Giáo dục VN: Loay hoay tìm cách phát minh lại... cái bánh xe

Viết xong vài ý kiến về chuyện đại học đẳng cấp quốc tế tôi thấy bài phỏng vấn này (xin nói thêm rằng anh THD là một người quen cũ của tôi ở bên Mĩ):
Giáo dục VN: Loay hoay tìm cách phát minh lại... cái bánh xe

Trong đó, THD có nói:

Vậy ông thất vọng nhất điều gì ở giáo dục VN?

Khi đọc những tin tức về giáo dục của VN, tôi cứ thấy giống như một cuốn phim chiếu đi chiếu lại, luôn là những vấn đề sách giáo khoa, học thêm, bằng giả mạo… chuyện đi chuyện lại cũng vẫn vậy.

Vấn đề triết lý giáo dục, giáo dục để làm gì, đào tạo đại học công hay tư, miễn học phí hay tăng thu học phí... thế giới đã bàn trước ta hàng chục năm. Người ta đã có kết quả nghiên cứu lợi hại ra sao, đúng sai thế nào. Vậy mà chúng ta bây giờ lại đem ra xới lại.

Hoá ra, thay vì vận dụng kết quả đã có, tìm cách giải quyết các tồn tại khác của nền giáo dục, thì ta lại bàn về cái đã có. Điều này cũng giống như việc đi tìm cách phát minh lại... cái bánh xe vậy.”

Chính xác quá! Khi nói “Phát minh cái bánh xe” là ông bạn TDH muốn dịch thành ngữ tiếng Anh “Re-inventing the wheel”, ý nói lặp lại những cái cơ bản nhất đã được thế giới chấp nhận. Nhiều tranh luận về giáo dục Việt Nam có thể xếp vào loại “reinventing the wheel” này. Người ta ra ngoài này, có thể chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, nắm lấy một ý hay khái niệm nào đó, và thế là về nhà lên báo đề nghị thế này thế nọ. Rồi bà con chen vào tranh cãi chung quanh ý kiến đó. Nhưng kết cục thì chẳng giải quyết được điều gì cả.

Có đọan cuối này đáng chú ý:

Được biết, GS cùng một nhóm cộng sự đã có một bản "Đề án cải cách giáo dục Việt Nam"?

Đúng vậy. Chúng tôi đã cùng nhau tính toán, và ước tính chỉ cần mất 20 triệu USD là xây dựng được một trường đại học chất lượng cao, đạt đẳng cấp quốc tế. Chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình mà không cần bất cứ sự đền đáp nào. Nhưng cho đến nay bản đề án này vẫn chưa nhận được tín hiệu nào từ ngành giáo dục.

Thật bi hài, khi người ta bỏ ra hàng chục triệu USD để tổ chức hoa hậu, trong khi đó chưa ai dám bỏ ra 20 triệu USD để xây dựng một trường đại học tầm cấp quốc tế theo đúng nghĩa chuẩn của nó.”

So sánh về thi hoa hậu thật thú vị. Nhưng nếu vậy thì tôi nghĩ chắc cũng có người nói sao không bỏ 20 triệu USD để lo cho người nghèo, để xây dựng hệ thống cấp nước cho tỉnh A, để xây một bệnh viện, v.v… và v.v...

Nhưng có thật 20 triệu USD là có trường đẳng cấp quốc tế? Tôi nghi ngờ lắm. Nhiều người tâm huyết với nền giáo dục trong nước đã đọc bản đề cương đó và ý kiến nói chung là phi thực tế. Tôi nghĩ chỉ có 20 triệu USD mà có được đại học đẳng cấp quốc tế thì e rằng … lãng mạn quá. Mấy người sọan thảo đề cương này toàn là dân làm toán và kinh tế, chứ có ai làm về khoa học thực nghiệm đâu, nên họ có tầm nhìn không thực tế. Một công trình khoa học thực nghiệm có tầm cũng tốn trung bình cả trăm ngàn USD. Một phòng lab để phân tích di truyền cũng tốn ngót nghét 1 triệu USD. Chỉ máy tính không thôi cũng vài triệu USD. Muốn có đại học đẳng cấp quốc tế thì phải có giáo sư đẳng cấp quốc tế. Mà, lương của mấy vị này không ít đâu (một trăm ngàn là họ không làm). Dù cho có trả lương ok, chưa chắc họ chịu về VN làm việc vì vấn đề funding nữa, chứ đâu phải cơ sở vật chất không. Nói chung, tôi không nghĩ 20 triệu USD là có thể xây dựng một đại học đẳng cấp quốc tế được. Có thể xây được một trung tâm toán học hay làm gì đó mà không có khoa học thực nghiệm và không có y sinh học, nhưng chưa chắc là làm được.

NVT

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét