Nhật kí San Diego
Đại học California tại San Diego (UCSD) là một trong những chi nhánh tại thành phố San Diego của Đại học California. Các chi nhánh khác là Los Angeles (UCLA), San Francisco (UCSF), Berkeley (UC Berkeley), Davis, Irvine, Santa Barbara, Riverside, Santa Cruz, và Merced. Nói là chi nhánh, nhưng trong thực tế, UCSD là một trong những đại học lớn và hàng đầu trên thế giới. Chỉ riêng chương trình đào tạo cử nhân con số sinh viên đã lên đến ~28,000. Còn riêng chương trình sau cử nhân (postgraduate) con số sinh viên là khoảng 5000. Chỉ trong năm 2007, UCSD cấp ~5000 văn bằng cử nhân, 900 bằng masters, 387 bằng tiến sĩ.
Trong lĩnh vực y khoa, UCSD cũng được đánh giá cao, vì có nhiều người chiếm giải Nobel y học. Theo thống kê năm ngoái thì UCSD có 11 người chiếm giải thưởng cao quí này, hơn cả UCLA vốn rất nổi tiếng. Riêng trong lĩnh vực loãng xương, UCSD có một trung tâm nghiên cứu có tiếng trong ngành, và tôi từng ghé thăm và nói chuyện trong chương trình seminar của trung tâm này khoảng 10 năm trước trên đường về Sydney. Năm nay, nhân dịp gặp giáo sư EBC trong hội nghị và tôi nói sẽ ghé San Diego thăm bà con, bà ấy mời tôi ghé thăm UCSD và bàn chuyện hợp tác.
Tôi ghé trung tâm nghiên cứu loãng xương của UCSD vào buổi sáng. Gặp lại bạn bè cũ lẫn bạn bè mới, giờ nhìn qua thấy mấy người cũ sao ai cũng ... già đi. Cô DS ngày xưa trông rất xinh đẹp nhưng nay thì đã héo hon trông mặt khắc khổ, đúng là đời người phụ nữ như hoa nở rộ thì lại tàn. Tôi hỏi chồng của cô ấy (là sĩ quan hải quân, hơn cô ấy đên 20 tuổi) dạo này ra sao, thì cô ấy nói ông ấy nghỉ hưu rồi, còn cô ta thì không làm kiểu "chân trong chân ngoài" nữa mà chỉ dồn công sức làm trong UCSD thôi. Còn bà thư kí thì bây giờ tóc bạc gần hết. Ông giáo sư chuyên về dịch tễ học TP cũng già không kém, tóc bạc gần hết mái đầu, nhưng cặp mắt vẫn sáng và bén. Riêng bà EBC (trưởng trung tâm) thì năm nay đã 68 tuổi rồi, nên tóc bạc chẳng ai ngạc nhiên, nhưng ngạc nhiên là bà ta để tóc bạc dài như là con gái! Nhưng giọng nói của bà thì vẫn trong trẽo và dễ mến như ngày nào. Tưởng cần nói thêm là bà này cực kì nổi tiếng trong lĩnh vực HRT, được UCSD phong chức "distinguished professor" (giáo sư xuất sắc) mà trường chỉ có 5 hay 6 người có danh hiệu này. Bà có ông chồng cũng là sĩ quan hải quân nhưng đã về hưu. Lần trước khi đi ăn dinner, tôi ngồi kế bên ông ta, và tôi khen bà EBC có giọng nói thanh tao quá. Ổng nheo mắt nhìn tôi rồi nói cho cả bàn nghe: mày quả là tinh tế, nhưng mày có biết là chính vì cái giọng nói đó đã hớp hồn tao và nay tao thành nhân viên bảo vệ bà ấy suốt đời. Ai cũng cười ha hả câu ví von vui tính đó ...
Thuở trước, tôi dự định sẽ về đây (UCSD) làm việc, và cũng đã thương lượng qua lại từ lâu. Nhưng vì tôi nhận chức ở Ohio nên không về UCSD được. Cho đến nay tôi vẫn tiếc về cơ hội này. Ngay cả bà EBC lúc nào gặp tôi cũng nhắc chuyện cũ, và buông một câu nửa đùa nửa thật: chừng nào mày về UCSD? Bất cứ lúc nào tôi cần người giới thiệu, bà ấy cũng hết lòng giúp tôi. Nói như thế để thấy tôi có thâm tình với bà EBC và trung tâm này. Có lẽ tôi sẽ chọn UCSD làm nơi sabbatical leave. ban sơ tôi định chọn Việt Nam làm sabbatical leave, nhưng nay tôi nghĩ UCSD chắc lí tưởng hơn.
Sau 10 năm, trung tâm của Gs EBC đã thay đổi quá nhiều. Mười năm trước, trung tâm chỉ là một căn nhà có khoảng 5 văn phòng, nhưng nay thì khang trang hơn nhiều, và phòng ốc thì khỏi chê. Bà EBC có hẳn một văn phòng làm việc nhìn ra biển (UCSD nằm ngay ven biển cực kì đẹp). Tôi nói đùa với bà là chắc bà có holiday mỗi ngày ở đây. Tối ngày cứ nhìn ra bãi biển thì tha hồ mà mơ với mộng và mộng với mơ ý tưởng!
Tay bắt mặt mừng một hồi thì cũng đi vào chuyện business. Hôm nay tôi sẽ trình bày một seminar về phát triển mô hình tiên lượng gãy xương và giá trị của di truyền học. Bài nói chuyện này tôi đã nói nhiều nơi trên thế giới, và cứ mỗi nơi thì có thay đổi vài chi tiết cho phù hợp với tình hình địa phương, phù hợp với thành phần tham dự, và cập nhật hóa. Đại khái tôi nói rằng cho dù chúng ta có phát hiện tất cả các gien có liên quan đến loãng xương, thì việc ứng dụng các gien đó vào việc tiên lượng (prognosis), chẩn đoán (diagnosis), và điều trị (treatment) vẫn còn xa lắc xa lơ. Tôi nói đến triết lí dependent origination trong Phật giáo để chỉ ra rằng mỗi gien chắc phụ thuộc vào môi trường và gien khác để ảnh hưởng đến phenotype như xương, và hàm số tương tác (functions of interaction) quá lớn, chúng ta rất khó mà phát hiện tất cả hàm số này bằng phương pháp hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta có thể ứng dụng gien cho một số trường hợp thực tế như chọn đối tượng thích hợp cho điều trị, giảm adverse reaction, và tối ưu hóa treatment. Có người hỏi tôi: vậy thì chúng ta đi tìm gien có cần thiết không? Đứng trên phương diện khoa học thì câu trả lời là: cần; còn đứng trên phương diện lâm sàng, câu trả lời: chưa chắc. Thế là trao đổi sôi nổi trong 20 phút sau đó. Riêng bà EBC thì chắc nghe quan điểm tôi nhiều nên bà chỉ cười mà không có ý kiến.
Sau đó, kéo nhau đi ăn trưa. Bà EBC lái xe và tôi là khách. Kéo nhau ra một nhà hàng Việt Nam, mà theo bà EBC là "very good". Nhìn bề ngoài nhà hàng thì thấy cũng ok, sạch sẽ, và khang trang. Bà EBC và 4 người khác thì đã biết họ ăn gì. Phần lớn họ kêu phở và món gỏi cuốn bánh tráng. Riêng tôi thì rà soát danh sách món ăn dài thòng để tìm món khoái khẩu mà chẳng thấy món nào. Thôi thì kêu đại một món bánh hỏi thịt nướng. Ăn xong tôi nghĩ cái cụm từ "very good" của bà EBC "hơi bị" cường điệu. Cũng có thể very good với bà ấy, nhưng với tôi thì chắc chỉ "average" thôi.
Chuyện gì rồi cũng đến giờ chia tay. Bạn bè tôi phải quay về trường làm việc, còn tôi thì bà sếp EBC đưa về nhà. Về đến nhà thì đám em đã đi làm, chỉ còn tôi với bà cụ ở nhà. Tôi bèn mở máy viết phần blog này và viết báo cáo khoa học. Hôm nay, thời tiết San Diego lại tuyệt vời nữa. Ngồi đây nhìn ra cửa sổ mà thấy thèm cái nắng.
Có phone. À, đứa cháu nó sợ tôi buồn nên nói sẽ đến đón tôi đi shopping. Tôi nghĩ chắc nó giả bộ mượn cớ để đi nó đi mua sắm chứ tôi đi làm gì. Đứa cháu này của tôi cũng hay lắm. Năm nay nó sắp ra trường đại học, rất lanh lẹ, học rất giỏi. Học giỏi đến độ có cả 4 trường đại học cho học bổng. Có trường còn nói rằng họ đã theo dõi nó từ những năm lớp 7-10 rồi 11-12 nên sẵn sàng cho học bổng để theo học. Lúc nó còn nhỏ (khoảng 10-12 tuổi gì đó), tôi hỏi nó mai mốt con thích làm gì. Nó chắc mình biết nó xinh gái, nên trả lời không suy nghĩ: làm model. Trời ơi, đâu được con, dòng họ mình đâu có ai làm cái nghề quái gở đó hả con, không được đâu. Nó ngạc nhiên hỏi tôi: tại sao không được, nghề nào cũng là nghề thôi mà! Bây giờ lớn lên rồi, nó đi học về thương mại, và sắp làm MBA. Bây giờ nó vừa đi làm phụ và đi học. Nó làm nghề giữ trẻ con trong khách sạn Hilton chỉ vài giờ một tuần, và nhiệm vụ của nó là đọc truyện cổ tích cho mấy đứa trẻ ... ngủ. Nghe nói kì rồi nó đi thi hoa hậu, nhưng chỉ chiếm giải khả ái gì đó. Nghe nói còn có một truyện khá vui là khi nó đi thi hoa hậu, nó phải học cách trả lời và tập dáng đi õng ẹo. Đến khi xong, nó hỏi thằng bạn trai nó là: mày thấy tao sao? Thằng bạn trai nó cũng sinh ra và lớn lên ở Mĩ thật thà nói: tao thấy mày điệu quá hà, chắc chính vì vậy mà mày rớt. Thế là con nhỏ cháu tôi "xù" thằng bạn trai khờ khạo đó! Để chút nữa tôi hỏi nó hư thực ra sao.
NVT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét