Ghi chép và cảm nhận ở Hà Nội

Hôm nay vào Viện làm việc, sau vài giờ được nghỉ (tôi vừa về đến Sydney vào sáng ngày hôm qua).
Ba ngày workshop trước hội nghị (pre-conference workshop) và 2 ngày hội nghị đi qua một cái vèo! Bây giờ ngồi nghĩ lại thời gian 7 ngày ở trong nước mà phát ngán về lịch trình làm việc. Bận bịu từ giờ đầu đến Hà Nội cho đến giờ cuối rời TPHCM! Định tìm chút thì giờ ra chợ Bến Thành mua vài kí măng cụt lên máy bay ăn mà có được đâu. Ra đến phi trường, thấy họ bán trái cây đắt kinh khủng. Một dĩa bưởi mà giá đến 5 USD. Trời ạ! Nhưng nói chung trái cây ở đây cũng nghèo nàn, tìm măng cụt hoài mà không thấy. Thèm quá thì đành để lần sau về thưởng thức vậy. :-)




Nhiệt tình trung bình

Mấy ngày ở Hà Nội tôi cũng có những giây phút đáng nhớ. Trước hết là cái workshop về phương pháp nghiên cứu y khoa, với những kinh nghiệm thật khó quên. Workshop này chỉ có 3 ngày nhưng bị nhồi nhét một mớ kiến thức đáng lẽ phải tốn 3 tháng học. Tôi biết học viên rất mệt, nhưng biết sao bây giờ, vì thời gian của tôi có hạn mà. Thật ra, tôi cũng mệt chứ có sung sướng gì đâu. Sau 3 ngày giảng 12 bài, giọng nói của tôi bắt đầu … có vấn đề. May phước là vẫn còn năng lực để “chiến đấu” tiếp trong 2 ngày hội nghị sau đó. Nói chung là dù mệt nhưng tôi thấy vui vì mình làm xong nhiệm vụ mình đặt ra lúc ban sơ. Mission accomplished!

Workshop chỉ có một số học viên mà thôi. Chính xác là 40 người chính thức đăng kí và 20 người dự thính. Chẳng hiểu sao ban tổ chức rất khó khăn với những người dự tính, như không cho chứng chỉ, không cho họ tham gia đánh giá khóa học. Lần này, chúng tôi có “sáng kiến” cho học viên đánh giá về khóa học và giảng viên. Chúng tôi còn cho học viên tự đánh giá kiến thức của mình trước và sau khi tham gia workshop. Trong ngày cuối cùng, người của ban tổ chức tổng kết 40 bảng đánh giá của học viên, và công bố cho tất cả workshop biết, và qua công bố này tôi thấy có vài kết quả thú vị. Chẳng hạn như khi đánh giá chất lượng của chương trình workshop, 22 người cho là “rất tốt”, 17 người cho điểm “ tốt”, và 1 người cho điểm trung bình. Rất vui là chẳng ai cho điểm xấu hay tồi.
Khi được hỏi về sự nhiệt tình của giảng viên, một con số tương tự cũng được ghi nhận. Tôi đoán rằng những người cho điểm chất lượng cũng chính là những người cho điểm nhiệt tình, chứ nếu không thì khó mà có một sự trùng hợp như thế. Dù chỉ có 1 người đánh giá sự nhiệt tình của mình là “trung bình”, tôi cũng suy nghĩ và tự hỏi chẳng biết mình tỏ thái độ gì hay hành động nào mà được điểm này, bởi vì trong thâm tâm mình, tôi biết mình nhiệt tình hay rất nhiệt tình, chứ không thể nào “nhiệt tình trung bình” được. Nhưng thôi, đã có người cho điểm như thế thì mình cũng phải suy nghĩ chứ.
Tôi còn đang chờ xem kết quả kiểm tra kiến thức trước và sau khi tham gia workshop. Tuy số liệu còn đang phân tích, nhưng tôi nghe ban tổ chức cho biết rằng kết quả rất đáng phấn khích, bởi vì trước khi tham gia workshop có nhiều câu hỏi học viên bỏ trống do không trả lời được, nhưng sau khi tham gia workshop thì tất cả các câu hỏi đều được trả lời. Tuy nhiên, vấn đề là bao lăm phần trăm trả lời đúng. Chờ xem …

Vài cảm nhận về chuyện học hành

Trong workshop, có một em chưng sĩ trẻ hỏi tôi một câu hơi sốc. Em hỏi: những phương pháp thầy trình bày có chuẩn hay không, có đúng hay không? Ui chao, mới nghe qua tôi tưởng mình nghe lầm, nhưng không lầm được, vì đó là câu hỏi mà. Tôi tưởng nếu không đúng thì tôi có mặt ở đây làm gì. Nghĩ thế thôi, chứ tôi cũng trả lời nghiêm chỉnh cho em. Thật ra thì em chỉ mượn tôi để trả lời cho người khác mà thôi, chứ em này cũng thừa hiểu những gì tôi trình bày và giảng dạy là chuẩn mực quốc tế. Mấy người trẻ bây giờ cũng có người “thâm” lắm chứ.

Cảm tưởng của tôi là các chưng sĩ đều ham học và cũng rất muốn nâng cao tiềm năng nghiên cứu y khoa của nước nhà. Nhưng rất tiếc là nhiều công trình trước đây được thực hiện chưa đúng với chuẩn mực quốc tế nên cho đến nay vẫn còn ì ạch giữa đường. Một vài bạn trẻ thì tâm sự với tôi rằng “bọn em học những cái này thì rất có ích và rất hay, nhưng mai này thầy về bên ấy, bọn em phải sống và làm việc với mấy thầy cô bên này, bọn em sẽ không thể đem mấy phương pháp của thầy ra vận dụng vì bọn em sẽ bị trừng phạt ngay”. Tôi nghe xong mà chẳng biết lấy gì để yên ủi các bạn trẻ này.

Vài bạn khác thì nói bây giờ học xong rồi mới thấy những gì bọn em làm trước kia là sai, nhưng làm xong rồi thì biết làm sao đây? Thôi thì bótay.com vậy. :-) Tôi nói với các bạn rằng nếu qua workshop mà các bạn biết mình đã làm sai thì tôi cũng vui vì biết cái mình không biết cũng là biết vậy.
Tôi ở khách sạn SG và hàng ngày phải đi đến bệnh viện bằng xe. Trên xe thường có thêm 5 đồng nghiệp người Mĩ và Úc. Trên xe, tôi nghe họ trao đổi nhau nhiều câu làm mình suy nghĩ. Một anh giáo sư người Úc (từng đến đây nhiều lần) nói với một đồng nghiệp người Mĩ (mới đến VN lần đầu) về các đồng nghiệp Việt Nam rằng (tôi tạm dịch): Mày biết không, lần đầu gặp họ thì mày sẽ tưởng trình độ họ rất cao[anh ta còn dơ tay ra hiệu cao như thế nào], nhưng vài lần sau mày sẽ thấy họ thấp như vầy [anh ta hạ cánh tay thấp xuống mặt đất]. Tôi là người Việt, nên nghe họ nói như thế tôi cũng … nóng. Suốt 4 ngày đi chung xe với họ, tôi giữ im lặng chẳng nói gì. Chẳng hiểu sao tôi giữ thái độ như thế, vì thường thì tôi nói rất nhiều. Có lẽ tôi bực mình là bọn này dám nói về người Việt trước mặt tôi. Nhưng tôi giữ bình tĩnh xem họ nói gì để mà “biết người biết ta” một chút.
Tôi còn có cơ hội đọc qua vài luận án tiến sĩ ở trong nước. Đọc qua những luận án này tôi thấy cấu trúc na ná giống nhau, trình bày giống nhau, nhưng nội dung thì không mấy phong phú. Tất cả luận án mà tôi đọc qua nội dung chỉ có một nghiên cứu, chứ không phải vài ba nghiên cứu như ngoài này. Thật ra, những luận án mà tôi đọc qua dù dài lê thê từ 150 đến 200 trang, nhưng nếu viết hoàn chỉnh thì chỉ 50 trang (hay cao lắm là 100 trang) cũng đủ. Tuy nhiên, có luận án với nội dung rất đáng được công bố trên các tập san lớn trên thế giới. Tôi nguyện lòng sẽ giúp mấy em này soạn vài bài báo quan trọng.
Tham dự hội nghị cũng là một kinh nghiệm cho tôi (dù tôi chẳng còn xa lạ gì với hội nghị khoa học trong nước). Theo tôi thấy thì các đồng nghiệp trong nước có nỗ lực học tiếng Anh và trình bày báo cáo bằng tiếng Anh, nhưng vẫn còn quá nhiều sai sót. Có khi nhiều sai sót có thể làm khách nước ngoài ngẩn ngơ. Chẳng hạn như trong một session của hội nghị tôi thấy slide với nội dung như sau:
“Welcome to the faculty of science and precious presenters”
Ông JT (một giáo sư người Mĩ) đến hỏi tôi: họ muốn nói cái gì vậy? Tôi cũng bó tay chẳng hiểu gì, nhưng khi tôi hỏi người viết slide đó muốn viết gì, thì chị cho biết muốn nói:
“Chào mừng ban giám khảo khoa học và khách quí”.
Ui chao! Thôi, yên ủi là tiếng Anh có phải là tiếng mẹ đẻ đâu mà lo. Tha thứ nhé.
Gặp người quan tâm đến giáo dục
Trong ngày cuối cùng ở Hà Nội, tôi tranh thủ giờ nghỉ trưa của hội nghị để gặp một người bạn quen biết qua những bài viết và điện thư: đó là giáo sư NXH thuộc trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh H và tôi “quen” nhau từ lâu qua những bài viết và ý kiến về giáo dục và nghiên cứu khoa học. Hôm đó, tôi hẹn anh đến Bệnh viện Nhi Trung ương, nhưng anh đến Bệnh viện sản phụ! Trời đất ơi, tôi phải cuốc bộ trong cái nắng oi bức Hà Nội, đỗ mồ hôi hột để tìm cái bệnh viện sản phụ. Hỏi mấy người trong Bệnh viện Nhi thì họ chỉ trả lời kiểu nhát gừng (thật là chán! Chả hiểu sao người mình không giúp nhau như thế), nhưng hỏi mấy ông lái xe ôm thì họ chỉ rất cụ thể. Cuối cùng thì hai chúng tôi cũng gặp nhau, và kéo nhau ra một quán ăn bình dân để đàm đạo … Tôi gặp anh H lần đầu nhưng trong suy nghĩ thì có lẽ chúng tôi đã gặp nhau từ lâu. Tôi trông anh có vẻ “già” hơn so với những bức hình tôi thấy trên báo chí.
Đáng lẽ có NĐP đến dự, nhưng đến giờ cuối thì anh ấy bận làm việc gì đó nên không đến được. Tôi và anh kêu vài món ăn đơn giản và hai li bia để nói chuyện … giáo dục. Tôi rất thú vị khi biết anh là người thuộc dòng dõi Nguyễn Thượng Hiền. Dù không nói ra, nhưng tôi đoán anh là một người cộng sản. Anh là một người trí thức được Nhà nước gửi ra nước ngoài đào tạo một thời gian lâu, rồi trở về nước và thành danh ở trong nước. Có lẽ với vị thế này, anh có cơ duyên tiếp xúc với những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước.
Anh chỉ ra hàng loạt vấn đề trong giáo dục mà có lẽ chúng ta ai cũng biết (vì báo chí đăng hoài). Tôi ấn tượng nhất là anh có những số liệu cụ thể để chứng minh cho phát biểu của mình, chứ không nói khơi khơi. Anh cho tôi xem thống kê về con số học sinh bỏ học, về số tiền mà người dân phải trả cho sách giáo khoa, về số tiền mà người dân phải chi cho việc học thêm, v.v… Anh cho biết từ năm 2002 đến nay người dân phải chi ra 14 triệu USD để mua sách giáo khoa cho mỗi môn học! Anh đặt câu hỏi: tiền của dân thì không phải tiền hay sao, sao mà dân mình khổ vậy, đã nghèo mà năm nào cũng phải chi thêm cho giáo dục?
Trong câu chuyện dài về giáo dục, anh để lại trong tôi một ấn tượng anh là người yêu nước cao độ, một người hình như lúc nào cũng nghĩ đến tiền đồ dân tộc, đến thế hệ mai sau. Anh nói về những ưu tư mắc tội với dân tộc. Anh cho rằng sai trong giáo dục là có tội với lịch sử, vì làm hỏng việc lớn của quốc gia. Anh còn nói mạnh rằng nếu không thay đổi cách nhìn về giáo dục, không chấn chỉnh cái sai trong giáo dục (tràn đầy), không làm sách giáo khoa cho đúng, thì nước biển Đông sẽ khó mà rửa sạch được trách nhiệm của chúng ta với dân tộc.

Tôi hỏi anh nói nhiều và mạnh như thế chắc sẽ “đụng chạm” đến các quan chức trong Bộ Giáo dục, anh nói điều đó là đương nhiên. Người không thích nghe anh thì họ nói anh không phải là chuyên gia. Anh cho biết có lần thậm chí còn có đe dọa sẽ truy tố anh ra tòa (chẳng biết vì tội gì!) Nhưng anh nghĩ mình là trí thức, nên phải lên tiếng. Hơn một giờ đồng hồ chỉ bàn chuyện giáo dục cũng đến giờ tôi phải quay về hội nghị. Chia tay anh tôi cảm nhận rằng ở ngoài Bắc này vẫn còn có những “sĩ phu Bắc hà”, và anh quả xứng đáng với danh hiệu đó.

Vấn đề qui định lái xe gắn máy

Hôm còn ở Hà Nội, tôi đọc báo thấy Bộ Y tế mới ra một qui định rất lạ: những ai có chiều cao dưới 145 cm hoặc dưới 40 kg sẽ không được cấp giấy phép lái xe gắn máy! Thoạt đầu đọc qua tin này tôi không tin vào mắt mình, và nghĩ là mấy tay nhà báo phịa chuyện cho vui thôi. Trưa hôm đó, tôi đem câu chuyện này ra bàn với các Các bạn trong Viện Nhi trung ương, ai cũng ôm bụng cười nghiêng ngã. Họ nói mấy ông trong Bộ Y tế lại bày chuyện!

Nhưng không, đây là qui định sắp thành luật thật sự, chứ bày chuyện gì đâu. Tôi thắc mắc hoài tại sao họ ra qui định này, và dựa vào bằng chứng khoa học nào. Chẳng ai biết. Trên đường về Sydney, đọc báo trên máy bay thấy một quan chức trong Bộ khẳng định rằng qui định trên “có cơ sở khoa học”. Nhưng rất tiếc là vị quan chức này không cho biết cái cơ sở khoa học đó là gì.

Hôm qua, tôi tìm trong y văn và chẳng thấy cơ sở khoa học nào cho cái qui định lạ lùng đó. Tối nay về nhà, tôi sẽ viết một bài về chuyện này, vì tôi nghĩ qui định này sẽ làm cho nữ giới rất thiệt thòi bởi vì phụ nữ nói chung có chiều cao và cân nặng thấp hơn nam. Do đó, nếu qui định này được vận dụng (và hình như là sẽ vận dụng thật) thì cũng có thể nói rằng qui định này vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền đồng đẳng của nữ giới.

Ở ngoài này, người khuyết tật còn được phép lái xe, và được Nhà nước tạo điều kiện dễ dàng cho họ trong việc tham gia giao thông. Còn ở nước ta, Bộ Y tế lại làm ngược lại. Nguyên tắc y đức số 1 của ngành y là “Không gây tác hại” (do no harm) nhưng qui định này của Bộ Y tế có thể gây tác hại. Thật là hết nói!

NVT

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét