Phổ biến ca khúc trước năm 1975

Nói đến văn nghệ văn gừng, tôi phải thú nhận một điều là mấy bản nhạc hip hop rất thịnh hành ngày nay không thể nào lọt tai tôi. Tôi nghĩ mấy loại nhạc mà giới trẻ bây giờ ưa thích là những sáng tác (có thể nào cho đó là “sáng tác”?) làm cho âm nhạc mất tính sang trọng và tính nghệ thuật. Tôi biết nói ra như thế sẽ bị các bạn trẻ bĩu môi nói tôi thuộc thế hệ khác, nhưng tôi thấy ngay cả một số bạn trẻ cũng có ý kiến giống tôi. Ở Sài Gòn bây giờ có nhiều phòng trà lịch sự (như Tình Ca của gia đình Phạm Duy) mà khán thính giả đông nghẹt người trẻ. Cứ mỗi lần về VN tôi thích vào những phòng trà này nghe nhạc, nhưng không có thì giờ và cũng hơi ngán sự chật chội của phòng ốc và khói thuốc lá.

Trước 1975 âm nhạc ở trong tình hình “trăm hoa đua nở”. Bên cạnh những sáng tác “tào lao”, cũng có rất nhiều những hạt ngọc lấp lánh. Những sáng tác của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, v.v… nằm trong những “viên ngọc” đó. Ấy thế mà một thời gian dài sau 1975 những ca khúc trữ tình đó không được phép lưu hành! Trên giấy tờ là như thế, nhưng trong quần chúng thì người dân vẫn ca những ca khúc này. Thật ra, những ngày mới sau giải phóng, tôi còn thấy bộ đội từ Bắc vào mê nhạc … Chế Linh như điếu đổ. Tôi thấy chẳng có gì sai, vì nghệ thuật là xuyên biên giới và phi chính trị mà. (Chắc sẽ có người không đồng ý với nhận xét này). Ngày nay, thử vào những quán karaoke sẽ thấy “sức sống” của những ca khúc bị cấm như thế nào.

Ngoài quần chúng thì thế, nhưng đối với giới quản lí văn hóa (nghe là phát ngán rồi) thì khác. Muốn phổ biến mấy ca khúc đó thì phải xin giấy phép. Thật ra, tôi cũng thông cảm với chính sách này, vì chắc chắn trong giai đoạn hiện nay, chính quyền không muốn những ca khúc tuyên truyền thời trước 75 (kiểu như “lòng súng nhân đạo”) lưu hành trong dân chúng. Mà, nếu những ca khúc tuyên truyền thời trước 1975 lưu hành thì chắc chắn quân đội sẽ phản đối. Có thể hiểu và thông cảm được. Nhưng còn những bài tình ca thì sao? Cần gì phải cấm đoán và phải xin phép? Tôi không biết nước nào trên thế giới (ngoại trừ Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam) mà Nhà nước quản lí đến từng ca khúc! Cách quản lí văn hóa của Việt Nam là cách làm của những thế kỉ đã qua. Mượn cách nói như Gs Nguyễn Đăng Hưng “cách quản lí văn hóa ở nước ta và châu Âu cách nhau đến cả trăm năm ánh sáng”.

NVT



Phổ biến ca khúc trước năm 1975: Im lìm được phép lưu hành

Năm 2008 có hơn 200 ca khúc sáng tác trước năm 1975 được phép phổ biến. Tuy nhiên, ngoài ba đợt cấp phép phổ biến được truyền thông đề cập đến như: 10 ca khúc của nhạc sĩ Từ Công Phụng, 13 ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy và gần đây là 6 ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thì hầu như những đợt cấp phép lẻ tẻ không ai biết.

Không ít ca khúc trữ tình của các nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, Trầm Tử Thiêng, Lam Phương, Y Vân… im lìm được phép lưu hành.

Từ lâu nay, việc xin cấp phép phổ biến lại những ca khúc được sáng tác trước năm 1975 luôn là một hành trình khá dai dẳng của những đơn vị phát hành băng đĩa nhạc, đơn vị tổ chức trình diễn.

Tháng 2-2008, không ít đơn vị tổ chức, nhạc sĩ tạm thở phào khi nghe thông tin Cục Nghệ thuật trình diễn (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) sẽ lập “Danh mục các tác phẩm trước 1975 và hải ngoại được phép phổ biến” (chỉ mảng ca khúc). Cụ thể là Cục sẽ lập trang web của Cục vào giữa quý II-2008, trong đó có cập nhật danh mục tác phẩm được phép phổ biến. Bên cạnh đó, Cục sẽ xuất bản ba, bốn tập sách “Danh mục các tác phẩm được phép phổ biến”, vào khoảng đầu quý IV-2008 sẽ có sách (Pháp Luật TP.HCM từng có loạt bài đề cập). Tuy nhiên, cho đến giờ lời hứa được in sách, được lên trang web vẫn chưa thấy đâu!

Khó hiểu là việc lập một trang web chỉ kéo dài khoảng ba tháng. Không ít đơn vị phát hành băng đĩa khi nghe thông tin Cục muốn lập trang web cũng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ để việc lập trang web được tiến hành nhanh. Thế mà đến giờ trang web vẫn chưa có!

Và dẫu biết in những tập sách “Danh mục tác phẩm được phép phổ biến” là đã lỗi thời so với việc làm trang web bởi một văn bản giấy sẽ khó trong việc cập nhật, bổ sung, lưu trữ, chưa kể đến một công đoạn duyệt, xuất bản sách nhưng dù sao có danh mục tác phẩm được phép phổ biến bằng giấy còn hơn… không có gì. Vậy mà đến sách cũng vẫn chưa có!

Hỏi một đại diện quản lý của Cục, người đó trả lời rằng Cục đang trong quá trình xây dựng nội dung trang web, còn có lý do khách quan nữa là Cục vừa chuyển trụ sở (thực tế đã chuyển từ đầu năm 2008). Và việc đưa ra danh mục ca khúc được phổ biến là một việc làm lâu dài… nên cứ từ từ!

Một năm trôi qua từ khi Cục Nghệ thuật trình diễn hứa, giờ vẫn không có trang web, không có sách. Ca khúc vẫn cứ được cấp phép theo truyền thống: nhỏ giọt, từ từ, bình tĩnh mà làm... Chỉ có các ca sĩ và đơn vị phát hành, tổ chức trình diễn phải vừa làm vừa dài cổ, không dám hoạch định lâu dài mà cứ phải mò mẫm, chờ đợi vì cách cấp phép im lìm của Cục.

Theo QUỲNH TRANG - Pháp Luật TP HCM
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét