Bảy nỗi buồn tháng bảy


Đọc bài sau đây của Nguyễn Ngọc Tư mà thấy buồn. Sáng nay lên net tìm thông tin về TPHCM như kinh tế, thu nhập, v.v… thì thấy thu nhập trung bình của cư dân thành phố là 2.180USD/năm. Vậy là khá rồi, nhưng tất nhiên còn phải điều chỉnh cho giá cả ở thành phố nữa. Nhưng còn ở nông thôn thì sao? Đây, bài báo này của NNT phản ảnh cái nghèo trần trụi, cái nghèo rất thật của một gia đình ở dưới quê. Kinh nghiệm của tôi cho thấy đây là một gia đình khá tiêu biểu ở quê: nghèo, ít học, lam lũ, và thiếu cơ hội.

Nhìn tấm hình của cô bé Huyền, thấy ánh mắt sáng, ngây thơ cứ như là thiên thần! Nhưng có lẽ cuộc đời của bao lăm em như em Huyền còn lắm gian truân và tương lai còn lắm mịt mờ. Không biết có bao giờ chính phủ thật sự bắt tay làm một cái gì đó thực tế để giảm mức cách biệt giữa nông thôn và thành thị như hiện nay. Tôi nghĩ giáo dục và y tế là hai lĩnh vực thực tế nhất.

NVT

===


Bảy nỗi buồn tháng bảy

Chỉ đường đến nhà chú Ba Bạch cho người bạn rồi, nghĩ, anh sẽ làm được một phim rất hay. Những hình ảnh anh ghi lại ở cái nhà lụp xụp bên bờ rạch Xẻo Thùng sẽ có tác động mạnh hơn những con chữ của tôi, vốn lúng túng khi gặp phải cảnh đời khốn khó. Chúng luôn mơ mộng uỷ mị trong khi nỗi đau thì thật quá, trơ trụi quá.

Anh thì khác, anh không viết gì cũng được. Anh có hình ảnh, vô số hình ảnh. Một thím Ba Bạch gầy gò, ngồi lặng lẽ sau lưng chồng, cái nhìn xa vắng. Mặt, cổ và đôi cánh tay chi chít những nốt u da to nhỏ, mắt nhìn đăm đăm xuống chiếc chiếu đã sờn. Mắt bà đục và đỏ (tôi đã tự hỏi do bà khóc nhiều, hay do ảnh hưởng của những nốt phù đã lan khắp thân?). Nỗi buồn trong suốt phủ lên cái góc giường chỗ vợ chồng bà ngồi, thấy rõ cánh tay trái teo và cong của ông, ánh sáng từ cái vách lá rách trống hoác sau lưng họ hắt vào những tia sáng chói loá kỳ dị.



Bé Huyền với ánh mắt sáng ngời

Hình ảnh anh có là cô bé Huyền gù lưng, còi xương, không lớn lên theo cái tuổi mười tám, đang ngồi giặt thau đồ lớn gấp ba cơ thể mình. Em Mơ loay hoay làm nhân bánh bao, mặt em méo, sưng húp vì bên thái dương vẫn còn thóp lớn bằng khu chén, nó mềm nhũn và phập phồng khi người lạ đứng quá gần (lúc tôi ấn tay vào, chỉ cần lún sâu một chút, tôi tin là đầu ngón tay tôi sẽ chạm vào… óc em). Thằng Lỳ lem luốc ngồi cười với khách, không khó để nhận ra đứa bé thiểu năng trí tuệ, “học bốn năm lớp 1 mà không nhớ chữ nào”.

Khi tôi đến thì nắng đã lên cao, nước bắt đầu ròng. Con rạch sau xóm kiệt nước, để lộ ra những chân nhà sàn cắm xiêu vẹo lỏng chỏng. Những mảnh ván sàn được ghép bằng gỗ vụn, vách sau cũng đắp vá bằng những tấm nylon khác màu, chắc chắn khi anh đến chúng vẫn còn nguyên đó. Sẽ chẳng có phép màu nào thay đổi những gì đang có ở nhà chú Ba, chỉ tuần qua. Hai khối u nhão, phồng lên đầy chật vùng thắt lưng của hai em Trắng và Mộng chẳng mất đi đâu, có thể chúng còn lớn hơn hồi tôi đến. Sẽ rủi ro hơn nếu va chạm mạnh ở vùng bướu, Trắng đã mấy lần phải nằm viện chỉ vì mấy đứa em vấp chân vào lưng. Hôm đó tôi cứ ngại khi phải săm soi thân thể họ, chạm tay vào hai khối u xạm và sần sùi chảy xệ xuống mông, vì hai anh con trai đã qua tuổi hai mươi, sượng sùng trước sự có người phụ nữ ngó nghiêng.

Tôi không biết chút gì về phim ảnh, nhưng có cảm giác dù phim anh không có lời bình thì những hình ảnh nhoi nhói đó sẽ lên tiếng kể về một nỗi buồn. Của những thân phận tật nguyền. Của cái nghèo vây bủa. Chiếc xuồng máy anh em Trắng, Mộng dùng đi bán bánh bao trở về nhà, sau một buổi sáng ế ẩm, chỉ bán được 50 cái. Những đứa em gái vẫn đang nhồi bột, xào nhân chuẩn bị bánh bán bữa chiều. Cái xoong hấp bánh đen đúa ngoài hàng ba le lói khói.

Cũng có vài buổi trưa những đứa con trai mang về bánh ế cùng với cái biên lai phạt của cảnh sát giao thông đường thuỷ do không có bằng lái vỏ. Không làm bằng lái được vì không hộ khẩu, không được làm giấy chứng minh nhân dân. Sống ở xóm Đảo đã gần hai mươi năm, cái nền nhà ẩm ướt dưới chân chú vẫn là của Nhà nước. 64/65 hộ ở xóm ven rừng, cách thị trấn Năm Căn sầm uất chỉ một con sông, đều chung cảnh ngộ. Điện mua đắt đỏ từ bên sông, bật một ngọn đèn là xót ruột. Trước đây cả xóm bán dạo trên sông, giờ quá nửa bà con chuyển qua nghề… bốc vác, vì quá sợ cảnh vay mượn ba bốn trăm ngàn để đi nộp phạt. Trắng kể nhiều bữa chui vào lùm cây chờ mấy anh cảnh sát rời trạm, nên mấy trăm cái bánh bao còn nguyên.

Bánh còn, bữa cơm thì khuyết, nhiều khi chỉ nước đá lạnh chan với mấy con ba khía rang mặn chát. Bữa cơm trưa nhà chú Ba cũng biết kể chuyện, bằng mớ thức ăn ít ỏi, bằng tiếng đũa ràn rạt khua chén, bằng âm thanh muỗng chạm vào đáy xoong cơm. Bảy nỗi đau tật nguyền ngồi chung với vài thành viên mạnh lành còn lại. Dị tật ăn mòn cả ước mơ, những chàng trai cô gái thậm chí không hy vọng mong chờ một mối tình, bởi “thân mang tật, không làm lụng gì được mà còn nghèo quá chừng…”.


Gia đình quây quần. Chú ý nhà lá, giường cây cũ kỉ, chiếu rách te tua

Những gương mặt hiền hậu, buồn buồn, thậm chí Huyền còn rất xinh xắn, nhưng Huyền sẽ mãi mãi ở trong nhân dạng của đứa trẻ. Nếu Mơ không đau đầu thì buổi sáng hai chị em sẽ đi làm bánh thuê trong xóm, ngày cũng được chừng mười ngàn tiền công. Chú Ba cũng đi kéo nước mướn. Đám con trai thì bán dài theo những vuông tôm xa. Sau bữa cơm trưa vào rừng bắt ba khía, hay xuống sông mò cá.

Chú Ba đôi lúc nhịn thuốc mua vé số, chú cũng chẳng còn biết hy vọng vào cái gì. Công việc khuân vác nặng nhọc ở những bãi bán vật liệu xây dựng, những nhà máy nước đá, những xưởng cưa… lại là nỗi ước ao của cả gia đình chú, “phải tụi nhỏ khoẻ mạnh, ngày cũng kiếm được ít chục ngàn mua gạo, chớ buôn bán bấp bênh vầy…”.

Nhưng cả mơ ước dưới mức thông thường đó, họ cũng không có được. Và khi bắt gặp cái nhìn, cái vẫy tay chất chứa hy vọng, tôi bỗng thấy mình giống như tờ vé số, đầy may rủi, chữ nghĩa tôi thì giúp được không, dù nhỏ, như làm lại bức vách rách tả tơi kia?!


Vậy nên, tôi mới nhờ bạn xuống chiếc đò nhỏ, và đi về cái xóm heo hút đó. Trăm sự cậy nhờ vào những hình ảnh xót xa của anh.

Nguyễn Ngọc Tư


Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét