Liều lượng melamine bao lăm là an toàn (tiếp tục)

Hôm nay lên net thấy bài viết "Liều lượng melamine bao lăm là an toàn" của tôi trên tuanvietnam được vài bạn đọc bình luận và phản hồi. Xem qua vài ý kiến, tôi thấy cần phải làm sáng tỏ thêm vấn đề qua trong blog này.

Trước hết là ý kiến của bạn Nguyen Van Giang (sorite2003@gmail.com) viết: "Tôi không đồng ý với lý luận của TS Tuấn. Dù liều lượng melamine là an toàn thì người tiêu dùng bỏ tiền ra mua sữa không phải mua sữa trộn melamine dưới bất cứ hình thức nào. ... Tôi không buồn cưới với lý luận về em bé phải uống 300ml sữa mỗi ngày trong nhiều tháng mới gặp nguy hiểm."

Cần phải hiểu rằng liều lượng an toàn mà giới chuyên gia đề ra không phải là liều lượng mà nhà sản xuất có quyền trộn melamine vào sữa, mà là liều lượng an toàn nếu một người vô ý hay tình cờ uống phải sữa có chứa melamine ở nồng độ đó.

Còn câu hai thì tôi phải giải thích như sau. Thứ nhất đó không phải là "lí luận", mà là khái quát hóa. Khái quát hóa tùy thuộc vào giả định mà tôi đã viết. Thứ hai, tôi không nói đến nguy hiểm, mà là "nguy cơ" (risk). Xin trích một phát biểu của FDA (Cục quản lí thực phẩm và dược phẩm) như sau:

"Safety experts have concluded that eating a very tiny amount of melamine -- 2.5 ppm -- would not raise health concerns, even if a peron ate food that was tainted with the chemical every day" (dịch: Các chuyên gia an toàn thực phẩm kết luận rằng ăn một lượng melamine rất nhỏ như 2,5 ppm sẽ không làm tăng mối quan tâm đến sức khỏe, ngay cả khi người đó ăn thức ăn bị nhiễm melamine mỗi ngày).

Một bạn đọc khác tên là Lan Hương (tuann@gmail.com) thì có vẻ gay gắt hơn. Bạn này viết: "Bài này của giáo sư tiến sĩ toán học nguyễn Văn Tuấn viết không đúng. Vì rằng melanine có thời gian bán phân hủy hơi dài nên nó không tan , không bị tiêu hóa do đó nó lắng đọng ở thận gây lên sạn thận. Do đó cho dù mức ăn vào dù nhỏ đến mấy cũng bị sạn thận, mỗi ngày ăn một ít nhiều ngày nó tích tụ lại sẽ đặc thận. "

Trước hết, không hiểu vì lí do gì bạn này phong cho tôi cái học vị tiến sĩ toán học và kèm theo học hàm giáo sư. Xin cám ơn, nhưng tôi không có cái bằng đó và cũng không phải là giáo sư. Vả lại, những chức danh và học vị đó không liên quan gì đến ý kiến trong bài viết của tôi. Có người có nhu cầu trưng bày học vị và chức danh trong bài viết của họ, nhưng tôi thì không có nhu cầu đó và cũng không quan tâm đến bằng cấp.

Bạn đọc viết rằng "melamine có thời gian bán hủy hơi dài" nhưng rất tiếc là không cho biết "dài" là bao lâu. Ấy thế mà bạn đọc này quả quyết ngay rằng tôi viết sai!

Vậy, tôi xin nói rõ thêm như sau. Tài liệu của WHO (xem tham khảo dưới đây) trích y văn cho biết thời gian bán hủy của melamine là chỉ 3 giờ mà thôi, và melamine bài xuất nhanh theo đường nước tiểu. Sau 6 giờ không còn melamine trong cơ thể nữa. Do đó, nói theo kiểu khẳng định "cho dù mức ăn vào dù nhỏ đến mấy cũng bị sạn thận, mỗi ngày ăn một ít nhiều ngày nó tích tụ lại sẽ đặc thận" chẳng những không có cơ sở khoa học nào cả mà còn đưa thông tin nguy hiểm cho công chúng.

Melamine tự nó không phải là một độc chất. Cyanuric acid có thể độc hại hơn melamine. Khi melamine kết hợp với cyanuric acid cho ra melamine cyanurate, và đây chính là hợp chất độc hại, gây sạn thận. Rất tiếc giới báo chí không đưa thông tin này để công chúng biết rõ ràng hơn.

Xin thành thật cám ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết và cho ý kiến.

NVT

Ghi chú:
Bài báo của tôi trên vnn: http://www.tuanvietnam.net//vn/tulieusuyngam/4961/index.aspx
Tài liệu của WHO: www.who.int/foodsafety/fs_management/Melamine.pdf

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét