Những bất thường có liên quan đến kinh nguyệt hoặc chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ đều được gọi là rối loạn kinh nguyệt. Khi có bất kỳ dấu hiệu nào khác thường có liên quan đến kinh nguyệt chị em cần đến gặp bác sĩ sản khoa ngay để có hướng xử trí thích hợp.
Phân loại rối loạn kinh nguyệt
Bất thường về độ tuổi có kinh
Dậy thì sớm khi bé gái bắt đầu có kinh từ 8 tuổi trở xuống được gọi là dậy thì sớm. Độ tuổi có kinh bình thường là 13-16 tuổi.
Dậy thì muộn ngược lại với dậy thì sớm khi bé gái bắt đầu hành kinh sau 18 tuổi.
Mãn kinh sớm khi người phụ nữ không hành kinh nữa trước tuổi 40, bình thường tuổi mãn kinh ở phụ nữ từ 45-55 tuổi.
Mãn kinh muộn ngược lại nếu người phụ nữ không hành kinh nữa sau tuổi 55 được gọi là mãn kinh muộn.
Tuy nhiên ngày nay do chế độ dinh dưỡng và môi trường sống thay đổi khiến cho tuổi dậy thì có xu hướng sớm hơn, và tuổi mãn kinh cũng có xu hướng muộn hơn, do đó có những trường hợp bắt đầu có kinh lúc 8, 9 tuổi vẫn được xem là bình thường.
Rối loạn kinh nguyệt khiến phụ nữ luôn cảm thấy khó chịu.
Bất thường về chu kỳ kinh
Kinh thưa: Được gọi là kinh thưa khi vòng kinh dài trên 35 ngày, bình thường chu kỳ kinh chỉ từ 22-35 ngày.
Kinh mau: Là khi vòng kinh ngắn dưới 22 ngày.
Vô kinh: Không có hành kinh từ 6 tháng trở lên.
Thống kinh: Đau bụng trước, trong hoặc sau khi hành kinh.
Bất thường về số ngày hành kinh
Rong kinh: Là khi kỳ hành kinh kéo dài trên 7 ngày và lượng máu mất vượt quá 80 ml.
Rong huyết: Là hiện tượng ra huyết từ bộ phận sinh dục nữ kéo dài trên 7 ngày, nhưng khác với rong kinh, rong huyết xuất hiện không theo chu kỳ nhất định.
Kinh ngắn: Kỳ hành kinh chỉ từ 2 ngày trở xuống.
Bất thường về lượng máu kinh
Kinh nhiều: Lượng máu kinh trong cả chu kỳ trên 200 ml.
Kinh ít: Lượng máu kinh ra rất ít, không cần đóng băng vệ sinh, dưới 15 ml.
Cường kinh: Khi máu kinh ra vừa nhiều, vừa kéo dài ngày.
Thiểu kinh: Máu kinh ra ít và ngắn ngày. Băng vệ sinh dùng rất ít hoặc không dùng hay thời gian hành kinh ít hơn 3 ngày.
Bất thường về các triệu chứng kèm theo kinh nguyệt
Thống kinh: Là hiện tượng đau bụng dưới khi hành kinh, nếu đau nhiều cơn đau có thể xuyên ra cột sống, lan xuống đùi và lan ra toàn bụng. Ngoài ra có thể thấy đau lưng kèm theo tức ngực, căng vú, buồn nôn, dễ xúc động, ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động.
Bất thường về tăng trưởng nang trứng: Vòng kinh không phóng noãn: (vòng kinh không có sự phóng noãn ở giữa chu kỳ kinh như bình thường).
toàn bộ những biểu hiện bất thường trên đây đều được gọi là rối loạn kinh nguyệt. do vậy nếu chị em phụ nữ gặp một trong các rối loạn trên thì cần đi khám chuyên khoa phụ sản để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời, đảm bảo sức khỏe sinh sản cho mình.
Một số rối loạn kinh nguyệt thường gặp và hướng xử trí
Vô kinh
Vô kinh nguyên phát gặp khi trẻ gái trên 18 tuổi vẫn chưa có kinh. Còn vô kinh thứ phát là khi người phụ nữ không hành kinh lại sau 3 tháng đối với vòng kinh đều và 6 tháng đối với vòng kinh không đều. Vô kinh sinh lý lại là hiện tượng mất kinh khi có thai hay khi mãn kinh. Vô kinh giả còn gọi là bế kinh do máu kinh không chảy được ra ngoài.
Vô kinh nguyên phát: Nguyên nhân của vô kinh nguyên phát là do bất thường ở bộ phận sinh dục, hoặc các tuyến nội tiết liên quan đến hoạt động sinh dục như: không có tử cung, không có âm đạo, màng trinh không thủng, teo buồng trứng bẩm sinh.
Để chẩn đoán là vô kinh nguyên phát cần quan sát nhằm phát hiện có bất thường về đường sinh dục hay không như lông mu và vú không tăng trưởng do teo buồng trứng hoặc teo tuyến yên bẩm sinh.
Trường hợp lông mu và vú tăng trưởng nhưng có triệu chứng đau bụng có thể do bế máu kinh, trường hợp không đau bụng có thể do không có tử cung.
Các xét nghiệm thiết yếu để chẩn đoán vô kinh nguyên phát thường là siêu âm, soi ổ bụng, nhiễm sắc đồ...
Vô kinh thứ phát: Nguyên nhân gây vô kinh thứ phát do nội tiết như suy tuyến yên, buồng trứng. Vô kinh tiết sữa do prolactin cao gây vô kinh thứ phát. Do dính buồng tử cung gây vô kinh thứ phát trong các trường hợp như lao sinh dục, sau nạo hút thai, sau tháo vòng. Vô kinh thứ phát cũng có nguyên nhân người phụ nữ bị hội chứng Sheehan. Trong trường hợp này do bệnh nhân bị mất máu cấp và nhiều dẫn đến giảm cung cấp máu cho tuyến yên và thùy trước tuyến yên bị hoại tử và sẽ mất việc chế tiết các hormon.
Hướng xử trí vô kinh: Tùy loại nguyên nhân mà thầy thuốc sản khoa có hướng xử trí khát khao. Trước hết cần loại trừ các trường hợp mất kinh sinh lý như có thai, mãn kinh gây vô kinh thứ phát.
Đối với trường hợp do dính buồng tử cung cần soi buồng tử cung cắt dính. Trường hợp vô kinh thứ phát do dính cổ tử cung cần nong cổ tử cung. Nếu vô kinh do lao sinh dục cần điều trị lao toàn thân. Trường hợp vô kinh do nội tiết nên áp dụng liệu pháp hormon thay thế. Đồng thời điều trị các bệnh nội tiết khác hoặc sử dụng vòng kinh nhân tạo. Trường hợp vô kinh tiết sữa do prolactin cần điều trị bằng thuốc parlodel.
Rong kinh, rong huyết
Rong huyết là hiện tượng ra máu không liên quan đến kỳ kinh. Rong kinh trên 15 ngày thường biến thành rong huyết và gọi là rong kinh - rong huyết, nếu hiện tượng này kéo dài sẽ gây thiếu máu nguy hiểm cho sức khỏe người phụ nữ.
Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do rối loạn hoạt động nội tiết ở tuổi trẻ, tiền mãn kinh, hoặc do viêm niêm mạc tử cung sau sẩy đẻ, do u xơ tử cung, polip buồng tử cung, do bệnh gây rối loạn đông máu: Hemogenia, bệnh về gan, thận...
Trường hợp rong kinh, rong huyết cần điều trị càng sớm càng tốt và tùy theo nguyên nhân. Nếu bệnh nhân còn trẻ tuổi có thể dùng hormon sinh dục nữ estrogen và progesteron. Trường hợp bệnh nhân ở tuổi tiền mãn kinh cần nạo buồng tử cung gửi giải phẫu bệnh. Nếu nguyên nhân thực thể tại tử cung cần điều trị nguyên nhân.
Thống kinh
Thống kinh có hai loại thống kinh là nguyên phát và thứ phát.
Thống kinh nguyên phát thường xảy ra sớm, ngay hoặc sau vài kỳ hành kinh đầu, thường là thống kinh cơ năng.
Thống kinh thứ phát xảy ra muộn nhiều năm sau, thường có nguyên nhân như: tử cung quá đổ sau, chít hẹp cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung...
Để điều trị thống kinh cần tìm nguyên nhân thực thể để giải quyết.
Những rối loạn kinh nguyệt khác
Băng kinh, băng huyết, cường kinh cần điều trị sớm, điều trị triệu chứng và tìm nguyên nhân điều trị.
Trường hợp kinh ít, kinh thưa, kinh không đều nếu bệnh nhân có nhu cầu sinh sản thì cần điều trị kịp thời.
TS. Vũ Văn Du
0 nhận xét:
Đăng nhận xét