Chuyến về Việt Nam lần này, do giới hạn thì giờ và dàn xếp của đối tác bên Đức, tôi bay với hãng hàng không Cathay Pacific. (Nếu bạn nào chưa biết, chữ Cathay theo nghĩa tiếng Anh cổ có nghĩa là Trung Hoa). Trải qua một kinh nghiệm với Cathay tôi muốn ghi lại vài hàng để nhớ hay để nhắc nhở hãng Vietnam Airlines.
Không nhớ lần sau cùng tôi bay với Cathay là năm nào, nhưng chắc cũng hơn 10 năm rồi. Trước đây, ấn tượng của tôi đối với Cathay là một hãng hàng không trên trung bình, có thể thấp hơn Singapore Airlines hay Thai Airways, nhưng ngang hàng với Qantas của Úc, và chắc chắn là hơn các hãng như United, British Airways hay Air France. Nhưng sau 10 năm, đã có nhiều đổi thay, và lần này tôi phải xếp Cathay vào hạng top, ít ra là tương đương với Singapore Airlines.
Thật vậy, từ khâu check-in, boarding, đến phục vụ, không thể nào và không có một điểm nào có thể chê Cathay được. Ngay từ khâu check-in, cái mảnh giấy lên máy bay cũng được in một cách trang trọng, từ việc chọn màu đến chữ in và phân định hạng ghế, cho thấy người quản lí đã suy nghĩ cẩn thận trong việc đem đến cho hành khách một ấn tượng tốt về hãng hàng không. Tôi thấy giấy boarding pass của Cathay mang tính nghệ thuật trong đó, chứ không phải chỉ đơn thuần là một tấm giấy với những hàng chữ Anh rối rắm khó đọc. Khâu lên máy bay (boarding) cũng cực kì trật tự. Đương nhiên, hành khách hạng nhất hay hạng business có đặc lợi lên máy bay trước, còn hành khách hạng economy (tiết kiệm) thì phải xếp hàng (nhưng người có trẻ em nhỏ hay người già được ưu tiên lên trước). Điều này rất khác với Vietnam Airlines, vì trong nhiều chuyến đi với “hãng nhà” này tôi chẳng thấy họ dành ưu tiên cho người già cả hay người có con nhỏ gì cả. Ngoài ra, hành khách hạng business hay hạng Golden Lotus vẫn đứng xếp hàng như mọi người khác. Hoan hô tính đồng đẳng của Vietnam Airlines!
Chuyến bay này, Cathay sử dụng máy bay Airbus A330 (hình như là tương đương với 767). Cách sắp xếp ghế trong khoang business của họ rất mới, không giống như mấy hãng khác mà tôi thường bay. Thay vì ghế được xếp theo từng hàng ngang, họ bố trí ghế theo cạnh góc. Ở hai bên cửa sổ, mỗi cửa số là một cái ghế xéo hướng về đầu máy bay. Thay vì mỗi hàng có hai ghế như thông thường, họ bố trí ghế theo kiểu “cá nhân hóa”, có nghĩa là một hành khách có một khu riêng biệt. Khu này được cách ngăn bằng 2 bức tường với hai hành khách láng giềng, tạo nên một không giang rất riêng tư. Tivi cá nhân được xếp theo chiều dọc, nhưng có thể kéo ra và quay theo hướng mình thích. Phía trước mỗi ghế là một cái ghế nhỏ để hành khách đặt chân nghỉ ngời. Hai bên là những “tủ” để sách báo và đồ dùng cá nhân. Mỗi ghế đương nhiên là có một cái bàn cá nhân để làm việc. Suốt chuyến bay 9 giờ, tôi làm việc trên cái bàn này với cái laptop. Không sợ hết bin vì bên cạnh ghế đã có sẵn ổ điện để tôi sử dụng điện của máy bay. Thật là tiện! Toàn bộ trang trí của khu cá nhân y chang như một văn phòng nhỏ, rất tiện cho những chuyến bay xa và làm việc.
Khâu phục vụ trên máy bay của Cathay thì phải nói là tuyệt vời. Tôi có cảm giác hình như các cô phục vụ (không thấy nam!) không cho mình nghỉ. Mới lên máy bay là một li nước trái cây tươi chào đón. Sau đó, một cô xinh như tiên đến từng ghế chào mừng hành khách. Professor Nguyen, welcome to Cathay Pacific! We are glad to have you onboard. Trời, họ biết cả tên và danh xưng của mình. Điều này chắc không lạ, vì họ có danh sách cả rồi, đi đến ghế nào, chỉ cần nhìn qua danh sách mà chào mừng thôi. Thoạt đầu, tôi tưởng sau câu chào hỏi đó, cô ấy hỏi tôi ăn gì, nhưng cô ấy nói chút nữa có người đến hỏi ăn uống gì. Nói tóm lại, cô ấy chỉ có nhiệm vụ đi … chào khách! Chà, cái nhiệm vụ này coi bộ hấp dẫn và hơi nhàm chán đây.
Sau phần chào đón là phần ăn uống. Ăn uống liên tục. Khởi đầu là smoothies với nước ép trái cây. Thấy có xoài nên tôi không ngần ngại xin “Nước xoài!” Cô ấy nói hơi ngọt đó nghen, tôi nói “ok”, đừng lo. Hết phần smoothies là đến phần cà phê và trà với croissant. Hết cà phê và trà lại đến phần ăn sáng với dim sim. Hết ăn sáng lại đến trái cây. Hết trái cây lại đến cà phê và trà. Mà, những món ăn của họ toàn có chất lượng chứ không phải là loại hâm nóng cho qua nhé. Còn cách phục vụ, trang trí món ăn là thuộc đẳng cấp nhà hàng up-market, chứ không phải loại xoàng. Từ tấm khăn trải bàn, đến cái muổng, đũa, dao, v.v… đều cực kì tinh tế.
Nói chung là suốt buổi sáng đến buổi trưa, tôi nạp năng lượng quá nhiều, nhiều đến nỗi phải xin phép cho tôi được bình yên mà làm việc. Cô ấy cười nói chúng tôi muốn ông có một chuyến bay tuyệt vời, đừng ngần ngại hỏi nếu ông cần giúp đỡ. Lời ăn tiếng nói của họ cũng nhẹ nhàng, vui vẻ pha chút hóm hỉnh, chứ không phải như những câu chữ giống như ra lệnh của tiếp viên VNA làm mình giật thót cả người. Ui chao, bao lăm năm nay bay với Vietnam Airlines và United, đâu có ai tử tế với tôi như thế. Họ (Cathay) làm tôi thật sự ấn tượng và có chút cảm động vì họ chăm sóc quá tận tình chứ không giả bộ (như VNA)!
Phi trường Hồng Kông rất lớn, có lẽ còn lớn hơn cả phi trường Singapore, được thiết kế độc đáo, là một cảng hàng không quan trọng trong vùng Á châu và quốc tế. Hình như đây là phi trường do người Anh xây trước khi trao trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc, nên kiến trúc trông rất … Tây. Về qui mô, tôi liên tưởng đến phi trường Denver (Colorado). Tôi đến phi trường vào buổi chiều (~3:30 pm), nhưng không khí vẫn nhộn nhịp như chợ. Hồng Kông là đảo buôn bán, nên phi trường của họ đầy dẫy shop với shop, đi khu vực nào cũng thấy những tiệm bán đồ thời trang với những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới, hàng lưu niệm, và hàng quán ăn uống. Khỏi cần nói cũng biết vào những quán này chẳng khác gì dâng mình cho họ “chém”.
Vì phi trường quá rộng nên tìm được khu chuyển tiếp để bay về Hà Nội do hãng Dragon Air ở phi trường mênh mông này không phải là chuyện đơn giản. Dù nhân viên phi trường cực kì nhiệt tình, dù các biển hiệu chỉ khu vực cực kì tốt, và dù tiếng Anh của tôi không đến nỗi tệ, nhưng tôi vẫn phải loay hoay một hồi (và phải đi xe điện) mới tìm ra khu chuyển tiếp trong khu E1-E2. Tôi liên tưởng nếu một người Việt thông thường từ trong nước ra hay từ nước ngoài về mà không quen với tiếng Anh có thể gặp khó khăn để tìm đến nơi mình muốn đi.
Ngay cả khu lounge của Cathay ở phi trường Hồng Kông cũng rất tuyệt vời. Tôi chưa thấy khu vực lounge nào trên thế giới lớn và tốt như ở đây. Ở phi trường Sydney, lounge thì quá tệ (thà không có còn hơn), còn ở Tân Sơn Nhất thì quá xoàng và quá chật hẹp, nhưng ở phi trường Hồng Kông thì rất rộng và phục vụ cũng quá tuyệt vời. Khu lounge của họ là cả một tầng lầu của building, được phân chia theo từng “vùng” dành cho hạng business và first class. Riêng hạng business, họ có tất cả các dịch vụ massage, tắm gội, thư giản giải trí, internet (kể cả wireless), v.v… Còn khâu ăn uống thì ôi thôi, nào là những “quán” chuyên về mì, cơm, rượu, bia, ăn chay … Tôi vào một quán mì, thì thấy họ thiết kế theo kiểu “đuổi khách”, tức là đèn chỉ vừa đủ sáng và tường màu xám để khách chỉ đến đó ăn uống và đi càng sớm càng tốt (nhường chỗ cho khách khác), nhưng phục vụ của nhân viên thì không chê vào đâu được.
Thế thì có lẽ có người sẽ hỏi trong tương lai tôi sẽ chọn hãng hàng không nào? VNA và Cathay? Câu trả lời đơn giản là VNA. Tại sao? Tại vì ông bà ta có câu ta về ta tắm ao ta / dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Cho dù chất lượng phục vụ của VNA không thể (hay chưa thể) so sánh được với Cathay, nhưng tôi vẫn thấy nên ủng hộ họ, góp ý họ, để một ngày nào đó họ đủ lớn mạnh mà cạnh tranh trên trường quốc tế.
NVT
Xem thêm: Cách làm trắng da mặt an toàn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét