Giao tiếp được bằng tiếng Anh mới công nhận giáo sư

Việc tiến phong chức danh giáo sư ở Việt Nam là một câu chuyện không bao giờ chấm dứt. Tiêu chuẩn được sửa đổi liên tục. Năm nào cũng có phàn nàn, thậm chí lem nhem trong việc phong chức danh này. Một điều tôi thấy và có thể cảm nhận được ở trong nước là các giáo sư ngày nay không được kính trọng như ngày xưa. Người ta mỉa mai và nhạo báng “tiến sĩ giấy”, và chẳng xem giáo sư ra cái thể thống gì. Người trong nghề có thực tài thậm chí chẳng bao giờ nghĩ đến chức danh này vì họ cho rằng đó chỉ là những chức danh hảo, dỏm, vì người được chức danh đó là do chạy chọt hay đút lót. Kể ra thì những thành kiến này chỉ đúng một phần, vì trong thực tế có người được phong cũng xứng đáng với chức danh đó.

Đọc qua những tiêu chuẩn này thì tôi thấy rất mù mờ, và mang tính “cân đo đong đếm”. Không thấy nói đến tiêu chuẩn công bố quốc tế. Cũng chẳng thấy nói đến tiêu chuẩn về recognition. Tiêu chuẩn tiếng Anh thì cũng mù mờ không kém, vì làm sao định nghĩa được thế nào là “có khả năng giao tiếp”? Nói đến đây tôi chợt nhớ đến một người bạn ở trong nước, khi anh ấy nói “Anh may mắn ở nước ngoài, chứ nếu anh ở trong nước thì sẽ chẳng bao giờ được phong chức danh này, vì anh thiếu bằng cấp tiếng Anh và chính trị”. Vâng, đúng là tôi may mắn.

Như vậy là nước ta có 6.600 người giáo sư & phó giáo sư. Tuyệt. Thế nhưng năm 2008 số bài báo khoa học từ Việt Nam được công bố trên các tập san quốc tế chỉ 908 bài (chỉ bằng 1/5 Thái Lan và 1/10 Singapore). Không biết các vị giáo sư nhà ta làm gì mà năng suất thấp như thế.

NVT


http://vietnamnet.vn/giaoduc/2009/01/822013/
Giao tiếp được bằng tiếng Anh mới công nhận giáo sư
"Sử dụng thành thạo 1 ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh" là 1 trong 8 tiêu chuẩn chung cần đạt được của một ứng viên khi xét công nhận chức danh GS, PGS. Đây là nội dung theo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS) mà Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/12/2008.

7 tiêu chuẩn chung khác gồm: Có đủ tiêu chuẩn của nhà giáo; trung thực, khách quan và hợp tác với đồng nghiệp trong hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghệ; có bằng tiến sĩ từ đủ 36 tháng trở lên kể từ ngày có quyết định cấp bằng; có đủ số công trình khoa học quy đổi theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong đó có ít nhất 50% số công trình khoa học quy đổi từ các bài báo khoa học và 25% số công trình khoa học quy đổi được thực hiện trong 3 năm cuối tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ; có báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ dưới dạng một công trình khoa học tổng quan; đạt từ 2/3 số phiếu tín nhiệm trở lên của tổng số thành viên Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, đối với Hội đồng Chức danh giáo sư ngành, liên ngành là 3/4 và Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước là 2/3 số phiếu tín nhiệm.

Ngoài những tiêu chuẩn chung trên, chức danh PGS còn phải đáp ứng một số tiêu chuẩn như: đã có ít nhất 6 năm thâm niên làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên, trong đó 3 năm thâm niên cuối tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đang làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy trình độ đại học hoặc cao hơn; hướng dẫn chính ít nhất 2 học viên cao học đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ hoặc hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (trước 1/1/2011, chỉ yêu cầu hướng dẫn chính ít nhất 1 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ hoặc 1 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ); chủ trì ít nhất 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở hoặc 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ hoặc đề tài cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên.

Chức danh GS còn phải đáp ứng thêm các tiêu chuẩn sau: đã được bổ nhiệm chức danh PGS từ đủ 3 năm trở lên; hướng dẫn chính ít nhất 2 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (trước 1/1/2011, chỉ yêu cầu hướng dẫn chính 1 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và đang hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh khác); biên soạn sách sử dụng trong đào tạo từ trình độ đại học trở lên (sách phải được xuất bản, nộp lưu chuyển trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ) và chủ trì ít nhất 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ hoặc đề tài cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên.

Năm 2007, Việt Nam có thêm 499 người được phong hàm Giáo sư và Phó Giáo sư; trong đó, có 54 GS và 445 PGS; tăng hơn so với năm 2006 (44 GS và 411 PGS) và năm 2005 (41 GS và 312 PGS).

Như vậy, tính đến năm 2007, tổng số GS, PGS cả nước là gần 6.600 người. Ngành có nhiều GS, PGS được phong hàm là Y học, Kinh tế, Toán, Vật lý, Hóa - Công nghệ thực phẩm, Triết - Chính trị và Giáo dục tâm lý.

Xem thêm: Lại giáo sư tiến sĩ!
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét