Mấy hôm nay đi “phó hội” loãng xương ở Melbourne nên tôi không có thì giờ lên net để viết blog. Thật ra, ở khách sạn mang tiếng là 5 sao (với $$$ tiền phòng) mà họ thậm chí không có điểm internet để mình sử dụng! Họ có một điểm công cộng với 3 cái máy, thì 2 cái “not working”!
Thành ra, tôi nghĩ khách sạn Việt Nam vẫn tuyệt vời hơn khách sạn bên này. Ăn uống ở khách sạn Việt Nam cũng ngon [gấp 1000 lần] so với bên này. Tôi từng ở nhiều khách sạn không có sao nào ở Việt Nam và giá cũng “mềm” (tôi thích chữ này) mà internet thì thoải mái. Muốn ăn bánh tằm ở khách sạn VN à? Dễ ợt, chỉ cần đi không đầy 5 phút đã có. Muốn uống cà phê thứ thiệt (không phải cà phê bột)? Cũng dễ luôn, vì dưới khách sạn đó, bên kia đường đó, có bà cụ bán cà phê giá chỉ có 3.000 đồng! Mà ngon. Hèn gì mấy ông bà khách Tây thích đi du lịch Việt Nam !
Vả lại mỗi lần đi phó hội tôi cũng không có thì giờ để lên net mỗi khi đi phó hội. Trong giờ hội nghị thì dành thì giờ đi dự các sessions, làm chủ tọa, trao đổi chuyên môn, thì giờ làm “chính trị khoa học” bằng cách networking với đồng nghiệp, v.v… Sau giờ hội nghị thì chuẩn bị bài nói chuyện của mình, thì giờ đọc những bài báo mới nhất, thì giờ viết bài báo của chính mình, thì giờ editing mấy bài báo khoa học cho các bạn trong nước, đi nhậu (gala dinner) với bè bạn, v.v… Nói ra thì có lẽ các bạn sẽ cười, nhưng sự thật là sáng nào hay tối nào tôi cũng để mấy bài báo của tôi và của các đồng nghiệp Việt Nam bên gối để đọc, và nếu thấy có gì cần sửa thì ghi chú đó để đến máy tính mà sửa. Cũng có khi đọc một hồi rồi ngủ luôn (chắc là bài viết kém quá). Ai đời nay nằm ngủ mà cũng mang theo mấy cái “của nợ” này. Làm việc kiểu này thì chắc chết sớm quá. :-)
Thành ra, đối với một số người, phó hội là thời gian đi chơi, thư giản, hay với các cô thì đi … shopping, nhưng với tôi thì không có chuyện thư giản, và nhất định không có chuyện đi shopping trong khi phó hội được. Tôi nghĩ các hội nghị chuyên ngành là những diễn đàn tuyệt vời nhất để chúng ta có cơ hội tìm hiểu (thật ra là “dọ thám”) xem đồng nghiệp họ đang làm gì, là nơi để trao đổi các vấn đề kĩ thuật, là chỗ để bàn chuyện hợp tác, là cơ hội để networking hay nói theo các bạn trong nước là giao lưu (hay “cách mạng” một chút là tạo mối liên hệ). Tôi thường khuyến khích các nghiên cứu sinh đi phó hội, nhận dạng đồng nghiệp làm cùng lĩnh vực, tìm cách liên lạc với họ để sau này có gì xin làm postdoc cho họ. Rất tiếc là tôi thấy một số nghiên cứu sinh không biết tận dụng cơ hội này.
Nói người lại nghĩ đến ta. Tôi thấy các hội nghị (ít ra là hội nghị y khoa) ở trong nước có vẻ màu mè và hơi phô trương quá. Màu mè là có nhiều biểu ngữ quá. Ngay cả đêm gala dinner mà họ cũng trưng bày một cái biển to tướng trên tường! Làm như thế để làm gì? Chỉ tốn tiền một cách không cần thiết thôi. Còn những ngày mở đầu thì có nhiều quan đọc diễn văn quá. Đáng lẽ chỉ cần 1 hay cao lắm là 2 người được rồi. Nhưng có lẽ đây là vấn đề văn hóa, nên chắc cũng khó so sánh hay thay đổi được.
Tuy nhiên, cái có thể thay đổi được theo tôi là văn hóa khoa học. Trong các hội nghị khoa học ở trong nước mà tôi có tham dự, tôi thấy chất lượng thảo luận không được cao mấy. Theo thông lệ, sau khi diễn giả nói xong thì đến phần thảo luận, và người đặt câu hỏi cũng như người trả lời phải ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, và nhất là không được lecture người ta. Nhưng ở Việt Nam tôi thấy người ta đứng lên thay vì hỏi thì lại lên lớp diễn giả! Lại có người đứng lên hỏi nhưng thật ra thì phê phán một cách hằn học. Lại có người nghĩ rằng phương pháp của mình là đúng, mình có “chân lí”, còn diễn giả thì nói bậy. Có người thì chăm chú vào mấy lỗi nhỏ chẳng ảnh hưởng đến kết luận. Vân vân.
Tôi nghĩ những thái độ như thế không phải là thái độ khoa học. Người có thái độ khoa học chỉ tập trung vào luận điểm chứ không phải cá nhân của diễn giả. Trong khoa học chỉ có phương pháp và dữ liệu là quan trọng, chứ cá nhân không phải là tâm điểm; thành ra, tranh luận khoa học là tranh luận về phương pháp, về luận điểm, về cách diễn giải và hiểu dữ liệu, dứt khoát không được tấn công cá nhân người nói chuyện. Tấn công cá nhân là phạm lỗi lầm ngụy biện.
Làm sao để tỏ thái độ khoa học? Tôi từng được thầy cũ (Gs Woodland ở Đại học Sydney , đã chết) dạy một câu chí lí. Ổng nói bằng tiếng Anh: you have to stay above. Tức là mình phải tỏ thái độ cao thượng, không có lèm nhèm với thái độ của giới hàng tôm hàng cá. Điều này có nghĩa là cho dù cho có bất đồng quan điểm với diễn giả, mình chỉ trình bày bằng chứng để phản chưng diễn giả chứ không hạ bệ họ. Sau này tôi thường chỉ cho nghiên cứu sinh một cách khác để đãi đằng sự bất đồng ý kiến với diễn giả là mình cung cấp một cách diễn giải khác (nói theo tiếng Anh là “alternative interpretation”). Chẳng hạn như đứng trước một diễn giả tin rằng thuốc A tốt hơn thuốc B mà mình không đồng ý thì phải nói sao đây? Cách tôi chỉ là nói như thế này: (đầu tiên vào khen một cái), những dữ liệu anh vừa trình bày rất thú vị và làm cho tôi phải suy nghĩ. (Sau đó đãi đằng bất đồng ý kiến): nhưng suy đi nghĩ lại và theo những bằng chứng mà tôi có đây cộng với dữ liệu của anh mới trình bày, nếu nhìn vào chỉ tiêu lâm sàng này, thì tôi nghĩ rằng A không tốt hơn B, có lẽ anh thử xem xét theo cách làm này để biết thật sự A tốt hay không tốt hơn B. Một cách nói như thế vừa nhẹ nhàng lại vừa lịch sự mà diễn giải không giận mình. Tôi đã “thử nghiệm” nhiều lần trong hội nghị và lần nào cách nói đó cũng có hiệu quả cả. Có lần thậm chí diễn giả còn đến cám ơn tôi sau khi tôi đã đãi đằng quan điểm.
Ông bà mình ngày xưa có một câu chí lí: lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Hay quá! Càng tìm trong kho tàng ca dao tục ngữ tôi càng khâm phục ông bà mình ngày xưa vì kinh nghiệm sống của họ quá dồi dào. Những kinh nghiệm, những wisdom đó vẫn có thể đem ra ứng dụng trong thời đại khoa học ngày nay.
NVT
PS. Mấy mươi năm nay đi máy bay tôi có rất nhiều kinh nghiệm vui buồn, nhưng hai kinh nghiệm làm tôi nhớ đời là chuyến đi Minnesota và chuyến Melbourne – Sydney đêm qua. Mấy năm trước, trong chuyến đi phó hội ở Minneapolis, vì vấn đề thời tiết nên tôi phải bay từ Los Angeles sang Chicago để từ đó nối chuyến đi Minneapolis. Nhưng mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, khi đến Chicago thì người ta cho biết đêm nay sẽ không có chuyến đi Minneapolis vì cơn bão mạnh đang hoành hành miền trung tây nước Mĩ. Trời ơi, làm sao đây? Hỏi nhân viên United Airlines thì ai cũng mệt và trả lời nhát gừng cho qua chuyện. Tôi chạy đi hết chỗ này đến chỗ khác để tìm chuyến đi, cuối cùng thấy có chuyến bay về Washington và từ đó đi Minneapolis , xem ra ok. Tôi đến Washington gần 1 giờ sáng, phi trường vắng tanh không một bóng ma, thế là tôi cùng các hành khách khác nằm ngủ bụi nga y tại phi trường “ma”. Mới ngủ đến 4 giờ sáng thì tiếng động ồn ào, ầm ầm … nhìn quanh thì thấy nhân viên quét dọn phi trường đến làm sớm. Phải thức giấc thôi. Lang thang một hồi cũng đến giờ bay đi Minneapolis. Ngủ bụi ở phi trường rất ư là vui, vì nó cho mình cơ hội làm người homeless một đêm cho biết với người ta.
Còn đêm qua tôi bay từ Melbourne về Sydney . Chuyến bay 1 giờ ok, nhưng chỉ còn 15 phút gì đó đến Sydney thì pilot cho biết là Sydney đang có thunderstorm, nên không đáp được. Vậy thì đi đâu đây trời? Pilot nói là máy bay không đủ xăng để bay vòng vòng, nên phải bay avề Melbourne để … thêm xăng! Bà con trong máy bay hoang mang và nổi giận, nhưng tôi nghĩ đó là giải pháp duy nhất mà thôi. Rồi, bay ngược về Melbourne , đổ xăng. Chờ chỉ vài phút thì bay về Sydney . Mới bay đâu có 20 phút, đột nhiên máy bay rung rất mạnh, mạnh đến nỗi tôi tưởng mình sẽ bỏ mạng. Bà con nhốn nháo, la hét “My God” tùm lum. Riêng tôi thì rất bình tĩnh, và nghĩ nếu không may thì mình phải chuẩn bị cho chuyến “ra đi” thôi, cùng lắm là đi gặp Má tôi, chứ biết làm sao bây giờ. May phước là máy bay lấy lại quân bình và bay tiếp. Pilot không hề giải thích sự cố này. Thật là một phen hú hồn! À, tôi quên nói rằng đó là chuyến bay JetStar, hàng không giá rẻ!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét