Ghi chép cuối tháng 12/08: văn hóa và báo chí

Không có báo đọc

Những ngày ở trong nước, cái cực hình lớn nhất với tôi là thiếu thông tin. Đi liên miên nên không có thì giờ truy nhập internet để theo dõi tin tức. Tìm mua được báo ở Việt Nam cũng không phải là chuyện dễ dàng, nhất là ở các thành phố nhỏ và vùng xa. Phần lớn những huyện và xã hoàn toàn không có bán báo. Chẳng hạn như ở xã tôi, không có một đại lí nào bán báo. Do đó, những ngày ở trong quê, ngày nào tôi cũng phải nhờ mấy anh lái xe ôm mua dùm báo từ Rạch Giá về đọc.


 Mấy hôm ở Quy Nhơn cũng thế: rất khó tìm được tờ báo để đọc. Khách sạn Hải Âu có lẽ là khách sạn lớn nhất ở Quy Nhơn, nhưng họ cũng chỉ có le ngoe vài ba tờ báo Viet Nam News (tiếng Anh) rất cũ, chứ cũng chẳng có báo tiếng Việt. Đọc tờ Viet Nam News thì tôi nghĩ thà không đọc còn hơn, vì nó làm tốn thì giờ mà chẳng cung cấp thông tin gì đáng chú ý. Một anh chàng (có lẽ là phóng viên nước ngoài) nhìn tôi cầm tờ Viet Nam News anh ta nheo mắt nói (tiếng Anh): tao nghĩ đây là tờ thông báo hay tuyên truyền của Nhà nước mày ơi! Tôi hoàn toàn đồng ý với anh ấy.
Trên đường về quê thăm các cậu tôi ở Phù Mỹ, tôi bảo anh tài xế tìm mua cho được một tờ báo để đọc, chứ tôi … khát chữ lắm rồi. Anh ta lái vòng các thị trấn, thị tứ; cứ mỗi lần như thế tôi xuống xe tìm mua báo. Thật là một cực hình, vì chẳng có chỗ nào bán báo, mà còn bị người ta ném cho những cái nhìn “lạ lùng”. Có chị bán bánh thấy tội nghiệp cho tôi, nên chị nói một câu nhớ đời “Ở đây đâu có ai đọc báo đâu mà chưng tìm mua báo”.
Anh tài xế của tôi mê radio. Đi đâu, anh ta cũng rà đài radio để nghe. Nhưng cái đam mê của anh là nỗi đau khổ của tôi. Không phải cái giọng Bắc kì lải nhải của người xướng ngôn viên, mà là nội dung của các chương trình làm cho tôi phát điên lên. Phần lớn những chương trình mang tính tuyên truyền, nói nhiều về những ‘năng suất”, “sản lượng”, “thành quả”, “chỉ tiêu”, v.v… tức là những danh từ tôi đã nghe nhàm tai từ thời bao cấp. Không có những chương trình về bàn luận chính trị. Không có những thông tin về tham nhũng đã và đang làm xoáy mòn lòng tin của người dân. Không có những tranh luận và phản biện. Chỉ là thông tin một chiều. Bây giờ nghe lại làm mình có cảm giác dejà vu. Cái gì ngoài xã hội thì đổi mới, chứ riêng cái phần phát thanh radio thì chẳng có gì đổi mới cả, mà y chang như thời bao cấp.
Có những chương trình mà tôi nghĩ không phải dành cho người dân. Thật vậy, có những chương trình rặt màu sắc tuyên truyền như Công an, An ninh, Bảo vệ tổ quốc, Dân tộc, v.v… mà xướng ngôn viên nói “Mời các đồng chí và các bạn cùng nghe”. Chú ý người ta nói “đồng chí” trước rồi mới tới “các bạn”. Nói cách khác, đó là những chương trình không phải dành cho đa số người dân, mà là dành cho cán bộ công chức nhà nước. Tôi tự hỏi tại sao không có một radio riêng dành cho các thành phần này mà lại nhập nhằng trong hệ thống radio quốc gia như thế? Nói cách khác, radio cung cấp những thông tin mà người dân chẳng quan tâm, và những gì người dân quan tâm thì radio tránh né không dám cung cấp.
Chương trình tivi: đầy phim truyện Hàn quốc
Chương trình ti-vi ở Việt Nam có thể mô tả bằng một cụm từ: số lượng thì nhiều mà chất lượng thì nghèo. Truyền hình qui mô toàn quốc thì có hệ thống kênh VTV, và ở mỗi cấp thành phố và tỉnh cũng có một đài truyền hình riêng. Tuy con số đài truyền hình ở nước ta nhiều và đó là một tín hiệu tích cực, đáng mừng, nhưng thời lượng phát sóng còn quá hạn chế. Không có đài nào có chương trình phát sóng 24 giờ mỗi ngày. Các đài địa phương cấp tỉnh và thành phố thì còn hạn chế hơn, đó là chưa tính đến những chồng chéo, lặp đi lặp lại về mặt nội dung.

Nội dung chương trình tivi không mấy phong phú. Xin đơn cử phần tin tức trước. Theo tôi thấy, cách thức trình bày và nội dung tin tức trên các đài truyền hình Việt Nam vẫn chưa có gì thay đổi đáng kể so với thời bao cấp. Có lẽ không dưới 25% các bản tin là những thông tin xoay quanh các lãnh đạo đi thăm vùng này, ghé địa phương kia, nhà máy nọ, v.v… Các vị lãnh đạo vẫn phát biểu những câu nói chung chung, khẩu hiệu tính, vô thưởng vô phạt, trừu tượng, xa rời mối quan tâm của quần chúng; vẫn tươi cười một cách gượng gạo cho ống kính. Phần còn lại là những tin tức về thành tích sản xuất của các nhà máy, lượng xuất khẩu, nói chung là các thông tin liên quan đến hoạt động kinh tế của quốc gia hay của địa phương. Xem qua những cách đưa tin này, tôi có cảm giác nhiều (không phải tất cả -- xin nhấn mạnh) kí giả Việt Nam đã trở thành những công chức thống kê. Họ đọc vanh vách những con số về sản lượng công nông nghiệp chính xác đến 0,0001, những con số phần trăm chính xác đến hai con số thập phân! Tất nhiên, đối với một người thường dân như người viết bài này thì những con số đó hoàn toàn vô nghĩa, nó chỉ là những con số trang trí làm mất thì giờ người nghe.

Ngược lại với những chính xác về con số, rất ít, nếu không muốn nói là chẳng có, những tin tức liên quan đến các vấn đề tiêu cực mà xã hội đang bức xúc như tham nhũng, tình trạng lạm quyền thế của vài cán bộ địa phương, tai nạn giao thông, tình hình y tế, v.v… Có thể nói các bản tin tức chỉ tô vẽ một mặt tích cực mà lờ đi những khía cạnh tiêu cực của tình hình chính trị - kinh tế. Nếu hiểu truyền thông có chức năng phản ánh quan tâm của quần chúng thì có thể nói rằng các đài truyền hình ở Việt Nam chưa làm tròn chức năng của mình.

Thực ra thì những tin tiêu cực này vẫn xuất hiện hàng ngày trên hầu như bất cứ tờ báo nào. Các báo hấp dẫn (có nghĩa là phản ánh được một phần những quan tâm của người dân) vẫn là Tuổi trẻ, Thanh niên, Người lao động, Lao động, và mới đây là Phụ nữ. Tôi có cảm giác rằng những bản tin tiêu cực, nếu có lưu hành, chỉ được lưu hành trong số những người biết chữ (có điều kiện mua và đọc báo) mà thôi, chứ không được lưu hành rộng rãi hơn qua các kênh truyền hình.

Thỉnh thoảng cũng có vài bài phóng sự ngắn, nhưng nội dung rất nghèo nàn, không có đầu mà cũng chẳng có đuôi, rất ngộ nghĩnh. Nó y như là người kể chuyện dở, kể không hết câu chuyện, ngắt ngang vấn đề, thiếu tình tiết và bối cảnh. Hệ quả là người xem chẳng hiểu câu chuyện ra sao và được giải quyết như thế nào.

Tin tức thế giới ở Việt Nam phần lớn được chuyển qua bởi hệ thống CNN, mà người đọc tin nói là “hệ thống vệ tinh”. Tuy nhiên, mỗi bản tin đều có logo của hãng CNN, nên nguồn gốc của nó không thể nảo chối cãi được. Tôi để ý thấy tivi chỉ loan toàn những tin có liên quan đến các nước hay khu vực có quan hệ mật thiết với Việt Nam, nhưng các bản tin đều không được trình bày một cách đầy đủ như bản tin gốc, mà chỉ trích dịch một số đoạn có lợi cho nhà nước Việt Nam. Thật ra thì điều này cũng có thể hiểu được, vì các kênh truyền hình đều do nhà nước quản lí và là cơ quan tuyên truyền của nhà nước, của Đảng, cho nên họ có xu hướng đưa những bản tin mang tính tuyên truyền, hơn là những bản tin mà quần chúng quan tâm.

Tuy nhiên, tôi thích chương trình phản ánh của khán giả qua đường điện thoại. Đây là chương trình rất ngắn (chỉ kéo dài khoảng 10 phút) mà khán giả có thể gọi điện thoại báo cho đài biết về những tai nạn giao thông, những biến cố trong làng xã, những điều phi lí trong xã hội, đại khái là những chuyện cần đến sự can thiệp của các cơ quan chính quyền địa phương như ủy ban nhân dân, công an, bưu điện, v.v... Thế nhưng cũng chính qua các phản ánh này mới bọc lộ một xu hướng thụ động của các cơ quan chức năng địa phương. Rất nhiều, có thể hơn 50% các phản ánh của người dân mà đài truyền hình luôn có câu “Đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết và trả lời dân” hay “Đề nghị các đồng chí […] trả lời ngay cho dân”, nhưng chẳng có ai trả lời và chẳng có cơ quan nào giải quyết! Cũng có thể các “quan chức năng” không xem tivi, hay không thèm làm, hay … xem thường dân chúng.

Trong khi tin tức nghèo nàn thì các chương trình games (trò chơi) tràn đầy thời lượng truyền hình. Theo báo chí làm thống kê, có ít nhất là 25 chương trình games trên các kênh truyền hình. Ngoài các chương trình nổi tiếng và phổ biến như Đường lên đỉnh Olympia, Trò chơi âm nhạc, Vui để học, Chiếc nón kì diệu … còn có hàng loạt trò chơi mới như Ai là triệu phú, Rồng vàng, Cuộc sống số, Chung sức, Đố vui để học, v.v… Phần lớn chương trình games hoặc mô phỏng, hoặc mua từ nước ngoài, mà mục tiêu chủ yếu là quảng cáo sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, như bột giặt, sữa, nước suối, cà phê, đồ điện tử, v.v… Điều đáng nói là những quảng cáo của họ rất lộ liễu, chứ không tinh vi như các game shows ở ngoại quốc. Chẳng hạn như chương trình games quảng cáo bột giặt, người ta trưng một hộp bột giặt to đùng trên sân khấu, nó còn to hơn bất cứ vật dụng nào trên sân khấu, đập vào mắt của người xem một cách đầy ấn tượng mà … khó chịu.

Một điểm nổi bật trong các chương trình truyền hình ở Việt Nam ngày nay là các phim truyện Hàn quốc. Thời lượng dành cho các phim truyện Hàn quốc còn nhiều hơn cả (có thể là nhiều nhất) các chương trình games. Có thể nói ở Việt Nam đang có một con sốt phim Hàn quốc, chứ không phải cơn sốt dịch cúm gà. Phần lớn là những cuốn phim loại tình cảm xã hội, thể hiện sinh hoạt xã hội và văn hóa của Hàn quốc hơn là của Việt Nam. Những cuốn phim này không chỉ được trình chiếu qua các kênh VTV, mà còn trên tất cả các kênh tivi tỉnh thành khắp nước. Có thể nói bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, mở tivi lên và nếu chịu khó chuyển đài thì thế nào cũng thấy một phim Hàn Quốc hay Trung Quốc đang trình chiếu!

Tôi thấy đó là những bộ phim nghèo nàn về nghệ thuật tính, đơn sơ trong dàn dựng, và phần lớn là gượng ép trong diễn tuồng. Thú thật, tôi chẳng thấy một cái nghệ thuật tính gì, chẳng thấy một khía cạnh xuất sắc nào trong các bộ phim này. Đó là những bộ phim với một câu chuyện kéo dài hết ngày này sang tháng khác, câu khách một cách khá rẻ tiền. Tôi có cảm giác đó là một sản phẩm văn hóa rẻ tiền, một loại phó sản văn hóa của nước ngoài. Ấy thế mà nó làm say mê rất nhiều khán giả, kể cả khán giả cao tuổi.

Do đó, ảnh hưởng của những cuốn phim này trong xã hội, và đặc biệt là trong giới thanh niên, không nhỏ chút nào. Nhiều người Việt Nam ngày nay có thể kể vanh vách tên những tài tử và tình tiết câu chuyện y như những người mê truyện chưởng Kim Dung thởi trước 75! Cứ nhìn qua cách ăn mặc, ăn nói, cư xử, v.v… của thanh niên ngày nay thì rõ: họ bắt chước theo phim. Tóc tai nhuộm màu nâu, màu vàng; quần áo hoa hòe ống loa, ống chật; ăn nói kèm theo những ngôn từ ngoại lai như “thiện tai” nghe rất ư là chướng tai và nhìn rất ư là gai mắt. Có em không phân biệt được ai là diễn viên người Việt và ai là diễn viên Hàn Quốc! Thật là một sự xâm lăng văn hóa ghê gớm!

Tình trạng phổ biến của phim Hàn quốc ở Việt Nam đặt ra nhiều câu hỏi và thách thức cho nền kịch nghệ và điện ảnh Việt Nam. Có người giải thích rằng vì các đài truyền hình Việt Nam không có đầy đủ ngân sách để trình chiếu các phim ảnh của Mĩ hay Âu châu, trong khi đó Hàn quốc và Trung quốc sẵn sàng cho chúng ta những tập phim truyện miễn phí thì tội gì chúng ta không nhận. Miễn phí bây giờ, nhưng có lẽ chúng ta phải trả cái giá văn hóa sau này.

Những con đường quanh co
Quê nội tôi ở Tuy Phước, còn quê ngoại thì ở Phù Mỹ. Năm 2006, sau hơn 60 năm biệt tin, gia đình tôi đã bắt được liên lạc với bà con bên ngoại. Do đó, trong chuyến đi này tôi háo hức được về thăm quê nội và ngoại.

Ngày 26/12 tôi đáp máy bay ra Quy Nhơn. Từ Sài Gòn đến sân bay Phù Cát chỉ 55 phút bằng máy bay Airbus. Phi trường Phù Cát là một trong những phi trường quân sự do Mĩ xây từ thời thập niên 1960s. Cho đến sau ngày giải phóng, Nhà nước chẳng sửa đổi gì đáng kể, thế mà sau hơn 40 năm chất lượng đường băng vẫn tuyệt vời. Thật ra, chẳng riêng gì Phú Cát, phần lớn những phi trường ở miền Nam đều do người Mĩ để lại và chúng ta chỉ có việc tu sửa (thật ra, chẳng tu sửa gì thì đúng hơn) và sử dụng tiếp. Nhà ga phi trường Phù Cát chẳng khác gì một trạm xe đò nhỏ, và cũng như nhiều nhà ga khác, sự nhếch nhác và hỗn độn là một đặc điểm không thể thiếu được ở đây!

Từ trên máy bay nhìn xuống, tôi thấy Bình Định ngập chìm trong nước. Thật vậy, mới xuống máy bay, gặp anh B (người con của cậu Ba, vai anh tôi) vỗ vai nói chào mừng đến với … cơn mưa hạ. Anh vui vẻ nói, chẳng hiểu sao trời tháng 12 lại mưa, chắc tại tôi ghé Bình Định. Thật ra, suốt 4 ngày tôi ở Bình Định, trời mưa sụt sùi, chẳng đi đâu nhiều. Nhiều dự tính đành phải hoản lại vì “gió mưa là bệnh của trời” thôi.

Ngày đầu tiên về thăm quê ngoại tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Thứ nhất là chuyện nhà cửa và làng xã ở đây. Nhà cậu tôi ở thôn Bình Trị, xã Mĩ Quang, Huyện Phù Mĩ. Nhà cửa ở đây thường nhỏ và thấp, nhưng có lẽ do bão lụt thường xuyên nên nhà được xây kiên cố hơn nhà cửa trong Nam. Nhà được xây chẳng theo một thứ tự hay qui hoạch nào cả; ai có một mảnh đất thì tự do xây nhà hướng chiều nào tùy ý mình! Do đó, nhìn từ xa, mỗi thôn ở đây trông rất mất trật tự và hỗn độn. Cách xây nhà kiểu này làm cho nhiều hàng xóm phải đau khổ vì mùi xú uế. Chẳng hạn như nhà cậu tôi, mặt tiền xoay về hướng chuồng bò của người hàng xóm, và vì thế phải hứng chịu mùi thối từ chuồng bò này! Chẳng ai phàn nàn, chẳng ai than van. Người dân ở đây chịu đựng giỏi thật.

Thứ hai là đường xá. Khác với những làng quê Nam bộ thường hình thành ven sông hay ven lộ, các làng quê miền Trung thì tập trung thành từng cụm hay thôn, rất ít sông nước. Mỗi thôn chỉ có vài chục hay cao lắm là một trăm căn hộ. Đường vào thôn thì hẹp (bề ngang chỉ có 3 m gì đó) mà lại quanh co ngoằn ngoèo trông rất phức tạp một cách không cần thiết. Đi lòng vòng một hồi tưởng như xa, nhưng kì thực chỉ vài trăm mét! Những con bò thong dong tha hồ thải phân ngay trên đường vào thôn mà chẳng thấy ai phàn nàn. Ngày tôi đến vì trời mưa nên con đường vào thông ngập nước cộng với phân bò, nên tôi phải rất vất vả để đi vào nhà.

Cầu Nhơn Hội
Có lẽ không ngoa khi cho rằng cầu Nhơn Hội là một niềm tự hào của Bình Định - Qui Nhơn. Cây cầu này “ngốn” ngân sách Nhà nước đến 500 tỉ đồng. Cầu dài khoảng 2.5 km, nhìn từ xa thì rất ấn tượng và vóc dáng có thể nói là "coi được". Nhưng hình ảnh lúc nào cũng có khả năng … lừa dối. Thật vậy, nếu đã đi trên cầu một lần, ai cũng có thể thấy cầu chẳng những không đẹp mà chất lượng cũng chưa cao. Đường lên cầu được xây với chất lượng rất kém nên đi xe rất gập ghềnh. Đường trên cầu thì chấp nối không được tốt, đi xe cứ cúp cùm cụp liên miên. Cầu cũng chẳng có một nét mĩ thuật nào đáng chú ý, và cũng giống như bao cây cầu khác do Việt Nam xây và thiết kế theo kiểu Liên Xô cũ, rất đơn điệu, rất cục mịch, cứ như là một khối xi măng. Thật ra, tôi thấy 99% các cây cầu do Liên Xô hay Việt Nam (sau 1975) xây đều chẳng có vẻ đẹp mĩ thuật nào cả.

Cây cầu bắt ngang eo biển, nối phần đất liền của thành phố Qui Nhơn với hòn đảo Nhơn Hội. Cầu được hoàn tất và khánh thành vào tháng 12/ 2006, tức mới 2 năm đây thôi. Giới chính quyền hi vọng răng cây cầu sẽ là đòn bãy kích thích phát triển kinh tế cho Bình Định. Nhưng nhìn qua thực tế, tôi e rằng giấc mộng đó không -- hay ít ra là chưa -- thành hiện thực. Hiện nay, phía bên đảo chỉ mới lô nhô vài dự án xây dựng như khu vui chơi giải trí, khu nghỉ mát, khu buôn bán xe, chứ chưa thấy những công trìng mang tính sản xuất hay công nghiệp. Không ngạc nhiê khi thấy lưu lượng xe qua lại trên cầu vẫn còn rất khiêm tốn.

Bắt chước
Tôi có một nhận xét ngộ nghĩnh -- chẳng biết có đúng không -- đó là: xã hội Việt Nam như là một xã hội bắt chước. Cái gì cũng bắt chước, từ đồng phục, báo chí, thương mại, khoa học, âm nhạc, v.v… đều bắt chước.

Cái đập vào mắt tôi đầu tiên khi đến phi trường là đồng phục của nhân viên hải quan sao mà giống Trung Quốc quá. Thật ra, nhìn kĩ thì ai cũng thấy đồng phục công an Việt Nam bắt chước đồng phục của công an Trung Quốc. Bắt chước cả những phù hiệu và lon hàm đeo trên áo!

Tên của báo Nhân dân thì bắt chước báo Nhân dân bên Trung Quốc. Tên nhà xuất bản Sự Thật cũng bắt chước từ Liên Xô cũ. Viết đến đây làm tôi nhớ đến loạt bài về thói hư tật xấu của người Việt do Vương Trí Nhàn sưu tầm. Trong đó có một đoạn viết như sau:

Trong bài tường thuật trên Phong Hóa số ra 30-11-1934,người đứng đầu văn đoàn Tự Lực (Nhất Linh) viết: ‘Mấy gian hàng Hải Dương Nam Định vẫn như mọi năm không có gì tiến bộ.Thăm gian hàng Trung Kỳ, người ta cảm thấy như sống lùi lại mười năm trước bởi chỉ có ít đồ gỗ nét chạm non nớt.Đồ đồng của ta có lẽ nghìn vạn năm nữa không thay đổi. Từ cái thau cái mâm cho đến cái đỉnh thứ nào cũng nguyên như cũ, hình như đổi mới nó đi là một cái tội vậy. Đồ sứ Bát Tràng men trông cũng khéo, chỉ tiếc rằng kiểu không đẹp. Phần nhiều là bắt chước Tàu.’.”

Còn doanh nghiệp nào buôn bán được thì có hàng loạt doanh nghiệp khác mô phỏng, bắt chước theo, thậm chí bắt chước luôn cả cách đặt tên. Thấy hãng Taxi Mai Linh và Vinasun làm ăn khấm khá và thế là một loạt hãng taxi na ná như hai hãng kia ra đời, với màu xanh lá cây, chữ trắng. Kiểu bắt chước này làm cho bao lăm người bị nhầm và bị các hãng này tận tình “chém” đẹp!

Cần nói thêm rằng cái thói quen bắt chước này chẳng những ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Thấy trung tâm Thúy Nga có chương trình “Paris by Night” (một cái tên khá vô duyên) và thế là hàng loạt công ti khác cũng cho ra đời các show nhạc với cái tên “by Night”!

Bắt chước là một trong những hình thức học. Người Nhật nổi tiếng bắt chước, nhưng họ sáng tạo thêm từ những bắt chước. Còn người Việt hình như chỉ bắt chước rồi dừng ở mô hình người ta chứ không (hay ít) sáng tạo ra cái mới. Do đó, thói quen bắt chước ở nước ta thể hiện sự lười biếng tri thức và lười biếng suy nghĩ. Một dân tộc mà chỉ tối ngày bắt chước người khác và chẳng sáng tạo ra cái gì mới thì thật là khó mà tiến xa được.

Tên đường
Đặt tên đường thì cũng bắt chước cách đặt tên đường của các nước Liên Xô và Trung Quốc. Những con đường mang “tên” như 3/2, Thanh Niên, Giải Phóng, v.v… chẳng biết có ý nghĩa gì, nhưng nghe qua thì đúng là vừa xa lạ vừa lạc lỏng. Nói đến tên đường làm tôi nhớ những con đường bị đổi bằng những tên rất lạ như Nguyễn Thị Nghĩa, Lê Thị Riêng, Huỳnh Văn Bánh, Đoàn Văn Bơ, v.v...

Việc lấy tên các danh nhân để đặt tên đường hay địa danh là chuyện thường ở bất cứ nước nào. Nhưng thế nào là “danh nhân” thì khó mà định nghĩa, và càng khó đánh giá công trạng của các danh nhân, nhất là các nhân vật đương thời hay lai lịch chưa rõ ràng. Chúng ta từng nghe qua thị trấn Trần Văn Thời thuộc huyện Trần Văn Thời (tỉnh Minh Hải), và ngạc nhiên không biết ông là ai mà có vinh dự có tên cho một thị trấn và luôn cả huyện. Nhưng tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết quanh xã mình ngày nay có những địa danh mang tên Nguyễn Văn Rổ, Trần Quyết Chiến, Đặng Thị Lựu, v.v… Hỏi nhiều người lớn tuổi trong làng thì chẳng có ai biết mấy danh nhân này, chẳng ai biết thân thế và công trạng của họ ra sao, hay cống hiến của họ đến sự phát triển của địa phương như thế nào. Mà chính quyền địa phương hình như cũng chẳng có giải thích gì.

Nói đến tên đường người ta thường hay liên tưởng đến một nhân vật nổi tiếng. Đó là điều đương nhiên. Người càng nổi tiếng, có công trạng càng lớn, thì con đường mang tên cũng càng to và đặt ở những trục chính. Nhưng cái logic đó không vận dụng cho Sài Gòn. Ngày nay, những con đường to nhất và đẹp nhất của thành phố “thuộc” về các nhân vật cách mạng gần đây như Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thụ, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, v.v… Trong khi đó những nhân vật lịch sử có công dựng nước và giữ nước hay nhà văn hóa mà lịch sử không chất vấn như Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông, Trần Quốc Toản, Trần Nguyên Hãn, Lê Lợi, Yên Đổ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, v.v… thì chỉ được “ở” các con đường nhỏ hơn, thậm chí phải nhường cho các vị cách mạng! Tuy nhiên, những danh nhân lịch sử như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo và Nguyễn Huệ còn may mắn được vinh dự “ở” những con đường chính của thành phố.

Ở Thành phố Đà Nẵng, những con đường dài nhất mang tên các nhân vật (đã qua đời) từng phục vụ trong chính quyền cách mạng như Nguyễn Lương Bằng (dài 6350 m), Trường Chinh (5500 m), Nguyễn Văn Cừ (2800 m), Tôn Đức Thắng (3800 m), hay rộng nhất như đường Phạm Văn Đồng (rộng 56 m), còn các danh nhân lịch sử khác thì cực kì khiêm tốn, như con đường mang tên Nguyễn Trường Tộ hẹp nhất (chỉ 2,4 m bề ngang) và ngắn nhất là đường Lê Văn Duyệt (chỉ 80 m).

Ngoài ra, Sài Gòn còn có những con đường với những tên rất lạ như Hồ Hảo Hớn, Đoàn Văn Bơ, Trần Cung, Phan Đăng Lưu, Lê Văn Lương, Lê Thị Riêng, Ngô Gia Tự, (và còn nhiều nữa). Bạn đọc có thể tha thứ nếu không biết các nhân vật này là ai và có công trạng gì, bởi vì chính người dân Sài Gòn cũng chẳng biết họ là ai! Hay như một con đường khang trang và một công viên mang tên Lê Văn Tám, mà nay chúng ta biết là một nhân vận không có thật!

Sài Gòn đã trải qua nhiều đợt đổi tên đường. Đổi đi và đổi lại. Đường Pasteur được đổi thành đường gì đó mới, và mới đây lại đổi trở lại thành đường Pasteur! Nghe nói đây là kết quả vận động và làm áp lực của chính phủ Pháp với Việt Nam. Họ đặt một trong những điều kiện để họ viện trợ cho viện Pasteur là phục hồi lại tên con đường này. Chẳng biết hư thực ra sao, nhưng nếu thật thì ông Pasteur còn may mắn vì được chính phủ của xứ ông quan tâm, chứ các cụ như Phan Thanh Giản, Hàm Nghi, Lê Văn Duyệt, Bà Huyện Thanh Quan, Trần Quốc Toản, v.v… thì chả ai bênh vực, chả ai làm áp lực nên có cụ đã mất chỗ đứng.

Tôi thiết tưởng việc đặt tên cho một làng, ấp, hay một con đường cần phải nghiên cứu thận trọng, phải có sự tham gia thảo luận và đồng thuận của người dân địa phương. Việc đặt tên phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng lịch sử - văn hóa địa phương. Thật vậy, nghị định về đặt tên đường và địa danh của Nhà nước nói rõ khái niệm danh nhân là “những nhân vật kiệt xuất, rất nổi tiếng, có những đóng góp to lớn, xuất sắc trong một hoặc nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, khoa học, có tác dụng thúc đẩy và tạo nên những chuyển biến lớn trong từng giai đoạn của lịch sử Việt Nam nhằm đưa xã hội tiến lên, đất nước phát triển, có đạo đức cao đẹp, được lịch sử và nhân dân công nhận, là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.”

Đó là trên mặt giấy tờ, lí thuyết, nghe rất “êm tai” và có tình có lí, song trên mặt thực tế như tôi trình bày trên thì có khi nhà nước đã đi ngược lại nguyên tắc. Tôi nghĩ ngay cả các nhân vật đang “chiếm lĩnh” những con đường rộng lớn ở TPHCM, nếu còn sống, chắc cũng không dám so mình với tiền nhân. Theo tôi biết những lần thay đổi tên đường đều không có sự tham gia thảo luận của người dân địa phương, chứ nói gì đến đồng thuận của dân. Thiết tưởng một việc làm hấp tấp như thế chẳng những phản dân chủ, áp đặt, mà còn mang tính ngạo mạn với tiền nhân, ngạo mạn với lịch sử.

Vài hàng kết
Trên đây là những ghi chép nhanh và nhận xét của tôi về những vấn đề tôi quan tâm trong chuyến đi 3 tuần về quê vừa qua. Ba tuần là một thời gian rất ngắn; do đó, những gì tôi thấy chỉ là những bức ảnh xã hội “thiết diện”, những cái nhìn trong một lúc, có khi chỉ trong một khoảnh khắc, chứ chắc chắn không phản ánh một xu hướng về lâu về dài. Người ta thường nói không ai có thể bước vào một dòng sông hai lần. Mọi sự việc đều thay đổi theo thời gian, không có cái gì là vĩnh viễn trên đời này. Những hình ảnh tôi “chụp” được chỉ phản ánh trong một thời điểm cụ thể chứ không phải là một hình ảnh lâu dài. Thực vậy, Việt Nam đang đổi thay, và đổi thay rất nhanh. Chỉ một tuần lái xe Honda đi từ làng quê ra thị xã và từ thị xã về quê, tôi cũng đã thấy nhiều thay đổi trên đường xá. Có nhiều thay đổi mang tính tích cực, nhưng cũng có một số thay đổi làm sự tiêu cực trong xã hội có mầm móng phát triển. Và những thay đổi này làm cho nhiều người có nhiều cái nhìn khác nhau.

Một số người ăn nên làm ra thì xem đó là những đặc điểm tất yếu trong quá trình đất nước đang phát triển và hội nhập quốc tế. Kinh tế càng phát triển thì khoảng cách giữa giàu và nghèo càng gia tăng, một cái đau xã hội không thể tránh khỏi. Nước Việt Nam phải có những người giàu hay cực giàu, phải có những tập đoàn lớn có khả năng cạnh tranh với các tập đoàn quốc tế. Sự ra đời của những người giàu và tập đoàn lúc nào cũng đi kèm với những hi sinh to tát của người nghèo. Chỉ mong rằng một khi đất nước giàu lên, Nhà nước đừng quên người nghèo, và phải tìm cách nâng đỡ họ. Nói cho công bằng, Nhà nước này chưa quên người nghèo, bởi vì tôi thấy bệnh viện, trường học, và các cơ sở Nhà nước vẫn có chính sách ưu tiên cho người nghèo, và đó là một điểm son không thể nào chối cãi.

Còn một số người hành nghề chống phá Việt Nam thì thích dựa vào tình trạng tiêu cực để ra sức tô vẽ, phóng đại một xã hội Việt Nam rất tồi về mọi mặt, để cho họ có cái cớ tiếp tục tự đánh lừa họ và tự họ nhồi sọ. Họ sẽ tự mình đào thải khỏi bánh xe phát triển ở Việt Nam.

Chuyến đi nào cũng làm cho tôi trăn trở, và chuyến đi này cũng thế. Khi đáp máy bay từ Việt Nam đi về Sydney qua ngã Hồng Kông, tôi như đi từ một thế giới hỗn độn, bề bộn, nhếch nhác sang một thế giới trật tự, gọn gàng, chỉnh chu. Tôi lúc nào cũng hỏi tại sao người ta cũng là dân Á châu mà chỉ trong vòng mấy chục năm đã xây dựng được một hòn đảo thịnh vượng như thế, còn ta lúc nào cũng oang oang nói “bốn nghìn năm văn hiến” mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Chẳng những nghèo mà còn rất nghèo vào hạng tận cùng trên thế giới. Đành rằng có thể đổ lỗi cho chiến tranh, cho cấm vận, cho “mưu mô” của bọn đế quốc, vân vân và vân vân, nhưng tại sao không tự nhìn thằng vào chính mình, tại sao không nói đến những sai lầm, những kiểu làm duy ý chí một cách mông muội trong thời gian qua, tại sao không dám nói chính cái văn hóa làng xã và ích kỉ của người Việt làm cho chúng ta chậm phát triển. Chính chúng ta chứ chẳng ai khác mới là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngày nay.

Tại sao Hàn Quốc cùng xuất phát một điểm với một số nước Nam Mĩ mà sau này Hàn Quốc phát triển hơn? Tại sao Mễ Tây Cơ nằm ngay bên cạnh Mĩ nhưng mãi mãi là một nước nghèo, còn Canada thì phát triển tột bực? Cái yếu tố quyết định và cũng là câu trả lời là văn hóa. Thế kỉ 21 là thế kỉ của văn hóa. Trong tương lai các quốc gia trên thế giới sẽ qui tụ với nhau thành nhiều nhóm dựa trên văn hóa và tôn giáo, nhưng không dựa trên ý thức hệ (như Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Tư bản trong thời gian qua). Trong thế kỉ 21, người ta sẽ hỏi “Anh là ai" thay vì thay vì “Anh thuộc phe nào” trong thời chiến tranh lạnh. Tức là một sự chuyển biến về suy nghĩ từ phe phái sang diện mạo. Câu trả lời trước tiên là dựa vào văn hóa, vì văn hóa gắn liền với con người trong thế giới hiện đại.

Cái văn hóa tính trong phát triển nó có khi nằm trong hai chữ mà ở Việt Nam người ta hay nói đến: tâm và tầm. Tôi có cơ duyên được nói chuyện và bàn thảo với nhiều người có chức quyền trong nước, và tôi đã đi đến một nhận xét rằng nhiều người lãnh đạo ngày nay chẳng có cái tầm mà còn thiếu cái tâm. Nhiều người lãnh đạo chỉ là những nhà quản lí, chứ không phải nhà chiến lược; có bộ trưởng mà tôi thấy loay hoay với vai trò giám thị chứ không phải chuyện quốc sách an dân. Nhưng đáng ngại hơn hết là một số người lãnh đạo không tỏ ra có cái tâm. Những chuyện tôi nêu lên (như chuyện con đường về ĐBSCL chẳng hạn) cho thấy lãnh đạo thiếu cái tâm. Viết đến đây chợt nhớ Khổng Tử ngày xưa từng đặt ra 5 nguyên tắc cho một chính quyền nhái ân:

(1) làm lợi ích cho dân, không lãng phí tài nguyên xứ sở;
(2) khuyến khích dân chúng làm việc, không gây xáo trộn, ta thán;
(3) làm cho dân chúng an hưởng đời sống hàng ngày nhưng không tham lam;
(4) khuyến khích dân chúng giữ gìn phong độ, giá trị con người, nhưng không hời hợt và kiêu ngạo; và
(5) un đúc tinh thần kính trọng nhưng không làm cho dân chúng sợ hãi.

Đối chiếu với những chuẩn mực đó làm tôi rùng mình nhớ đến câu Kiều: “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”.

NVT

Xem thêm; Trị liệu bằng tế bào gốc: triển vọng và quan tâm
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét