So sánh hiện trạng giáo dục giữa VN và Thái Lan

Mới về nhà có một hôm mà thấy nhiều chuyện cần nói / ghi lại quá! Nhất là chuyện giáo dục. Thời gian còn ở Hà Nội, đêm đêm về khách sạn đọc nghe nhìn những chất vấn và trả lời ở Quốc hội có lúc tôi chỉ biết dơ tay lên trời và lắc đầu một mình. Nói chung, tôi thấy nhiều câu trả lời chẳng có gì để gọi là nội dung, là “information content”. Chẳng hạn như những câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế (sẽ bàn sau), hay của ông thống đốc ngân hàng. Riêng ông Bộ trưởng Bộ GDĐT thì ông tỏ ra dân nhà nghề (dạy học) nên ông trả lời cứ như là … lên lớp (hay có người nói là học thuộc lòng).


Trong một bài phản ảnh với tựa đề “Bộ GD-ĐT hãy hành động thay vì đổ lỗi” đăng trên VNN, một bạn đọc nêu đúng “yếu điểm” của Bộ GDĐT mà tôi xin trích như sau:

Không thể so sánh với nước ngoài

Tôi là một giảng viên ĐH, vì vậy rất quan tâm đến phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân. Tuy nhiên, khi nghe xong chất vấn, tôi thấy rất buồn và hoàn toàn không tán thành với cách trả lời của ông.

Thứ nhất, Bộ trưởng nói là tỉ lệ SV ĐH của ta mới bằng 1/2 của Thái Lan, Nhật Bản và 1/3 của Mỹ... nên phải "cố gắng phấn đấu". Đây là một biểu hiện của căn bệnh thành tích. Rõ ràng, việc phát triển phải căn cứ vào thực tế của nước ta, không phải cứ cố gắng bằng họ về số lượng mà quên đi chất lượng. Điều này đã quá rõ ràng khi chất lượng SV ra trường của ta không đáp ứng yêu cầu. Kinh tế nước ta chưa bằng 1/30 của nước Nhật trong khi lại muốn tỉ lệ SV bằng họ là không logic. […] Minh Quy, Hưng Yên

Tôi không hiểu sao các vị lãnh đạo của ta thường lấy số liệu thống kê của nước ngoài để so sánh. Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tỷ lệ SV trên 1 vạn dân của Việt Nam mới chỉ bằng 1/2 của Thái Lan, Nhật Bản, Pháp và bằng 1/3 các nước như Mỹ, Australia. Thật là buồn cười khi so sánh một nền kinh tế phát triển vào loại bậc nhất, có nhu cầu sử dụng lao động có trình độ cao với một nền kinh tế đang phát triển, cần một lượng lao động chất lượng cao không nhiều mà chủ yếu là lao động phổ thông. Hoang Anh, Hà Nội
“.

Tôi chú ý đến những phát biểu mang tính so sánh với Thái Lan của ông Bộ trưởng. Tò mò, tôi thử tìm dữ liệu thì thấy một số so sánh của ông có thể không đúng. Nói rằng “tỉ lệ SV ĐH của ta mới bằng 1/2 của Thái Lan” thì rất sai. Xin dẫn chứng như sau:

Trong báo cáo “Higher Education Reform in Thailand: Towards Quality Improvement and University Autonomy”, tác giả là Tiến sĩ Waraiporn Sangnapaboworn viết: năm 2002, tỉ lệ sinh viên tính trên dân số độ tuổi 18-21 là 27.4%, và ông đánh giá là tương đối thấp so với các nước Á châu khác (“relatively low, when compared to other Asian nations.”)

Năm 2006, Thái Lan có 1,711,332 sinh viên theo học bậc cử nhân và 139,532 sinh viên sau đại học. Còn ở Việt Nam, số liệu từ trang www.edu.net.vn của Bộ Giáo dục Đào tạo (trong bảng số liệu năm 2006-2007) cho biết số sinh viên là 1,173,147, có thể kể cả sinh viên sau đại học. Như vậy thì làm sao mà nói rằng tỉ lệ sinh viên đại học của ta mới bằng nửa của Thái Lan được.

Sẵn tiện tôi thử làm so sánh số đại học và giáo sư Việt Nam và Thái Lan. Về số trường đại học, Thái Lan hiện có 146 trường đại học; trong số này có 32 32 đại học công, 41 đại học Rajabhat (nguyên là trường sư phạm), 9 đại học Rajamangala (nguyên là viện công nghệ), và 64 đại học tư. Còn Việt Nam ta có 139 đại học. Chà, con số cũng tương đương với Thái Lan đó chứ. Mới có vài năm mà ta “tiến nhanh tiến mạnh” như thế thì vài năm nữa ta qua mặt ông bạn láng giềng rồi.

Về con số giáo sư, khó tìm thấy Thái Lan có bao lăm giáo sư hay phó giáo sư. Nhưng nếu họ có 146 trường đại học, và mỗi trường trung bình có 50 giáo sư và phó giáo sư, thì con số giáo sư và phó giáo sư có thể lên đến 7,300 người. Còn ở ta thì số liệu trong trang mạng www.edu.net.vn cho biết chúng ta đang có 2877 người (445 giáo sư, 2432 phó giáo sư).

Ở Thái Lan, trong báo cáo mà tôi đề cập trên, tác giả cho biết “At present, only 28 % of faculty staff hold a Doctor’s degree. In the year 2001 there were only 224 faculty staff who have conducted research of enough quality to be granted the title of full professors, which counts for only 0.9 % of the whole teaching staff.” (Tức là: hiện nay chỉ có 28% giảng viên và giáo sư đại học có bằng tiến sĩ. Trong năm 2001, chỉ có 224 giảng viên có khả năng làm nghiên cứu khoa học với chất lượng đẳng cấp giáo sư thực thụ). Còn ở ta thì không thấy số liệu nói về khía cạnh “tế nhị” này.

Nói tóm lại, qua so sánh đơn giản này, tôi thấy so sánh của ông Bộ trưởng Bộ GDĐT trả lời trong nghị trường là không đúng. Cần nên xem xét lại khả năng chuyên môn của ông bà nào đó làm cố vấn cho Bộ trưởng nói câu này!

NVT

Xem thêm: Thuốc mọc râu Nioxin scalp treatment (50 ml)
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét