Những bài học qua một lần đề bạt

Thành thật cám ơn các bạn xa gần, đã quen và chưa quen, đã gặp và sẽ gặp, có lời chức mừng về chuyện đề bạt. Tôi xem lần đề bạt như là một cái mốc quan trọng trong cuộc đời khoa bảng của mình. Nhớ lại những ngày mới lên trại tị nạn Songkhla, mặt mài ngơ ngác, hoảng sợ sau một lần vượt biển (hay nói đúng hơn là vượt qua cái chết), chẳng biết tương lai sẽ đi đến đâu hay phải làm gì, rồi đến những ngày gian nan làm phụ bếp, lặt rau, rửa chén trong bệnh viện, cho đến ngày hôm nay là một quãng đường dài. Trong quãng đường đó, tôi chịu ơn không biết bao lăm người, và hôm nay cũng là dịp để tri ân những người mà tôi từng quen biết và chịu ơn. Tôi muốn kể lại câu chuyện và tự mình rút ra vài bài học cá nhân để các bạn đọc nhân ngày cuối tuần này …

Hai tuần trước, sau khi đi phó hội về thì tình cờ gặp sếp JS, Viện trưởng, ngay tại tiền sảnh của Viện. Dù chúng tôi làm chung một tòa nhà nhưng ít khi nào gặp nhau và càng ít trao đổi nhau, vì mỗi người bận bịu chuyện của mình. Sếp kéo tôi sang một bên rồi nói: “Mọi chuyện xong hết rồi, chỉ chờ thông báo chính thức thôi”. “Mọi chuyện” ở đây có nghĩa là những thủ tục liên quan đến việc đề bạt lên chức professor của tôi. Sếp JS bắt tay tôi và cho biết ông ta vừa mới nhận điện thoại của sếp PS (khoa trưởng y khoa Đại học NSW) cho biết về kết quả đề bạt như là một tin mừng cho tôi. Nhưng “xong” là xong ở cấp Hội đồng Bình duyệt thôi, vì đơn vẫn phải được phê chuẩn bởi Hội đồng Khoa bảng (Academic Board) của trường UNSW. Nói chung, Hội đồng Khoa bảng ít khi nào chưng bỏ đề nghị của Hội đồng Bình duyệt.
Hôm nay (27/11/08) là ngày Hội đồng Khoa bảng của trưởng UNSW họp để phê chuẩn danh sách đề bạt các giáo sư, phó giáo sư và giảng viên. Họ họp suốt ngày. Nhưng đến trưa thì tôi nhận được điện thoại của khoa trưởng y khoa là PS. Dù biết kết quả từ 2 tuần trước, nhưng tôi vẫn thấy … hồi hộp. Ông PS, vẫn theo thói quen tự thuở nào, không vào đề ngay, mà nói dong dài là ông ta vừa mới tham dự buổi họp cuối năm của Hội đồng Khoa bảng ra, đơn tôi đã được duyệt qua, và đơn đề bạt của tôi đã “successful”, rồi nói lời chúc mừng. (Nếu tôi là ông, tôi sẽ nói kết quả trước cho người ta yên lòng, và sau đó sẽ dong dài chuyện thủ tục). Ông ta còn dặn tôi là có thể thông báo cho sếp JS biết, nhưng yêu cầu Viện Garvan không công bố trên phương tiện thông tin đại chúng cho đến khi trường UNSW chính thức ra thông báo vào ngày mai hay chậm nhất là ngày thứ Hai tuần tới. Trước tin vui đó, tôi biết nói gì hơn là cám ơn sếp đã ủng hộ mình. Ông ấy cười ha hả trong điện thoại (tôi chưa bao giờ nghe sếp cười kiểu này) rồi nhắc lại câu nói trước kia: tao đã nói ok thì sẽ ok mà; thôi bây giờ tao phải vào họp tiếp, mày phải làm việc tốt hơn nữa cho trường, ok?
Tôi có email cho một người bạn trong nước rằng nghe tin này cảm giác tôi như lúc nghe tin thi đậu đệ thất hồi xửa hồi xưa vậy. Câu chuyện đời của tôi có những khúc quanh có thể giải thích tại sao tôi không quan trọng hóa cái chức danh khoa bảng này ...
Năm 1998, tôi được bổ nhiệm chức danh associate professor of medicine thuộc một trường y bên Mĩ. Năm 2000, tôi quay về Úc thì bị “ném” về Bệnh viện Liverpool như là một hình phạt, và phải “trụ trì” ở đó một năm trước khi quay lại với Viện Garvan vào năm 2001. Lúc trở về Garvan, Đại học New South Wales (UNSW) phong cho tôi chức senior lecturer. Tôi không chịu nhận chức danh này vì tôi nói đã là associate professor bên Mĩ rồi. Nhưng UNSW cho rằng cái chức associate professor bên ấy chỉ tương đương với senior lecturer bên Úc mà thôi (1), và còn lên lớp giảng rằng tôi không nên tự ái về chuyện này. Điều khôi hài là họ làm như tôi không biết gì về hệ thống khoa bảng vậy! Tôi vẫn không chịu nhận, bởi vì tôi nghĩ rằng nhận chức danh này có nghĩa là mình chấp nhận một bước lùi, và quan trọng hơn, đứng về mặt “track record” tôi đã hơn gấp 2 lần vị trí associate professor và có thể nói là thừa so với chức professor. (Lúc đó tôi đã có gần 100 bài báo khoa học trên các tập san hàng đầu trong ngành y chứ chẳng riêng gì ngành nội tiết, và chỉ số H của tôi cũng cao hơn con số 20). Tôi chịu ảnh hưởng thuyết quân tử, thà không có chức danh chứ nhất định tên Mít này không chịu “lép vế” -- tôi nghĩ thế. Đến năm 2004, sếp tôi khuyên xin chức danh để hợp thức hóa vài việc làm, tôi đệ đơn và được tiến phong chức associate professor tại UNSW. Hai năm sai tôi định xin tiếp full professor thì họ nói chưa đủ thời gian, phải “phấn đấu” chờ vài năm nữa. Nay thì thời gian đó đã đến và tôi lại xin đề bạt chức professor. Nhưng trước đó tôi đã được Hội đồng nghiên cứu y tế và y khoa quốc gia (National Health and Medical Research Council – NHMRC) bổ nhiệm làm senior research fellow, một “cái ghế” rất khó có được so với chức danh professor, cho nên lần này tuy vui thật nhưng tôi không có gì phải quá quan trọng hóa.
Nếu không quan trọng thì tại sao tôi tốn công làm thủ tục -- tôi nghe bạn đọc hỏi. Tôi làm là vì 2 lí do: lí do thứ nhất là tôi cần phải có một appointment với trường để nhận nghiên cứu sinh chính thức qua trường. Thật ra, tôi có chức vụ với 3 trường (trường y lâm sàng St Vincent’s, trường y tế cộng đồng, và trường y học – medical science), nhưng chẳng có trường nào trả lương; họ chỉ để tên mình làm “hoa lá cành” trong báo cáo cuối năm, và bù lại tôi có quyền nói mình là người của họ! Lí do thứ hai là tôi muốn việc làm của mình được ghi nhận một cách chính thức. Tôi xem mấy chức danh này là một cách ghi nhận đóng góp của mình cho quê hương thứ hai. Ở đây (và ở đâu chắc cũng thế) có cơ chế xin và cho. Muốn được ghi nhận hay công nhận thì phải “xin”, rồi người ta xét duyệt nếu thấy ok thì sẽ “cho”. Không có chuyện người ta tự dưng gõ cửa phòng mình và cho một chức danh hay giải thưởng nào cả.
Bây giờ là thời điểm tôi có thể ngồi xuống, suy nghiệm về những việc mình đã kinh qua, để có thể chia sẻ kinh nghiệm với những người đi sau. Từ ngày bị một người đồng hương trong trại tị nạn từ chối giúp đỡ, tôi nguyện với lòng là sẽ không dấu diếm gì cả, biết cái gì thì mách bảo cho người đi sau biết. Qua vài lần đề bạt và một lần được trao chức danh NHMRC senior fellow tôi đã rút ra nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm mà tôi nghĩ mình có thể “truyền” lại cho người đi sau.
Hôm trước, tôi đã viết về những qui trình và bài học về đề bạt, về tiêu chuẩn cụ thể và qui trình đề bạt. Do đó, lần này tôi không đề cập đến những khía cạnh đó nữa, mà chỉ tập trung mách bảo các bạn vài bài học cá nhân. Tôi phải nhấn mạnh đây chỉ là những kinh nghiệm cá nhân. Nhưng tôi nghĩ những kinh nghiệm này cũng có thể giúp ích cho các nhà quản lí khoa học và đại học trong nước trong việc tham khảo để đi đến một hệ thống hoàn thiện hơn trong việc đề bạt các chức danh khoa bảng ở nước ta.
Mít-tinh với khoa trưởng và chuẩn bị
Chuyện đề bạt khoa bảng là chuyện tương đối quan trọng, và đòi hỏi phải đầu tư về sức lực và trí não. Mỗi lần làm thủ tục đề bạt tốn khá nhiều thì giờ để chuẩn bị đơn từ, hồ sơ, và thậm chí phải đi tập huấn những khóa chuyên dạy cách trả lời phỏng vấn nữa. Lần trước, tôi phải tốn cả 6 tháng trời để chuẩn bị cho việc xin chức danh NHMRC senior fellow. Năm nay thì do kinh nghiệm lần trước, nên tôi không tiêu ra nhiều thời gian nữa, mà chỉ hoàn thiện và học hỏi thêm một số “thủ thuật” trong việc trình bày đơn đề bạt và cách trả lời phỏng vấn.
Mỗi năm, UNSW đề ra những thời điểm cụ thể để ứng viên chuẩn bị. Mỗi chức danh có một thời điểm riêng. Trong trường hợp năm nay, với chức vụ professor, UNSW công bố chính sách đề bạt vào tháng 2/2008, ứng viên phải chuẩn bị vào tháng 6, nộp đơn và hồ sơ vào tháng 7, tập huấn vào tháng 8, phỏng vấn vào tháng 10, và công bố kết quả vào ngày 27/11. Theo qui định trên giấy tờ là thế, nhưng trong thực tế thì ứng viên đã biết kết quả từ tháng 10 (sau khi phỏng vấn), và đó cũng là trường hợp của tôi.
Năm nay, UNSW có một vài thay đổi nhỏ trong qui trình đề bạt. Một trong những qui trình đó là tôi phải “hội kiến” với khoa trưởng (dean) y khoa trước khi đệ đơn. Chỉ khi nào khoa trưởng “bật đèn xanh” thì tôi mới làm thủ tục đề bạt. Đây là một bước sàng lọc do khoa y đặt ra, chứ không hẳn là qui trình chung. Sở dĩ có bước này là vì ông khoa trưởng không muốn “tá tướng” của khoa mình thất bại trong việc tiến phong, nên muốn xem qua bề dày khoa học trước cho chắc ăn -- một kiểu làm “mếch lòng trước đặng lòng sau” như ông bà ta hay nói.
Tôi hẹn gặp sếp PS, khoa trưởng y khoa UNSW, trong một buổi sáng tháng 6. Ông này nguyên là người Úc, nhưng sau này sang “đầu quân” bên New Zealand, nghe nói có công cải cách y khoa bên đó, nên bây giờ được UNSW mời về làm khoa trưởng y khoa (sau khi giáo sư khoa trưởng BD bị cho “nghỉ hưu” sớm vì giải quyết không ổn thỏa vụ gian lận khoa học của giáo sư BH). Ông PS tuổi khoảng ~60 hay ~65, rất lịch sự, rất business, tiếp tôi trong cái office nhỏ nhưng xinh xắn của ông. Sau vài lời thăm hỏi xã giao, tôi và ông ta nói chuyện trên trời dưới đất khoảng 35 phút, chẳng có chuyện gì liên quan đến khoa bảng cả! Chỉ có một câu duy nhất liên quan đến việc đề bạt là ông ấy bảo tôi nên làm đơn qua hệ thống đề bạt “academic’, chứ không phải “conjoint”. Đề bạt theo ngạch academic oai hơn nhưng cũng tốn nhiều thời gian hơn là ngạch conjoint.
Trong khi nói chuyện, tôi để ý ông ấy thỉnh thoảng liếc nhìn cái CV của tôi trước mặt ông. Tôi không có ấn tượng gì với ông, và cũng chẳng thấy ông nói gì đáng chú ý. Ông không tỏ ra thân thiện mà cũng chẳng lạnh lùng gì cả. Tôi đoán ở chức vụ này, ông phải hành xử như thế thôi, để tỏ ra mình hoàn toàn khách quan. Hết giờ, ông ấy bắt tay tôi và nói: “Ok, mày có thể làm thủ tục được rồi đó”. Tôi hỏi: “Mày cho tao biết xác suất thành công là bao lăm, vì tao không muốn thất bại trong chuyện này.” Ông ấy cười nói: “Mày lo gì chuyện này; tao nói ok thì mày cứ làm.” Sếp nói thế thì ừ, cứ làm -- tôi nghĩ thế -- có mất con voi nào đâu mà lo!
Sau đó là soạn đơn xin đề bạt. Tôi mất gần 2 tháng trời cho cái đơn này, chẳng những đau đầu với bố cục, mà còn phải cân nhắc đến từng câu, từng chữ, không có câu chữ nào thừa hay thiếu. Như tôi đề cập hôm trước, đơn chính chỉ có 10 trang giấy A4, kể cả 1 trang tóm lược. Trong 10 trang này mình phải trình bày tại sao mình xứng đáng với chức danh mình xin. Ngoài ra, một khâu tương đối tốn nhiều thời gian là khâu chuẩn bị những “bằng chứng” để làm cơ sở cho đơn đề bạt. Tôi phải liệt kê tất cả những công trình nghiên cứu mình đã công bố trong vòng mấy mươi năm qua. Chẳng những danh sách mà còn phải có những chỉ số trích dẫn cho từng bài, và chỉ số H mới nhất, thêm biểu đồ về số lượng bài báo và số lần trích dẫn qua nhiều năm. Tôi còn phải nhờ thư viện tìm lại những thước phim truyền hình mà tôi trả lời phỏng vấn cho các đài ABC, đài số 9, và đài số 10. (Nhìn lại mấy thước phim này tôi thấy muốn … trốn). Tôi còn phải sưu tầm tất cả những bài báo tiếng Anh viết về tôi trong quá khứ trên báo chí Úc và Mĩ, cũng như những bài viết nói về nghiên cứu của tôi. Nói chung, khâu này cần phải nhờ sự giúp đỡ của thư viện và bộ phận PR, chứ một mình tôi thì không cách gì làm được.
Tính đến nay tôi đã công bố hơn 260 bài báo khoa học, trong số này có 135 bài là “original contributions” (công trình nguyên thủy), 15 bài review, 16 bài xã luận và bình luận, 11 chương sách giáo khoa, và phần còn lại là “conference proceedings”. Trong số này, 65% là do công trình về loãng xương của tôi, còn lại là do hợp tác với các đồng nghiệp bên ngành ung thư, tiểu đường, thần kinh, và nội tiết. Tính trung bình, mỗi bài báo nguyên thủy của tôi được trích dẫn 52 lần (so với trung bình trong ngành là 22). Chỉ số H của tôi hiện nay là 41, và chỉ số m là 2.56. Số nghiên cứu sinh và postdoc đã đào tạo được là 12 người, một số đã là giáo sư. Nói chung, với các chỉ số này và phục vụ cho chuyên ngành cấp quốc tế, tôi hoàn toàn ở vị trí “thượng phong”, không ai có thể chất vấn hay tấn công được. Nhưng tôi ở thế yếu khi xét đến vấn đề thu hút tài trợ và phục vụ cộng đồng. Số tiền tài trợ tôi đem về cho UNSW là trên 3 triệu AUD, và số này chỉ thuộc hàng trung bình trong các giáo sư y khoa. Vì thế tôi biết rằng trong phỏng vấn sẽ có người “điểm huyệt” chỗ này, và phải chuẩn bị giải thích cho thuyết phục. Về phục vụ cộng đồng tôi ở vào thế yếu nhất, và chắc chắn sẽ có người tấn công là “ngồi trong tháp ngà”. Tuy nhiên, bù lại tôi nói tôi có phục vụ cộng đồng ở … Việt Nam. Đây cũng là cách giải trình mà tôi lấy ra để “bảo vệ” mình trong lần phỏng vấn cho NHMRC Senior Fellowship.
Đồng nghiệp bình duyệt
Như tôi có đề cập trong bài viết trước, cách thức đề bạt ở các đại học phương Tây, kể cả Úc, tận dụng triệt để hệ thống peer-review, tức là để cho đồng nghiệp bình duyệt về mình. Trong trường hợp của tôi, tôi có quyền đề cử 4 người bình duyệt (3 người ở Úc và 1 người ở Canada). Còn trường đại học thì đề cử 3 người của họ. Trên nguyên tắc tôi không biết trường chọn ai, nhưng qua đi dự hội nghị thì tôi biết tất: đó là LR ở Mayo Clinic (một trong những ông tổ nội tiết học), ES (một nhân vật lừng danh trên thế giới ở Melbourne và cũng là … bạn tôi), và người thứ ba là EBC (San Diego, cũng là một nhân vật lừng danh về HRT). Hai trong số 3 người này là bậc thầy của thầy tôi, và một người là cùng đẳng cấp với thầy tôi. Trong hội nghị ở Montréal, họ tự đến nói với tôi rằng họ duyệt đơn của tôi, nhưng vì nguyên tắc họ không thể cho tôi xem họ viết gì, chỉ biết là họ ủng hộ trường hợp tôi.
Đặc biệt có LR nói thẳng là đáng lẽ tôi nên được đề bạt từ mấy năm trước chứ không chờ đến nay. Còn ES thì quen tính nói như trắng với đen là “promote him, keep him in academia”. Riêng EBC thì kín miệng không nói gì cả, chỉ nói là “Tao xếp mày hạng top 1%”. Với những người bạn bậc thầy, bậc đàn anh mà đề nghị như thế thì tôi thấy cũng yên tâm.
Còn 4 người tôi đề cử để duyệt thì tôi không biết họ viết gì, vì họ vẫn theo nguyên tắc là không nói cho ứng viên biết. Thật ra, có qui định là nếu họ cho tôi đọc báo cáo của họ thì trường phải kiếm người khác và có thể hủy bỏ lần đề bạt này! Tuy nhiên, qua tình bạn và tình đồng nghiệp tôi tin tưởng rằng họ không “đâm sau lưng chiến sĩ”, nên cũng không có vấn đề gì.
Nói chung, cuộc sống trong xã hội hay trong cộng đồng khoa bảng là một cuộc sống đa chiều, mà trong đó các thành viên phải tùy thuộc với nhau để mà sống và làm việc. Tôi nghĩ cuộc sống và sinh hoạt khoa bảng như là một hàm số xã hội phức tạp, mà trong đó ai cũng phải phụ thuộc vào nhiều người khác để học hỏi và tồn tại. Nghĩ như thế này tôi càng thấm thía câu nói của Trịnh Công Sơn: Sống ở đời cần phải tử tế với nhau.
Một cuộc phỏng vấn lạ lùng và nhớ đời
Sau khi đệ đơn xong là đến khâu học hỏi. Tôi phải đi dự những seminar và workshop chuyên dạy về cách trả lời phỏng vấn. Tôi học hai khóa và thấy rất có ích. Những người đi trước chỉ tường tận những “trick” và “trap” để đương đầu với hội đồng khoa bảng.
Theo lịch trình, tôi được phỏng vấn vào ngày 16/10/2008. Nhưng hỡi ơi, đó là ngày tôi có mặt ở Hà Nội để thực hiện workshop ở Viện Nhi trung ương theo lời mời của nhóm RMH ở Melbourne. Một ngày trọng đại như thế mà mình vắng mặt thì ăn nói làm sao với hội đồng khoa bảng đây? Tôi bèn gọi điện thoại cầu cứu khoa trưởng, với lí giải là tôi không biết trước ngày phỏng vấn, nên đã nhận lời Việt Nam rồi. Người ta đã mua vé, đặt phòng khách sạn, học viên đã đăng kí hết rồi, tôi không thể dời ngày được. Tôi xin được phỏng vấn trước ngày 13/10 hay sau ngày 20/10, nhưng khoa trưởng không chịu, vì ông ấy nói rằng tất cả thành viên đã được chọn và đã hẹn ngày xong hết rồi. Cuối cùng, ông nói phải phỏng vấn qua điện thoại! Tôi hơi phân vân với đề nghị này, vì trước đó chưa bao giờ làm như thế cả. Ông hẹn là sẽ hỏi ý kiến hiệu trưởng rồi trả lời sau. May mắn thay, hiệu trưởng bật đèn xanh đồng ý, và thế là tôi an tâm lên đường đi Hà Nội.
Giờ phỏng vấn được định là 10 giờ sáng (giờ Sydney) ngày 16/10. Lúc đó, 10 giờ bên Sydney là 6 giờ sáng bên Hà Nội, tức là tôi phải thức sớm để chuẩn bị. Từ 4 giờ sáng tôi đã không ngủ được, một phần vì khác giờ, một phần vì … hồi hộp. Đành phải thức dậy thôi. Tôi đọc lại đơn của mình một lần nữa, xem qua những tiêu chuẩn, những bài học trước đây, để chuẩn bị đối phó với cuộc phỏng vấn. Tôi còn thậm chí viết ra những câu hỏi và viết ra luôn những điểm chính để trả lời xuống giấy. Tôi chuẩn bị đâu gần 20 câu hỏi, nhưng trong thực tế họ hỏi nhiều câu nằm ngoài dự đoán của tôi! Nhưng có chuẩn bị tốt như thế vẫn rất tốt cho tinh thần.
Đúng 6 giờ sáng, chuông điện thoại phòng reo. Không chờ đến tiếng chuông thứ hai, tôi nhấc ngay điện thoại. Phía bên Sydney là tiếng nói của ông khoa trưởng PS. Ông ta hỏi tôi thời tiết Hà Nội ra sao và vài câu vớ vẩn khác. Lúc đó, tôi nghĩ thầm trong bụng: mẹ kiếp, mình đang nôn nóng gần chất, mà ổng cứ hỏi chuyện … tào lao. Nhưng may quá, ông nói để tiết kiệm thì giờ, ông sẽ đi vào cuộc phỏng vấn. Mở đầu, ông nói về “luật chơi” của cuộc phỏng vấn như tôi có quyền phản đối câu hỏi nhưng không có quyền chất vấn lại người hỏi, người hỏi không có quyền hỏi những câu mang tính cá nhân hay xâm phạm cá nhân, và cuộc phỏng vấn sẽ có người ghi âm lại tất cả những câu hỏi và trả lời, v.v… Nếu tôi đồng ý luật chơi thì tiếp tục, còn không thì … ngừng. Nghe qua mấy “luật chơi” này tôi cũng chẳng ngạc nhiên vì mình từng là người phỏng vấn người khác, tôi thấy ông ấy nói với tôi hơi thừa, nhưng vì lí do pháp lí nên ông phải nói rõ ràng như thế.
Ông vào đề bằng cách giới thiệu hội đồng phỏng vấn, gồm có 8 giáo sư, dưới sự chủ tọa của ông. Trong số 8 người này, có 5 người trong khoa y (họ là chuyên gia về tim mạch, nội tiết, thần kinh, dịch tễ học, và di truyền học), 1 người từ khoa khoa học (science faculty), và 2 người từ trường đại học Sydney. Tôi chẳng quen biết ai trong 8 người này. Có thể đó cũng là cách họ chọn người để đảm bảo tính khách quan. Sếp của tôi cũng có mặt trong cuộc phỏng vấn, nhưng ông chỉ dự với vai trò “quan sát viên” mà không được có ý kiến gì cả. Tám người này luân phiên hỏi tôi, có câu hỏi họ yêu cầu tôi chỉ trả lời trong một số phút nhất định. Họ không bình luận gì về câu trả lời, mà chỉ tập trung lắng nghe tôi nói. Những câu hỏi mà tôi còn nhớ là:
  • Nói cho chúng tôi biết tại sao ông muốn đề bạt lên chức danh professor? Ông tự đánh giá mình so với các tiêu chuẩn của trường như thế nào? Ông có 5 phút để trả lời. Đây là câu hỏi của khoa trưởng (ông ta chỉ hỏi 1 câu duy nhất).
  • Nói cho chúng tôi nghe 3 công trình nghiên cứu tiêu biểu của ông. Xin đừng nói quá chi tiết, chúng tôi chỉ muốn nghe câu chuyện đằng sau của công trình và ảnh hưởng như thế nào.
  • Nếu ông bước vào một hội nghị quốc tế, người ta có nhận ra ông không? Nếu nhận ra, thì ông được biết đến về lĩnh vực gì?
  • Trong số hàng trăm công trình khoa học và bài báo ông liệt kê, có bao lăm ông thực sự là người chủ trì, và bao lăm là do nghiên cứu sinh của ông làm và ông chỉ đứng tên tác giả.
  • Ông làm việc với Gs JE khá lâu và ông ấy cũng là thầy cũ của ông, vậy ông có thể chứng minh cho chúng tôi biết ông độc lập với thầy cũ mình như thế nào.
  • Trong thời gian 1999-2001, số lượng bài báo của ông có vẻ suy giảm. Tại sao?
  • Ông tự đánh giá chất lượng các công trình khoa học của ông như thế nào?
  • Chỉ số trích dẫn của ông rất ấn tượng. Xin nói cho chúng tôi biết có bao lăm bài báo chưa bao giờ được trích dẫn, và ông có bình luận gì không?
  • Triết lí đào tạo tiến sĩ của ông là gì. Ông có 2 phút để nói.
  • Nghiên cứu sinh postdoc của ông có vẻ thành công nhiều. bao lăm thành công là do ông và bao nhiêu là do công sức của họ?
  • Ông làm gì để phát triển nhóm (lab) nghiên cứu của ông trong tương lai?
  • Nếu ông là khoa trưởng y khoa, ông sẽ làm gì để nâng cao vị thế và uy tín của khoa trên trường quốc tế?
  • Ông có đóng góp gì cho chính sách khoa học và y tế không?
  • Ông nghĩ gì về y học thực chứng? Theo ông, y khoa nên đi về định hướng nào trong tương lai?
  • Ông liệt kê 7 cuốn sách ông in ở Việt Nam. Thì giờ đâu mà ông làm nhiều thế; ông có ngủ không? Đây là câu hỏi cuối cùng; ông giáo sư hỏi tôi câu này có vẻ đùa vui vì tôi nghe ông ấy cười trong điện thoại.
Vì đây là một cuộc điện đàm qua điện thoại kiểu telephone conference, và tôi đoán là có lẽ vì bàn họp hơi rộng, họ ngồi chung quanh, và máy điện thoại không tốt (dỏm?) nên âm lượng không cao mấy. Điều này làm cho tôi khó nghe được câu hỏi. Thật ra, tôi có quyền yêu cầu họ nói lớn lên, nhưng vì mình đã “không đẹp” với họ (không có mặt trong buổi phỏng vấn) lại còn ở một nơi mà họ có thể hiểu lầm là tôi đi nghỉ mát, lại còn đòi hỏi quá như thế thì không “phải đạo” mấy, nên tôi đành phải kiên nhẫn và áp điện thoại sát tai để nghe. Thật là vất vả! Sau gần 45 phút (họ hứa chỉ 30 phút) phỏng vấn và trả lời, tôi thấy mình cũng nhẹ người như vừa làm xong một nhiệm vụ. Sau đó vài phút, sếp tôi gọi điện qua chúc mừng nói: “You have done a good job” (mày đã làm xong việc một cách tốt đẹp).
Xuống phòng ăn sáng, gặp Nguyên (người cùng đi làm workshop với tôi), tôi kể lại câu chuyện phỏng vấn như là một cách trị liệu, kể để rồi quên nó đi! Tôi lại chuẩn bị đi “chiến đấu” tiếp trong workshop ở Viện Nhi đúng 8 giờ sáng và không muốn nhớ đến cuộc phỏng vấn nữa.
Tôi nghĩ mình trả lời ok, nhưng như bất cứ việc gì, tôi nghĩ nếu làm lại lần nữa, tôi sẽ làm tốt hơn. Nói chung, tôi không có vấn đề gì trong phỏng vấn. Trước khi phỏng vấn tôi đã được trường tập dượt và cũng biết được những nguyên tắc của cuộc phỏng vấn. Một trong những nguyên tắc đó là mình phải tỏ ra ngang hàng với người phỏng vấn, chứ không phải thấp hơn, và nhất là không bao giờ tỏ ra mình là người xin ơn huệ. Sếp tôi nói tôi đã thể hiện nguyên tắc này tốt. Có lẽ một phần do tự tin, một phần do tính cách Á châu, và do thực lực nên tôi không bao giờ cảm thấy mình “dưới cơ” hay “lép vế” với bất cứ ai trong những người phỏng vấn mình. Trước khi phỏng vấn, tôi đã xem qua bề dày khoa học (track record) của những thành viên này và thấy chỉ số H của người “nổi” nhất cũng chỉ bằng phân nửa chỉ số H của tôi, còn mấy người khác thì không đáng kể, ngay cả số lượng và chất lượng bài báo khoa học. Có vài câu trả lời mà tôi nghĩ lại mình có vẻ hơi trịch thượng và “hách”, nhưng sếp tôi thì nói chẳng có gì là trịch thượng cả!
Nhưng cũng có vài ba câu tôi thiếu chuẩn bị nên trả lời chưa được thông lắm. Chẳng hạn như câu hỏi có bao lăm bài chưa bao giờ trích dẫn, vì không có con số cụ thể nên tôi hơi chao đảo và nói … lạc đề (ngay cả sếp tôi còn nhận được điều này). Những câu hỏi về chính sách khoa học, về “nếu là khoa trưởng” cũng làm tôi lúng túng (vì chưa bao giờ nghĩ họ hỏi), phải mất cả vài chục giây định thần để trả lời. Tôi nghiệm ra những câu hỏi cắc cớ nhưng quan trọng này là nhằm mục tiêu thử xem mình có tầm nhìn cao và xa hay chỉ quay quẩn tầm nhìn của một người làm chuyên môn. Tôi chợt nhớ đến câu nói của sếp JS trước đây rằng làm khoa học cần phải quan tâm đến cái mà ông ấy gọi là “big picture” (bức tranh lớn) chứ không chỉ chúi đầu vào những chuyện nhỏ. Tôi trả lời dựa vào những gì mình đã viết trước đây trên báo đại chúng, và “chêm” vài câu về định hướng nghiên cứu để khoa y UNSW có thể sánh vai với các đại học hàng đầu bên Mĩ. Tôi không biết ông khoa trưởng nghĩ gì về câu trả lời “đao to búa lớn” đó, nhưng rõ ràng là tôi khác quan điểm với ông ấy về nghiên cứu.
Tuy nhiên, tôi thấy thái độ phỏng vấn của họ không quá khó khăn như lần phỏng vấn chức danh NHMRC senior fellow. Thật ra, tôi thấy họ có vẻ thân thiện, và tạo điều kiện cho mình trả lời hay biện minh. Trong 8 người phỏng vấn, tôi để ý 2 người hỏi một số câu có thể gọi là “critical” (và thách thức), như chú ý đến biểu đồ về số bài báo công bố, định lượng mức độ độc lập, hay câu hỏi mang tính “khiêu khích” rằng thành tựu tôi chỉ là do nghiên cứu sinh làm, hay tôi chỉ nhân danh sếp mà lấy công của học trò. Nhưng tôi lại thấy đó là cơ hội để mình giải trình trường hợp của mình tốt hơn. Nguyên lí của tôi là lúc nào cũng cố gắng biến câu hỏi khó thành một cơ hội để mình … nói thêm (hay nói như ông bà mình hay nói là biến thế yếu thành thế mạnh).
Và những bài học cá nhân
Trên đây là những kinh nghiệm mà tôi đã trải qua. Vậy thì, tôi có thể chia sẻ những kinh nghiệm gì với các bạn đi sau, các bạn trẻ hơn? Tôi nghĩ đến câu hỏi này nhiều, và thấy mình có thể rút ra vài bài học cá nhân sau đây:
Phấn đấu vượt trội. Tôi nghĩ dù muốn hay không muốn ghi nhận thì cũng phải nhìn nhận một thực tế: những người giữ những vị trí trong xã hội, kể cả những chức vụ khoa bảng, là những “bộ lạc”. Trong những bộ lạc đó, kẻ đứng đầu tạo ra những luật chơi và những tiêu chuẩn để sàng lọc những ai có thể trở thành đồng nghiệp của họ. Đối với một người tị nạn từ một đất nước nghèo và chiến tranh triền miên như Việt Nam, mà lại xuất thân từ nông thôn, thì ấn tượng mà người phương Tây có trong đầu sẽ là một kẻ tầm thường, không đáng chú ý. Trong thực tế, trước đây tôi đã gặp nhiều tình huống mà tôi cảm thấy như mình bị xem thường, bỏ ra rìa, và nhiều trường hợp mà họ “nói trên đầu” mình. Do đó, tôi tự đặt cho mình một cái chuẩn khắt khe hơn: tôi phải hơn họ ít nhất là hai cái đầu. Tôi nghĩ hơn họ một cái đầu vẫn chưa đủ. Đó chính là mục tiêu mà tôi phấn đấu để khi xét đến bất cứ một tiêu chuẩn nào, tôi vẫn phải đứng trên những cái tiêu chí mà người ta kì vọng cho chức vụ đó. Một khi đã đạt mục tiêu tôi cảm thấy mình chẳng những có đầy đủ “leverage” để nói chuyện mà còn sẵn sàng trả đũa, hay nếu cần có thể “làm hách”, với những ai tỏ ra dám trịch thượng với mình. Trong thực tế, tôi đã có lần “thử nghiệm” một cách công khai với một người đồng nghiệp dám tỏ thái độ bề trên với tôi để làm cho người đó thấy phải tự mình thấy ngượng!
Hi sinh vài nhu cầu cá nhân. Để vượt trội hơn đồng nghiệp phương Tây chỉ có 2 cách: một là làm việc có hiệu quả và thông minh hơn họ, và hai là nếu không thông minh hơn thì phải làm việc nhiều thì giờ hơn họ. Để có nhiều thì giờ cho công việc, tôi nghĩ chúng ta cần phải hi sinh một số nhu cầu cá nhân, hạn chế những tiệc tùng, giao tiếp cá nhân không cần thiết. Nói cách khác, đôi khi cũng cần phải tự đóng cửa, tự cô lập mình để hoàn thành những dự án, những dự tính mà mình đã đặt ra.
Mục tiêu rõ ràng và kiên trì. Trong cuộc sống và công việc tôi thấy đôi khi tôi bị thu hút bởi những chuyện không đâu, và tốn nhiều thời gian không cần thiết. Cho nên, bài học cá nhân của tôi là làm việc gì cũng phải có mục tiêu cụ thể, phải biết việc mình đang làm sẽ dẫn đến thành quả gì. Rồi từ đó, vạch định việc làm cho từng thời gian cụ thể. Tôi có thói quen mỗi sáng ngồi xuống viết ra những việc mình cần làm hôm nay (things to do), và lúc nào cái danh sách dự án cũng trên bàn nhắc nhở mình đã và đang đi đến đâu trong tiến trình của việc đạt mục tiêu.
Để đạt mục tiêu mình đề ra, tôi thấy ý chí rất quan trọng. Phải kiên trì theo đuổi mục tiêu cho đến cùng, chứ không nên bỏ dở giữa chừng. Điều này đòi hỏi tính kiên nhẫn, tính “thua keo này bày keo khác”, quyết chí không bỏ cuộc. Ghi nhận vấn đề và khó khăn, nhưng không phải ghi nhận để than vãn và bỏ cuộc, mà phải biến khó khăn thành thách thức để làm việc.
Nhắm vào chất lượng. Công trình khoa học luôn luôn là chỉ tiêu chính, nếu không muốn nói là “chìa khóa” để được đề bạt. Nhưng một tác giả dù công bố nhiều công trình khoa học không nói lên thành tựu và ảnh hưởng gì cả, mà cần phải chú ý đến chất lượng. Chất lượng một công trình khoa học có thể đánh giá qua hệ số ảnh hưởng của tập san, và nhất là qua số lần trích dẫn. Mà, muốn có chất lượng cao thì cần phải đầu tư thời gian suy nghĩ về câu hỏi nghiên cứu và phương pháp. Phải tự hỏi mình vấn đề nghiên cứu có lớn không, có gây ảnh hưởng gì đáng kể, có khả năng đưa chuyên ngành một bước cao hơn, v.v… Không nên tập trung vào những nghiên cứu chỉ giải quyết những vấn đề nhỏ hay những vấn đề mang tính địa phương có giá trị nhất thời.
Nắm lấy phương pháp. Tôi để ý thấy nhiều đồng nghiệp họ nói rất hay và có khi rất nổi tiếng, nhưng khi được hỏi về những chi tiết phương pháp thì họ lúng túng. Rất tiếc, đó là tình trạng khá phổ biến ngày nay. Do đó, một trong những chỉ tiêu tôi đặt ra là phải nắm lấy phương pháp, vì có phương pháp trong tay cũng có nghĩa là mình có một “leverage” lớn khi cạnh tranh với người khác. Nói cho cùng, nói đến khoa học là nói đến phương pháp. Chính vì thế mà tôi khuyên nghiên cứu sinh của mình ngoài việc suy nghĩ về vấn đề, còn phải làm chủ cho được phương pháp, để mai đây mốt nọ ra trường có thể trở thành độc lập nhanh chóng trong nghiên cứu khoa học.
Tìm thầy giỏi và một trung tâm tốt. Ông bà ta có câu “không thầy đố mày làm nên” hay “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Tôi vẫn thấy hai câu này rất thực tế và cũng là một lời khuyên rất có ích. Để thành công trong khoa học, mỗi người cần phải chọn cho mình một người thầy có tiếng trên trường quốc tế. Làm việc hay học hỏi với người thầy có tiếng tạo cho chúng ta cơ hội giao lưu với những người có tiếng và hàng đầu trên thế giới (vì cũng như bộ lạc, trong khoa học người ta cũng có giai cấp và giai cấp cao chỉ giao du với những người cùng cấp), và điều này rất có ích trong việc tạo dựng sự nghiệp. Những người thầy có tiếng thường chỉ làm những nghiên cứu lớn, và do đó, làm cho họ cũng có nghĩa là chúng ta làm quen với cách suy nghĩ lớn, chứ không tủn mủn như những nhóm nghiên cứu khác. Ngoài ra, một trung tâm nghiên cứu nổi tiếng là một môi trường khoa học rất tốt để giao lưu cùng những nhà khoa học giỏi. Do đó, cần tìm đến “đầu quân” cho những trung tâm này để học hỏi từ họ, học hỏi từ cách tổ chức và làm việc, đến những vấn đề chuyên môn.
Làm việc theo nhóm (teamwork) và hợp tác. Tôi chưa thầy ai thành công trong khoa học mà làm việc đơn lẻ. Trong hoạt động khoa học ngày nay, người ta tập trung nhau thành từng nhóm. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì nghiên cứu khoa học ngày nay đòi hỏi sự đóng góp của nhiều người từ nhiều ngành nghề khác nhau. Làm việc theo nhóm có một lợi thế là các thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi phương pháp lẫn nhau, và nhất là phát triển ý tưởng mới liên ngành, và qua đó có thể nâng cao “năng suất” khoa học. Do đó, một cách nâng cao số lượng và chất lượng công trình khoa học là phải có tinh thần làm việc theo nhóm, phải biết tôn trọng các đồng nghiệp khác, và phải biết “cho và nhận” (“give and take”).
Làm việc theo từng nhóm cũng có nghĩa là lắng nghe nhau, cạnh tranh nhau trong tinh thần hợp tác. Gặp nhau thường xuyên và chia sẻ ý kiến về phương pháp là một điều rất có ích. Nói đến điều này, tôi thấy ở Việt Nam mình người ta có truyền thống cạnh tranh đạp đổ nhau, đố kị nhau (thấy ai hơn mình là tìm cách hạ bệ người ta bằng mấy chuyện cá nhân vu vơ) hơn là hợp tác, và đó là một thái độ rất có hại cho khoa học. Tôi thường hay nói với nghiên cứu sinh là ý tưởng thường đến từ những cái mà tiếng Anh gọi là Open discussion (thảo luận mở rộng) chứ không chúi đầu trong chuyên ngành của mình. Bây giờ nhìn lại một số công trình của mình tôi thấy học hỏi rất nhiều phương pháp và ý tưởng từ các ngành ung thư và tim mạch. Ngay cả việc phát triển mô hình tiên lượng loãng xương tôi cũng học hỏi từ các chuyên gia ngành ung thư.
Tiếng Anh. Ngay từ những ngày đầu tiên mới định cư ở Úc, tôi nhận ra tiếng Anh là phương tiện để tồn tại trong xã hội này. Trong khoa học, tôi có thể không ngần ngại nói rằng tiếng Anh là một chìa khóa thành công, bởi vì phần lớn các tập san khoa học ngày nay đều sử dụng tiếng Anh làm phương tiện thông tin. Không rành tiếng Anh thì khó mà thành công trong khoa học, cho dù nhà khoa học giỏi cỡ nào. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp tác giả có những nghiên cứu rất hay, nhưng khi trình bày thì do tiếng Anh quá kém nên làm nãn lòng đồng nghiệp. Nhưng giỏi tiếng Anh như thế nào để thành công? Tôi nhớ đến lời khuyên của ông Mười Hương, một thượng cấp của tướng Phạm Xuân Ẩn (một nhà tình báo tài ba) khi ông Ẩn được cử sang Mĩ học: sang bên ấy, cậu phải luyện tiếng Anh cho tốt, phải nói, viết và hành xử như người Mĩ, chứ không phải như người Việt. Nói cách khác, phải hội nhập với đồng nghiệp bằng thứ ngôn ngữ của họ, với cách nói và viết của họ chứ không phải cách diễn tả của người Việt.
Kinh nghiệm tôi cho thấy tiếng Anh là một trở ngại lớn cho người Việt chúng ta. Có nhiều sinh viên Việt Nam quá tự tin rằng họ biết văn phạm tiếng Anh nhưng chỉ kém về phát âm mà thôi. Tuy nhiên, theo nhận xét của tôi và kinh nghiệm cá nhân, sinh viên ta chẳng những kém về phát âm, mà còn rất kém về cách viết và tranh luận trước đám đông. Viết cho lưu loát, cho hay, cho thuyết phục lại càng khó. Viết chẳng những đòi hỏi một tư duy logic mà còn đòi hỏi nghệ thuật. Tư duy logic giúp mình sắp xếp ý tưởng cho có thứ tự, trước sau rõ ràng. Còn nghệ thuật ở đây là kĩ năng dùng chữ sao cho đơn giản, không phô trương, chính xác, mà nói lên được điều mình muốn nói.
Tôi chưa bao giờ đến trường học tiếng Anh có hệ thống, mà chỉ tự học là chính. Kinh nghiệm học tiếng Anh của tôi nằm trong 3 lời khuyên: học từ căn bản; chịu khó đọc báo và đối chiếu với đài tivi hay radio; chịu khó thực hành viết và nói. Ngày xưa, có khi cả ngày tôi học chỉ có 1 chữ, nhưng tôi nắm rất vững và hiểu chữ đó từ cái gốc. Nguồn gốc nó từ đâu; các biến thể tính từ, động từ, danh từ, v.v... ra sao; đọc như thế nào; cách sử dụng trong câu văn ra sao, v.v... Hai cuốn sách giúp tôi nhiều nhất là cuốn Từ điển Longman và cuốn Practical English Usage của Michael Swan. Học xong chữ, sáng ra tìm một tờ báo để đọc. Tìm hiểu chữ mình không biết. Chiều về mở đài tivi nghe phóng viên đọc tin. Xác suất là phóng viên sẽ đọc lại một phần bản tin từ báo chí lên đến 95%. Truyền thông Tây phương này nói là đa dạng chỉ đúng một phần, chứ thực chất nó chỉ lặp đi lặp lại một vài tin thôi. Học như thế rất hiệu quả!
Trên đây là những kinh nghiệm và bài học mà tôi đã rút ra được từ những lần đề bạt trước đây và lần này. Tôi hi vọng những bài học và kinh nghiệm này sẽ giúp chút ích cho các bạn đi sau hay các bạn trẻ đang phấn đấu trong sự nghiệp khoa bảng. Tôi nghĩ được đề bạt lên chức danh này nọ chỉ là cái danh, cái quan trọng hơn là cái “thực”. Thực ở đây là trở thành một người có ích cho xã hội, đóng góp tri thức của mình để đem lại phúc lợi thực sự cho cộng đồng, cho quê hương. Do đó, không nên quá đặt nặng cái danh trước cái thực, vấn đề quan trọng hơn là làm sao sử dụng tri thức và chức danh của mình cho xứng đáng với tiềm năng của đất nước và dân tộc.


Năm nay là năm thứ 28 tôi rời Việt Nam, và năm thứ 27 tôi định cư ở Úc (tôi đến Sydney ngày 26/1/1982, ngày Quốc khánh Úc). Khi sang đến đây thì cái gì cũng làm lại từ đầu. Nhìn lại quãng đường mình xa quê và sống ngoài này, tôi thấy mình chẳng khác gì một đứa bé chập chững mới biết đi, tập nói tập viết (tiếng Anh), rồi theo thời gian trưởng thành và nay thì vào giai đoạn “luống tuổi”. Trong thời gian khá dài đó, tôi làm từ những việc khó khăn nhất như làm “kitchen hand” (tức là rửa chén và rửa rau cải trong nhà bếp) đến làm giáo sư. Sếp tôi nói “cuộc đời mày như là một lịch sử”, nhưng tôi nói “cuộc đời của mỗi người Việt Nam cùng thời với tao là một lịch sử”. Không cần nói ra, tôi nghĩ chắc các bạn cũng đoán biết tôi không có một cuộc đời bằng phẳng như nhiều người khác cùng thời, bởi vì tôi trải qua một giai đoạn tị nạn và những khó khăn cùng đau khổ sau đó. Phải mất đến vài năm sau khi định cư ở Úc tôi mới lấy lại thăng bằng trong cuộc sống để tiếp tục mục tiêu của mình. Nay thì có thể nói tôi đã phần nào đạt được mục tiêu mình đề ra. Trong giây phút này, tôi nghĩ đến nhiều người (có thể rất nhiều người) đã giúp đỡ tôi trong quá trình ăn học và làm việc, và tôi muốn nhân cơ hội này ghi nhận và tri ân những người đó. Nhưng tôi nghĩ ngay đến Ba Má tôi, hai người đều đã qua đời trước khi chứng kiến sự trưởng thành của thằng con. Tôi cũng da diết nhớ đến anh Hai tôi, người đã cho tôi những bài học đầu đời thời trung học, và cũng là người đặt ra những cái chuẩn cao để không cho tôi tự mãn, nhưng rất tiếc anh đã đi về cõi vĩnh hằng quá sớm để thấy thằng em “học hành ra sao” -- câu anh thường hay nói thuở sinh tiền mỗi khi anh bực mình với tôi. Bà con tôi thường nói nếu anh cả tôi còn sống đến ngày nay thì chắc gì anh ấy còn làm cho tôi phấn đấu nhiều hơn nữa. Mất anh cả như mất một cái chuẩn mực để mình nương theo.
Cuối cùng, xin mượn câu của tin gọi một chút này làm ghi của cụ Nguyễn Du để gửi gắm những dòng tâm sự rất cá nhân này.
NVT
Bạn nào muốn biết lần phỏng vấn trước thì có thể đọc ở đây (3 phần):
Hai mươi tám năm về trước tôi là như thế này. Nhìn lại thì thấy mình rất "nerdy". Thằng con tôi nó scan tài liệu này (vì tôi chưa biết scan) xong rồi nó nói you look funny, Dad! (Ba trông buồn cười quá hà). Người nặng chỉ 54 kg (thiếu ăn mà), cái kính cận dầy cộm (8 độ) và nặng chịch, với khuôn mặt lo lắng cho tương lai. Tiếng Anh như vầy mà học hành gì -- phản ứng của người phỏng vấn tôi khi xin đi Úc qua câu hỏi qua Úc sẽ làm gì. Hình này do Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc chụp cho tất cả những ai mới nhập trại tị nạn Songkhla (miền nam Thái Lan). Sau gần 1 năm tôi được cấp visa đi Úc. Tôi đến Sydney ngày 26/1/1982, hôm đó trời nóng 42 độ C. Chú ý visa không có thời hạn (indefinite) vì lúc đó đâu có đi đâu nữa.
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét