Đọc báo y tế

Hôm 14/11 tôi có dịp ngồi trong phòng chờ (airport lounge) của Vietnam Airlines ở phi trường Nội Bài, tôi tha hồ đọc báo. Thật ra, vì Dragon Air không có phòng chờ cho khách ở Nội Bài, nên họ phải nhờ VNA “chăm sóc’ khách hàng cho họ mà thôi. Phòng chờ không rộng, nhưng nói chung thức ăn thì cũng ok, và nhân viên phục vụ ở đây rất lịch sự.


Tôi ngạc nhiên thấy có tờ Sức khỏe & Đời sống của Bộ Y tế trong danh sách báo cho khách! Thông thường, phòng chờ ở phi trường như Tân Sơn Nhất chỉ có những tờ báo thời sự chung như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động … hay báo kinh tế như Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho hành khách đọc giết thì giờ. Ấy thế mà ở đây, ngay tại phòng chờ của phi trường Nội Bài, lại có tờ báo chuyên đề y tế này, nó chứng tỏ người dân ở đây xem chuyện sức khỏe là chuyện quan trọng như thời sự vậy.

Nhưng chưa chắc như thế … Nhìn qua các cái tít trên trang đầu của SKĐS, tôi thấy đây không hẳn là tờ báo chuyên đề y tế, mà còn bàn về thời sự chính trị và văn học nữa. Tờ báo chạy cái tít to tướng Nóng cả nghị trường tường thuật về những chất vấn và trả lời của các bộ trưởng trong Quốc hội. Có điều cực kì thú vị là tờ báo chỉ tường thuật chất vấn và trả lời củc các bộ trưởng Giáo dục & đào tạo, Thương nghiệp, Nông nghiệp, Môi trường … nhưng không có chất vấn và trả lời của Bộ Y tế! Nhưng đọc các báo khác thì mới thấy trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế thú vị hơn các bộ khác nhiều, ấy thế mà SKĐS lại bỏ qua. Thật là tiếc!

Tôi chú ý đến 3 bản tin liên quan đến việc chất vấn các bộ trưởng ở Quốc hội, bản tin về tiểu thuyết của Nguyễn Thúy Ái, và gần trái tim tôi hơn là bản tin về melamine. Định không nói thêm gì về chuyện melamine, nhưng đọc bài viết ở đây tôi phải thêm vài dòng nhật kí ...

Để biết Bộ Y tế bị “hỏi thăm” ra sao trong nghị trường, bạn đọc có thể xem qua lời bàn dí dỏm của một blogger ở đây. Trong bài Thiền và Quốc hội, blogger "Linh" viết:

[bắt đầu trích]: “Ông Nguyễn Quốc Triệu dạo này đang đọc sách Thiền hay sao thế? Phát biểu ở Quốc hội chứ cứ đang trả bài trước sư phụ trong chùa.

Sư phụ: "Thiện là gì? Ác là gì? Thiện với ác lấy gì tường minh? tranh đấu với nhau thế nào? Con lấy ví dụ ta nghe?"

Nguyễn Quốc Triệu: "Câu chuyện về an toàn thực phẩm là cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, chưa biết hồi kết đến bao giờ. Ông Thích Ca 2.552 năm đã kêu gọi từ bi. Chúa Jesus cũng thế thôi, đến chủ nghĩa Mác - Lênin cũng kêu gọi đấu tranh giữa thiện và ác, bây giờ vẫn phải tiếp tục. Tức là anh làm tiêu cực, là hình ảnh xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe, đó là cái ác, cái thiện là chúng ta phải bảo vệ nhân dân."

An toàn thực phẩm: Bộ Y tế chỉ gác mâm cơm

Nhìn lại ảnh ông thấy cũng có phần giống chú Tễu.

Thảo nào thích kể chuyện tếu.Nói thêm về chuyện an toàn thực phẩm, ở Mỹ có Cơ quan thực phẩm và thuốc Mỹ (U.S. Food and Drug Administration- FDA) trực thuộc Bộ Y tế, chịu trách nhiệm hoàn toàn về các vấn đề liên quan tới an toàn thực phẩm, thuốc men, mỹ phẩm, thiết bị y tế...

Ở Việt Nam thì các bộ chồng chéo nhau, riêng quản lý an toàn thực phẩm mà có đến ba bộ Nông, Công, Y cùng quản, dẫn đến chẳng bộ nào chịu trách nhiệm. Và ông Bộ trưởng Y tế chỉ nhận việc gác mâm cơm. Dẫn tới việc chỉ một câu hỏi đơn giản của đại biểu Quốc hội về vấn đề an toàn thực phẩm mà ba vị Bộ trưởng cùng đăng đàn giải trình nhưng theo Vnexpress, vẫn "không làm sáng tỏ được câu hỏi của bà Mai". Ngay cả việc ai là người chịu trách nhiệm chính, họ vẫn không biết là ai và Bộ trưởng Y tế phải xin khất là sẽ trả lời bằng văn bản. Không rõ cái văn bản đó có cần tới chữ ký của ba ông Bộ trưởng nữa hay không?”
[hết trích dẫn].

Quả là phức tạp! Tôi không có ý kiến.

Tột đỉnh tình ái
Bộ Y tế ta chẳng những quan tâm đến sức khỏe của người dân mà còn để tâm đến các vấn đề văn hóa văn học. Đọc cái tựa đề trên trang 1 “Một xúc phạm có tội lớn với lịch sử dân tộc” làm tôi giật bắn người, vì tưởng là có sai phạm y tế gì nghiêm trọng đến nỗi mang tội lớn với dân tộc. Nhưng tìm trang 12 thì thấy đó là một bài viết về cuốn sách Tột đỉnh tình ái của Nguyễn Thúy Ái, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành vào tháng 7/2008 và thu hồi vào tháng 10/2008. Bạn đọc nào muốn có toàn bộ tập truyện ngắn đó thì vào đây mà tải xuống để đọc.

Tác giả bài viết tố cáo tác giả Nguyễn Thúy Ái đã in chui. Ngạc nhiên? Đọc tiếp thì thấy có đoạn nói rằng truyện ngắn Trở về Lệ Chi Viên là truyện không nằm trong tập truyện lúc gửi đi cho cơ quan tư tưởng văn hóa duyệt, nhưng khi in thì có truyện này. Và, thế là người viết cho rằng đó là hành động “in chui”! Ngay cả cái thủ tục để cho cơ quan cầm chịch văn hóa kiểm duyệt đã là một hành động vi phạm quyền tự do tri thức và sáng tác chỉ thấy ở những xã hội kém phát triển. Bỏ qua những quan điểm và hiểu biết văn học rất hẹp hòi của người viết, bài viết hàm chứa nhiều câu chữ thời bao cấp mà đọc lên thì cứ như là cảm giác déjà vu. Thật ra, ngay cả những tờ báo chuyên về văn nghệ cũng không sử dụng những từ ngữ nghe lạnh cả người, những từ ngữ ghê gớm như tờ SK&ĐS.

Bài viết chỉ trích rất nặng nề cá nhân tác giả Nguyễn Thúy Ái và Quách Thu Nguyệt (giám đốc nhà xuất Trẻ). Chẳng hạn như tác giả cho rằng Nguyễn Thúy Ái “suy bụng ta ra bụng người”. Bằng chứng? Người viết lên lớp: “Từng là thầy giáo dạy văn, hẳn bà dạy: văn học là nhân học – văn là người.” Rồi tác giả lên giọng viết: “Người bà tưởng tượng về Ức Trai tiên sinh rõ ràng là võ đoán, xuyên tạc, bêu xấu danh nhân văn hóa thế giới, xổ toẹt công danh tài đức; hình ảnh thiêng liêng trong tâm tưởng – văn hóa dân tộc khi mọi người dân nước Việt chúng ta mỗi khi cất lên hai yiếng đầy ngưỡng vọng: Nguyễn Trãi!”. Wow! Nhưng rất tiếc đây là một sự hiểu lầm khá cơ bản và đáng tiếc hơn là một hình thức ngụy biện. Phát biểu “Văn là người” chỉ là quan điểm của một triết gia tên là Buffon, chứ không phải là chân lí. Tôi không nghĩ có thể suy diễn từ câu “Văn là người” thành nghĩa “văn học là nhân học”! Hình như Phan Huy Đường có lần viết về câu chuyện này nhưng tôi quên không nhớ đọc ở đâu. Tuy nhiên, hiểu lầm như thế thì quả là tai hại, và với cách hiểu này bao lăm văn nghệ sĩ trong quá khứ phải khốn đốn với kiểu suy luận đơn giản nhưng nguy hiểm đó. Người viết còn tỏ ra ngụy biện dựa vào đám đông. Thay vì đi thẳng vào phân tích vấn đề, người viết mượn “mọi người dân nước Việt” để làm điểm tựa mà tấn công tác giả Nguyễn Thúy Ái. Đương nhiên, tác giả Nguyễn Thúy Ái đâu có cơ hội để lên tiếng phản hồi hay trả lời. Tấn công người ta mà không cho người ta cơ hội trả lời thì đó là thái độ của kẻ nhỏ, không thể nào xem đó là thái độ của kẻ quân tử.

Tôi thấy mản tiểu thuyết hóa các nhân vật lịch sử ở nước ta vẫn còn quá ít, chúng ta cần nhiều những truyện như của Nguyễn Thúy Ái. Nói cho cùng, chỉ là tiểu thuyết và hư cấu thôi, làm gì mà ồn ào và nặng nề như thế. Còn nhớ trước đây Trương Tửu còn sử dụng cả Freud để cho rằng Nguyễn Du mang bệnh bất lực và hoảng loạn, còn Lổ Tấn bên Trung Quốc thì nói thẳng luôn là người Trung Hoa dã man, có bệnh ăn thịt người. Nói lên những điều “phạm thượng” này trong một xã hội còn sùng bái anh hùng quả không dễ, và nhà văn sẽ bị đem ra đấu tố là điều có thể đoán trước được. Nhưng nhiều khi nói ra những điều “phạm thượng”, đặt nó lên bàn nghị luận cũng là một cách thức chữa bệnh hoang tưởng và tự hào dân tộc quá đáng. Ở Mĩ người ta viết sách nói lên những “dark side” (điểm tối) của George Washington, nhưng có ai nói là xúc phạm đến ông tổng thống được xem là có công khai sinh ra nước Mĩ đâu. Qua “tai nạn” của Nguyễn Thúy Ái (và trước đây của Hà Thủy Nguyên, Hoàng Hữu Đản) người đọc cần phải “thông cảm” cho giới cầm bút rằng họ không có sứ mệnh đi tìm sự thật lịch sử (đó là nhiệm vụ của nhà khoa học sử); nhà văn chỉ hư cấu và làm mới nhân vật lịch sử theo cái nhìn nhân văn của họ mà thôi. Dù không hẳn đồng ý với cách làm mới nhân vật lịch sử của Nguyễn Thúy Ái, nhưng tôi vẫn nghĩ truyện của Nhà văn nên được đến tay người đọc.

Melamine
Tờ SK&ĐS có đăng một bài về melamine với tựa đề nặng tính khẳng định “Xử lý sữa nhiễm melamin: Quyết định đúng đắn!” Tác giả là [nguyên văn]“GS TS Phan Thị Kim, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật ATVSTP Việt Nam”. Ôi, sao tôi không ưa cái dấu chấm thang trong cái tựa đề này. Từ ngày đi học, nhất là học bên này, tôi bị các thầy cô “đầu độc” rằng trong khoa học không bao giờ phát biểu điều gì quá khẳng định, bởi vì chẳng có gì là tuyệt đối trong khoa học cả. Chính vì thế mà khi đọc thấy cái tựa đề bài này của một nhà khoa học làm tôi thấy … khó nuốt.

Nội dung bài báo nói rằng cho đến nay Bộ Y tế Việt Nam ra quyết định tiêu hủy số sữa nhiễm melamine và không rõ nguồn gốc là một quyết định đúng đắn. Ngoài ra, cho đến nay Bộ Y tế không/chưa ban hành liều lượng an toàn melamine là “một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt để ngăn ngừa các sản phẩm sữa nhiễm melamin tái xâm nhập vào nước ta ngay trong thời gian tới.” Nói tóm lại, quyết định làm của Bộ Y tế là đúng đắn, quyết định không làm (không ban hành chuẩn an toàn) cũng đúng đắn (và sáng suốt). Nước ta quả là quá may mắn có một cơ quan quản lí y tế quá tuyệt vời!?

Trong khi Việt Nam chưa ban hành ngưỡng an toàn melamine, các nước khác như Mĩ, New Zealand, Úc, Hồng Kông, Trung Quốc, v.v… thì có ban hành, vậy giải thích sao trước sự thật này? Theo tác giả thì “đây là những nước xuất khẩu sữa hoặc là nơi khởi phát sữa nhiễm melamine”. Nhưng tôi không thấy được cái logic giữa xuất khẩu sữa và ban hành tiêu chuẩn an toàn về melamine. Có lẽ tác giả muốn nói rằng vì họ xuất khẩu sữa, nên họ chấp nhận một ngưỡng melamine nào đó chăng? Hay là tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm của họ kém hơn nước ta?

Tôi phân vân hoài những chữ “đúng đắn”. Đúng đắn đối với ai? Chắc chắn là các doanh nghiệp nhập sữa đang méo mặt vì quyết định này. Vậy thì đối với họ quyết định của Bộ Y tế không thể là “đúng đắn” được. Đành rằng sữa không nên bị nhiễm melamine, nhưng phải phân biệt loại nhiễm cố ý và vô ý. Cố ý là trường hợp các nhà sản xuất bên Trung Quốc trộn melamine vào sữa để bán kiếm lời; hành động này cần phải lên án và sữa loại này phải nên được tiêu hủy hoàn toàn. Nhưng nếu sữa sản xuất thông thường chưa trong bao giấy và bao giấy sử dụng keo nên có một số melamine rất nhỏ (kiểu như 5 phần tỉ như báo chí trong nước đưa tin) thì đây không phải là hành động cố ý, và cần phải có chính sách thích hợp cho họ.

Tiêu chuẩn gì để nói là quyết định không ban hành ngưỡng melamine trong thực phẩm của Bộ Y tế là đúng đắn? Tác giả bài báo cho rằng “hai tổ chức hết sức quan trọng về thực phẩm và phụ gia thực phẩm quốc tế” là JECFA và CODEX chưa bao giờ đưa ra qui định về ngưỡng melamine trong thực phẩm; do đó, quyết định của Bộ cũng phù hợp với hai cơ quan của Tổ chức y tế thế giới và Tổ chức lương nông thế giới này. Nhưng tôi e rằng họ chưa ra qui định không có nghĩa họ là chân lí mà mình phải tin theo. Ở các nước như Mĩ hay Úc, ít ai kính trọng về tài năng và kĩ năng của mấy cơ quan của Tổ chức y tế thế giới như JECFA và CODEX, bởi vì mấy cơ quan này chủ yếu là hành chính, chứ có làm nghiên cứu khoa học qui mô như FDA của Mĩ đâu.

Trong trường hợp melamine, nếu Bộ Y tế ra qui định nồng độ zero (0) mới được chấp nhận thì cứ ra qui định như thế; tại sao lại không ra qui định (trước đây họ hứa là sẽ ra qui định) và tự khen mình là … đúng đắn.

Hãy chấp nhận một thực tế: trong cuộc sống hiện đại hàng ngày, chúng ta tiếp thu biết bao lăm hóa chất độc hại. Có ai dám khẳng định tô phở không hàm chứa hóa chất độc hại? Có ai dám quả quyết rau quả chúng ta ăn trên bàn buổi ăn sáng là hoàn toàn “tự nhiên” không nhiễm vài hóa chất? Có ai dám nói nước chúng ta uống, không khí chúng ta thở không hàm chứa hóa chất có khả năng gây bệnh? Melamine chỉ là một trong số hàng trăm hóa chất cơ thể chúng ta phải dung nạp hàng ngày. Chúng ta không có cách gì tránh các hóa chất này, ngoại trừ phải lên núi sống như người Amish bên Mĩ (nhưng ngay cả lên núi cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của môi trường và hóa chất). Do đó, vấn đề không phải là loại bỏ hóa chất một cách tuyệt đối trong đời sống, mà phải chấp nhận một vài rủi ro, chấp nhận một ngưỡng được xem là an toàn.

Nhưng ngưỡng nào có thể chấp nhận là an toàn? Để biết ngưỡng an toàn thì chúng ta phải dựa vào bằng chứng khoa học. Bằng chứng phải được đúc kết từ những nghiên cứu khoa học. Trong khi chúng ta chưa có nghiên cứu thì cũng cần nên xem xét dữ liệu từ các nước có nền khoa học tiên tiến hơn chúng ta, chẳng hạn như Mĩ, để tham khảo và đi đến quyết định. Rất buồn là trong thời đại thông tin như hiện nay, mà vẫn thấy thấp thoáng những ý kiến cảm tính và duy ý chí. Đã đến lúc xem cơ sở khoa học và logic là nền tảng cho các quyết sách y tế công cộng.

NVT
Xem thêm:" Xếp hạng đại học
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét