Việt Nam mình bây giờ có một ngày truyền thống rất hay: Ngày nhà giáo. Hồi xưa (trước 1975) tôi không nhớ là có ngày này. Ở các nước Tây phương như Mĩ và Úc tôi biết có “Teacher’s day” (Ngày nhà giáo), nhưng chẳng thấy ai để ý, và không có chuyện tặng quà cáp cho thầy giáo. Có lẽ dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo nên có ngày này, mà mỗi lần tôi nói cho bạn bè ngoại quốc nghe, ai cũng nói “great”!
Mặc dù tôi không có dạy ai ở trong nước, nhưng ngày này tôi thường nhận thhư cảm ơn của nhiều người. Có thư nói rõ rằng “tuy em không có học thầy ngày nào, nhưng đọc những bài giảng và bài viết của thầy trên các trạm internet, em thấy em là học trò của thầy”. Xin thành thật cám ơn các bạn và các Các bạn. Mấy hôm nay tôi bận rộn chuyện viết đơn xin tài trợ và chuẩn bị cho chuyến đi công tác xa nên chậm trả lời thư, xin các bạn thông cảm nhé.
Vài tuần trước, trong chuyến về Việt Nam tôi còn bất ngờ được tặng một chai rượu cognac từ một “nghiên cứu sinh” tôi từng giúp. Tôi để chữ nghiên cứu sinh trong ngoặc kép là vì tôi chưa bao giờ là người hướng dẫn chính thức cho chị ấy; tôi chỉ là người “đi bên lề”, một cái bóng của dự án của chị. Bất ngờ là vì tôi không nghĩ đến chuyện quà cáp cả; chỉ làm hết khả năng mình có để giúp thôi, chứ có bao giờ nghĩ đến chuyện ơn nghĩa. Tuy nhiên, những lá thư đó, những món quà đó làm tôi cảm động lắm. Nó làm tôi nhớ đến câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.
Chiếu theo câu nói đó, trong đời tôi cũng có nhiều thầy và cô lắm. Và, vào ngày này làm tôi nhớ ít nhất là hai người. Người thứ nhất là thầy dạy tiểu học tên Thầy Phát, và người thứ hai là anh cả tôi. Cả hai người đều đã qua đời trên 20 năm rồi. Cả hai người để lại nhiều dấn ấn khoa bảng trong tôi. Cũng lạ, những thầy cô thời trung học và đại học không để lại dấu ấn gì mà chỉ có thầy cô thời tiểu học!
Tôi vẫn nhớ Thầy Phát là một nhà giáo đúng mực, một nhà giáo tiêu biểu. Thầy là hiệu trưởng trường tiểu học BTĐ. Phần lớn gia đình của Thầy đều làm nghề giáo. Cô Ngọc, cô Nở, thầy Trình là những người con của Thầy đều dạy học ở trường. Tôi học với Thầy Phát hai năm cuối tiểu học trước khi đi thi đệ thất. Dù ở trong quê, nhưng mỗi khi lên lớp là Thầy vận quần áo nghiêm chỉnh (áo bỏ vô quần, mang giầy), trông rất đạo mạo. Câu đầu tiên của bài giảng lúc nào cũng là đạo đức học. Bây giờ tôi mới biết đó là những bài Thầy trích tứ Quôc văn Giáo khoa thư. Thầy đã gieo cho tôi đạo đức xã hội và mẫu mực của một nhà giáo. Hồi đó, tôi mơ làm nghề dạy học từ hình ảnh của Thầy.
Thầy rất nghiêm nghị nhưng công bằng và rất tận tụy với học trò. Mỗi lần tôi theo Má ra chợ mà gặp Thầy là theo “luật làng” phải khoanh tay và chào Thầy. Thật ra, lúc đó tôi rất ngán Thầy, nên thấy Thầy ở xa xa là tôi tìm cách … tránh. Hồi còn nhỏ, tôi chắc thuộc loại học trò hơi “quậy”, nên cũng nhiều phen bị Thầy cho ăn đòn. Thời đó, có nhiều hình phạt “độc đáo” lắm. Một trong những hình phạt là nằm dài trên bàn của đám nữ sinh và thầy/cô tha hồ quất roi! Những lúc đó, chẳng hiểu sao tôi không thấy mắc cở gì cả. Nhớ có lần tôi bị đòn, đến giờ ra chơi, cô bạn học tên N (bây giờ là một “quan đốc”) đến bên tôi nó nói “Tao có cái này, mày ăn là hết đau”. Tưởng gì, hóa ra là quế, mà ăn quế thì cay cay ngọt ngọt, chứ có hết đau gì đâu! Chẳng hiểu sao câu nói đó nó theo tôi đến tận bây giờ. Một hình phạt khác là quì xơ mít trước cột cờ. Cũng may là tôi chưa bị hình phạt này lần nào. Thật ra, tôi cũng chưa thấy đứa nào bị quì xơ mít cả, có quì trên sân cỏ trước cột cờ thì có. Bây giờ nhớ lại mấy hình phạt này mà phát sợ.
Ở Thầy, tôi còn thấy một sự phân định rạch ròi giữa cá nhân con người và chức phận. Thầy có những đam mê cá nhân có thể ngày nay không được xem là hay lắm, nhưng về mặt chức phận Thầy là một người làm tròn nhiệm vụ nhà giáo. Sau này lớn lên tôi mới biết là Thấy rất mê đá gà, vì Thầy đi đá gà với các cậu của tôi. Nhưng Thầy rất quan tâm đến chuyện thi cử. Tôi nhớ năm đi thi lên trung học, Thầy doạ đứa nào thi rớt thì đừng có nhìn mặt Thầy! Trường tiểu học của tôi tuy nhỏ tí tẹo và xa “kinh thành” như thế nhưng có khá nhiều người thành đạt sau này. Công ơn của Thầy không thể nào không ghi nhận ở đây được.
Sau năm 1975, cả gia đình của Thầy đều tiêu tán. Thầy đương nhiên bị rơi chức hiệu trưởng và không được dạy học. Các con của thầy cũng không được dạy. Tôi nghe nói cô Nở (con út của Thầy) ức quá nên tự tử chết. Còn thầy Trình thì lang thang như kẻ ăn xin ngoài phố. Bây giờ nhìn lại thời đó tôi thấy cái chính sách giáo dục thiển cận và giáo điều đó làm thui chột biết bao lăm nhà giáo có tài và có kinh nghiệm. Rất tiếc là đến năm tôi về thăm nhà thì Thầy không còn nữa để nói một lời cám ơn.
Người thầy thứ hai là anh hai tôi. Trong gia đình tôi, anh hai là anh cả, kế đến anh Ba, và kế đến là tôi. Tiếp theo là một đám 4 đứa em gái. Tôi còn có một đứa em trai, nhưng chẳng may một hôm đi qua sông bị đò hành khách đụng chìm xuồng và chết. Anh hai tôi vượt biên năm 1980 và mất tích. Nguyên chuyến tàu của anh không một ai sống sót. Đó là một nỗi đau, một vết thương lòng, mà Ba Má tôi không thể nào hồi phục được. Anh hai tôi được xem là một người thành đạt trong làng, vì anh là người thứ hai trong làng thi đỗ tú tài II (người thứ nhất là đứa em họ tôi), và người đầu tiên tốt nghiệp kĩ sư (hóa học) thời xưa. Tôi không biết anh học giỏi hay không, nhưng tôi biết anh rất tự hào về thành tích học hành của mình. Anh là tấm gương để đám em và anh em họ trong giòng họ noi theo.
Ngày tôi lên trung học, tôi ở cùng nhà với anh, và có thể nói đó là những ngày “khó khăn” mà tôi không quên được. Anh bắt tôi phải học, phải đọc sách nhiều. Bất cứ lúc nào anh ấy không thấy tôi cầm quyển sách là anh la rầy nga y: mày làm gì mà không đọc sách? Mày muốn đi hốt rác hả? Tôi đâu dám cãi. Tôi học không đến nỗi tệ, nhưng dưới mắt anh thì tôi lúc nào cũng chưa đạt yêu cầu. Tôi còn nhớ anh dạy tôi giải phương trình bậc hai, tôi lúng túng chưa giải xong thì anh quát: học hành ngu như mày thì mai mốt làm được cái gì! Lúc đó, tôi cũng ức lắm, nhưng không dám cãi lại. Có lần tôi đem bằng tưởng thưởng về để nga y trên ghế bố (hồi đó còn ngủ ghế bố), anh tôi đi nga ng thấy và nói: mày chỉ giỏi trong đám mù thôi, chứ mày hơn ai. Nói tóm lại, anh không bao giờ khen thằng em khốn khổ này. Nhưng đương nhiên, đó là một cách anh ấy đặt tiêu chuẩn cao hơn để tôi phải phấn đấu, chứ không cho tự mãn. Anh đặt ra những cái bậc cao hơn để tôi nhảy, chứ không hẳn là chê bai gì.
Sau năm 1975, anh tôi làm việc một thời gian với chính quyền cách mạng, nhưng anh bỏ việc. Không ai hỏi tại sao, nhưng tôi đoán chắc anh ấy không chịu nổi môi trường làm việc mới. Tôi thấy nhiều lần anh la cà trong quán cà phê với bạn bè cùng cảnh ngộ. Anh chẳng làm gì ra tiền, nhưng lúc đó kinh tế gia đình tôi vẫn còn đủ khả năng lo cho anh, nên anh vẫn sống thoải mái như thời trước 1975.
Những lúc nhìn tôi hăng say với công việc, anh ấy chỉ lắc đầu nói với Ba Má tôi là “thằng này bị tẩy não rồi”. Tôi nhớ có lần anh giới thiệu tôi với bạn của anh và phán một câu: thằng này nó là em tao, nhưng nó không cùng ý thức hệ với tao, vì nó rất ư là left wing! Lúc đó tôi đâu còn nhỏ nữa, mà anh ấy hình như vẫn xem tôi như thời trẻ con, và nói như thế nên tôi không hài lòng với kiểu giới thiệu sốc hông đó, nhưng biết vai vế mình nên tôi cũng không muốn cãi lại.
Trước khi đi vượt biên, anh về quê sống với ngoại. Khác với tôi và anh ba là những người có thể làm nghề nông và cày cuốc, anh hai chỉ quen với cuộc sống thị thành và không bao giờ đụng đến việc đồng áng. Có người gọi anh là “công tử”. Ngoại tôi rất cưng anh hai, nên anh ấy được đặc quyền đặc lợi trong cái nhà cũ kĩ đó.
Trước ngày anh ra đi, anh kêu tôi lại và cho tôi chiếc xe Honda (mà sau này tôi bị cơ quan kiểm điểm tiền đâu ra mà mua xe!), anh hỏi tôi chỉ một câu: mày đi hay ở. Tôi không trả lời, nhưng anh hình như cũng đoán biết tâm tư tôi, nên không nói thêm. Không ngờ hôm đó là hôm tôi nói chuyện lần cuối cùng với anh, vì sau đó thì anh mất tích. Không ai biết chuyến tàu định mệnh đó ra sao, chỉ biết là tất cả những người trên tàu đều mất tích. Không ai biết chính xác ngày anh mất là ngày mấy. Ba Má tôi thậm chí còn mời “thầy” về xem, nhưng chẳng ai đoán được. Cứ mỗi lần nhắc đến anh hai là Má tôi khóc ...
Còn tôi sau này khi đến trại tị nạn Thái Lan, đi đăng tin tìm anh nhưng hoàn toàn vô vọng. Có lẽ anh hai tôi vĩnh viễn nằm trong lòng biển cùng với hàng trăm ngàn người Việt Nam không may mắn khác trong thập niên 1980s. Bây giờ ngồi đây viết mấy dòng này, tôi vẫn mong anh biết được một thằng em vẫn còn nhớ đến anh da diết và muốn anh cùng chia sẻ những niềm vui của thằng em.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét