Hôm kia, khi tôi làm thử vài phân tích sơ đẳng về chiều cao và xác suất đắc cử tổng thống Mĩ, và đưa cho vài đồng nghiệp ở Garvan đọc. Có người phản ứng là "interesting" và hỏi tôi để họ gửi cho bạn bè bên Âu châu để bàn tán cho vui. Nhưng cũng có người phê bình rằng cỡ mẫu ít quá, rằng chưa chắc mô hình logistic là đúng (vì giả định của mô hình này là xác suất thắng cử và chiều cao tuân theo một hàm số kiểu hình chữ S), rằng tại sao là chiều cao mà không là một biến nào khác, v.v...
Tất cả phê bình đều có lí của nó. Tôi trả lời rằng số cỡ mẫu không phải là vấn đề một khi chúng ta đã có kết quả "significant" (tức là có ý nghĩa thống kê). Vấn đề giả định mô hình logistic rất đáng bàn, nhưng nên nhớ ở đây chúng ta chỉ sử dụng mô hình logistic (cũng như bao lăm mô hình toán thống kê khác) là một phương tiện để suy nghĩ. Mô hình logistic có thể không phản ảnh thực tế, nhưng mô hình đó nó gần và giải thích được giả thuyết đặt ra thì mô hình đó vẫn có giá trị thực dụng của nó.
Phê bình "tại sao chiều cao" rất đáng được suy nghĩ thêm. Như tôi nói trong entry trước, giả thuyết chiều cao và đắc cử tổng thống không phải của tôi, mà của mấy ông bà evolutionary economist và evolutionary psychologist; tôi chỉ kiểm định xem dữ liệu thực tế có phù hợp với giả thuyết của họ không. Tôi không chứng minh giả thuyết của họ. vì tôi không tin là khoa học có thể chứng minh bất cứ một giả thuyết nào.
Chiều cao là một đề tài nghiên cứu của giới tâm lí học và xã hội học trong nhiều năm qua. Chiều cao là một "tín hiệu" dễ nhận nhất trong điều kiện heuristic (dịch là gì nhỉ? Dịch là thiếu thông tin?). Theo quan điểm tiến hóa của Darwin, trong tiềm thức, quần chúng muốn lãnh tụ của mình cao lớn, mạnh mẽ, và phong độ.
Hình như thể trạng còn được chúng ta đồng nghĩa với địa vị lịch sử. Nếu chú ý, chúng ta sẽ thấy những bức tượng tôn giáo và anh hùng (như Phật, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, hay thậm chí Thánh Gióng) đều được đúc tượng có chiều cao cao hơn người thường. Ngay cả trong Truyền Kiều, Nguyễn Du mô tả chiều cao của Từ Hải một cách vô lí: vai năm tấc rộng thân mười thước cao. Làm gì có một con người nào mà ốm tong teo và cao như thế! Nhưng đó là cách nói thậm xưng để nói thân cao là ... anh hùng.
Nhưng làm sao biết họ mạnh mẽ khi chúng ta không có thông tin về sức khỏe và gien? Chỉ có thể nhìn qua sắc diện và thể trạng mà thôi. Chiều cao và sắc diện là hệ quả của gien; nếu người mang gien tốt thì thông thường người đó có sắc diện cân đối và chiều cao khá. Đó cũng chính là lí do tại sao phụ nữ (hay nói đúng ra là "gien của phụ nữ") thích đàn ông cao lớn, chứ họ chẳng quan tâm đến tuổi tác mấy. Có một cô ca sĩ trước 1975 tuyên bố: tôi thà làm bé ông lớn, chứ không làm lớn cho ông bé. Lợi ích của chiều cao có thể giải thích bằng mô hình parasite model (mô hình kí sinh). Theo mô hình này, vì chiều cao liên quan đến kích thích tố nam testosterone, và testosterone cao đồng nghĩa với việc đề kháng chống nhiễm khuẩn cao, và có chiều cao trên trung bình. Vì có khả năng đề kháng cao cho nên họ có thể đầu tư vào việc nuôi dưỡng vợ con.
Cần nói thêm rằng có nghiên cứu hẳn hoi cho thấy đàn ông có chiều cao cao thường ít ghen hơn đàn ông thấp. Nhưng nghiên cứu đó cũng cho thấy phụ nữ dù cao hay thấp thì vẫn ghen như điên!
Trong chiến trận, lính có chiều cao cao có nguy cơ tử trận thấp hơn lính có chiều cao dưới trung bình. Phân tích của Satoshi Kanazawa (London School of Economics) cho thấy trong số những người lính Anh đi đánh giặc, nhóm sống sót có chiều cao trung bình là 168.6 cm, còn nhóm tử trận có chiều cao là 166.3. Ông này giải thích rằng vì lính có chiều cao cao có khả năng đề kháng vi khuẩn, vi trùng khi bị thương tốt hơn người thấp, và có thể đó là lí do họ có xác suất sống sót tốt hơn.
Nói đến chuyện này tôi chợt nhớ là Việt Nam mình bây giờ, tỉ lệ nam nhiều hơn nữ trong dân số, và tỉ lệ này chỉ tăng nhanh sau 1975, tức sau khi chiến tranh kết thúc. Chẳng ai giải thích tại sao? Nhưng có một lí do để giải thích: đó là hiện tượng "returning soldier effect". Hiện tượng này đã từng được ghi nhận ở Anh và Mĩ từ 1945: mỗi khi một cuộc chiến tranh lớn kết thúc thì tỉ lệ sinh con trai lúc nào cũng tăng nhanh. Như nói trên, lính có chiều cao cao có xác suất sống sót cao. Người có chiều cao cao có xác suất sinh con trai cao hơn người thấp. Nếu giả thuyết này đúng thì lính Việt Nam sau khi giải ngũ phải có chiều cao trung bình cao hơn lính tử trận, và đó có thể là một trong những lí do tại sao chúng ta thấy có nhiều con trai như hiện nay.
Do đó, có nhiều lí do để nghĩ rằng mối tương quan giữa chiều cao và địa vị xã hội là một thực tế. Nhưng tương quan (correlation) không có nghĩa là quan hệ nhân quả (cause-and-effect relationship). Chúng ta không thể nói vì chiều cao mà người ta có địa vị xã hội cao, bởi vì muốn phát biểu như thế đòi hỏi thêm bằng chứng.
Trong khoa học những khám phá ngoạn mục thường bắt đầu bằng những chuyện có thể nói là buồn cười (funny). Khám phá leptin, gien LRP5, insulin, v.v... đều xuất phát từ những quan sát rất ngô nghê, có thể nói là nhảm nhí lúc đó. Do đó, tôi thường hay nói với các nghiên cứu sinh là khi nhìn một số liệu, một cái scan image, một biểu đồ, v.v... cái mình cần tìm là cái bất thông thường, là cái "buồn cười", chứ không phải cái thú vị (interesting). Ở đây, tôi chỉ nêu giả thuyết để các bạn thử kiểm định bằng số liệu thực tế xem có đúng như thế không.
NVT
Xem thêm: Cách làm trắng da mặt an toàn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét