Francis Galton (1822-1911) là một nhà khoa học xuất chúng, người Anh, thường được xem là “cha đẻ” của phương pháp khoa học hiện đại mà chúng ta sử dụng ngày nay. Sở trường nghiên cứu của ông là di truyền học, và ông rất nổi tiếng qua những nghiên cứu về những đặc tính và yếu tố liên quan đến thông minh và mối liên hệ giữa thông minh và danh tiếng. Những công trình này có ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ của nhiều người thuộc giai cấp quí tộc ngày xưa và giới trung lưu ngày nay.
Francis Galton, một trong những cha đẻ của khoa học hiện đại, cũng là người đặt "nền móng" cho những phân tích di truyền học và phân tích tương quan (correlation analysis). Hình này lấy từ website Từ điển chưngh khoa trên net.
Nhưng ông lấy gì để đo lường “thông minh”? Cố nhiên, thời đó, giới khoa học chưa có những chỉ số thông minh (IQ hay intelligent quotient) như ngày nay, nên Galton dựa vào chiều cao cơ thể như là một chỉ số phản ảnh mức độ thông minh. Trong một loạt bài báo khoa học, ông lí giải rằng thể trạng, mà đặc biệt là chiều cao, có mối tương quan với sự thành đạt trong xã hội, mà thành đạt trong xã hội thời đó đòi hỏi tri thức thông minh, cho nên chiều cao là một thước đo về thông minh.
Trong một bài báo khoa học công bố ở Anh vào thế kỉ 19, ông viết “những gia đình danh tiếng thường sinh con thông minh hơn là những gia đình không danh tiếng”, và qua vài phân tích đơn giản ông đi đến một kết luận mang màu sắc của học thuyết ưu sinh: “Vì thế, những người thông minh và khỏe mạnh nên được đối xử tốt, trả lương cao, và nên khuyến khích họ có nhiều con cái. Còn những người chẳng ra gì nên được đối xử tử tế miễn là họ phải chịu khó làm việc và ở độc thân, không kết hôn”. Ngày nay, đọc lại những dòng chữ của một nhân vật khoa học có thể nói là thiên tài này (ông biết đọc tiếng Latin năm 4 tuổi và làm toán năm 3 tuổi) chúng ta thấy khó chấp nhận được lí luận mang tính kì thị giai cấp như thế.
Không ngờ hơn 100 năm sau tính từ lúc những dòng chữ trên được viết ra, Bộ Y tế nước ta đặt ra những tiêu chuẩn về chiều cao và cân nặng để quyết định ai được hay không được lái xe gắn máy trên 50 cc. Để trấn an dư luận, các quan chức Bộ Y tế cho biết qui định này có cơ sở khoa học và cũng phù hợp với hầu hết người Việt Nam . Nhưng dựa vào dữ liệu thực tế, tôi ước tính có khoảng 6 triệu người (phần lớn là nữ) sẽ bị ảnh hưởng bởi qui định này, tức là sẽ không được cấp bằng lái xe gắn máy trên 50 cc. Hàng triệu người chịu ảnh hưởng như thế thì rất khó nói rằng qui định phù hợp với “hầu hết” người dân. Trước sự ngỡ ngàng đến bất bình và phản biện của công chúng cùng Bộ Tư pháp chỉ ra những bất cập về pháp lí, Bộ Y tế đành xin rút lại qui định này.
Nhưng dư luận vẫn còn bức xúc: các quan chức y tế đã suy nghĩ như thế nào để đi đến một qui định như thế? Tại sao các quan chức y tế lại lấy chiều cao để làm tiêu chuẩn về an toàn giao thông? Cho đến nay, chúng ta có thể nói qui định trên của Bộ Y tế không có cơ sở khoa học nào cả, vì nghiên cứu ở nước ngoài chẳng thấy mối liên hệ nào giữa chiều cao và an toàn giao thông. Như vậy, không thể giải thích qui định của Bộ bằng khoa học.
Giả thuyết đặt ra là qui định của Bộ có thể phản ảnh những suy nghĩ mang tính tiềm thức. Theo Freud thì những phát biểu hay những hành vi lệch lạc thường thể hiện những niềm tin hay suy nghĩ hay cảm nhận của tiềm thức. Chẳng hạn như phụ nữ cảm thấy hấp dẫn bởi những đàn ông cao lớn (hay đàn ông hay bị thu hút bởi những cô gái trẻ có khuôn mặt cân đối) là do suy nghĩ tiềm thức mang tính chọn lọc tự nhiên của Darwin .
Trong điều kiện không đánh giá được hay chưa biết được một cá nhân là no đủ hay có gien tốt, người ta phải dựa vào những tín hiệu dễ nhận nhất. Một trong những “tín hiệu” đó là chiều cao cơ thể. Chiều cao phản ảnh một phần về thể trạng của cơ thể, về gen (tốt hay xấu), về khả năng miễn dịch (rất quan trọng để chống trả với bệnh tật).
Trong tất cả các sinh vật, những sinh vật (đặc biệt là nam) có chiều cao cao thường có địa vị thống trị so với người có chiều cao thấp. Ở các bộ lạc ngày xưa, người trưởng bộ lạc thường cao to và được gọi là “Người Lớn” hay “Đại Nhân” (Big Man). Chiều cao trung bình ở đàn ông Mĩ là 179 cm, nhưng chiều cao trung bình của 500 giám đốc các đại công ty (CEO, trong danh sách Fortune 500 của Mĩ) là 185 cm. Tính từ năm 1776 cho đến nay, chỉ có 2 tổng thống Mĩ (James Madison và Benjamin Harrison) có chiều cao thấp hơn trung bình dân số. Trong các cuộc tranh cử tổng thống Mĩ, chiều cao của ứng viên có mối tương quan thuận với xác suất thắng cử.
Tuy chưa có số liệu nghiên cứu, nhưng nếu kinh nghiệm từ nước ngoài đúng, chúng ta cũng có thể tiên đoán những người no đủ và thành đạt ở nước ta ngày nay cũng có chiều cao trên trung bình. Ngược lại, bởi vì chiều cao thấp có thể là do rối loạn di truyền và thiếu dinh dưỡng, nên phần lớn những người có chiều cao thấp là thành phần kém may mắn trong xã hội, những người đã lớn lên trong tình trạng thiếu ăn trong thời kinh tế khó khăn trước đây. Những người xấu số này cần được nâng đỡ, kể cả giúp đỡ trong việc tham gia giao thông. Nhưng qui định cấp giấy phép dựa vào chiều cao là một hình thức kì thị thể trạng.
Một qui định như thế tuy có thể làm câu chuyện đàm tiếu trong công chúng, nhưng ở qui mô dân số và theo thời gian, nó có ảnh hưởng tích lũy theo chiều hướng ưu sinh: những người kém may mắn càng ngày càng bị dồn vào tình trạng khốn khó và người no đủ càng ngày càng được ưu đãi. Người khốn khó có nguy cơ tử vong cao, tức những gen chiều cao thấp sẽ dần dẩn biến mất ở người Việt, và qui định này vô hình chung thực hiện lí thuyết ưu sinh của Francis Galton. Tôi chưa biết một nước nào trên thế giới có qui định như thế.
Thật khó tưởng tượng sau hơn 100 năm, chúng ta lại thấy chiều cao cơ thể được dùng làm một thước đo xã hội. Nếu ngày xưa Francis Galton chỉ “đề nghị” người có chiều cao thấp không nên được trả lương cao, không nên lập gia đình, thì ngày nay, một cơ quan công quyền lại ban hành hẳn một qui định!
Có lẽ nói ra cũng thừa, nhưng vẫn phải nói: Người dân nước ta đã hi sinh rất nhiều xương máu hàng trăm năm để đấu tranh cho đồng đẳng xã hội. Không có lí do gì lại làm tăng khoảng cách bất đồng đẳng xã hội vốn đã khá nghiêm trọng hiện nay bằng những con số về chiều cao (hay cân nặng). Sự kì thị dù có ý thức hay do tiềm thức đều không thể chấp nhận được.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét