Báo Tuổi Trẻ có một bài thú vị về chuyện “cám ơn”. Bài này làm tôi liên tưởng đến những giao tiếp của mình ở trong nước. Như các bạn có thể đoán được, tôi nhận nhiều thư hỏi han hay xin giúp đỡ. Có rất nhiều thư không bao giờ xưng tên gì cả! Còn những câu hỏi, chữ viết thì ... khỏi nói, chỉ biết dơ tay lên trời.
Toàn là thư từ địa chỉ công cộng, nên chẳng biết người đó có thật sự hiện hữu hay không. Khi tôi trả lời xong, thì coi như người đó biến mất, không bao giờ có một thư nói là đã nhận được thư (chứ chưa đòi hỏi phải “cám ơn”). Thoạt đầu, tôi tưởng chắc chỉ vài ba trường hợp, nhưng tôi sai: hình như hiện tượng này mang tính hệ thống, cứ như là một văn hóa vậy. Văn hóa không cám ơn. Mà, thú thật, tôi cũng chẳng quan tâm, vì khi mình làm gì, cái tôi cần không phải là một lời cám ơn (dù lời nói đó cũng làm cho mình ấm lòng) mà chỉ muốn làm hết việc của mình mà thôi.
Nhưng đó là tôi, một người Việt Nam , còn người Tây thì sao? Tôi chỉ sợ cái văn hóa đó mà ứng dụng cho người Tây phương thì họ sẽ nghĩ không tốt về người Việt Nam . Nếu thay vai tôi cho một ông Tây nào đó, tôi biết ông Tây đó sẽ nghĩ người Việt Nam rất vô ơn, rất mất lịch sự, thiếu văn minh trong giao tiếp xã hội. Thật ra thì người Việt Nam chúng ta không vô ơn đâu, nhưng chỉ vì không quen với cách nói “cám ơn” mà thôi.
Ngày tôi mới sang đây, tôi thấy hai chữ “thank you” và “sorry” giống như là những chữ nằm lòng. Thật ra, nga y từ ngày mới vào học tiếng Anh, người ta dạy khi được hỏi “How are you today”, thì câu trả lời đại khái phải là “I am fine, thank you.” Phải có chữ cám ơn đằng sau. Đi chợ mua hàng, sau khi trả tiền, người bán hàng cũng “cám ơn”, và mình (người mua hàng) cũng “cám ơn” lại. Bên Mĩ, họ còn lịch sự hơn nữa: cám ơn, và chúc ông/bà một ngày tốt đẹp.
Trong các hội nghị khoa học, chúng tôi thậm chí còn nhắc nhở nghiên cứu sinh đến quầy của các công ti kĩ nghệ nói một tiếng cám ơn người ta, vì nếu không có tài trợ của họ thì chắc gì các nghiên cứu sinh được đi dự hội nghị. Lời cám ơn rất quan trọng. Ấy thế mà tôi thấy trong nhiều báo cáo khoa học từ Việt Nam , tác giả chẳng cám ơn ai!
Tương tự, chữ sorry (xin lỗi) cũng là chữ đầu môi. Đi đường, nếu bị ai đụng nhẹ một cái, họ liền quay lại nói “xin lỗi”. (Còn ở nước ta, có lẽ do mật độ dân số cao, nên chuyện đụng chạm là thông thường, chẳng cần xin lỗi). Nói ra một câu gì rồi mình tự thấy vô duyên thì câu sau sẽ là “tôi xin lỗi”. Thậm chí, nhiều khi họ đấm người ta một cú như trời giáng mà cũng quay sang nói với nạn nhân mình là “xin lỗi nhé”! Có khi tôi nghĩ sao người Tây phương khách sáo quá.
Hồi xưa, lúc còn ở trong nước tôi hay nghe người ta nói người Tây phương lịch sự nhưng họ vô đạo đức lắm. Nhưng khi ra ngoài này, tôi nghĩ quan điểm đó quá sai. Tôi thấy cám ơn và xin lỗi gần như là một nét văn hóa của người Tây phương, mà cụ thể là người Anh, Mĩ (tôi không biết mấy dân tộc bên Đông Âu ra sao nên không dám nói). Họ chẳng những rất lịch sự mà còn rất đạo đức. Họ không bao giờ quay mặt với một tai nạn để cho nạn nhân nằm chết trên đường lộ như ở Việt Nam ta. Trẻ con từ lúc còn rất nhỏ được dạy phải có trách nhiệm xã hội, phải biết nói “cám ơn” và “xin lỗi”. Tôi thấy đây cũng là điểm mà mình cần phải học người Tây phương.
Thứ Sáu, 31/10/2008 , 22:23 (GMT +7)
Tại sao người Việt Nam ít nói “cảm ơn”?
TT - Đọc bài “Các bạn ít nói xin lỗi” trên mục Trong mắt người nước ngoài (Tuổi Trẻ ngày 14-10-2008 ), tôi thấy cần phải tự phê là người VN mình cũng rất ít khi nói “cảm ơn”. Chuyện này cứ lặp lại nhiều lần, và gần như là một thói quen cố hữu của người Việt nên tôi xin kể câu chuyện sau đây để mọi người cùng suy nghĩ.
Hôm ấy chúng tôi đến công ty sớm hơn mọi ngày. Buổi họp sắp bắt đầu, mọi người lấy viết, máy tính, sổ tay đặt lên bàn. Anh phụ trách kỹ thuật lo chỉnh máy chiếu LCD cho màn hình được rõ nét. Ai cũng gấp gáp.
Kevin, giám đốc marketing, đứng dậy đi lấy nước. Trước khi ra cửa anh hỏi: “Các bạn có ai uống gì không? Tôi mang vào cho”. Cả phòng họp gồm các giám đốc phòng ban, kẻ trả lời có, người trả lời không bằng thứ tiếng Anh trôi chảy mà họ vẫn nói hằng ngày. Tuy nhiên chỉ có một trong số gần mười câu trả lời đó có kèm theo tiếng “cảm ơn”.
Chiều hôm ấy, Kevin nói với tôi: “Mình thấy bị sốc và lấy làm rất lạ là tại sao người VN không nói cảm ơn. Hồi sáng, người nói “yes” thì thiếu “please”, còn người trả lời “no” thì không kèm theo chữ “thanks”.
Tôi cười buồn. Tuy không phải tất cả đều như thế nhưng phải công nhận là nhận xét nói trên hoàn toàn đúng. Đối với người nước ngoài, khi ai đó tỏ ra muốn giúp đỡ gì cho mình thì ta nên cảm ơn nga y, không phụ thuộc vào việc có nhận sự giúp đỡ đó hay không. Với người VN, từ nhỏ trẻ em không được hướng dẫn rõ ràng như vậy.
Tôi xin ví dụ bằng hai câu chuyện có thật và thường xảy ra hằng ngày:
1. Bé Hoa nghe tiếng chuông liền chạy ra mở cửa. chưng Liên đi chợ về một tay xách giỏ thức ăn, tay kia cầm chiếc bánh bao hỏi bé Hoa:
- Con ăn bánh bao không?
- Dạ không, con ăn sáng rồi.
Đối với chúng ta như thế là đã quá lễ phép, không cần bắt bẻ gì nữa. Vì thế, bé Hoa sẽ không nói cảm ơn với chưng Liên hay bất kỳ ai khi bé không nhận quà.
2. Hôm nay toàn thể thầy giáo lên quận họp. Hương loay hoay dắt chiếc xe Attila ra cửa, Quân từ trên cầu thang chạy xuống nói vọng ra:
- Xe nặng đấy, để anh dắt ra cho.
- Được rồi, cảm ơn anh.
- Ôi, sao lại nói cảm ơn. Em khách sáo quá!
Thế đấy! Chữ cảm ơn bị từ chối và chữ khách sáo lại bị dùng sai.
Vì quan niệm như thế nên chúng ta ngại nói lời cảm ơn và dẫn đến hình ảnh không hay trong mắt của người nước ngoài. Liệu mình có thể làm được gì để giúp cải thiện hình ảnh đó không? Tôi nghĩ rằng có thể.
Hãy dạy cho con trẻ biết nói cảm ơn từ khi còn nhỏ, cả lúc nhận lẫn lúc từ chối lời mời. Việc này tuy nhỏ nhưng tôi tin rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ em, nhất là giúp trẻ tránh được thái độ vô ơn. Trong thế giới đẹp đẽ này, bao lăm phần được xây bằng những điều to tát, bao lăm phần được xây từ những cái nhỏ nhoi? Tôi nghĩ rằng núi lớn non cao cũng rất cần hoa cỏ, biển rộng sông dài cũng không thể thiếu suối khe. Viết lên những dòng tâm sự trên, tôi chỉ muốn chúng ta cùng góp sức để làm đẹp cho đời từ những phần nhỏ nhoi đó, điều đó vừa sức với tôi cũng như đa số mọi người.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét