Số lượng và chất lượng

Đến nay thì những ai quan tâm đến nền giáo dục đại học và khoa học trong nước đã nhìn nhận ra rằng nghiên cứu khoa học của nước ta còn quá yếu kém. Không biết ai là người gióng tiếng nói báo động chuyện này trước tiên, nhưng tôi nghĩ mình là người viết nhiều về đề tài này. Trên Tia Sáng, Hoạt động Khoa học, Tuổi trẻ, và Thời báo Kinh tế Sài Gòn mấy năm trước đây, tôi đã kêu gọi nên nâng cao công bố khoa học trên trường quốc tế. Tôi còn phân tích và nói về các chỉ số phản ảnh chất lượng bài báo khoa học.

Nhưng có một tiếng nói cảnh cáo coi chừng số lượng đè chất lượng của chưng Bùi Trọng Liễu. chưng BTL nói đúng: phải coi chừng tình trạng chạy đua với số lượng mà không để ý đến chất lượng. Hai khía cạnh này đi song song nhau trong khoa học. (Ở đây tôi chỉ bàn đến vấn đề công bố quốc tế, chứ không bàn với chuyện số lượng và chất lượng trường đại học trong phần sau của bài viết). Chẳng ai đề bạt một ứng viên vào chức giáo sư mà chỉ xem con số bài báo công bố; người ta phải xem đến chỉ số ảnh hưởng của tập san và số lần trích dẫn. Nhưng cũng chẳng ai đề bạt một giáo sư với một lí lịch khoa học chỉ có 2 bài báo trên tập san Science hay Nature.

Những ví dụ của chưng BTL về nạn gian lận khoa học trên các tập san nổi tiếng là sự thật. Nhưng những ví dụ đó nói lên cái gì? Nó cho biết ngay cả những tập san có chất lượng cao như Science, vẫn có gian lận trong khoa học. Nhưng rồi sao nữa? Tập san nào mà chẳng có gian lận khoa học. Vả lại, đó là những trường hợp hiếm hoi, vì trong số hàng chục ngàn bài báo, chỉ có một vài trường hợp gian lận. Những trường hợp trên không có nghĩa là không cần quan tâm đến lượng công bố quốc tế.

Trong bối cảnh Việt Nam, tôi nghĩ cảnh cáo của chưng BTL có phần cần bàn lại. Hiện nay, nhiều nhà khoa học nước ta chưa có cái nhìn đúng về công bố quốc tế, cho nên một số vẫn còn rất thờ ơ với chuyện này. Có người cho rằng chỉ có khoa học cơ bản mới công bố quốc tế, còn làm khoa học ứng dụng thì không cần! Lại có người tự tin rằng dịch sang tiếng Anh là họ đăng tất! Hệ quả là con số bài báo khoa học từ Việt Nam chỉ bằng 1/3 Thái Lan và 1/5 Singapore. Nếu xem số lượng bài báo khoa học là một thước đo về trình độ khoa học thì các con số này rõ ràng trình độ khoa học nước ta còn quá thấp kém. Trước những nhận thức sai lệch như thế từ những người có chức quyền trong khoa học, mà không nói đến số lượng công trình khoa học thì tôi nghĩ là một thiếu sót.

Nên nhớ rằng theo thống kê, chúng ta có ~38000 giảng viên dạy đại học, mà mỗi năm chỉ có ~900 bài báo khoa học. Một “năng suất” như thế khó mà chấp nhận được. Nếu không đưa chỉ tiêu số lượng thì chúng ta còn thua các nước bạn dài dài.

Nhưng còn chất lượng? Một nhà khoa học không thể nào công bố một nghiên cứu tầm cỡ mà trước đó chưa bao giờ có những bài báo trên các tập san trung bình. Nói cách khác, trước khi có chất lượng, người ta phải xây dựng một bề dày qua số lượng công trình nghiên cứu. Cũng giống như một người muốn xây nhà cao cửa rộng, anh ta cần phải có nhiều tiền và thể hiện khả năng kiếm tiền một cách chân chính.

Cũng có thể sử dụng chất lượng để biện minh rằng “sở dĩ chúng tôi không có nhiều bài báo là vì chúng tôi chỉ muốn công bố công trình có chất lượng cao”. Tôi e rằng đó là một ngụy biện thiếu thực tế. Không thể đùng một cái là có một bài báo trên Science hay Nature để xem đó là có chất lượng cao. Mà, nếu đã chưa có tên tuổi trước đó, chưa có số lượng trước đó, thì đừng có hòng mà gửi bài báo lên các tập san đó.

Trong trường hợp Việt Nam, lí giải trên cũng không thuyết phục vì trong thời gian qua, chất lượng nghiên cứu khoa học của VN còn quá thấp. Chẳng lẽ phải chờ 100 năm để cho ra một bài báo có chất lượng? trên thế giới này, những người như Einstein không nhiều. Chúng ta rất muốn có những người như Einstein, nhưng thật sự chúng ta cần hàng vạn người dưới Einstein. Do đó, nói chuyện chất lượng là cần thiết, nhưng xem nhẹ số lượng là một xa xỉ.

Theo tôi, chúng ta cần nâng cao số lượng và chất lượng nghiên cứu khoa học. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần nâng cao số lượng trước và sẽ nâng cao chất lượng sau.

NVT
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét