Gia Lớn (ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, thị xã Vĩnh Long) cho biết: vì đường bị “thắt cổ chai” đoạn cầu Cái Gia Lớn nên chuyện kẹt xe xảy ra như cơm bữa. Mỗi lần kẹt, xe nối đuôi nhau hàng cây số, phải mất nhiều giờ xe mới thông được. Anh Trung kể, cầu Cái Gia Lớn được khởi công hồi năm 2004. Tuy nhiên, chỉ đóng được vài cọc rồi công nhân... rút đi hết, mới bắt đầu làm lại hồi đầu năm. Nhưng tốp công nhân sau cũng không làm xuyên suốt mà làm vài hôm rồi ngưng, rồi lại làm, lại ngưng. Người dân ở đây 5 năm trời chịu cảnh khói bụi, sình lầy, bức xúc lắm. Dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền nhưng tình hình không thay đổi.
Từ cầu Cái Gia Lớn về thị trấn Cái Tàu Hạ (huyện Châu Thành, Đồng Tháp) là cầu Cái Gia Nhỏ cũng đang xây dựng, xe cộ lại phải chen qua cầu tạm. Hai bên đường dẫn vào cầu là khung cảnh lầy lội với nhiều ổ gà, ổ voi, sình cát văng đầy. Anh Nguyễn Phước Hiệp, một chủ cơ sở kinh doanh bên cầu Cái Gia Nhỏ kể, nhà ở gần cầu nên thường xuyên chứng kiến cảnh tai nạn xảy ra. Đường đầy ổ gà, ổ voi nên xe cộ đi qua bị trơn trượt, mất thăng bằng dẫn đến tai nạn. Thấy vậy, người dân ở đây thường đem cát đá trám các “ổ voi”, nhưng cũng chẳng bao lâu thì đâu lại vào đấy. Xe chạy, sình đất văng tứ tung vào nhà dân.
Thê thảm nhất có lẽ là đoạn chạy qua thị trấn Cái Tàu Hạ. Một cán bộ huyện Châu Thành cho rằng đoạn lộ đầy ổ gà này trông rất giống... khuôn bánh khọt! Cứ thế từ Cái Tàu kéo dài đến thị xã Sa Đéc, con lộ xen kẽ những đoạn được láng nhựa là những phần đường dang dở, xuống cấp với nhiều “khuôn bánh khọt” như thế. Ông Nguyễn Hoàng Thọ, Hiệu trưởng trường THPT Châu Thành 2 kể lại: vì việc làm lộ kéo dài, con lộ không thoát nước được nên hễ có mưa là nước lại tràn vào trường, học sinh đi học phải lội bì bà bì bõm, ướt hết. Trời mưa đã vậy, trời nắng cũng không yên, hằng ngàn học sinh của trường hằng ngày phải “đội bụi” đi học. Trước cảnh đó, nhà trường “né” bằng cách cho các em đi về lối cổng phụ không ra QL 80. Tuy nhiên nhiều em buộc phải qua con đường “nắng bụi mưa bùn” mới về nhà được. Cũng tại trường Châu Thành 2 này, tháng rồi có một thầy giáo tử nạn vì “né” xe đang thi công đường và một thầy giáo khác bị gãy xương đòn do bị sụp ổ gà trên QL 80, khi đang trên đường tới trường.
Dân thiệt hại, ai đền bù?
“Muốn biết trò chơi cảm giác mạnh là thế nào thì cũng không cần mua vé vào công viên, chỉ cần ngồi xe qua QL 80 là biết”, một hành khách ví von. Thật vậy, chỉ chưa quá 50 km từ Mỹ Thuận đến Vàm Cống, người ngồi xe không ngớt bị “hành” bởi những đoạn đường xấu, cầu tạm, bụi mù, nghiêng lắc và kẹt xe.
Qua địa phận huyện Châu Thành, bắt đầu vào đường tránh thị xã Sa Đéc, xe phải trườn qua đoạn đường lởm chởm đá, hành khách được một phen khởi động “ê ẩm toàn thân”. Từ Sa Đéc đến thị trấn Lai Vung còn gặp phải những công trình cầu đang rề rề thi công như cầu Bà Phủ, Bảy Bổn, Ban Biện, Sáu Quốc, cống Cả Sao...; xe cộ phải chen qua những chiếc cầu tạm gập ghềnh. Trên những công trình này, có nơi loe hoe vài công nhân đang thi công, có nơi lại không có bóng người. Tại công trình cầu Bảy Bổn (do Công ty 502 thi công), đường dẫn vào cầu trở thành... sân phơi củi của một hộ dân gần đó.
Qua thị trấn Lai Vung lại vào một “đoạn đường thử thách” khác. Đoạn từ cây số 26 đến cây số 36 từ Lai Vung đến địa phận huyện Lấp Vò, theo kế hoạch sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 9.2008, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn còn bề bộn cát đá. Nhiều đoạn mặt đường lởm chởm đá dăm, loang lổ ổ vũng. Xe cộ nối đuôi nhau chạy chi chít, chậm rãi, lắc lư trong bụi mù, dằn xóc vì liên tục qua những ổ gà, ổ voi.
Tình hình cũng không khả quan hơn ở một đoạn đường từ trung tâm xã Vĩnh Thạnh hướng về thị trấn Lấp Vò. Chúng tôi có mặt trên đoạn đường này vào giờ học sinh tan học, chứng kiến cảnh các em vừa chạy xe, vừa bịt mũi tránh bụi, nhưng không tránh đâu được vì cả đoạn đường đâu đâu cũng bụi, cũng gập ghềnh...
“Người trẻ còn đỡ, tui già rồi đi phải đường xấu như vầy bị rêm khắp người”, cụ ông Nguyễn Văn Dưỡng (TP Long Xuyên) đi xe đò đến phà Vàm Cống về An Giang than thở với chúng tôi về đoạn đường này. Ông nói ngồi xe mà cứ bị “tung hứng lên xuống như đi biển gặp bão vậy”.
Từ thị trấn Cái Tàu Hạ, chạy dài hướng về Sa Đéc qua các cầu Cái Xếp, Mù U, Cái Tàu, Xã Vạt... cũng cùng một cảnh. Tại đoạn gần cầu Xã Vạt, chị Trần Thị Tuyết Phượng (ấp An Hòa, xã Tân Bình, Châu Thành, Đồng Tháp) chỉ về đoạn đường lởm chởm đá, bụi mù mịt ngán ngẩm: “Chú coi, họ làm đường gì mới được vài tháng là hư, rồi lại đào lên bỏ đó. Nhà tụi tui ở gần đây bụi bặm thế này làm sao sống yên!”.
Ông Lê Anh Việt, Chánh văn phòng UBND huyện Châu Thành, bức xúc: “Nếu làm một cuộc điều tra xã hội học thì chắc rằng người dân chịu ảnh hưởng, bị thiệt hại ven QL 80 này là không nhỏ”. Ông Việt nói UBND huyện Châu Thành có 2 xe ô tô đi công tác thường xuyên trên QL 80. Từ khi thi công QL, năm nào huyện cũng phải tốn hàng trăm triệu đồng để sửa xe, không hư thắng thì cũng hư hệ thống trợ lực tay lái, hư gầm xe... Những thiệt hại đó của Nhà nước, của người dân có thể tính toán được, nhưng ai sẽ đền bù?
Tiến Trình\
Xem thêm:Cách làm trắng da mặt an toàn
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét