Theo dõi những câu hỏi và trả lời trực tuyến do báo Tuổi trẻ tổ chức hôm thứ Bảy về vụ qui định lái xe gắn máy, tôi thấy nhiều người dân đặt câu hỏi hay, hết sức thiết thực, nhưng ngược lại những câu trả lời của các quan chức y tế và chuyên gia thì quá thất vọng. Thất vọng vì họ không trả lời câu hỏi của người dân, hay trả lời mà cứ như là hô khẩu hiệu tuyên truyền, hoàn toàn không có một bằng chứng khoa học nào cả. Xin trích dẫn vài câu hỏi, trả lời, và bình luận của tôi như sau:
Hỏi: Xin chào quý cơ quan, cho tôi được phép hỏi tại sao lại ra luật như vậy mà chưa xem xét ý kiến củq người dân. Tôi biết "Nhà nước này là của dân và do dân" mà đúng không? Ông Bộ Y tế thực tế đã xem xét kỹ các yếu tố trên về tai nạn giao thông chưa mà dám ra quy định như vậy? Tôi đã chạy xe máy gần 20 năm nay rồi mà chưa có lần nào gây tai nạn giao thông... mặc dù tôi không đủ tiêu chuẩn như quy định của Bộ Y tế mới đề ra như hiện nay. Tôi mong các cơ quan chức năng nên xem xét lại vấn đề này. (Cô minh, 39 tuổi, minhnghi2009@yahoo.com).
Trả lời: Đúng như vậy, Nhà nước của ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Mọi quy định của pháp luật đều vì lợi ích của người dân. Mọi hoạt động của Bộ Y tế cũng vì mục đích cao đẹp đó. Cũng vì xuất phát từ vấn đề bảo đảm an toàn và hạnh phúc của dân khi tham gia giao thông mà chúng tôi có quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe.
Xin chúc mừng chị đã đảm bảo an toàn giao thông trong 20 năm qua, chúc chị luôn luôn có "phong độ" như vậy trong thời gian tới. Chị chưa nói rõ về sự thiếu hụt về sức khỏe của chị nên chúng tôi chưa có bình luận gì. Quan điểm của Bộ Y tế khi xây dựng quy định này là phù hợp với chuyên môn, tạo điều kiện tối đa cho người dân nhưng phải bảo đảm an toàn giao thông. Khi quy định này đi vào thực tiễn, nếu có điểm nào chưa phù hợp, chúng tôi sẵn sàng sửa đổi, bổ sung.
Bình luận: Có ai dám tin rằng qui định này “vì lợi ích của người dân” không, khi mà có đến 5-6 triệu phụ nữ Việt Nam có nguy cơ không được phép lái xe gắn máy trên 50 cc hay lái xe ôtô. Đảm bảo an toàn giao thông? Bằng chứng nào cho thấy giao thông sẽ an toàn hơn nếu vận dụng mấy qui định mới này? Tôi nghĩ vị quan chức này chưa trả lời câu hỏi của người hỏi.
Hỏi: Từ xưa đến nay có ai gây ra tai nạn giao thông duới 1m45 hay dưới 40kg không? Cho dù có cao hay nặng đi chăng nữa thì nếu không có ý thức trong việc tham gia điều khiển phương tiện giao thông thì cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Những người "lùn" và "ốm" có thể là do trời sinh người ta vậy chứ bản thân họ có muốn không? Nếu cấm họ thi lấy bằng và điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vậy có phải là phân biệt đối xử không? (nguyen minh phuong, 30 tuổi, elvisphuong84@yahoo.com).
Trả lời: Mọi người đều thừa nhận rằng sức khỏe là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Nội dung này đã luật pháp khẳng định. Tôi hoàn toàn đồng tình với bạn về vấn đề ý thức của người tham gia giao thông, bạn có thấy rằng rất nhiều tai nạn giao thông xảy ra trong thời gian qua là do ý thức của người tham gia giao thông quá kém. Chúng tôi ban hành quy định này cũng là nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho mọi người. Với những người không đủ điều kiện về sức khỏe lái xe máy trên 50cm3, vì sự an toàn giao thông của cá nhân và cộng đồng, có thể lựa chọn phương tiện giao thông phù hợp như xe gắn máy dung tích xi lanh dưới 50cm3.
Bình luận: Vị quan chức này vẫn chưa trả lời một câu hỏi rất hay và rất thực tế. Câu hỏi là có ai gây ra tai nạn giao thông dưới 145 cm hay dưới 40 kg không, mà ông quan chức này nói “mọi người đều …”! Mọi người là ai? Nếu muốn nói là “theo quan điểm của tôi” thì nói phức cho rồi, sao lại nói “mọi người”? Chắc chắc rất nhiều người trong thời gian qua không đồng tình và bất đồng ý với Bộ Y tế. Xin đừng ngụy biện theo kiểu mượn danh quần chúng (“mọi người”) để biện minh cho quan điểm phi khoa học của Bộ.
Hỏi: Tôi từng du học ở Mỹ và được cấp bằng lái xe ở đó. Tôi còn nhớ quá trình tiến hành các thủ tục cấp phép họ không có một yêu cầu nào về các chứng nhận sức khỏe. Vậy mà tổ chức giao thông ở họ vẫn tốt, tai nạn ít hơn Việt Nam rất nhiều. Vậy xin hỏi các cơ sở khoa học của quy định Tiêu chuẩn sức khỏe của Bộ Y tế là như thế nào? Tiêu chuẩn cần thiết cho ai? Cho xã hội? Cho các cá nhân điều khiển phương tiện? Cho các cơ sở, các cá nhân trực tiếp khám và ban hành giấy chứng nhận sức khỏe? Hay bộ chỉ muốn chứng tỏ mình quan trọng? (Tran Minh, 34 tuổi, thcongdan1@gmail.com).
Trả lời: Chào bạn Tran Minh, Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, về mặt này Bộ Y tế đúng là một cơ quan quan trọng, chắc bạn và mọi người cũng đồng ý với tôi như vậy. Cơ sở khoa học của tiêu chuẩn sức khỏe chủ yếu dựa trên kết quả điều tra quốc gia năm 2001-2002. Trong những ngày vừa qua, có nhiều ý kiến không đồng tình với một số tiêu chuẩn về thể lực: chiều cao, cân nặng, vòng ngực ... Có thể có những tiêu chuẩn cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế về thể lực của người Việt Nam hiện tại nhưng việc đưa ra tiêu chuẩn vẫn cần thiết đối với đảm bảo an toàn giao thông cho chính người điều khiển phương tiện và cho những người khác. Người điều khiển phương tiện có quyền lựa chọn phương tiện phù hợp với điều kiện thể lực, sức khỏe phù hợp với chính mình.
Bình luận: Lại một câu hỏi về cơ sở khoa học của những qui định của Bộ Y tế, nhưng cách hỏi chứng tỏ người hỏi nắm vững vấn đề và có trình độ khoa học. Tuy nhiên, câu trả lời thì giống như không trả lời, vì không hàm chứa một information content (nội dung ). Nói rằng cơ sở khoa học là một cuộc điều tra 2001-2002 hoàn toàn không có ý nghĩa gì cả. Kết quả của cuộc điều tra đó là gì? Có phải cuộc điều tra đó có mục tiêu phân tích mối liên hệ giữa thể trạng và tai nạn giao thông không? Tôi không tin như vậy, bởi vì nga y cả Bộ trưởng GTVT còn nói chẳng có nghiên cứu nào như thế trong quá khứ cả. Như vậy, vị quan chức này vẫn chưa trả lời câu hỏi của bạn đọc.
Hỏi: Dạ thưa thầy, dưới cái nhìn của nhà nhân trắc học, thầy có nhận định thế nào về những số đo ước lượng (chiều cao, cân nặng, vòng ngực) trong quy định của Bộ Y tế ban hành, những con số đó có hợp lý hay không? Ngoài ra, việc không chấp nhận cho những người không đủ 1 trong 83 hạng mục sức khỏe (nhiều hạng mục khá mơ hồ) sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới người dân, điều đó có quan tâm tới ý nghĩa nhân văn đúng mực chưa ạ? Em xin cảm ơn thầy và kính chúc thầy luôn mạnh khỏe! (Mai Trần, 25 tuổi, pixie_spring@yahoo.com.au)
Trả lời: Chào bạn, về các số đo và tiêu chuẩn thể lực, quy định của Bộ Y tế là có cơ sở khoa học. Tuy vậy, theo "qui tắc 1 - 2 - 3 s (sigma)" cũng có một số cần điều chỉnh, vì người Việt nói chung "nhỏ thó".
Thí dụ, vòng ngực trung bình của nam và nữ thanh niên Việt Nam hiện nay là 75-80cm. Quy định chung cho cả hai giới là vòng ngực phải trên 72cm là chưa phù hợp. Tôi tham gia tiểu ban hình thể các kỳ thi hoa hậu Việt Nam từ năm 1998 đến nay, thấy có nhiều bạn nữ vòng ngực chỉ có 72-73cm nhưng khỏe mạnh và vẫn tham gia thi, vào đến vòng trình diễn!
Quy định về thể lực và tình trạng sinh lý-bệnh tật là điều cần thiết cho người điều khiển phương tiện giao thông. Ở nước ta từ năm 2001, Bộ Y tế đã có quy định về việc này, nhưng không được phổ biến rộng rãi, chứ đây không phải là lần đầu tiên có quy định. Chính vì vậy, nhiều người cảm thấy có điều gì đó thiếu tính nhân văn.
Bình luận: Lại một câu hỏi rất hay: căn cứ vào bằng chứng nào mà Bộ Y tế đi đến những tiêu chuẩn cụ thể đó. Thế nhưng, một lần nữa, câu trả lời thì rất khó hiểu. Không biết các bạn thì sao, chứ tôi chẳng hiểu cái “qui tắc 1-2-3s (sigma)” là qui tắc gì cả. (Nếu bạn nào hiểu, làm ơn giải thích cho tôi biết). Ngoài ra, tôi không hiểu cái logic của phát biểu “vòng ngực trung bình của nam và nữ thanh niên Việt Nam hiện nay là 75-80cm. Quy định chung cho cả hai giới là vòng ngực phải trên 72cm là chưa phù hợp”. Tại sao chưa hợp lí? Dựa vào tiêu chuẩn gì để nói là hợp lí hay không hợp lí? Số liệu của tôi (chỉ ở nữ) cho thấy vòng ngực trung bình là 80 cm với độ lệch chuẩn là 5.11 cm. Nói cách khác, có khoảng 95% nữ (trên 16 tuổi) có vòng ngực dao động từ 70 cm đến 90 cm. Nhưng mấy con số này chẳng liên quan gì đến câu hỏi của bạn đọc: tại sao có tiêu chuẩn 72 cm? Theo tôi, vị quan chức này vẫn chưa trả lời câu hỏi.
Nói chung, qua vài câu trả lời của các quan chức mà tôi trích dẫn trên đây, tôi thấy rõ ràng rằng những qui định về chiều cao, cân nặng, vòng ngực, v.v… mà Bộ Y tế đưa ra trong việc xét duyệt cấp bằng lái xe gắn máy hoàn toàn không có một cơ sở khoa học đáng tin cậy nào cả. Xin lặp lại để nhấn mạnh: hoàn toàn không có cơ sở khoa học nào cả.
Đọc qua những trả lời của các nhà khoa học và quan chức này, tôi thấy họ sử dụng cụm từ “khoa học” và “cơ sở khoa học” rất tùy tiện. Điều đáng ngạc nhiên (hay không ngạc nhiên) là mấy quan chức và chuyên gia này đều có bằng tiến sĩ, thậm chí mang hàm giáo sư! Tôi không biết họ hiểu thế nào là khoa học. Nhưng tôi hiểu khoa học bằng cách phân biệt giữa khoa học thật và ngụy khoa học dỏm hay ngụy khoa học (pseudoscience) như sau:
Khoa học
|
Ngụy khoa học
|
Tất cả những phát hiện, khám phá của khoa học được lưu truyền trong các tập san chuyên ngành. Các báo cáo được chấp nhận công bố trong các tập san này đều được qua kiểm tra về sự chính xác và phương pháp, bằng những tiêu chuẩn khoa học mà cộng đồng khoa học chấp nhận.
|
Tài liệu của khoa học dỏm chủ yếu nhắm vào công chúng. Vì nhắm vào công chúng nên giới ngụy khoa học thường đăng bài ở những tạp chí dành cho người không chuyên môn, và do đó, bài báo không có kiểm tra về phương pháp hay tính chính xác.
|
Tất cả kết quả nghiên cứu đều phải có khả năng tái xác nhận (repeatability). Nói một cách khác, nếu có một nghiên cứu đã được công bố bởi một nhà khoa học nào đó; nếu một nhà nghiên cứu khác lặp lại nghiên cứu đó bằng những phương pháp và với điều kiện đã được mô tả, phải đạt được những kết quả tương tự.
|
Kết quả không có khả năng lặp lại hay kiểm tra. Mọi “nghiên cứu,” nếu có, thường được mô tả một cách mù mờ, ỡm ờ, để cố tình không cho người khác biết rõ là họ đã làm gì và làm bằng cách nào.
|
Đối với các nhà khoa học, tất cả những sai lầm, thất bại đều được khai thác triệt để, xem xét kĩ lưỡng để học hỏi. Những lí thuyết sai lầm có thể cho ra những kết quả đúng nhưng ngẫu nhiên; tuy nhiên, không một lí thuyết đúng nào có thể cho ra những kết quả sai lầm.
|
Đối với giới làm khoa học dỏm, những sai lầm, thất bại thường được bỏ qua, dấu đi, hay chối bỏ. Họ chỉ tuyên truyền những gì hợp với ý định và chủ kiến của họ.
|
Thuyết phục bằng bằng chứng, bằng lí luận dựa vào logic hay lập luận, bằng cách dựa vào dữ kiện, không đi ra ngoài dữ kiện.
|
Thuyết phục bằng niềm tin và sự trung thành. Khoa học dỏm có một yếu tố tôn giáo; nó cố gắng cải đạo, chứ không thuyết phục. Nó đòi hỏi người ta phải tin, mặc kệ cho sự thật có đi ngược lại niềm tin.
|
Theo thời gian, các nhà khoa học tìm tòi và học hỏi thêm và duyệt lại những kết luận hay lí thuyết cũ. Một khi bằng chứng mới mâu thuẫn với bằng chứng cũ, bằng chứng cũ sẽ bị thay thế. Không tiến bộ, lí thuyết và kết luận không bao giờ được thay đổi.
|
Ý tưởng cũ không bao giờ được bỏ bất kể bằng chứng mới ra sao.
|
Không nhắm vào danh vọng và thị trường kinh tế hay chính trị.
|
Giới ngụy khoa học sống nhờ vào việc buôn bán những sản phẩm đáng ngờ (sách, báo, dầu ăn, thuốc trị chưngh bệnh, v.v…) hay xuất hiện trên đài phát
|
Khoa học dựa vào sự thật (facts). Những sự thật phải được quan sát hay thu thập bằng những phương pháp khách quan. Khoa học dựa vào những sự thật có thể thấy, có thể nghe, có thể sờ được, chứ không dựa vào kinh nghiệm cá nhân hay suy luận theo cảm tính. Điều quan trọng và cần thiết trong khoa học là không chỉ sự thật, mà là sự thật có liên quan đến vấn đề đang được điều tra. Những sự thật này phải được thu thập (i) có tổ chức, trực tiếp, và khách quan; (ii) độc lập với lí thuyết; và (iii) một cách tin cậy để làm nền tảng cho suy luận.
Dựa vào những tiêu chuẩn trên, tôi phải nói rằng những qui định của Bộ Y tế rất phi khoa học. Phi khoa học vì chưa có một nghiên cứu nào về mối liên hệ giữa thể trạng và an toàn giao thông để đi đến làm luật hay ra qui định như thế. Thật ra, nghiên cứu từ nước ngoài cho thấy qui định của Bộ Y tế đi ngược lại bằng chứng khoa học. Và, như tôi chỉ ra trong bài trước, họ còn sai về giả định đơn giản như chiều dài của chân và chiều cao. Một giả định đơn giản như thế mà Bộ còn sai thì câu hỏi đặt ra là họ còn sai chỗ nào nữa.
Hôm qua, tôi về xem lại qui định về lái xe bên Úc, tôi chẳng thấy một qui định nào về chiều cao, cân nặng, vòng ngực, hay bệnh tật để được hay không được lái xe cả. Trong giấy xin bằng lái xe, họ yêu cầu người đứng đơn khai báo những bệnh tật chưa không cấm lái xe.
Để chắc ăn, tôi xem trên trang web giao thông vận tải của Chính phủ Úc thì thấy họ liệt kê một số bệnh có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe như hay bị chóng mặt, rối loạn về ngủ, cận thị, tiểu đường, bệnh tâm thần, bệnh tim, và một số bệnh liên quan đến tuổi tác. Nhưng họ còn nói thêm rằng mắc những bệnh này không có nghĩa là bạn không được lái xe, mà có nghĩa là bạn nên đến khám chưng sĩ để tự mình biết đánh giá an toàn và cẩn thận trong khi lái xe.
Tôi nghĩ cách hay nhất là rút lại qui định này để bớt một gánh nặng cho người dân.
NVT
===
TB. Viết xong bài này tôi thấy trên Diễn đàn có giới thiệu 1 bài rất hay với tựa đề là "Có bệnh không nên làm quản lý" của Nguyên Lâm sau đây:
http://www.viet-studies.info/kinhte/NguyenLam_LamQuanLy.htm
Công luận vẫn chưa hết choáng váng vì những quy định của Bộ Y tế đưa ra về “Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới”. Trong đó có những chi tiết khiến tất cả những người thông thường đều phải có phản ứng như: những người thấp bé, nhẹ cân (chưa cao đủ 1,45m, nặng chưa tới 40 kg) hoặc ngực lép (vòng ngực trung bình dưới 72cm) không đủ điều kiện lái xe gắn máy từ 50-175cm3; người có bệnh viêm loét thực quản, hẹp thực quản, loét dạ dày, sa trực tràng, trĩ, viêm gan mãn tính, to gan, teo gan, người bị vỡ xương hàm...không được phép lái xe…Nhìn vào những tiêu chí này, người ta nhận ra một vài triệu chứng của những căn bệnh hình như đã thành mãn tính đối với một số nhà quản lý công quyền.
Thứ nhất, đó là bệnh về não trạng duy ý chí, bề trên. Duy ý chí vì đáng lẽ ra pháp luật xuất phát từ thực tế, trên những đòi hỏi của thực tế, pháp luật ở nước ta nhiều khi do các cơ quan quản lý ban hành trước theo suy đoán, ý thích của mình, mà không hỏi người dân, sau đó người dân mới tham gia thụ động. Bề trên vì họ chỉ đứng trên kia nhìn xuống, mà không chịu xuống nhìn, cho rằng mình lúc nào cũng đúng, dân chỉ việc làm theo mà thôi.
Nói đến não trạng cũng vì nhà quản lý công quyền đã đưa ra những quy định “vô cùng… ngớ ngẩn”, “lạ lùng”, không giống ai như vậy. Nó khiến cho mỗi người thông thường đều phải tự hỏi, không hiểu “mấy ổng” có vấn đề hay không, nghi hoặc về não trạng của họ.
Thứ hai, đó là bệnh về mắt, cụ thể là thiển cận. Chẳng lẽ cơ quan quản lý không nhận ra những điều đơn giản như đâu phải cứ thấp bé nhẹ cân là nguyên nhân gây ra tai nạn và to béo nặng cân thì không gây tai nạn? Họ cũng không nhìn thấy được gì hơn ngoài 1,45m hay sao?
Thứ ba, đó là bệnh về tai. Họ đã không biết lắng nghe. Lắng nghe ở đây không phải là một hoạt động bản năng nghe thông thường mà là một hoạt động có ý thức, là quá trình thu nhận thông tin; nó bao gồm cả quá trình tiếp nhận, phân loại, xử lý, lưu giữ và sử dụng thông tin. Về mặt tâm lí và tình cảm thì lắng nghe còn là sự chấp nhận và đồng cảm với những ai sẽ chịu ảnh hưởng của quy định quản lý. Cơ quan quản lý trong trường hợp này không hiểu đã nghe ai, nghe từ đâu, nhưng rõ ràng là họ không hề bỏ công ra lắng nghe từ chính những người có liên quan trực tiếp nhất.
Thứ tư, đó là bệnh về chân tay. Nhà quản lý trong trường hợp này lười đến nỗi chẳng buồn động chân động tay để làm những thao tác tối thiểu như thảo luận đến nơi đến chốn trước khi cho ra những quy định như vậy. Đấy là chưa nói đến những động tác nhọc nhằn, tốn công sức, thời gian như điều tra xã hội học, nghiên cứu đa ngành, đánh giá tác động…
Thứ năm, đó là bệnh về tim. Cơ quan quản lý đã không hề động lòng, tỏ ra vô cảm trước mưu sinh của hàng triệu con người. Họ coi con người như một vật thí nghiệm khi vụng chèo, vụng cả chống rằng, trong khi thực thi, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung sớm nếu thấy quy định không phù hợp thực tế. Và như một tác giả viết, họ đã làm trái với nguyên tắc y đức số một của ngành y là “không làm hại người”, khi làm tổn hại về vật chất và cả tinh thần của hàng triệu người.
Thực ra, đã có những cơ chế phòng bệnh. Trước hết, đó là tự phòng bệnh lấy với nhau. Trong mỗi bộ, Bộ Y tế cũng vậy, đều có Vụ Pháp chế có trách nhiệm thẩm định văn bản của Bộ mình, rồi lấy ý kiến trong Bộ trước khi đưa ra ngoài. Tiếp đó, văn bản được gửi đi lấy ý kiến các bộ ngành khác, gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định. Thế nhưng, những cơ chế này hiện nay có vẻ như chưa đủ sức đề kháng trước những căn bệnh nói trên. Cơ chế khiếu kiện hành chính nước ta cũng hơi trái khoáy khi chỉ cho phép kiện văn bản ảnh hưởng đến cá thể, mà không được kiện những văn bản có phạm vi ảnh hưởng rộng như Quyết định của Bộ Y tế. Còn tòa án hiến pháp lại chưa có ở nước ta, trong khi Quyết định này rõ ràng tác động xấu đến quyền đi lại- một quyền cơ bản của hàng triệu công dân, và phân biệt đối xử, kỳ thị với những người bị thiệt thòi.
Trong Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi năm 2008 đã có quy định cơ quan ban hành văn bản phải tiến hành đánh giá tác động của văn bản, nếu không sẽ không được chấp nhận. Theo đó, cần đánh giá chi phí, hệ quả, những tác động có thể xảy ra đối với các nhóm trong xã hội, các khu vực, hoặc toàn bộ xã hội và nền kinh tế từ sự thay đổi chính sách hoặc pháp luật, được thực hiện trong qua trình làm luật, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật hoặc ban hành chính sách mới. Điều quan trọng, cơ bản nhất là nó đưa ra nhiều phương án khác nhau, và nghiên cứu, phân tích, đánh giá, so sánh tác động của các giải pháp đó, lựa chọn chính sách, cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền, để họ có thể lựa chọn được giải pháp tốt nhất. Phương pháp này thiết lập các tiêu chí để đánh giá và so sánh các tác động đó. Đây là sự tiếp nhận một thông lệ tốt của nhiều nước. Tuy nhiên, theo Luật, Quyết định của Bộ lại không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Hơn nữa, Luật này đến tháng 1/2009 mới có hiệu lực. Như vậy, hiện tại chỉ còn trông chờ vào Cục kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp có tiếng nói phản biện, và Bộ Y tế “bỗng dưng” khỏi bệnh chăng?
Còn đối với các dạng văn bản quy phạm pháp luật khác, trong quá trình lấy ý kiến góp ý Nghị định thực thi Luật này, nhiều chuyên gia đã khuyến nghị phải đánh giá tác động đối với tất cả những văn bản nào ảnh hưởng đến nhiều người, nhóm dân cư trong xã hội. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, nếu được chấp thuận, đây sẽ là một bộ lọc gạn lọc những văn bản không cần thiết, một cơ chế phát hiện, phòng ngừa việc ra đời những văn bản “lạ lùng” như vậy.
Cuối cùng, như một giáo sư có nói, “cần ban hành gấp quy định: người thiếu chất xám thì không được làm quản lý”. Người dân cũng tự hỏi: “mấy ổng” mắc nhiều bệnh vậy thì có đủ tiêu chuẩn để ngồi ở cái ghế quản lý công quyền, quyết những chuyện của hàng triệu con người như chúng ta?
Nguyên Lâm
Xem thêm: Bộ trưởng Y tế NSW
0 nhận xét:
Đăng nhận xét