Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ

Sáng nay đọc báo thấy một tin buồn: nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ qua đời. Tên tuổi của ông gắn liền với một ca khúc mà tôi thích từ lúc còn nhỏ “Bông hồng cài áo”. Thật ra, đó là ca khúc ông phổ thơ của Thầy Nhất Hạnh.

Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời !
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy

Là bớt khổ đi rồi...
Hoàng hôn phủ trên mộ

Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.
Cái hay của Phạm Thế Mỹ là biến hóa bài thơ đó thành một ca khúc rất hay mà chúng ta còn nhớ đến ngày hôm nay. Tôi thích nhất đoạn “Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi / Như đóa hoa không mặt trời / Như trẻ thơ không nụ cười / ngỡ đời mình không lớn khôn thêm Như bầu trời thiếu ánh sao đêm”. Tôi nghĩ phải là người từng kinh qua nỗi buồn mất mẹ (như tôi đây) mới thấm thía câu này. Bây giờ mỗi lần về thăm nhà, tôi thấy trống vắng làm sao, thấy mình mồ côi, nhưng thiếu “ánh sao đêm”.

Một bông Hồng cho em
Một bông Hồng cho anh
Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn
Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm
Mẹ, Mẹ là giòng suối dịu hiền
Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên
Là bóng mát trên cao
Là mắt sáng trăng sao
Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối
Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào Mẹ,
Mẹ là nải chuối buồng cau
Là tiếng dế đêm thâu
Là nắng ấm nương dâu
Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời
Rồi một chiều nào đó anh về nhìn Mẹ yêu,
nhìn thật lâu Rồi nói, nói với Mẹ rằng "Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không ?"
-Biết gì ? "Biết là, biết là con thương Mẹ không ?"
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh
Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em
Thì xin anh, thì xin em Hãy cùng tôi vui sướng đi

Đương nhiên, ca khúc nổi tiếng đó không phải là sáng tác duy nhất tạo nên tên tuổi ông, mà còn nhiều ca khúc khác nữa. Trong những bài “khác” đó là “Thương quá Việt Nam”, một ca khúc tụi tôi hay nghêu ngao ca thời thời học trò. Ca khúc được viết theo thể nhạc vui nhộn mà tha thiết, với những ca từ thật hay. Khó mà tìm được một ca khúc nào ca ngợi quê hương mà không “sến” như ca khúc Thương quá Việt Nam này!

Đọc bản tin trên TT tôi mới biết ông còn “sáng tác một số ca khúc về Đảng, về chưng Hồ, về quê hương như: Nhớ ơn chưng, nhớ ơn Đảng (Giải nhì Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh), Thắm đượm duyên quê, Lêna Belicova …”.

Càng thú vị hơn khi biết ông quê quán ở An Nhơn (Bình Định) và chính là em của Nhà thơ Phạm Hổ. Hình như Bùi Ngọc Tấn (?) có một bài viết hay về Phạm Hổ. Người anh cả của Phạm Hổ và Phạm Thế Mỹ là nhà văn Phạm Văn Ký (người từng được giải thưởng lớn của Viện hàn lâm văn học Pháp). Tôi vừa đi Bình Định và có đi ngang qua An Nhơn, một nơi có rừng núi hùng vĩ, và … nghèo. Xứ sở tuy nghèo này nhưng sản sinh ra nhiều con người tài hoa với nhiều cống hiến nhiều cho văn học nghệ thuật.

Nhân dịp này làm tôi nhớ đến một bài viết của Trần Tuyết Hoa về nhạc sĩ PTM. Cũng xin bật mí rằng chị Hoa là phu nhân anh Nguyễn Hữu Thái hiện đã hồi hương về sống ở Việt Nam. Xin copy về đây để các bạn biết thêm về thân thế của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

NVT

===

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ- Linh hồn của những ca khúc, trường ca Phật giáo và Hoà bình, Dân tộc
Trần Tuyết Hoa

Sau mùa pháp nạn 1963, tên tuổi nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, một nhạc sĩ Phật tử bổng nỗi bật lên giữa rừng tân nhạc thời bấy giờ với đủ mọi khuynh hướng tư tưởng vô cùng phức tạp…Vậy mà dân Sài gòn hồi đó không sao quên được những tiếng hát thanh thóat quen thuộc gần như không thể thiếu :”Bóng mát”,”Bông hồng cài áo”,”Sớm mai chim hót”.v.v…cứ vang vang trên đài phát thanh Sài gòn,Huế,Đà nẵng, Đà Lạt, Nha trang…vào các mùa Vu Lan, Phật Đản,Phật thành đạo…hằng năm. Bên cạnh đó là những sinh họat văn nghệ của Đòan Văn nghệ Sinh viên Vạn Hạnh do nhạc sĩ giáo sư Phạm Thế Mỹ hướng dẫn ,tập dượt rất kỹ lưỡng ,nghiêm túc và trình độ để chào mừng những ngày lễ lớn của Phật giáo bằng những sáng tác của chính anh, mang nội dung Hòa bình, Đạo pháp và Dân tộc qua các trường ca để đời: “Lửa Thiêng”,”Con đường trước mặt”,”Thêm một lần hoa nở”…trên các sân khấu Thống nhất, Trần Hưng Đạo, Quốc Thanh, Thiền Viện Vạn Hạnh, Nha trang, Đà lạt….Tiếng hát của dàn hợp xướng gồm những diễn viên sinh viên nghiệp dư chúng tôi đã hòa cùng với chiêng trống Bát Nhã, tiếng chuông,tiếng mỏ đã dìu dắt tâm hồn người nghe trở về với nhạc điệu Phật giáo thật tuyệt vời và kỳ lạ! Phần nhạc kịch cũng độc đáo không kém với các nhạc cảnh “Sắc lụa Trữ La”,”Hòa bình ơi hãy đến”,”Thương quá Việt Nam”…Sau này còn có những “Trang sử mới”,”Trái tim Việt Nam”,”Tiếng hát dậy từ lòng đất”,”Những bài ca xanh”…Tất cả là giấc mơ của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ về một Việt Nam không còn chiến tranh,một Việt Nam Hòa bình với các em bé nông thôn nghèo đói không còn phải chạy bom,chạy đạn ngày đêm…Không còn lo sợ chết chóc ở tuổi phải được đến trường đi học, phải được vui chơi hạnh phúc tuổi thơ trên ruộng vườn, trong xóm làng Việt Nam.

Dư luận báo chí Sài Gòn cũ
Báo chí Sài gòn hồi đó có lệnh cấm,không ai được nói Hòa bình.Đến nỗi chị bạn thân thương Nhất Chi Mai của tôi phải tự thiêu để được nói lên ước nguyện Hòa bình cho Việt Nam!...vì “Sống mình không thể nói, chết mới được nên lời… Hòa bình là có tội,Hòa bình là Cọng sản”…( Thơ Nhất chi Mai). Vậy mà không hiểu sao cũng có vài bài báo đã viết chui,viết lách cách nào mà khắc họa lên được một Phạm Thế Mỹ yêu nước đến cuồng nhiệt, khao khát Hòa bình như điên với một trái tim Việt Nam sục sôi bất khuất…Có một họat cảnh mà báo chí còn chưa biết là họat cảnh “Lời nguyện pháp trường”,suýt bị cảnh sát hỏi thăm! Cho dù vào khỏang tháng 5/1966 tôi đã gặp anh trong tù của An ninh quân đội, anh cũng ngồi trong một cát- sô bên cạnh chúng tôi! Ra tù lại tiếp tục viết nhạc và sinh họat văn nghệ ở đại học Vạn Hạnh…Ý nhạc nghiêng về triết lý Phật giáo nhiều hơn.

Trong các tờ báo trước 1975, có bài đăng tiết mục phê bình thơ nhạc Phạm Thế Mỹ :

Xin trích báo Diễn Đàn 2. Tiết mục Văn học nghệ thuật:
Phạm Thế Mỹ là một thi sĩ và là tác giả của nhiều ca khúc rất đẹp…Trong đêm thứ Bảy,19/7/1969 Phạm Thế Mỹ và Đăng Lan đã trình bày những bài thơ và nhạc của anh trước một cử tọa chọn lọc tại thính đường Viện Đại học Vạn Hạnh.Cũng là một nhạc sĩ của tuổi trẻ và của khát vọng Hòa bình ,tuy không trở nên một hiện tượng thời thượng …Nhưng Phạm Thế Mỹ có những nét nhạc độc đáo…nhiều nét lạ và điêu luyện . Lời ca của Mỹ mang nhiều tranh đấu tính…Có lẽ đó cũng là lý do khiến thính giả của Mỹ chỉ là một nhóm chọn lọc…

Một bài báo khác, đã giới thiệu trong tiết mục “Sinh họat Tân nhạc trong tuần :”Bông hồng cài áo được sọan thành ca khúc”-“Tập tùy bút Bông hồng cài áo của Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh sau khi được giới cải lương biến thành kịch, bây giờ lại được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sọan thành ca khúc. Với tất cả cố gắng ,nhà nhạc sĩ quê quán ở sông Đà(Đà Nẵng đó!) đã tân nhạc hóa “Bông hồng cài áo” rất hay.Ngòai ra còn có cựu thiếu úy họa sĩ Hiếu Đệ trình bày bìa rất chi là “bay bướm và trang nhã” khiến cho “Bông hồng cài áo” xuất hiện trong thị trường Tân nhạc như một cô gái đẹp mặc áo dài xuất hiện giữa một rừng người mặc tòan Mini Jupe”.

Một bài báo khác, trong bức “Thư cho Vĩnh Điện”, nhạc sĩ P.D. đã ghi “…Phạm Thế Mỹ tổ chức được nhiều đêm hát và đọc thơ ở Sài gòn, Đà lạt, Nha trang rất hay, rất đáng phục! Vì trong lúc này và ở miền này, tổ chức được những đêm ca hát có hứng khởi thật là khó! Nhóm du ca CPS và một số phòng trà cũng muốn gây không khí văn nghẹ lắm nhưng hình như họ vẫn bị nằm trong khung cảnh snobisme (theo thời), thiếu người trung thực để gây phong trào . Hầu hết là háo danh hay háo tiền mà thôi! Anh yêu một số bài mới của Mỹ, thực thà mà nói, Mỹ vẫn chưa ra khỏi được những cái chung chung (lieux communs) tình tự dân tộc, hay hát với kháng giả. Nhưng với mấy bài như “Rao bán”, “Sài gòn vui không em”, “Tôi phải nói với anh điều này…”…vân vân…Mỹ đã thành công trong một lọai ca mới mà anh gọi là hiện thực (không phải theo quan niệm mác xit đâu), đại khái như những truyền thống Brassens của Pháp, Dylan của Hoa kỳ…”

Trích báo Tinh Hoa số 26, tác giả K.D. ghi:
“…Hơn 500 thính giả chọn lọc, lúc lịm đi,lịm đi vào giấc mơ của tuổi thơ không mẹ,lúc dào rạt tin yêu, lúc ầm ầm phẫn nộ như thác đổ trên ngàn ,để rồi tất cả đều tan biến đi nhường chỗ cho sự bao dung, độ lượng …120 phút trình diễn, kháng giả như đang được sống hòa bình trong không khí chiến tranh…Không than óan ,nức nở,tuyệt vọng,van xin…,Không ủy mị,khắc khỏai dày vò tâm thức như Tâm ca…Đầy tin yêu, phấn đấu(Bi,Trí,Dũng). Đó là sự thành công đêm Thơ Nhạc của Phạm Thế Mỹ và Đăng Lan.

Và cũng xin trích báo Tin Sáng số 368,năm 1970, một đọan trong tiết mục “Nhật ký của một nữ sinh viên “(đó là tôi,Trần Tuyết Hoa mà hồi đó viết, không dám để tên thật sau 2 lần ở tù vì đấu tranh sinh viên đòi Hòa bình:

…”Điệp khúc cuối cùng kết thúc trường ca “Con đường trước mặt” năm đó của hơn 100 sinh viên Vạn Hạnh “ đồng hát cho quê hương” dưới sự hướng dẫn của tác giả, người nhạc sĩ tài hoa nhưng rất nghèo,điệp khúc đó đã nói lên được điều ước mơ của chúng tôi, đã hé mở cho chúng tôi nhìn thấy một chân trời huyền thọai của quê hương mà bất cứ con tim Việt Nam nào dù đang run rẩy, hụp lặn trong khói lửa ở đây hay đang yên thân ở một chân trời xa lạ,bình thản nào cũng cùng nhau cảm thấy rộn ràng, hồi hộp, thấp thỏm chờ mong từng phút, từng giây…ngày Hòa bình trở về với Dân tộc…”

Tiểu sử và họat động sáng tác
Và bây giờ là cuộc nói chuyện của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ với báo Dân tiến Tân nhạc ngày 23/8/1967 về tiểu sử của mình:

-Tiểu sử : “…Phạm Thế Mỹ sinh năm 1932,tại Qui nhơn (Trung Việt),xứ sở của rừng dừa mà anh đã có lần nhắc đến trong nhạc phẩm “Những ngày xưa thái ân’:…”Uống nứơc dừa hay nứơc mắt quê hương”. Ra đời trong một gia đình có truyền thống về văn nghệ (em của nhà văn Phạm văn Ký, người được giải thưởng Văn chương Hàn lâm viện Pháp với cuốn “Perdre La demeure ) và nhà thơ Phạm Hổ). Phạm Thế Mỹ đã được sự dìu dắt của các anh dể phát triển tài năng của mình.Lúc nhỏ,anh học lý thuyết nhạc với sư huynh Yersin ở trường Gagelin (Quy nhơn). Sau đó,anh học hòa âm với ông Nguyễn Phụng và bà Nguyễn khắc Cung tại trường Quốc gia âm nhạc Sài gòn.Anh còn qua một thời kỳ dài để tự đọc, học thêm về hòa âm (Harmonie),đối âm (contrepoint), tòng âm(Fugue),sáng tác nhạc (Composition), kết nhạc pháp (Orchestration) (theo danh từ âm nhạc của Tống ngọc Hạp), của các tác giả Catel, Dupré, Dubois, Durand, Dureau,H.Berilioz, Norberi Dufourcq. Đặc biệt là Luận án Tiến sĩ nhạc học của Trần văn Khê ở Pháp,đã giúp rất nhiều khi anh sáng tác những nhạc phẩm mang màu sắc dân tộc nói riêng và Á đông nói chung.

Trước đây, anh là giáo sư âm nhạc tại các trường trung học Nguyễn Công Trứ, Tây Hồ, Bồ Đề,Kỷ thuật Đà nẵng .Hiện nay anh là Trưởng Phòng Văn nghệ Viện Đại học Vạn Hạnh và là giáo sư âm nhạc tại các trường Trung học Mạc Đỉnh Chi,Thanh niên phụng sự xã hội Sài gòn.

-Thời gian sáng tác : Phạm Thế Mỹ bắt đầu từ năm 14 tuổi.Lúc bấy giờ anh đã viết nhiều ca khúc nhỏ mặc dù chưa hiểu gì về luật “Cân phương” (Carrure) hay công dụng của những “Giai kết”(Cadences). Được sự ngợi khen và khuyến khích của nhũng người thân, anh càng gia công học hỏi thêm phần nhạc lý, sáng tác và nghiên cứu để tìm tòi những ưu điểm,những nét đặc sắc của các nhạc sĩ nổi tiếng đương thời như Đặng Thế Phong, Lưu Hữu Phước, Phạm Duy, Nguyễn Xuân Khóat, Nguyễn Mỹ Ca…

Từ năm 20 tuổi trở về sau, anh bắt đầu sáng tác một cách vững vàng và đều đặn hơn.Những nhạc phẩm của anh ,kể đến nay gồm có:

-Nhạc bản: Đáng kể nhất là các tác phẩm “ Ngỏ chiều”,”Nắng lên xóm nghèo”, Nhạc buồn đêm sao”,”Màu tím hoa sim”,”Những ngày xưa thái ân”,”Người yêu và con chim sâu nhỏ”,”Đưa em về quê hương” và 2 nhạc bản mới nhất :”Bông hồng cài áo”,” Bóng mát” (do nhà xuất bản Hát cho quê hương ấn hành).
-Vũ kịch: “Kim Trọng Thúy Kiều”(1962-66)
-Tiểu ca kịch :”Hoa bướm và thiếu nữ” (1960),”Nước mắt người yêu” (1961)
-Nhạc kịch : “Sắc lụa Trữ La”(1958-1960)

Trường ca : “Lửa thiêng “(1964),”Hàn giang dậy sóng(1960,”Con đường trứơc mặt”(1967)
Những Vũ kịch,Tiểu ca kịch, Nhạc kịch,cũng như Trường ca, …Trường ca “Con đường trước mặt “ mới sáng tác của Phạm Thế Mỹ đã được trình diễn trên Đài phát thanh Huế,trên các sân khấu miền Trung ,mới đây ở Sài gòn tại rạp Thống nhất ,Trần hưng Đạo.

-Khuynh hướng và quan niệm sáng tác:

Phạm Thế Mỹ chủ trương sáng tác không chạy theo thị hiếu quần chúng .Anh nghĩ rằng nhiệm vụ nhạc sĩ (cũng như tất cả các người sáng tác thuộc các ngành khác trong lĩnh vực Văn hóa là phải hướng dẫn quần chúng trên phương diện thưởng thức. Anh có khuynh hướng sáng tác nghiêng về tình ái quê hương , tình ái dân tộc,ca ngợi tình người và ca ngợi cuộc sống thanh bình.
-Nhận định về hiện tình Tân nhạc Việt Nam: Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cho biết:
-Nhạc phẩm rất dồi dào về lượng nhưng nghèo nàn về phẩm.
-Phần đông giới Tân nhạc chúng tôi,dù là Nhà xuất bản,nhạc sĩ,hay ca sĩ đều nghĩ đến vấn đề thương mại trước hơn vấn đề nghệ thuật. Đó là sự thực chua xót không thể tránh được trong hòan cảnh hiện tại mà chúng tôi hy vọng tương lai sẽ khá hơn. Rất đồng ý với một số nhận định của nhạc sĩ Hòang Nguyên về hiện tình Tân nhạc Việt Nam( Thuyết trình trong Đại hội văn nghệ tòan quân).

-Dự định tương lai:
-Với tư cách Trưởng Đòan văn nghệ sinh viên Đại học Vạn Hạnh, anh có dự định đưa đòan đi lưu diễn tại các đại học bạn (Sài gòn ,Cần thơ, Huế, Đà lạtđể gây tình thân hữu, gây không khí trình diễn văn nghệ Dân tộc và hùng mạnh trong giới sinh viên.

-Với tư cách người chăm nom cho nhà xuất bản Hát cho quê hương, ý định của anh là tuyển chọn để ấn hành nhạc phẩm hợp với đường lối anh đã trình bày ở trên.
-Nhà xuất bản do anh chăm nom, chủ trương tìm và giới thiệu những người viết và hát mới với quần chúng thưởng thức.
-Hợp tác với một số nghệ sĩ bạn để dựng những vở nhạc kịch mà anh đã viết trước đây tại các sân khấu Sài Gòn,”

Người thể hiện tâm đắc giai đọan 1974-75…của tác giả
Đó là chị Diệu Lý, bây giờ là người vợ còn rất trẻ của anh hiện nay, là một cô giáo dạy Văn ở trung học mà trứơc đây đã từng là giọng ca nữ một thời sát cánh anh trong các buổi trình diễn Văn nghệ Sinh viên ở Đại học Vạn Hạnh và các trường bạn…Là thế hệ sau Đăng Lan, Mai Hoa, Phi Huệ, Miên Đức Thắng, Nguyễn Xuân An…Diệu Lý là giọng ca xô lô nữ rất trẻ mà Phạm Thế Mỹ đã chọn để hát chung với anh hay với Hồ Thanh Hải, một giọng xô lô nam truyền cảm ,cùng thế hệ với Diệu Lý khỏang 1974 cho đến sau 75.

Cách đây vài năm, khi anh Mỹ bị một cơn tai biến, sức khỏe yếu dần, nên không còn viết và trình diễn được nữa nhưng tác phẩm anh từ 74 đến sau 75, có một số trường ca cũng được hoang nghênh nồng nhiệt, đó là :

-“Những giòng sông anh em”(1974)
-“Những trang sử Việt Nam” Diệu Lý hát cùng Thanh Hải.
-Sau 1975:
-“Con đường thế kỷ”.
- “Gió Củ chi”
-“ Thành phố trăng tròn”…

Từ trước 1975, dòng nhạc Phạm Thế Mỹ mang nội dung Hòa bình ,Đạo pháp,Dân tộc, về sau,nhạc của anh cũng hướng về “Tình người”,cụ thể là tình thương các em bé xấu số ở nông thôn hay trong các trại tạm cư ,chạy bom đạn từ thôn quê lên thành phố…Với giấc mơ một Việt Nam Hòa bình, Độc lập và Thống nhất đất nước.



Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét