Ngành giáo dục nước ta có một ước nguyện rằng sẽ "phấn đấu" đến năm 2020 để có một đại học Việt Nam (như ĐH Quốc gia Hà Nội gì đó) có trong danh sách top 200 trên thế giới. Tôi gọi đó là "Ước vọng 200".
Ông Tây, người đồng hương Úc này của tôi lịch sự nói là: "Chỉ với hơn 200 bài báo một năm, VN chưa sẵn sàng cạnh tranh được một cách nghiêm túc trên cơ sở công bố công trình và khối lượng được trích dẫn" và “Tóm lại con đường dẫn đến bảng xếp hạng 200 trường ĐH hàng đầu do Trường ĐH Giao thông Thượng Hải công bố đối với ĐH Quốc gia Hà Nội hay một trường ĐH nào khác của VN là một con đường dài và việc đạt được nó vào năm 2020 là nằm ngoài khả năng hiện thực.”
Có người hình như quá ngưỡng mộ ông Tây nên phán một câu như dạy dỗ “Hãy lắng nghe ông này!” Thật ra, đâu cần phải đọc những dòng chữ của ông Tây này mới biết rằng cái "ước vọng 200" không thể thành hiện thực được. Có người đã nói từ lâu rồi, chứ đâu đợi đến ông Tây này lên lớp. Có lẽ "bụt nhà không thiêng", nên hễ nghe ông Tây nào phán một câu là giới trí thức ta cứ xì xụp lạy bái như tế sao.
Nhưng ông Tây này nói sai. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam công bố được khoảng 900 bài báo khoa học (chứ không phải 200, chẳng biết ông dựa vào đâu mà nói như thế). Năm nay, tính đến tháng 10, Việt Nam công bố 910 bài báo khoa học, tăng gần 2 lần so với năm 2004. Tuy nhiên, so với Thái Lan và Mã Lai thì ta vẫn còn quá ít. Chưa dám so với Singapore, vì họ cao hơn ta đến 6 lần (xem bảng dưới đây).
Nước 2004 2008
Việt Nam 478 910
Thái Lan 1860 3310
Mã Lai 1126 2194
Nam Dương 419 544
Phi 383 531
Singapre 4594 5553
Nhưng điều yên ủi là so với Phi Luật Tân và Nam Dương thì Việt Nam đã vượt qua họ. Xuất phát từ điểm tương đương nhau, đến nay, “năng suất” khoa học Việt Nam đã vượt gần gấp 2 hai nước này. Nhưng chúng ta nhắm vào mục tiêu cao hơn, chứ đâu phải so sánh với hai người bạn chưa ổn định này. Và, khi so với người khá hơn, chúng ta mới thấy ước vọng 200 là quá xa vời thực tế.
Tôi thử tính đến năm 2020 con số bài báo khoa học của Việt Nam cũng chỉ bằng 90% con số của Thái Lan hay 1/3 con số của Singapore năm 2008. Cả Thái Lan và Singapore chưa có đại học nào được xem là “đẳng cấp quốc tế”. Vậy mà ngành giáo dục Việt Nam mình lại mơ ước phong phú như thế.
Không chỉ là số lượng bài báo khoa học quá nhỏ nhoi, mà chất lượng nghiên cứu quá thấp. Tính trung bình các tập san mà Việt Nam công bố có hệ số ảnh hưởng (impact factor) chỉ 1,5 (hệ số tối đa là ~60). Có nhiều bài các nhà khoa học Việt Nam đăng ở tập san … Hàn Quốc và Nhật ! Ở Úc, đăng trên tập san Úc thì không thể xem là "quốc tế" được ; thành ra, con số bài báo của Việt Nam trong thực tế còn thấp hơn. Trong một phân tích trước, tôi có chỉ ra rằng có đến 40% các bài báo khoa học từ Việt Nam, nhất là ngành toán và kĩ thuật, chưa bao giờ được ai trích dẫn. Trong tình trạng đó thì nói gì đến chuyện HiCi như ông Tây này đề cập !
Mà, tại sao phải đòi lọt vào cái danh sách top 200 đó nhỉ ? Một câu hỏi cần đặt ra nghiêm túc là phấn đấu để đại học Việt Nam nằm trong danh sách top 200 của ai. Trên thế giới ngày nay có hàng chục nhóm, chuyên nghiệp và tài tử, xếp hạng các đại học với mục tiêu chính là phục vụ cho “người tiêu thụ”. Ở đây, người tiêu thụ phải hiểu là sinh viên và phụ huynh sinh viên đang chọn trường cho con em mình. Với các “khách hàng” này, họ cần phải so sánh chất lượng đào tạo và viễn cảnh sau khi tốt nghiệp để chọn trường thích hợp với túi tiền.
Mỗi danh sách có một cách xếp hạng dựa vào những tiêu chí cụ thể. Chẳng hạn như Đại học Giao thông Thượng Hải dựa vào khoảng 6 chỉ tiêu rất đơn giản như số cựu sinh viên tốt nghiệp đoạt giải Nobel và Field ; số giáo sư đoạt giải Nobel và Field ; số bài báo khoa học được trích dẫn nhiều lần ; số bài báo khoa học trên tập san Nature và Science ; số bài báo khoa học trên tập san trong danh bạ SCIE, SSCI ; và thành tựu của giáo sư và đội ngũ khoa bảng. Mỗi tiêu chí họ cho một trọng số (weight) sao cho tổng trọng số của 6 chỉ tiêu bằng 100, rồi dựa vào tổng trọng số để xếp hạng các đại học trên thế giới. Nhưng cách cho trọng số cho từng chỉ tiêu cũng khá tùy tiện. Không có lí do gì và chưa có cơ sở khoa học nào để cho con số tròn trĩnh 10% hay 20% cho một chỉ tiêu. Chẳng hạn như THES cho trọng số liên quan đến đội ngũ giáo sư lên đến 40%, trong khi đó Maclean đánh giá chỉ tiêu này chỉ 17%. Theo tôi, trong tất cả các danh sách hiện hành, có lẽ danh sách của tạp chí Mclean là có cơ sở khoa học nhất vì họ đã tiến hành những nghiên cứu qui mô để đánh giá tính hợp lí nội tại (internal validity) và hợp lí ngoại tại của các chỉ tiêu. Bất cứ chỉ tiêu về chất số nào mà chưa qua đánh giá tính hợp lí nội tại và ngoại tại đều không có ý nghĩa khoa học.
Tôi chưa thấy ai trong giới khoa học và khoa bảng đánh giá cao các bảng xếp hạng này. Ngoại trừ những ông như ông Úc Marginson này (vì nghề ông ấy là xếp hạng), còn lại thì chúng tôi chỉ cười mỉm, xem đó là trò chơi trẻ con. Không tin, hỏi các khoa trưởng và hiệu trưởng đại học thì biết. Người ta quan tâm đến chuyện xây dựng thực lực, chứ không phải để có tên trong bảng top 200 hay top 500.
Theo tôi, thay vì chạy theo một mục tiêu mơ hồ mang tính truyền thông như lọt vào top 200 hay top 500 như ngành giáo dục đề ra, chúng ta nên tập trung sức lực vào những việc thực tế hơn để dần dần nâng cao tiêu chuẩn đào tạo ở trình độ quốc tế, sao cho sinh viên khi tốt nghiệp có thể hội nhập với cộng đồng quốc tế dễ dàng (chứ không phải như hiện nay chúng ta bị xem thường). Một khi tiêu chuẩn đã đạt chuẩn quốc tế thì mục tiêu top 200 hay top 500 không còn là vấn đề nữa.
NVT
Mục tiêu không hiện thực?
GS.TS SIMON MARGINSON (ĐH Melbourne, Úc)
TT - Trong kế hoạch phát triển giáo dục ĐH thời kỳ 2006-2020 được Chính phủ phê duyệt tháng 7-2007 có bao gồm mục tiêu đến năm 2020 VN có ít nhất một trường ĐH nằm trong top 200 trường ĐH hàng đầu thế giới (cần ghi chú ở đây là không rõ danh sách xếp hạng 200 trường hàng đầu nào sẽ được sử dụng).
Về nguyên tắc mục tiêu này là đúng. VN cần một trường ĐH nghiên cứu hàng đầu và tốt hơn nữa nếu có hơn một trường ĐH như thế nếu như VN muốn trở thành một quốc gia mạnh trong kỷ nguyên kinh tế tri thức. Tuy nhiên, căn cứ vào tình trạng giáo dục ĐH hiện tại và tình hình kinh tế của quốc gia, nếu sử dụng một danh sách danh tiếng xếp hạng 200 trường hàng đầu thì mục tiêu đặt ra là cao. Thậm chí, trong những hoàn cảnh rất thuận lợi thì mục tiêu này cũng chỉ đạt được vào thời gian xa hơn nhiều sau năm 2020. Vì sao?
Ta hãy bắt đầu bằng bảng xếp hạng của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải. Đây là hệ thống xếp hạng danh tiếng nhất, được đánh giá là có uy tín nhất vì các dữ liệu khách quan và được sử dụng miễn phí. Các tiêu chí của bảng xếp hạng này rất rõ ràng. Tiêu chí đầu tiên và thứ hai, để nổi trội trong xếp hạng ở đây, là các trường ĐH cần có những người đoạt giải Nobel trong đội ngũ và còn phải có các giải Nobel trong quá khứ. Đa số các trường trong top 100 và nhiều trường xếp từ 101-200 đều ít nhất có một người đoạt giải Nobel. Thực tế là không có những người đoạt giải thưởng về khoa học hay kinh tế trong các trường ĐH thuộc các nước đang phát triển và có lẽ VN không là ngoại lệ trong một tương lai có thể dự đoán trước. Các giải thưởng Nobel về văn học và hòa bình không được tính.
Tiêu chí thứ ba là sự hiện diện của các nhà nghiên cứu HiCi - nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều từ các công trình nghiên cứu của họ. Chỉ trừ có hai trường, tất cả các trường ĐH nghiên cứu trong danh sách 200 trường ĐH hàng đầu của ĐH Giao thông Thượng Hải đều có các nhà nghiên cứu HiCi. Để thu hút và hoặc giữ được một số đáng kể các nhà nghiên cứu HiCi, các trường ĐH của VN có lẽ sẽ phải đưa ra mức lương gần với mức của các nước trên thế giới và hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, cả về nhân sự và thiết bị, cạnh tranh được trên phạm vi quốc tế. Điều này chắc hẳn sẽ đòi hỏi một sự đầu tư quy mô lớn, có sự phối hợp bền vững trong các trường ĐH được chọn cho sự phát triển này.
Tiêu chí thứ tư và thứ năm liên quan đến việc công bố các bài báo khoa học trong các tạp chí hàng đầu là Nature, Science và toàn bộ thành tích trong việc được trích dẫn. Về mặt này, trong thập niên tới, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore sẽ với tới. Còn chỉ với hơn 200 bài báo một năm, VN chưa sẵn sàng cạnh tranh được một cách nghiêm túc trên cơ sở công bố công trình và khối lượng được trích dẫn.
Tóm lại con đường dẫn đến bảng xếp hạng 200 trường ĐH hàng đầu do Trường ĐH Giao thông Thượng Hải công bố đối với ĐH Quốc gia Hà Nội hay một trường ĐH nào khác của VN là một con đường dài và việc đạt được nó vào năm 2020 là nằm ngoài khả năng hiện thực.Để đạt được mục tiêu ấy chắc chắn phải đầu tư lâu bền vào một trường ĐH hoặc một số trường ĐH theo chuẩn châu Âu và có lẽ phải mất 20-30 năm nữa. Trung Quốc hiện chưa có trường nào nằm trong top 200 này dù nước này đã có 18 trường nằm trong top 500, có sáu trường - trong đó có chính Trường ĐH Giao thông Thượng Hải - nằm trong danh sách từ 201-300...
Mục tiêu đứng trong 200 trường ĐH hàng đầu không phải là tham vọng nhỏ. Điều đó không thể đạt được nếu chỉ có sự nỗ lực của riêng đội ngũ cán bộ, giảng viên trong các trường ĐH. Cần lưu ý rằng thậm chí với việc đầu tư theo mức của Trung Quốc và Hàn Quốc được thực hiện ngay lập tức thì cũng không thể đạt kết quả xếp hạng trong top 200 của ĐH Giao thông Thượng Hải vào năm 2020. Một mục tiêu hiện thực hơn, tuy vẫn còn khó, là đạt kết quả xếp hạng trong top 500 của bảng xếp hạng này vào năm 2025 hoặc 2030.
THANH HÀ ghi
______________
(*) Lược ghi từ tham luận của GS.TS Simon Marginson trình bày tại cuộc hội thảo quốc tế “Xếp hạng các trường ĐH: xu thế toàn cầu và các quan điểm”, tổ chức tại Hà Nội ngày 13-11.
Xem thêm: Ngày nhà giáo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét