Xin lỗi - yếu tố quan trọng của văn hoá lãnh đạo

Sáng nay Chủ nhật bên này, nắng ấm, mừng quá. Đọc được một bài hay của Gs Tương Lai. Bài viết nói về văn hóa xin lỗi của giới lãnh đạo. Tôi nghĩ chắc giáo sư muốn ám chỉ lời xin lỗi của ông Phạm Quang Nghị về việc thành phố ứng phó không kịp thời trong trận lụt vừa qua ở Hà Nội. Nói đến cái lụt của Hà Nội tôi trông qua hình ảnh thật là kinh khủng. Tôi thử tưởng tượng đặt mình trong tình huống đó, tôi thấy cuộc sống đảo lộn hết, sẽ chẳng có cái xa xỉ ngồi đọc báo hay viết blog như thế này. Càng ngán hơn khi tuần tới tôi lại bay về Hà Nội vài ngày. Lần này tôi phải chuẩn bị máy chụp hình để ghi lại vài cảnh đáng nhớ.


quay lại chuyện xin lỗi: trước đây, tôi có viết một bài "Xin lỗi ... mắm tôm" trên Tuổi Trẻ về vụ Bộ Y tế không chịu xin lỗi các doanh nghiệp mắm tôm khi họ chẳng tìm thấy vi khuẩn cholera trong đó. Bài báo cũng được nhiều người hưởng ứng và bàn tán thêm. Qua đó, chúng ta thấy chính quyền và lãnh đạo VN ít xin lỗi. Đọc mấy khẩu hiệu trên đường lộ tôi thấy toàn là mang tính giáo dục cứ như là người trên ban lệnh hay dạy bảo người dân. Còn lãnh đạo có làm gì sai họ chẳng hề xin lỗi ai cả. Trong một entry trước, tôi có nói hai chữ "xin lỗi" gần như là một tiếng nói đầu môi của người Tây phương. Cái văn hóa xin lỗi của họ đôi khi rất hữu hiệu. Ông bà mình hay nói "lời nói không mất tiền mua / lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" kể ra vẫn còn mang tính thời sự.

NVT

===

Xin lỗi - Yếu tố quan trọng của văn hóa lãnh đạo

Gs. Tương Lai
Hà Nội Ngàn Năm số 55, tháng 4/2008

Theo dòng thời sự trên mặt báo, thường đọc thấy những lời xin lỗi, khi thì của Nguyên thủ quốc gia, khi thì của Thủ tướng Chính phủ, khi thì Bộ trưởng, Tỉnh trưởng, Tổng Giám đốc Công ty …Nghĩ kỹ, chính đó là một biểu hiện của văn hoá lãnh đạo.
Có dạng xin lỗi như Nữ hoàng nước Anh xin lỗi một cô bé gái về chuyện cháu gửi thư chất vấn vì sao để con ngỗng của vườn Hoàng gia mổ vào trẻ con. Có loại xin lỗi kèm theo chuyện sa thải nhiều quan chức giữ trọng trách như vụ xin lỗi của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản về chuyện chiếc tàu bắt cá ngừ nhỏ ở gần vịnh Tokyo làm hai cha con người đánh cá thiệt mạng. Tư lệnh hải quân Nhật bị sa thải và 82 Sĩ quan cao cấp bị trừng phạt, bị giảm lương. Chính bản thân Bộ trưởng cũng tự nộp phạt hai tháng lương vào Kho bạc nhà nước.
Ít nhất thì những động thái và hành vi đó cũng cho người ta thấy được tính nghiêm túc và thái độ có trách nhiệm của người giữ trọng trách và mối quan tâm của họ đối với dư luận công chúng. Chẳng phải bây giờ, và cũng không hoàn toàn vì áp lực của công chúng ngày càng tăng do đòi hỏi dân chủ ngày càng thôi thúc, tuy rằng đó cũng là một lý do, mà thật ra suy cho kỹ, những chuyện ấy là sản phẩm của thành tựu văn minh mà loài người từng bước đạt được trên hành trình gian nan của mình. Độc tài và độc đoán đến như Napoleon từng cả gan tuyên bố “nhà nước là ta”, mà vẫn phải thừa nhận: “Nhà nước là gì, chẳng là gì cả, nếu không có dư luận”. Còn Thomass Jefferson tác giả của bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ 1776, một trong những tổng thống nổi tiếng nhất của nước Mỹ thì tuyên bố rạch ròi: “ Nếu phải chọn một chính phủ không cần báo chí và không cần chính phủ thì tôi chọn cái thứ hai”.
Thì ra, từ một góc nhìn có tính phân tích, cái gọi là “ văn hoá lãnh đạo” đó tuỳ thuộc vào nhận thức của người cầm quyền về quyền của mình do đâu mà có, và làm thế nào để giữ được cái quyền ấy mà không bị chao đảo hoặc mai một đi. Độ bền của quyền lực tuỳ thuộc vào dân, vì chở thuyền cũng dân mà lật thuyền cũng dân. thực chất của “văn hoá lãnh đạo” là sự tôn trọng dân, chẳng phải đợi đến bây giờ khi “nhân dân là người của xã hội”, mà xưa kia, những minh quân, lương tướng sở dĩ họ được xem là minh quân, lương tướng vì họ biết thương dân, hiểu rõ sức mạnh của dân. (Phải là minh quân thì mới có câu: “Minh quân lương tướng tao phùng dị. Tài tử giai nhân tế ngộ nan”).
Gánh vác trọng trách là chuyện cực kỳ nghiêm túc, cho nên Đại Việt Sử ký toàn thư, Kỷ nhà Lê chép chiếu chỉ của Lê Thái Tổ có ghi câu “Nay trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đứng bờ vực thẳm, chỉ vì chưa kiếm được người hiền tài giúp đỡ trị nước…”. Cũng trên nhân thức việc đứng đầu trăm họ là khó khăn khôn lường “phải cẩn thận, cung kính như đi trên băng mỏng”, sách Đại Nam Thực lục chính biên chép lời vua Minh Mệnh “Dân là đồng bào ta, vật là cùng sống với ta, người là vua nên suy lòng nhân với dân kịp đến muôn vật, khiến đều thoả sống”. Cho nên chính nhà vua, vượt xa những điển lệ đã khẳng định “điềm lành” lớn nhất là được mùa để dân được no ấm: “Nước lấy dân làm gốc, dân lấy cái ăn làm trời. Tuy cảnh tĩnh, mây lành, chim phụng tụ tập, kỳ lân ra đời, chẳng bằng được mùa là điềm lành trên hết”. “ Khâm định Đại Nam Hội Điển sự lệ” chép lời nhà vua chuyện vỡ đê: “ Năm nay nhiều lần báo nạn lụt, các tỉnh Bắc Kỳ nhiều đê điều bị tràn vỡ, lúa ruộng người vật không khỏi tổn thương. Xem tờ tâu khôn xiết lòng đau rơi lệ. Nghĩ tấm thân lạm ở trên trăm họ, không biết tu đức để trời cho hoà khí, đến nỗi dân ta bị tai họa, thực là một điều lỗi của ta”.
Phải có một tấm lòng thật sự thương dân, hiểu rõ trách nhiệm với dân, biết được sứ mệnh nặng nề của “tấm thân lạm ở trên trăm họ” mới thấy được điều lỗi ấy. Nói nôm na dễ hiểu, thì như câu chưng Hồ: “Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Thật không thể dễ gì để nói được những câu đơn giản như thế, đơn giản như chân lý vậy. Phải là bậc đại trí, đại nhân, đại dũng mới được dân tin vào lời nói giản dị ấy.
Và rồi theo dòng thời sự, cũng không thiếu những việc chưa phải to tát như vậy, có khi chỉ là chuyện “chen ngang” mua vé xem ca nhạc, mà lời xin lỗi của một ông thị trưởng lại có sức nặng của một nền tảng của văn minh. Đó là chuyện ông thị trưởng của thành phố nhỏ phía bắc Canada xin lỗi dân thành phố về việc mua vé xem hoà nhạc.
Nguyên do là 6000 vé vào xem buổi hoà nhạc sắp tới với sự trình diễn của Elton Jonh đến từ nước Anh đã được bán vé hết trên mạng trong vòng 45 phút từ đầu tháng 2 năm 2008.
Những người kém may mắn phải xếp hàng dài giữa ngày đông lạnh giá dưới 200C, có người phải cắm trại qua đêm bên ngoài sân vận động với hy vọng mua được những chiếc vé cuối cùng. Và rồi hàng ngàn người phải thất vọng về không. Sự thất vọng chuyển thành phẫn nộ khi một tờ báo địa phương đưa tin các ông nghị trong Hội đồng thành phố được ưu ái mua hơn 100 vé từ trước khi các quầy vé mở cửa, riêng ngài thị trưởng được mua 11 vé (đương nhiên là bằng tiền túi của mình).
Dư luận xã hội nóng lên. Trên màn hình tivi Canada AM, cô bé Kelly Wilson giận dữ. “Thật là bê bối bởi chúng tôi chỉ được mua mỗi người tối đa sáu vé, và bây giờ bạn biết rằng ông thị trưởng cùng các thành viên của Hội đồng lại mỗi người mua ít nhất được 8 vé!” Thế rồi thị trưởng công khai nhận lỗi “Quyết định của tôi về việc cung cấp vé quá nhiều và trước công chúng cho hội đồng là vội vàng và thiếu cân nhắc. Vì điều này, tôi xin lỗi”. Không chỉ xin lỗi dân, ngài thị trưởng còn yêu cầu các ông nghị trả lại 71 vé cho nhà tổ chức, và riêng ông trả lại toàn bộ số vé được mua. Câu chuyện chỉ có thế. Song chỉ có thế cũng cũng đã đủ biểu thị nổi bật điều người ta hay gọi là văn hoá lãnh đạo, nói dễ hiểu là cách lãnh đạo có văn hoá.
Sớm nhận ra sự “vội vã và thiếu cân nhắc” và công khai xin lỗi dân, ông thị trưởng đã biểu thị một ứng xử có văn hoá. Sự phẫn nộ của công chúng đối với việc thiếu công bằng trong chuyện mua vé, cách họ có quyền và được tạo điều kiện để thực hiện quyền đãi đằng sự phẫn nộ đó cũng là biểu hiện của văn hoá. Công bằng, dân chủ có thể nhìn thấy một cách cụ thể và đơn giản trong ứng xử của nhà cầm quyền và người dân. Những ứng xử ấy cho thấy môi trường xã hội thể hiện trình độ văn minh đã đạt được. Chỉ với chuyện những “công bộc của dân” được ưu tiên mua trước vé và thay vì được mua 6 vé như dân được mua, các nghị sĩ được được mua 8 vé, là đủ khiến cho dân bất bình và người đứng đầu chính quyền thành phố đã phải xin lỗi. Chút ưu tiên nhỏ xíu đã phải trả lại cho xã hội để đảm bảo tính công bằng, đó cũng là nội dung của văn hoá.

Nếu “văn hoá là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội” thì biểu hiện khá tập trung và dễ nhận ra nội dung của nề văn hoá ấy trước hết phải được thể hiện trong “văn hoá lãnh đạo”, cái đó sẽ có tác động dẫn dắt những ứng xử xã hội thông thường như trong chuyện xem vé hoà nhạc nói trên. Những mệnh đề quá quen thuộc “của dân, do dân, vì dân”, được người dân quan tâm và tin tưởng khi dân dược quyền công khai đãi đằng sự phẫn nộ về việc thiếu công bằng. Đó chính là sự phản biện xã hội thể hiện một cách lành mạnh và thiết thực nhất. Rồi, tính dân chủ lại thể hiện ở chỗ công chúng có quyền nói lên sự bất bình của mình để nhà cầm quyền biết mà tiếp thu và đưa ra giải pháp. Vậy là công bằng, dân chủ được thể hiện một cách thật sống động. Sống động trong một vụ việc mua vé xem ca nhạc: không ai vì có tiền hay có quyền mà có thể “chen ngang” hay lấn lướt quyền lợi của người khác.

Và đó là văn minh. Văn minh không trực tiếp trở thành văn hoá, nhưng sự tiếp nhận những thành tựu của văn minh là điều kiện để hình thành một bản lĩnh văn hóa, trong đó có văn hoá lãnh đạo.
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét