Cái tựa đề hơi sốc, nhưng xin các bạn kiên nhẫn chờ đọc ...
Thông thường nhân dịp cuối năm người ta thường làm một tổng kết công việc trong 12 tháng qua. Tôi cũng có làm một phân tích, nhưng với một cái nhìn hơi khác, và sẽ trình bày nay mai. Năm nay Gs Phạm Duy Hiển mới làm một tổng kết về nghiên cứu khoa học của Việt Nam trong một năm qua.
Một trong những điểm chính mà Gs Hiển nhấn mạnh là: "Tổng số công bố quốc tế của Việt Nam hiện nay chưa bằng một trường đại học Thái Lan, như Chulalongkorn hay Mahidol. Đã thế, gần 80% bài báo của Thái Lan do người Thái làm tác giả đầu mối, ta chỉ có 34%. Công bố quốc tế của Thái Lan gắn với đào tạo đại học (95% từ các trường đại học so với 55% của ta), với thực tiễn đời sống và sản xuất. Việt Nam cũng dồn sức đầu tư cho các đề tài ứng dụng thực tiễn, song đầu ra trên các diễn đàn khoa học quốc tế lại rất thưa thớt, thể hiện một sự khước từ có chủ định chuẩn mực quốc tế về chất lượng NCKH. Trước nghịch lý này có người muốn trấn an: ta có việc của ta, cách đi của ta!"
Đọc số liệu thật này làm cho những ai quan tâm đến "đại sự" phải đau lòng. Một nước có truyền thống học hành (và học hành tốt) mà trong nghiên cứu khoa học còn thua một trường đại học Thái Lan! Ấy thế mà có người mới hôm qua thôi đòi trở thành một trong những đại học tốp 200 ... trong vùng.
Tôi nghĩ có lí do tại sao Thái Lan công bố nhiều hơn ta. Một trong những lí do đó là họ công bố trên tập san của Thái Lan, nhưng được ISI công nhận. Chẳng hạn như tập san y khoa Thái Lan nằm trong danh sách tập san quốc tế do ISI công nhận, và họ công bố trên đó thì đương nhiên được xem là "quốc tế" (tôi cũng có 1 hay 2 bài trên tập san đó, đứng tên chung với đồng nghiệp Thái), nhưng trong thực tế thì ít ai xem đó là tập san quốc tế. Điều này nói lên hai chuyện: chuyện thứ nhất là Thái Lan đã phấn đấu hội nhập khoa học quốc tế (còn ta thì ... chưa); thứ hai là nó giải thích tại sao năng suất khoa học Thái Lan cao hơn ta.
Thành ra, có lẽ công bằng hơn là so sánh những công bố trên các tập san ở Mĩ và Âu châu xem ai hơn ai. Thật ra, không/chưa so sánh tôi có thể nói rằng Thái Lan vẫn hơn ta gấp 2 hay 3 lần. Công bố quốc tế của ta chả thấm vào đâu so với họ. Mặc dù như thế, nhưng "phe ta" lại hay hát to làm như mình là thông minh nhất thế giới vậy. Còn khi bị chất vấn thì lại giận dỗi nói: chúng tôi có tiêu chuẩn của chúng tôi!
Xin chia sẻ với các bạn một sự thật. Tôi tin rằng người Việt chúng ta không tồi. Kinh nghiệm cá nhân của tôi thời trước và ngay cả bây giờ ở các đại học phương Tây, sinh viên Việt Nam học trên trung bình, có người tuyệt vời. So với sinh viên từ Thái Lan, Mã Lai, hay Phi Luật Tân (tôi chỉ nói người bản xứ, không nói người Tàu) thì tôi có thể nói rằng sinh viên mình hơn hẳn họ. Thời của tôi còn đi học, "đối thủ" lợi hại của chúng tôi là sinh viên Trung Quốc, Hàn Quốc, Do Thái, và Ấn Độ. Sinh viên mấy nước trong vùng chẳng bao giờ là đối thủ khoa bảng của chúng tôi cả.
Đó là trong môi trường Tây phương, nơi mà tôi cho là cạnh tranh công bằng nhất (nếu không muốn nói là thiệt thòi cho sinh viên Việt -- vì vấn đề tiếng Anh). Nhưng tại sao trong môi trường VN thì sinh viên ta ... không khá mấy. Tôi nói "không khá" là khiêm tốn, chứ có người còn nói mạnh hơn. Theo tôi, câu trả lời nằm ở môi trường khoa bảng (học tập), ở phương pháp dạy và học, ở trình độ giáo sư, ở giáo trình giảng dạy, v.v... Mấy khía cạnh này đã được phân tích biết bao lăm lần, vậy mà đến nay thì chúng ta vẫn lẹt đẹt theo sau một nước mà thế hệ chúng tôi có thời ngạo mạn gọi người ta là "mọi". Tôi đoán bây giờ chắc mấy nước này gọi ta là ... "mọi". Đau.
NVT
PS.
Trong bài phân tích này, Gs Hiển còn ứng dụng cả phương pháp phân tích hồi qui tuyến tính (linear regression analysis) để tìm mối liên hệ giữa số lượng bài báo công bố quốc tế và chỉ số phát triển con người (HDI). Theo đó, Gs Hiển có R^2 = 0.91. Nói cách khác, 91% dao động về công bố quốc tế có thể "giải thích" bằng HDI. Nhưng đây là một ecologic analysis, cho nên con số R^2 không có ý nghĩa nguyên thủy của nó.
Viết blog này tại phi trường lúc ... 6 giờ sáng. Hôm nay phải thức sớm để ra phi trường đi Hà Nội. Phi trường Sydney lúc 6 giờ sáng vắng như Chùa Bà Đanh, nhưng tiện cái là chẳng có ai xếp hàng sử dụng computer nên mình xài thoải mái. :-)
Xem thêm: Một thoáng Hà Nội
0 nhận xét:
Đăng nhận xét