Bằng chứng khoa học

Sáng nay đi làm băng qua ngã tư đường có đèn giao thông gần bệnh viện St Vincent’s tôi chú ý đến hai bà cụ mặc đồng phục lao động đang ngồi chăm chú nhìn xe qua lại và bấm nút như đồng tiền. Tò mò, tôi đến hỏi hai bà làm gì, thì được biết là nhiệm vụ của họ là đếm số lượng xe qua lại. Tôi hỏi tại sao phải 2 người, thì bà cụ nói vì có hai con đường, một bà theo dõi xe đi chiều dọc, còn một bà theo dõi xe đi theo chiều ngang. 


Tại sao làm việc này? Tại vì có người than phiền là ngã tư này có vẻ ưu tiên cho một luồng xe, và thế là không công bằng, cho nên Nha Công chánh phải làm thu thập dữ liệu để xem than phiền đó có đúng không, và phía bên nào nhiều xe hơn phía bên nào, rồi từ đó sẽ sửa lại (nếu cần) thời gian đèn đỏ và đèn xanh. Hai bà cụ sẽ làm việc này trong vòng 3 ngày để thu thập dữ liệu.

Có thể nói rằng lời than phiền của dân chúng tương đối nhỏ. Nếu có chậm trễ vài giây cũng chẳng dẫn đến thiệt thòi gì đáng kể. Nhưng vấn đề không phải chỉ vài giây, mà là tích lũy suốt ngày thì sẽ gây ảnh hưởng đến năng suất lao động và bất công . Nhưng trước khi thay đổi chu trình đèn đường, Nha Công chánh phải cẩn thận thu thập dữ liệu để làm cơ sở khoa học.

Nhìn người lại nghĩ đến ta. Người ta chỉ vì một việc nhỏ như thế mà còn phải cẩn thận thu thập dữ liệu để đảm bảo tính khách quan, còn ở nước ta, một qui định ảnh hưởng đến hàng triệu người mà chẳng hề trình bày được một thông tin khoa học nào đáng tin cậy, chẳng làm được một nghiên cứu khoa học nào. 

Tìm trong Pubmed, hoàn toàn không có một nghiên cứu nào về thể trạng và an toàn giao thông ở Việt Nam. Hoàn toàn không. Ấy thế mà các quan chức nhà ta mở miệng ra là nói là “có cơ sở khoa học”! Tôi nghĩ chắc họ hiểu lầm ý nghĩa của cơ sở khoa học, chứ chẳng phải nói dóc gì đâu.

Tôi là người tin vào trường phái y học thực chứng (evidence-based medicine), làm gì cũng phải căn cứ vào bằng chứng thu thập và xử lí có hệ thống. Đành rằng bằng chứng khoa học cũng có thể sai, nhưng không dựa vào bằng chứng khoa học thì sai lầm sẽ nhiều hơn và nghiêm trọng hơn. Hi vọng rằng qua bài học “chiều cao cân nặng” này Bộ Y tế sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm để bà con nhờ trong tương lai.

NVT

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét