Một thoáng Hà Nội

11/11/08. Tôi đến Hà Nội vào 6:50 pm, sau 1 giờ 35 phút nối chuyến bay với hãng Dragon Air từ Hồng Kông. Hãng Dragon Air sử dụng máy bay Airbus 230, bay hàng ngày từ Hồng Kông đến Hà Nội (và ngược lại). Chuyến bay đầy ấp hành khách. Cơ trường nói tiếng Anh giọng Úc 100%, nghe là biết “đồng hương” ngay! Họ còn có thu thanh giọng nữ nói tiếng Việt kiểu Hà Nội nữa (tôi đoán chắc chuyến bay có nhiều người Việt). Có lẽ đây là loại hàng không discount (giá rẻ), nhưng tôi thấy phục vụ của họ thì không rẻ chút nào! Ghế ngồi nói chung khá thoải mái, và tiếp viên cũng rất chuyên nghiệp.

Phi trường Nội Bài ban đêm rất ít hành khách, nên thủ tục hải quan cũng khá nhanh. Không đầy 5 phút tôi đã xong phần thủ tục này. Có chuyện vui vui là anh chàng hải quan trẻ măng nhìn tôi một thoáng rồi hỏi: Chú quê ở Kiên Giang à? Tôi hơi ngạc nhiên và nghĩ chắc họ có hồ sơ của mình trong máy, nhưng cũng vui vẻ trả lời: Ờ, Kiên Giang, tôi là đồng hương nhưng không có bà con với Thủ tướng đấy! Tôi hỏi tiếp làm sao anh biết tôi quê ở Kiên Giang, thì anh không trả lời, mà thay vào đó là câu bình luận “Chú mới ghé Hà Nội vài tuần trước đây mà.”

Nhiệt kế thời sự

Đúng là tôi mới ghé Hà Nội vài tuần trước, và nay quay lại thành phố này nên cũng có cảm xúc như bồi hồi khó tả. Nhờ sự tổ chức tuyệt vời của đối tác bên Đức, nên vừa lấy hành lí xong là co người trương bảng hiệu tìm tôi. Lên xe taxi đi về khách sạn, nhưng có điện của đối tác nói là họ đang ở nhà hàng Club L’Orient chờ tôi tham gia cho vui. Thế là tôi phải đi thẳng đến nhà hàng. Trên đường đi, tôi thấy trời Hà Nội vẫn âm u như thời tiết tiêu biểu của tháng này. Thấy tôi nói giọng Nam, anh tài xế hỏi: chưng từ Nam ra à? Thoáng thấy trên xe có báo tôi đoán anh cũng biết chuyện thời sự. Tôi bắt chuyện với anh tài xế vài câu chuyện, thì giống như “đụng đài” nên anh nói liên miên, lan man về những chuyện xảy ra gần đây ở Hà Nội, nhất là chuyện lụt vừa qua. Anh ta cằn nhằn cái câu nói của ông bí thư Phạm Quang Nghị (rằng trận lụt vừa qua mới là “diễn tập”). Thú thật tôi cũng không để ý đến câu nói đó, nhưng khi anh tài xế phân tích, bằng một giọng Bắc kì lên xuống trầm bổng, làm tôi thán phục anh tài xế cũng có cái nhìn sâu sắc. Anh văng tục: mẹ kiếp, chết cả 20 người mà ông ấy nói là diễn tập; thế nếu tập thật thì cả hàng ngàn người chết ư? Đúng là vô cảm! Dân tình bây giờ bức xúc lắm chưng à, bức xúc nhưng chẳng biết nói với ai, vì đâu có phương tiện mà nói! Chả biết các chưng trong Nam thế nào, chứ em thấy các chưng ấy ra đây biểu tình về vụ đất đai nhiều lắm. Trong Nam người ta cũng bức xúc đấy chứ chưng.

Tôi chẳng biết nói gì với anh tài xế, và cũng không muốn nói gì (do có thể anh ấy là công an thu thập thông tin chăng?) nên chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Suốt đoạn đường 40 phút về nhà hàng anh ta cứ cằn nhằn hết chuyện này sang chuyện khác, toàn là chuyện tiêu cực của chính quyền. Tôi nghĩ nếu những ý kiến như thế này là nhiệt kế thì nhiệt độ chính trị xã hội nước ta đang lên cao, nhất là ở ngay tại thủ đô này.

Món “ngon” Hà Thành

Nhà hàng Club L’Orient nằm trên một con đường đẹp, cây cối um tùm và yên tĩnh. Nghe anh tài xế nói khu này là khu của sếp lớn, tư gia của của đại sứ Mĩ cũng nằm tên con đường này, nên anh ta nói “chỗ này an toàn lắm chưng ạ”. Nhà hàng giống như một vi la đời Tây được sửa chữa và thiết kế lại thông thoáng hơn và fashionable hơn. Nhìn quanh chỉ thấy thực khác Tây là chính, còn Ta thì rất ít. Tôi đoán đây hẳn là nhà hàng loại up-market của Hà Nội đây. Mọi người đã ngồi và nhâm nhi tác gẫu. Những người ngồi trong bàn toàn là sếp như medical director và R&D director từ Âu châu, Trung Đông, Trung Quốc, Đông Nam Á, và Việt Nam. Chỉ có tôi là khách mời (invited guest) từ Úc. Ngồi ghế chủ tọa là bà CT người Đức, nhưng nói tiếng Anh rất thạo. bà ấy cho biết đây là chuyến đến Hà Nội lần đầu, và Bà đã thấy mến cái thành phố này rồi. Tôi hỏi bà có vào TPHCM lần nào chưa, thì bà nói có nhưng không thích mấy.

Tôi thấy nhiều nhà hàng ở Hà Nội có những món an na ná giống nhau và cách chế biến thức ăn cũng không khác nhau mấy. Hình như người Hà Nội ít sử dụng nước mắm hơn trong Nam, nhưng họ lại thích món xào rau cải (còn trong Nam thì thích ăn sống). Tôi hỏi cô tiếp viên về món bánh xèo nhỏ tí tẹo rằng “Đây là bánh xèo hả em, sao chỉ thế này?”, thì chị ta nói “Dạ, bánh xèo. Thế trong Nam bánh xèo nhỏ hơn?” Tôi cười nói trong Nam bánh xèo lớn hơn cái bánh này khoảng 10 lần. Cô ta trố mắt nhìn tôi tưởng là tôi nói chuyện đùa! Món gì thì không biết, chứ bánh xèo thì Hà Nội không thể so với trong Sài Gòn được.

Qua nhiều nhà hàng ở Hà Nội, tôi đi đến một nhận xét là các món ăn ở đây thường ít mùi vị và nhạt. Thật vậy, người Hà Nội nấu ăn không sử dụng rau mùi nhiều như các đầu bếp miền Nam. Ngoài ra, một đặc điểm khác là người Hà Nội ít dùng nước mắm (hay các loại nước chấm chế biến từ nước mắm) như người Nam. Ngay cả món gỏi cuốn trông rất hấp dẫn, nhưng vì nước chấm giống như là nước muối pha ớt nên chẳng thấy ngon một chút nào cả. Món bún chả Hà Nội rất nổi tiếng, nhưng tôi thử qua thì thấy nếu cho thêm gia vị, rau thơm, và nước mắm pha cho “đúng” thì chắc ngon hơn nhiều. Nói tóm lại, cũng như người bạn đồng hành từ Sài Gòn nhận xét, tôi không thấy các món ăn Hà Nội đủ sức thu hút bao tử của mình.


Kinh tế tư nhân
12/11/08


Khách sạn tôi ở là khách sạn InterContinental, nằm nay bên cạnh Hồ Tây, thuộc làng Nghi Tàm, bên cạnh một cái chùa cổ mà tôi đã quên tên. Cái tên làng này nghe cũng là lạ, nhưng có cái gì đó hay hay. Thật ra, bên cạnh khách sạn này là khách sạn nổi tiếng khác: Sheraton. Hình như Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch là nơi tụ tập nhiều khách sạn sang trọng. Khách sạn InterContinental được xây theo kiểu resort, một số phòng trên bờ hồ, và một số cụm phòng và building thì xây ngay trên mặt hồ. Nối liền giữa các buildings là những con đường nhỏ để khách có thể đi bộ hóng mát hay thư giản. Buổi chiều đi bộ ở đây rất ư là thú vị. Toàn bộ khách sạn sơn màu trắng, trông rất sạch sẽ. Môi trường chung quanh khách sạn cũng được quan tâm rất cẩn thận. Anh tài xế taxi nói đùa (mà chắc ý nghĩa thật) rằng cũng may mà khách sạn này của Mĩ xây, nên họ làm sạch môi trường cho Hồ Tây, chứ nếu để Việt Nam xây thì chắc cái Hồ Tây này chết từ lâu rồi!

Tôi thấy phần lớn khách ở đây là người Tây phương hay Hàn Quốc. Thành ra, tôi đi đến đâu trong khách sạn, dù là khu tiếp tân hay khu hành lang, ai cũng nói với tôi bằng tiếng Anh, và họ nói tiếng Anh giỏi. Hình như tất cả các nhân viên ở đây, từ chị quét dọn đến anh bảo vệ, đều được huấn luyện về phong cách phục vụ khách, nên bất cứ lúc nào khi họ gặp khách, họ cũng đều “xổ” một tràng tiếng Anh chào đón và hỏi thăm xã giao. Good Morning Sir! là câu nói trên môi khi họ gặp khách. Không biết các bạn thì sao, chứ riêng tôi khi nghe một chị quét dọn mà nói tiếng Anh tôi thấy mình có chút tự hào. Thái độ này làm cho khách cảm thấy ấm lòng khi lưu lại ở đây. Ngay cả trong phòng, từ những chi tiết nhỏ nhất như tờ giấy, câu bút, kem đánh răng, v.v… cũng đều được quan tâm đúng mức. Cứ mỗi sáng, họ để sẵn tờ báo Viet Nam News (tờ báo bằng tiếng Anh nhưng chẳng có tin tức gì đáng đọc, vì nó mang tính tuyên truyền và thông cáo, hơn là báo chí nghị luận), và kèm theo một tờ giấy nhỏ cho biết thời tiết ngày mai ra sao. Nói chung, tôi rất hài lòng với khách sạn này, không có điểm nào có thể chê được cả.

Khách sạn và phong cách phục vụ của khách sạn này làm tôi nhớ lại lần trước ở khách sạn của Nhà nước và thấy mình may mắn quá. Cũng con người đó (Việt Nam), cũng đất đai đó, cũng ngôn ngữ đó, nhưng khi được đặt vào môi trường Tây phương (hay trường hợp này là Mĩ) thì sự tháo vác, trang trọng, hiếu khách và tính chuyên ngiệp được tăng lên cả trăm lần; còn nếu đặt dưới sự quản lí của Nhà nước thì ôi thôi … (khó nói quá). Tôi chỉ mong kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh hơn, với sự đầu tư của nước ngoài càng ngày càng nhiều hơn, thì chắc vài năm nữa, xã hội Việt Nam sẽ có một “critical mass” đủ mạnh để có thể cạnh tranh trên trường quốc tế, chứ nếu cứ để cho mấy cơ quan Nhà nước quản lí thì cái critical mass đó chỉ tàn lụi và ù lì hơn.

Hội nghị ba ngày được tổ chức ngay tại hội trường của khách sạn InterContinental. Chỉ có khoảng 20 medical directors và marketing directors từ các nước Trung Đông và Á châu đến dự. Phía Việt Nam có 2 người: một Tây và một Ta. Còn tôi là khách mời từ Úc. Tôi đến đây chỉ để giảng 2 bài trong vòng 3 giờ đồng hồ. Phần còn lại là tham gia thảo luận và cố vấn các vấn đề khoa học cho họ. Hôm đầu tiên, tôi ấn tượng với lời khai mạc của anh chàng Tây, giải thích tại sao symposium lần này đượcc tổ chức ở Hà Nội. Anh chàng này người Pháp, sang đây làm giám đốc cho công ti, và yêu Việt Nam quá nên ở lại đây đã 12 năm. Anh ta có vợ người Việt Nam. Trong bài nói chuyện không đầy 10 phút mà anh ấy nói “I love Vietnam” đến 5 lần! Tôi không biết anh ta “love Vietnam” hay là “love Vietnamese wife”. Tôi chú ý đến cách anh ta giới thiệu về Việt Nam cho đồng nghiệp ngoại quốc. Anh ta cho xem những cảnh đẹp từ Nam chí Bắc, kể cả vịnh Hạ Long và chợ nổi Cái Răng, đến những con đường nghẹt xe gắn máy, với những lời bình luận hóm hỉnh. Sau phần đó, anh ta nói về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, với những dữ liệu cụ thể, cho thấy anh ta theo dõi rất kĩ tình hình nước ta. Anh ta nói rằng Việt Nam tuy nghèo nhưng tỉ lệ người biết chữ có thể cao nhất trong vùng và trên thế giới. Để nhắc nhở đồng nghiệp, anh ta trình bày những biển ngữ tuyên truyền (mà anh ta nói là “propaganda’) và nói rằng Việt Nam là một nước cộng sản trên danh nghĩa dù trong thực tế thì không phải như thế; anh ta nói rằng ở Việt Nam hối lộ cho quan chức rất phổ biến nhưng công ti anh ta thì dứt khoát không có làm chuyện đó; anh tà nói về tham nhũng tràn lan ở Việt Nam, nhưng cho rằng trong tương lai sẽ cải thiện. Tất cả những thông tin đó chỉ nhằm để anh ta thẩm định thị trường của thuốc và dược phẩm của công ti. Là người Việt Nam, cho dù họ có xem tôi là khách mời từ Úc, nghe mấy bình luận của anh ta tôi thấy vui buồn lẫn lộn. Thật ra, tất cả những gì anh ta trình bày và nhận xét đều đúng cả, nhưng tôi chỉ muồn đó là những nhận xét đáng lẽ người Việt nói mới “hay” hơn. Tôi muốn “chuyện nhà” phải để cho người Việt nói với nhau, chứ đâu cần một người Tây giảng cho tôi nghe! Tôi tự ái cao chăng? Mà, làm sao nói nhau nghe khi mà báo chí đều chịu sự kiểm soát của Nhà nước?!


Hà Nội và bạn Hà Nội
13/11/08


Mấy lần đi công tác ở Hà Nội năm nay mà tôi nào có dịp đi đây đi đó để biết thành phố của “nghìn năm văn vật” ra làm sao đâu. Lần nào cũng bận túi bụi với công việc cho đến giờ cuối cùng lên máy bay, chứ không có thời gian khám phá thành phố một chút nào cả. Nhưng lần này thì khác: do người đối tác bên Đức (tôi tạm gọi là CT) mới ghé Hà Nội nên bản thân bà ấy cũng muốn tìm hiểu thành phố này. Bởi vì chương trình ngày thứ 2 của symposium mang tính nội bộ và một phần có lẽ thấy tôi không có nhiều thì giờ, nên bà CT gợi ý: tôi nghĩ ngày mai ông có thể không cần dự symposium và nên dành thời gian đó để tham quan Hà Nội. Đúng là một người biết điệu! Tôi chỉ chờ bà ấy nói như thế để lấy một ngày nghỉ đi gặp bè bạn và đi dạo phố.

Sáng hôm sau, ăn sáng xong, tôi gọi taxi ra phố. Từ khách sạn Intercontinental ở Nghi Tàm đến nội thành cũng khoảng 15 phút lái xe và tốn khoảng 60 ngàn đồng. Anh chàng tiếp tân của khách sạn nói như thế. Tôi đến khu Tràng Tiền, dạo quanh mấy tiệm sách, mua được vài cuốn sách cũ. Thật ra, các nhà sách ở đây đều tương đối nhỏ và cũng có vẻ dơ dấy hơn so với các nhà sách ở Sài Gòn (có lẽ là do Nhà nước quản lí). Ngạc nhiên là có đến 2 cuốn sách về Obama đã được dịch sang tiếng Việt và bày bán ngay cả trên các hiệu sách vỉa hè!

Dạo phố một hồi thì có điện thoại của một người bạn hẹn đến nhà chơi. Đó là một căn hộ nhỏ trong khu tập thể 5 tầng được xây từ thời bao cấp, ngay bên cạnh khách sạn Hilton và Nhà hát lớn Hà Nội. Căn hộ chỉ có 2 phòng nhỏ, nhưng có đến 4 người (2 vợ chồng và 2 đứa con trai) trú ngụ. Tôi có một cuộc trò chuyện thú vị với anh T và bạn anh là anh C về đủ thứ chuyện “nhân tình thế thái”. Cả hai anh đều là dân trí thức, được Nhà nước cử đi học ở nước ngoài khá lâu và thành danh, nhưng nay đã nghỉ hưu. Chúng tôi bàn về cuốn tiểu thuyết Thời của thánh thần (của Hoàng Minh Tường) rất ư thú vị. Theo anh C thì không nên gọi là “tiểu thuyết” mà phải gọi là “sử thuyết”, bởi vì những câu chuyện trong đó đều có cơ sở thực tế, và tác giả chỉ thay tên đổi họ nhân vật mà thôi. Anh ấy nói phải là người trong cuộc như hai anh ấy thì mới hiểu tại sao tác giả sử dụng hai chữ “thánh thần”, thời của cóc nhái nhảy lên làm giáo sư giáo sĩ! Chúng tôi kéo nhau ra quán cà phê bàn chuyện về sự đánh giá lại công trạng của triều Nguyễn. Anh C có một ý rất hay là đáng lẽ ngày quốc khánh phải là cái ngày mà Gia Long Nguyễn Ánh đặt tên nước là Việt Nam và thống nhất đất nước vào thế kỉ 19, chứ không phải ngày 2/9 (vì ngày này đất nước chưa thật sự thống nhất). Tôi thấy có lí, nhưng tôi nghĩ ý tưởng đó chắc khó mà thành hiện thực vì có bao lăm vị lãnh đạo chịu suy nghĩ như thế. Mấy lần trước, tôi gặp nhiều bạn bè ở Sài Gòn cũng nói chuyện trên trời dưới đất, tháng vừa qua gặp một “sĩ phu Bắc Hà” nói về chuyện giáo dục, và lần này gặp hai vị sĩ phu Bắc Hà nói chuyện văn học và xã hội cũng thú vị đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ về tính cách của người Hà Nội và Sài Gòn (hay người Nam nói chung). Tôi thấy dù là người trí thức Hà Nội hay Sài Gòn, họ đều có những suy nghĩ giống nhau (ý lớn gặp nhau?) nhưng cách họ đãi đằng thì rất khác nhau: người Sài Gòn trực tiếp hơn nhưng có chút e dè, còn người Hà Nội thì lí giải vòng vo hơn nhưng mạnh mẽ hơn; người Sài Gòn có xu hướng nhìn về tương lai và tích cực với cơ hội, còn người Hà Nội ôm lấy quá khứ (như vụ cải cách ruộng đất) và có phần thụ động.


Buổi chiều, ban tổ chức dành hẳn một chương trình “social event”, mà theo đó các thành viên được cho đi tham quan Hà Nội. Chúng tôi được dẫn đi thăm Văn Miếu, sau đó đi xe xích lô, thăm đền Ngọc Sơn, đi shopping, và ăn tối. Đây là lần thứ hai tôi ghé Văn Miếu, nên không có cảm giác như lần đầu. Dù lúc đó là 4 giờ chiều nhưng vẫn có rất nhiều khách Tây phương đến thăm. Những người đi trong đoán, ai cũng trầm trồ khen truyền thống khoa bảng Việt Nam sau khi được giải thích về ý nghĩa và mục đích của Văn Miều (và kèm theo những lời “thêm mắm thêm muối” của tôi). Tôi không biết mấy ông tiến sĩ ngày xưa đã có công gì trong việc xây dựng đất nước, ngoài việc thi đỗ tiến sĩ và có tên trên bia đá (hay lại chỉ học để có cái bằng rồi thôi, chẳng có hữu dụng gì cho xã hội). Thật ra, nói đến cái Văn Miếu này tôi lại nhớ đến cái Văn Miếu đang được xây dựng (?) để vinh danh mấy ông bà tiến sĩ hiện đại. Rất nhiều người can ngăn cái Văn Miếu hiện đại đó, nhưng hình như những người chủ trương vẫn chưa thay đổi ý kiến.

Được đi xích lô (lần đầu tiên trong đời), tôi có cảm giác kì kì. Mình ngồi đây nhìn chung quanh, còn người phía sau ghế thì đang còng lưng đạp xe. Nó giống như cảnh ông Tây thực dân chễm chệ ngồi trên xe để người phu Việt Nam đạp xe. Trước khi đi xích lô, tôi đã đãi đằng ý không vui, nhưng anh hướng dẫn đoàn du lịch nói đi xe xích lô là hình thức giúp cho người lái xe! Người tài xế xích lô của tôi là một anh trẻ tuổi (35 tuổi), người nhỏ thó, ốm, đen đúa, đội cái nón kết có ngôi sao đỏ. Trò chuyện một hồi tôi mới biết anh là người gốc Nam Định, từng đi bộ đội cả 5 năm trời, về giải ngũ không có việc làm nên lang thang đến thành phố này để đạp xích lô kiếm sống. Anh ta chở tôi đi vòng vòng khu phố cổ, cứ mỗi lần đến một phố mới, anh nói sơ qua về lịch sử của khu phố (mà tôi đoán là anh ta học từ sách hay gì đó). Chúng tôi nói chuyện thời sự, và một lần nữa, những câu chuyện tiêu cực trong xã hội lại có dịp tuôn ra không ngừng nghỉ bởi anh tài xế xích lô. Tôi nghĩ các vị quan chức phải chi họ bỏ ra vài ngày để “vi hành” và nói chuyện với những người lao động như thế này thì hay biết mấy …

Hà Nội mới bị ngập lụt. Tôi hỏi anh tài xế rằng khu phố cổ này có bị lụt không thì anh nói không. Anh cho biết chỉ có mấy khu mới như Mỹ Đình, phố Nguyễn Lương Bằng, v.v… mới bị ngập lụt, chứ còn khu phố cổ và phố Tây thì không ảnh hưởng. Anh ta hóm hỉnh nói rằng người Pháp đã nghiên cứu kĩ nên dù khu phố của họ xây dựng đã gần 100 năm mà vẫn tốt, còn tiến sĩ Việt Nam làm ẩu làm dỏm nên bị ngập lụt là chuyện đương nhiên. Anh ta còn nói nhiều câu mỉa mai về nạn tiến sĩ giấy nữa, nhưng tôi sợ lại bị “chạm đài” nên vội vàng quay sang chuyện khác.

Đây là lần đầu tiên tôi đến Đền Ngọc Sơn, nên cũng háo hức lắm. Tôi đến đó cũng xế chiều, trên đường ra đền, tôi thấy từng lượt khách Tây đến thăm và chụp ảnh. Trên đường ra đền, có vài người tay bồng con còn tay thì nài nỉ khách mua mấy tấm hình. Anh bạn người Hà Lan cũng là một khách được "chiếu cố", anh đưa mắt nhìn tôi, nhưng tôi có gắng tránh cái nhìn đó mà thú thật tôi thấy xấu hổ. Nạn chèo kéo ở đây không trầm trọng như những nơi khác tôi từng đến, nhưng ngay giữa lòng thủ đô mà có tình trạng này quả thật làm tôi không vui. Nghe nói cây cầu này đã bị sập vào năm 1962 khi có quá nhiều khách viếng thăm, nhưng nay đã được xây dựng lại chắc chắn hơn. Đền Ngọc Sơn, cũng như bao lăm di tích lịch sử khác ở nước ta, tương đối nhỏ và không có gì để gọi là “bề thế” cả. Trong Đền thờ Trần Hưng Đạo và vài nhân vật lịch sử khác. Tôi có dịp đi vòng quanh đền để “khám phá”, nhưng khám phá của tôi thì e rằng không hay mấy. Mang tiếng là một đền lịch sử, nhưng cách bày biện và tổ chức thì rất lượm thượm, dơ bẩn. Nhìn thấy mấy người quản lí ngồi xổm, gọt trái cây bỏ vỏ dưới đất, thản nhiên ăn uống, mà tôi thấy buồn cười (hay buồn nôn) làm sao. Còn vào cái toilet thì kinh khủng quá, vì nó chẳng những hôi thối và còn không có nước rửa tay. Tôi không biết khách Tây phương nghĩ gì khi một cái đền mang tính biểu tượng của thành phố mà người ta còn không tôn trọng, không gìn giữ thì người ta tôn trọng và gìn giữ cái gì?

Vì thì giờ (tôi phải ra phi trường lúc 7 giờ tối) nên chỉ tham gia chương trình đến khâu thăm đền Ngọc Sơn thì phải rời đoàn để ra phi trường. Tôi đến Hồng Kông lúc 10 giờ đêm, và chỉ chờ 1 giờ để chuyển sang chuyến bay Cathay về Sydney. Chuyến bay gần 9 giờ đồng hồ đêm nay sẽ là một chuyến … ngủ. Tôi sẽ đến Sydney 12 giờ trưa và sẽ tiếp tục “chiến đấu”. Nói chung, 3 ngày ở Hà Nội là 3 ngày đấy ấp chương trình làm việc và tham quan. Dự định thăm vài người bạn mà cũng không được. Thật ra, có gọi điện và nhắn tin cho một anh bạn nhưng chẳng thấy ai trả lời. Và, chắc chắn là không về quê Kiên Giang được. Nhưng dù chỉ có 3 ngày, Hà Nội vẫn để lại trong tôi nhiều hình ảnh đẹp, nói theo một người bạn Tây phương là, charm (có duyên).

NVT

TB. Viết mấy dòng này trên máy bay, nên ý tưởng cứ nhảy nhót tùm lum. Trong thời gian ở Hà Nội vì bận quá nên không lên net được để xem thư từ, đành phải lỗi hẹn nhiều bạn và một anh bạn biết tôi từ thời VNSA. Ui chao, mới đây mà đã hơn 10 năm từ ngày bàn tán xôm tụ trên vnsa. Có phải ĐAH hay ĐTS không đó?
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét