Xếp hạng đại học

Xếp hạng đại học là việc làm khó khăn và phức tạp. Làm sao đánh giá và so sánh một đại học A và đại học B là vấn đề nóng. Nhưng cũng như trước đây, người ta lúc nào cũng có một giải đáp đơn giản cho một vấn đề phức tạp. Người dễ tin thì thấy cách xếp hạng đó hay, người khó tính thì thấy cách xếp hạng này là vô dụng. Thật ra thì sự thật nằm đâu đó giữa hữu dụng và vô dụng.


Hiện nay, có nhiều nhóm truyền thông đứng ra lập những danh sách “top 200” và “top 500” cho các trường đại học trên thế giới nhằm mục tiêu hướng dẫn “khách hàng” và sinh viên. Các nhóm này sử dụng nhiều tiêu chí khác nhau để đánh giá chất lượng đào tạo và nghiên cứu của một đại học. Mỗi tiêu chí có một trọng số (weight). Chẳng hạn như:
Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc)
  • Số cựu sinh viên tốt nghiệp đoạt giải Nobel và Field : trọng số 10%
  • Số giáo sư đoạt giải Nobel và Field : trọng số 20%
  • Số bài báo khoa học được trích dẫn nhiều lần : trọng số 20%
  • Số bài báo khoa học trên tập san NatureScience : trọng số 20%
  • Số bài báo khoa học trên tập san trong danh bạ SCIE, SSCI : trọng số 20%
  • Thành tựu của giáo sư và đội ngũ khoa bảng : trọng số 10%
US News and World Report
  • Xuất sắc khoa bảng (academic excellence) qua thăm dò ý kiến của hiệu trường, khoa trưởng : trọng số 25%
  • Tỉ lệ sinh viên bỏ học và tỉ lệ tốt nghiệp : trọng số 20%
  • Cơ sở vật chất (qui mô lớp học, lương bổng giáo sư, trình độ giáo sư, tỉ lệ giáo sư toàn thời gian (fulltime) : trọng số 20%
  • Điểm tuyển chọn sinh viên : trọng số 15%
  • Chi tiêu của nhà trường tính trên mỗi sinh viên : trọng số 10%
  • Tỉ lệ cựu sinh viên đóng góp vào ngân quĩ nhà trường : trọng số 5%
  • Tỉ lệ tốt nghiệp sau khi điều chỉnh cho chi tiêu và điểm tuyển nhận : trọng số 5%
Times Higher Education Supplement (THES)
  • Đánh giá của giới khoa bảng từ các trường khác : trọng số 40%
  • Số sinh viên tốt nghiệp làm việc trong các công ti toàn cầu : trọng số 10%
  • Phần trăm giáo sư là người nước ngoài : trọng số 5%
  • Phần trăm sinh viên là người nước ngoài : trọng số 5%
  • Tỉ số sinh viên / giáo sư : trọng số 20%
  • Số lần trích dẫn tính trên đầu mỗi giáo sư : trọng số 20%
Maclean University Ranking
  • Thành tựu khoa bảng của sinh viên : trọng số 23%
  • Qui mô lớp học và liên lạc giữa giáo sư và sinh viên : trọng số 17%
  • Trình độ và danh tiếng của đội ngũ giảng viên và giáo sư : trọng số 17%
  • Tài chính : trọng số 12%
  • Thư viện : trọng số 12%
  • Danh tiếng của cựu sinh viên : trọng số 19%
The Guardian University guide
  • Thành phần giảng viên và giáo sư (phần trăm với học vị tiến sĩ, phần trăm tham gia nghiên cứu khoa học) : trọng số 15%
  • Điểm chuẩn để tuyển chọn sinh viên : trọng số 20%
  • Chi tiêu toàn trường tính trung bình trên mỗi sinh viên : trọng số 10%
  • Tỉ số sinh viên / giáo sư : trọng số 20%
  • Tỉ lệ sinh viên xuất thân từ thành phần kinh tế khó khăn, nghèo: trọng số 12%
Ngoài ra, có thể tham khảo cách xếp hạng của nhóm Webometrics (Ý) và tạp chí Newsweek.
Trong số này phải kể đến nhóm Phụ trang giáo dục đại học của tờ Thời báo (THES – Times Higher Education Supplement) và nhóm thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải (GTTH) được nhiều người biết đến từ 2003. Nhưng chẳng có danh sách nào, kể cả danh sách của GTTH, được xem là có cơ sở khoa học vững vàng cả; đó chỉ là những danh sách phục vụ cho mục tiêu thương mại, chứ không phải khoa học. Xin lấy các tiêu chí của GTTH để phân tích như sau.
Thứ nhất là đếm số nhà khoa học chiếm giải Nobel hay giải Fields, tuy phản ảnh một phần nào về chất lượng nghiên cứu khoa học của trường, nhưng trong thực tế thì không hẳn như thế, bởi vì nhiều nhà khoa học đang tại chức tại một đại học từng chiếm giải Nobel nhờ các công trình nghiên cứu thực hiện ở trường khác. Trong số 22 nhà khoa học chiếm giải Nobel y học 1997-2006, có đến 15 người là nhờ công trình nghiên cứu từ trường khác trước khi tham gia trường hiện tại. Do đó, tiêu chí này phản ảnh khả năng thu hút tài năng, chứ không hẳn phản ảnh chất lượng nghiên cứu khoa học.
Thứ hai là số nhà khoa học có nhiều trích dẫn tuy trên lí thuyết thì có vẻ phản ảnh chất lượng khoa học, nhưng trong thực tế thì không đơn giản như nhóm GTTH làm. Lí do đơn giản là chỉ số trích dẫn tùy thuộc vào cơ sở dữ liệu sử dụng. Ngoài ra, còn có vấn đề tác giả. Chẳng hạn như một bài báo với 1 tác giả được trích dẫn 100 lần và một bài báo với 865 tác giả (và nhà khoa học đứng tên tác giả số 342) cũng được trích dẫn 100 lần không thể xem tương đương, nhưng cách làm của GTTH thì lại xem là tương đương! Thêm vào đó là chỉ số trích dẫn thường tính cho 2 thập niên trước, như vậy không phản ảnh chất lượng hiện tại. Trong số 10 tác giả có chỉ số trích dẫn cao trong thời gian 1996-1999, 5 người đã chuyển chỗ làm hay qua đời.
Thứ ba là số bài báo trên tập san ScienceNature không hẳn phản ảnh chất lượng nghiên cứu khoa học, bởi vì trong thực tế có nhiều tập san khác có hệ số ảnh hưởng (impact factor) cao hơn ScienceNature rất nhiều. Nên nhớ rằng trong số những bài báo được trích dẫn nhiều, chỉ có 22% được công bố trên hai tập san này. Do đó, tính hợp lí (validity) của số bài báo trên ScienceNature có vấn đề nghiêm trọng.
Thứ tư là số lượng bài báo trên các tập san cũng tùy thuộc vào cơ sở dữ liệu sử dụng. Số lượng bài báo chắc chắn không nói lên ảnh hưởng của các bài báo này. Đó là chưa tính đến tình trạng “salami publication” (kiểu cắt nem chua ra từng miếng nhỏ), tức là công bố nhiều bài báo để nâng số lượng mà chẳng quan tâm đến chất lượng.
Nói tóm lại, không có một tiêu chí nào có tính hợp lí cao, và cũng chẳng có một cách làm nào của GTTH và THES được xem là mang tính khoa học. Đó là sự thật. Chính vì thế mà hai danh sách này không nhất quán với nhau. Một số trường xuất hiện trên danh sách top 200 của THES thì lại vắng mặt trong danh sách của GTTH (và ngược lại). Theo xếp hạng năm 2006, 4 trong số 50 trường hàng đầu của GTTH không nằm trong top 500 của THES. Có thể xem qua danh sách trong bảng sau để thấy sự bất hợp lí của cách xếp hạng.
Một số đại học trong danh sách top 70 của GTTH nhưng không có trong top 500 của THES
Một số đại học trong danh sách top 70 của GTTH nhưng không có trong top 500 của THES
· University of California, San Francisco (GTTH hạng 18)
· ĐH Rockefeller (GTTH hạng 30)
· ĐH Paris 6 (GTTH hạng 45)
· Viện Karolinska (GTTH hạng 48)
· Fondation des Scienes Politique (THES hạng 52)
· Ecole Polytech fed Lausanne (THES hạng 64)
· Indian Institutes of Management (THES hạng 68)
· School of Oritental and African Studies (THES hạng 70)
Biểu đồ sau đây cho thấy chẳng có mối tương quan nào giữa xếp hạng của THES và GTTH. Một số trường trong danh sách top 50 của GTTH thậm chí không nằm trong danh sách top 500 của THES. Tính tổng cộng, chỉ có 133 trường nằm trong cả hai danh sách! Phân tích này một lần nữa cho thấy cách xếp hạng của cả hai nhóm không đáng tin cậy.
Biểu đồ về mối tương quan giữa xếp hạng top 500 của THES (trục x) và top 500 của ĐH Giao thông Thượng Hải (trục y). Nguồn: Ioannidis JAP, et al. BMC Med 2007;5:30
Chính vì tính phi khoa học này nên trong thực tế đã xảy ra chuyện khôi hài. Năm 2004, Đại học Malaya (một đại học lâu đời nhất của Mã Lai) được THES xếp hạng 89. Trước “tin vui” này, hiệu trưởng trường ra chỉ thị treo biển to tướng ở cổng trường với hàng chữ “University of Malaya a world’s top 100 university”. Nhưng chỉ một năm sau, khi THES xếp hạng lại thì Đại học Malaya tụt xuống hạng 169, dù trong thời gian ngắn đó đại học này chẳng có thay đổi gì về nghiên cứu khoa học hay nhân sự! Hệ quả là sau đó vị hiệu trưởng này mất chức.
Chính vì những bất cập và phi khoa học này mà có tác giả đã nghiêm khắc cảnh báo rằng cách xếp hạng hiện nay có thể gây tác hại cho khoa học và giáo dục. Ấy thế mà ngành giáo dục nước ta lại đặt mục tiêu để có tên trong danh sách top 200! Trước đây, một số đại học Úc cũng hăng hái đặt mục tiêu thành top 100, top 200, nhưng nay thì họ đã nhận ra “chân tướng” của mấy kiểu xếp hạng này nên ai cũng im lặng và phớt lờ. Có nhiều trường ở Canada tuyên bố không tham gia hay cung cấp số liệu cho các nhóm xếp hạng trên. Do đó, theo tôi, chúng ta không cần tốn công sức chỉ để có tên trong danh sách đó. Nên đầu tư cho những việc thiết thực như thư viện, cơ sở vật chất cho nghiên cứu khoa học, điều liện làm việc và lương bổng giảng viên, nâng cao tiêu chuẩn đầu vào và đầu ra để sinh viên tốt nghiệp có thể hội nhập quốc tế dễ dàng hơn. Đó là những điều tôi thấy thiết thực nhất thay vì chạy theo “ảo tượng” của top 200.

NVT
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét