Chưa xong lớp 9 đã có 2 bằng đại học!

Đó là tựa đề của một bài báo trên Vietnamnet mà tôi đọc sáng nay:
http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/10/806851

Bài báo cho biết một cán bộ trong ngành truyền thông của tỉnh Phú Yên, "tuy chưa học hết lớp 9 nhưng đã có 2 bằng đại học là Đại học tài chính kế toán và Cao cấp lý luận chính trị". Trước đây chỉ vài tuần, một cán bộ cao cấp thuộc tỉnh Đồng Tháp cũng vậy: chưa xong phổ thông trung học, nhưng đã tốt nghiệp đại học. Vụ việc cũng được điều tra, nhưng hình như chẳng tới đâu, vì thủ tục quá nhiêu khê và đùn đẩy cho cấp trên và cấp trên nữa ...

Nói cho ngay, ở ngoài này, cũng có người không từng qua trung học những vẫn theo học đại học và tốt nghiệp đàng hoàng. Những thí sinh này thường theo học các ngành như kinh tế, luật, văn học, nghệ thuật, v.v... chứ không theo học các ngành dính dáng đến khoa học. Nhiều luật sư ở Úc chỉ bắt đầu là thư kí rồi theo học ban đêm mấy năm trời đến khi ra trường và hành nghề. Tôi có biết một ông thầy cũ ở trường Sydney dạy về môn thống kê, nhưng chưa từng qua trung học và cũng không có bằng thạc sĩ, nhưng ông ấy cực kì giỏi đến nổi các đồng nghiệp có bằng tiến sĩ phải kính nể. Nhưng đây là những trường hợp khá hiếm, và thường xảy ra trong những thập niên 1950, 1960s, 1970s, chứ bây giờ thì hầu như không có. Một điều cần chú ý là những người này học hành đàng hoàng, chứ không phải học như kiểu nhảy dù đâu nhé. Còn vị cán bộ trên có 2 bằng đại học, tôi không biết có theo học 4 năm như các sinh viên khác hay không.

Vấn đề giáo dục ở nước ta là một câu chuyện mà người Mĩ hay nói là "never ending story" (Câu chuyện không có hồi kết thúc). Đã biết bao lăm giấy mực và bandwidth dành cho chủ đề này mà cũng chẳng thấy có gì thay đổi. Hết bộ trưởng này sang bộ trưởng nọ lên, nhưng tình hình "vũ như cẩn". Nói cho ngay, lúc đầu ông bộ trưởng nào mới nhậm chức cũng đều phát biểu hăng say và khí thế, nhưng sau khi qua thời gian tuần trăng mật, thì khí thế có vẻ suy giảm theo thời gian như hàm số mũ.

Nhưng có lẽ những câu chuyện như thế này (và chắc chắn trong thực tế còn nhiều hơn nữa) nên có người cho rằng tình trạng giáo dục ở nước ta nói một cách hình tượng là "dột" từ trên nóc nhà. Hỏng từ trên. Một nền giáo dục như thế rất nguy hiểm. Làm chưng sĩ nếu sai lầm chỉ hại một vài người, nhưng làm giáo dục sai thì hại cả thế hệ (thậm chí nhiều thế hệ). Tôi nghĩ hiện nay, nước ta đang gánh chịu hệ quả của những sai lầm trong giáo dục suốt mấy chục năm qua. Nếu có sửa thì chắc cũng còn lâu mới xong.

NVT

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét