Sáng nay thấy tin này cũng thú vị và “positive”. Nhà nước nói nhiều về việc thu hút Việt kiều về quê đóng góp cho khoa học và công nghệ, nhưng chưa có kế hoạch gì cụ thể. Nay TPHCM thành lập một Viện khoa học và công nghệ tính toán, dưới sự điều hành của một giáo sư Mĩ gốc Việt Trương Nguyên Thành và một giáo sư trong nước.
Bài báo cho biết sẽ trả cho giáo sư 17 triệu đồng / tháng. Mới nghe thì có vẻ lớn đấy, nhưng tôi nghĩ chắc chẳng là bao so với các chuyên gia trong nước đang làm việc cho các công ti nước ngoài.
Có một phản hồi bài viết này mà tôi hoàn toàn có thể đoán được. Đó là ý kiến: bộ anh là giáo sư nước ngoài, anh tài giỏi hơn chúng tôi à? Sợ nhất câu này. :-) Theo ý kiến phản hồi thì lương bổng phải trả theo khả năng chuyên môn chứ không nên phân biệt giữa “Việt kiều” với “Việt cộng” :-). Vâng, tôi cũng đồng ý như thế. Nhưng nếu muốn biết khả năng của giáo sư Thành thì đây là website của ông http://truong.hec.utah.edu. Câu hỏi thực tế là có giáo sư nào ở Việt Nam trong chuyên ngành hóa học có thể so với bề dày khoa học của Gs Thành không? Tôi còn ngưỡng phục anh ở ý chí vươn lên từ một thân phận của người tị nạn. Tôi hiểu và thấm thía những câu chữ anh ta mô tả trong website về quá trình phấn đấu của anh ta trong những ngày đầu trên xứ Mĩ.
Gs Trương Nguyên Thành không phải thuộc hạng giáo sư xoàng bên Mĩ, mà là một giáo sư xuất sắc, tài giỏi trong ngành chuyên môn của ông. Tôi đoán lương chính thức của một giáo sư như thế phải trên 120 ngàn USD, tức trên 10 ngàn USD/tháng. Thế thì với 1 ngàn USD/tháng không thấm vào đâu so với mức lương hiện tại của ông. Nhưng (lại nhưng) người ta về quê làm việc đâu chỉ vì đồng lương, mà còn vì lương tâm của một người con nước Việt. Ngày xưa, các giáo sư gốc Hàn và Đài Loan quay về cố hương làm việc với đồng lương thấp hơn ở Mĩ đâu phải vì tiền mà vì tấm lòng với quê hương xứ sở.
NVT
===
TP.HCM: Trí thức Việt kiều hưởng lương 17 triệu đồng/tháng
UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thường trực Thành ủy vận dụng một số chính sách đặc thù cho Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán thành phố. Theo đó, Việt kiều tham gia điều hành Viện được hưởng mức lương 12-17 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, UBND TP.HCM đề nghị thành lập, tạo cơ chế riêng cho chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ tính toán của viện.
Cụ thể, lập Ban chủ nhiệm chương trình, cơ chế xét tuyển, nghiệm thu, cơ chế tài chính cho xét tuyển, nghiệm thu đề tài và cơ chế sử dụng chi phí đào tạo nguồn nhân lực cho Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán…
Đây là một động thái tích cực cho thấy TP.HCM đang chủ động đẩy mạnh đãi ngộ trí thức Việt kiều tham gia vào sự nghiệp phát triển thành phố nói riêng, đất nước nói chung.
Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, do UBND TP.HCM quyết định thành lập vào tháng 1/2007. Tên giao dịch tiếng Anh là Saigon Institute for computational Science and Technology (SICST).
SICST có nhiệm vụ: tổ chức nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng, nghiên cứu chiến lược, chính sách phục vụ quản lý nhà nước; thực hiện các đề tài khoa học cơ bản, dự án nghiên cứu ứng dụng thuộc lĩnh vực khoa học tính toán và các ngành liên quan. Và nhiệm vụ tư vấn xung quanh lĩnh vực KHCN.
Đây là đầu mối về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học tính toán, thu hút các nhà khoa học - công nghệ trong và ngoài nước để phục vụ phát triển khoa học; tổ chức các hoạt động thông tin phát triển thị trường KHCN…
Mục tiêu của SICST gia nhập mạng lưới các tổ chức khoa học - công nghệ trong khu vực và thế giới về lĩnh vực khoa học tính toán; trở thành tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tính toán có vị trí quan trọng, có uy tín trong khu vực châu Á; xây dựng môi trường làm việc - nghiên cứu khoa học hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới.
Viện có vai trò phục vụ cộng đồng nghiên cứu khoa học - công nghệ tại TP.HCM và khu vực phía Nam.
Viện cũng có chức năng kết hợp với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu ở trong và ngoài nước để thực hiện đào tạo sau đại học, bồi dưỡng - nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ nghiên cứu nhằm xây dựng đội ngũ các nhà khoa học thuộc lĩnh vực tính toán ở Việt Nam đạt đẳng cấp cao so với khu vực và hòa nhập quốc tế.
Phản hồi từ bạn đọc:
Ho ten: Nguyễn V Mạnh Dia chi: Úc E-mail: ngvmanh_68@hotmail.com Tieu de: Đừng phân biệt đối xử chỉ vì ai đó là Việt Kiều Noi dung: Người VN khi làm việc ở nước ngoài không phải vì là người VN mà bị trả lương thấp hơn hay cao hơn. Mọi người lao động đều đồng đẳng. Nếu có trình độ và năng lực thì phải được trả lương xứng đáng với thực tài và vị trí công tác - bất kể người lao động đó là người nước ngoài, người trong nước, hay Việt Kiều. Tại sao Việt kiều lại được đãi ngộ đặc biệt hơn các đối tượng khác? Cứ là Việt kiều thì giỏi hơn, có năng lực hơn hay sao? Hãy định mức lương cho thật đúng, tuyển dụng thật công minh, theo dõi chất lượng công tác thật chặt chẽ khoa học, và bỏ đi sự phân biệt về nguồn gốc của người lao động.
Xem thêm: Bí mật thực đơn giảm cân của Hà Anh Tuấn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét