Chuyện taxi Sài Gòn

- Về đâu đó anh ơi?

Câu hỏi của người thanh niên mặc đồng phục ở phi trường TSN làm tôi tự dưng nhớ đến một ca khúc có đoạn “Đi về đâu hởi anh / khi trong lòng không chút nắng / giấc mơ đời xa vắng / bước chân không chờ ai đón / một đời anh mãi lang thang". Tôi nhìn anh ta xem có phải là tài xế taxi hay là cò taxi. Thời đại này có quá nhiều cò, là những người trung gian để kiếm thêm tiền mà hành khách hay người tiêu thụ phải chịu khoản tiền phụ trội đó. Thành ra, tôi phải cẩn thận. Định không dây dưa trả lời nên tôi lờ anh ta. Thế nhưng anh ấy lại "phang" thêm một câu tiếng Anh (vì chắc tưởng tôi là Đài Loan hay Hàn Quốc hay Nhật gì đó chăng):

- Only 25 dollars!

Thấy cũng vui vui nên tôi quay lại nói: nói tiếng Việt cho thoải mái ông ơi. Đi về trung tâm thành phố, bao lăm đây? Anh ta nhanh nhẩu trả lời:

- 25 đô chắc giá đại ca.

Trời! Giá gì mà trên trời vậy cà. Tôi tự hỏi. Mới về đây hồi tháng 7, tôi còn nhớ giá chỉ độ 50 hay 70 ngàn đồng mà thôi. Dù biết rằng xăng dầu lên giá, nhưng rất khó tin chỉ trong vòng 2 tháng mà giá cả taxi tăng nhanh như thế này. Thành ra, tôi đành phải nói là giá đắt quá, để tôi kiếm xe khác. Anh ta đi theo cù cưa biện minh cho cái “giá trên trời” mà anh ta vừa đưa ra. Thấy tôi chẳng bình luận gì, anh ta bồi thêm một câu: Vậy đại ca có biết từ đây về Chợ Bến Thành là bao lâu không? Tôi bực mình nói: làm sao tôi biết, tại sao anh phải hỏi tôi câu này; chính anh phải là người nói cho tôi biết chứ. Anh ta thấy tôi có vẻ bực mình nên tự trả lời: 2 tiếng đồng hồ lận đại ca.

Tôi tự nhủ hôm nay mình không may mắn gặp một người “xạo” rồi. Thôi, bỏ qua. Tìm chiếc taxi khác để đi. Nhìn thấy mặt anh tài xế coi bộ cũng hiền hòa và thành thật, tôi hỏi anh giá taxi đi từ đây về trung tâm thành phố. Anh tài xế trẻ của chiếc Comfort taxi vui vẻ nói ngay:

- 200 ngàn.

Trời! Lại thêm một cái sốc, nhưng sốc nhẹ hơn giá trước. Tôi hỏi giá cả sao mà cao quá vì chỉ vừa mới 3 tháng qua giá taxi tôi đi chỉ bằng 1/3 giá này. Anh ta nói rằng vì bây giớ kẹt xe dữ quá và giá xăng dầu lên quá cao nên giá taxi cũng tăng theo như vậy. Anh ta nói tiếp:

- Em cũng có thể lấy giá theo đồng hồ, nhưng sợ anh la thôi.

Tôi lại hỏi từ đây về trung tâm thành phố là khoảng bao lâu. Anh này cũng trả lời 2 tiếng, tức y chang như câu nói của anh cò hồi nãy. Thấy mấy hành khách khác giá cả cũng “same same”, nên tôi nghĩ chắc giá cả bây giờ nó như thế. Kì kèo và tán dóc một lúc tôi thấy khó mà thay đổi được tình thế nên đành đi với anh taxi này.

Lên taxi xong, tôi vẫn thắc mắc về cái thời gian 2 giờ đồng hồ. Anh ta cười nói: rồi chút nữa anh sẽ thấy, em hông có xạo đâu. Giờ này là giờ cao điểm, học sinh tan trường, công sở hết giờ nên kẹt xe dữ lắm. Cách anh này nói càng làm cho mình tin là anh ta nói thật.

Qua cổng thu vé, tôi thấy xe vẫn chạy bon bon, chẳng có dấu hiệu kẹt xe gì cả. Ừ thì cũng đây đó có ùn tắt ở mấy trục lộ roundabout, nhưng cũng chẳng có gì là kẹt xe đến 2 giờ cả. Xe chạy qua Quận Ba, trên đường Lê Văn Sỹ, mà xe vẫn chạy khá thông, chẳng thấy kẹt xe gì ghê gớm lắm. Tôi quay lại câu chuyện “2 giờ đồng hồ”, nhưng lần này thì anh ta đổi chuyện nói rằng: bữa nay mình hên đó anh.

Tôi lại tưởng bữa nay tôi xuôi mới đúng chứ. Nghĩ như thế, nhưng tôi không muốn nói ra, sợ làm cho anh tài xế trẻ hối hận, nhưng tôi nghĩ anh ta hiểu rằng tôi cũng tế nhị không nói ra rằng anh ta là một người lường gạt. Từng đi đây đi đó nhiều, ngay cả trên quê hương mình, mà lần này thì tôi cảm thấy mình bị lường gạt. Nhưng thú thật tôi chẳng cảm thấy buồn giận gì, bởi tôi vẫn nghĩ đây cũng là chuyện thường tình trong xã hội. Tôi xoay câu chuyện sang chỗ thú vị hơn. Tôi hỏi anh ta quê quán ở đâu và nói chuyện đời sống người lao động ra sao. Hóa ra, anh ta là người gốc Cao Lãnh (Đồng Tháp), mới có 25 tuổi đời, lên Sài Gòn đã 3 năm cùng 3 người khác mướn 1 căn phòng giá 800 ngàn/tháng. Cả ba người xa quê bươn chãi kiếm sống với đủ thứ nghề. Anh ta nói rằng thời giá bây giờ đắt quá, nên kiếm 1 triệu đồng/tháng rất khó “trụ” được ở thành phố này. Rồi anh “lái” câu chuyện sang những cán bộ tham nhũng, hà hiếp dân, những nỗi khổ của dân miền Tây như anh, v.v. và v.v. Tôi thấy anh còn trẻ mà cũng có những tầm nhìn rộng và cũng biết chuyện ra phết! Tôi nghĩ thôi thì 200 ngàn đồng tuy có quá (hay bị gạt) thì cũng là một cách gián tiếp tôi góp vào giải quyết cuộc sống khó khăn của anh ta.

Về đến khách sạn cũng tròm trèm 1 giờ đồng hồ. Tôi vui vẻ nói: đó, thấy không, chỉ có 1 giờ thôi mà. Anh ta cười trừ, nhưng tôi không quên nhét thêm vài ngàn cho anh ta (vì nếu đổi tiền kịp thì chắc tôi sẽ cho thêm). Anh ta nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên về cử chỉ này.

Bây giờ ngồi suy nghĩ lại, tôi thấy hình như cái vụ xăng dầu lên giá và kẹt xe là những cái cớ để một số người làm tiền người tiêu thụ hay hành khách. Ở phi trường, tôi có cảm giác mình đang lọt vào cái bẫy taxi, mà trong đó mình không có lối thoát, không có cơ hội để thương lượng, bởi vì ai cũng nói như nhau và ra giá như nhau.

Sáng nay thức sớm vì khác giờ. Mới có 4 giờ sáng mà mắt đã mở, không tài nào ngủ được. Vớ cuốn sách Sống Đẹp của Lâm Ngữ Đường (một cuốn mà tôi tâm đắc từ trước 1975) nay được in lại và tôi mua từ năm ngoái nay mang theo để đọc. Trong sách có nhiều đoạn thú vị về triết lí sống và ở đời của ông Lâm. Chẳng hạn như ông ấy nhận xét rằng người Trung Hoa mượn đạo Nho để điều chỉnh hành vi, mượn đạo Phật để luyện tâm cho thanh tĩnh, mượn sử kí, hội họa, ca nhạc, núi sông để yên ủi tinh thần. Nhưng tôi nghĩ nói thế nào đi nữa thì vẫn không qua câu nói của Trịnh Công Sơn: sống ở đời cần phải tử tế với nhau.

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét