Nhật kí Los Angeles

Bolsa 19/9
Chiều nay tôi và thằng em họ lái xe từ San Diego về Los Angeles để kịp chuyến bay về Sydney. Chiều thứ Sáu trên xa lộ 405 rộng thênh thang (tính chung xa lộ có đến 17 lằn xe), nhưng xe cộ đầy đường. Có chỗ thậm chí còn bị kẹt xe, nhưng nói chung không kẹt xe kiểu Sydney mà kẹt xe kiểu thoải mái, tức là xe vẫn chạy nhưng chậm hơn một chút thôi. Thằng em tôi nói chuyện kẹt xe ở đây là chuyện thường ngày, chẳng có gì đáng nói, nhưng tôi thì thấy như vậy chẳng phải kẹt xe gì quá nghiêm trọng đâu.


Trên đường về Los Angeles, tôi ghé tạt ngang qua khu Little Saigon, nơi được xem là thủ đô của dân Việt ở Mĩ. Hai anh em dạo chơi một vòng xem có cái gì mới, và mua vài CD nhạc. Bây giờ phần lớn CD nhạc đều do giới ca sĩ trong nước tung ra hay sản xuất ở ngoài này. Rất nhiều CD của các ca sĩ đang nổi tiếng hiện nay Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Đức Tuấn, Phương Thanh, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Nguyệt Anh, v.v… đều có mặt cả. Mà, các trung tâm ở đây bán giá CD của ca sĩ trong nước rất “mềm”: chỉ 3 USD/CD hay mua 5 CD giá chỉ có 10 USD. Nhưng đụng đến các CD của giới ca sĩ hải ngoại do các trung tâm như Thúy Nga sản xuất thì giá đắt hơn 2, 3 lần. Thôi, ủng hộ phe trong nước một cái, nên mua vài CD để nghe. Nói vậy chứ, chưa chắc tôi sẽ có thì giờ nghe hết mấy CD này, đó là chưa nói có đủ can đảm để nghe những bài nhạc mới mà chỉ nghe qua là hết hồn mất vía!
Thú thật, ngoại trừ Lệ Thu và Thái Thanh tôi rất ít khi nào mua CD của các ca sĩ hải ngoại vì tôi thấy chẳng có gì mới và phần lớn là ca sĩ karaoke mà thôi. Gần đây có vài ca sĩ trong nước gia nhập làng nhạc hải ngoại như Minh Tuyết, Hương Thủy, Y Phụng, v.v… nhưng tôi chẳng bao giờ nghe họ hát. Không phải họ hát không hay, nhưng tôi rất sợ giọng ca của họ mà đi với lối hòa âm của các trung tâm này thì tôi chắc bị yếu tim mất. Riêng hai cô Minh Tuyết và Hà Phương thì tôi càng tránh họ vì thấy họ uốn éo ỏng ẹo mà mất hồn, nhưng tôi lại thích giọng ca của Cẩm Ly hơn vì tôi thấy chị này ca thật với giọng của mình.
Phố xá Bolsa chẳng có gì đổi mới (hay có đổi mới nhưng tôi chưa đủ thì giờ để phát hiện). À, có cái mới là dọc theo đường Bolsa và các con đường chung quanh, xuất hiện nhiều biển quảng cáo tranh cử của các ứng cử viên vào các chức vụ hành chính địa phương, Tôi thấy mấy năm gần đây số người Mĩ gốc Việt ra tranh cử địa phương càng ngày càng nhiều. Phần lớn họ là những người trẻ tuổi, tốt nghiệp đại học bên Mĩ. Nhưng con số đắc cử thì hình như chẳng bao lăm. Có người ra tranh cử theo kiểu “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng” nên làm cho bà con không ưa và không dồn phiếu cho họ.
Tôi đến phố Bolsa cũng khoảng 6 giờ chiều, nhưng hàng quán vẫn còn mở cửa. (Điều này khác với Sydney, chỉ đến 5 giờ chiều là hàng quán Việt Nam đóng cửa gần hết vì sợ ăn cướp). Phần lớn phố xá Little Saigon hay Bolsa vẫn là những hàng quán ăn uống, bán đồ và quần áo “Made in China”, siêu thị thực phẩm, văn phòng luật sư và chưng sĩ. Tựu trung khu Little Saigon chỉ có thế: ăn uống là chính. Có lẽ chính vì thế mà mỗi lần tôi kêu bọn em họ chở xuống đây, chúng nó thường buông một câu: mua gì ở đó. Không mua gì cả, chỉ ăn thôi. Mua sắm thì đi shopping của Mĩ chứ ai lại đi mua mấy thứ hàng hóa của China và Made in China!

Vào quán ăn kêu một món ăn lót dạ trước khi lên máy bay. Tạt qua Lee’s Sandwiches (một tiệm bánh mì nổi tiếng của người Việt tại Mĩ) để mua vài ổ bánh mì lên máy bay (chứ thời đại bây giờ hãng United Airlines này nó sẽ bỏ đói mình, mà nếu có cho ăn thì tôi cũng không ăn được mấy món dầu mỡ của họ). Sẵn đó mua luôn 2 tờ báo (Người Việt và Việt Tide về đọc cho đỡ buồn. Mở hai tờ báo ra đọc, nhưng tôi không đọc được bài nào cho đến nơi đến chốn, vì tất cả các bài viết đều quá nhàm chán, hoặc đã đọc trên internet từ lâu, hoặc luận điệu nghe quá quen thuộc đến nổi mình có thể đoán biết câu cuối viết về cái gì.

Sẵn đây tôi muốn viết vài hàng nhận xét về báo chí Bolsa. Có thể nói rằng báo chí tiếng Việt ở Bolsa tuy rất nhiều (so với dân số người Việt ở đây) nhưng nội dung và chất lượng thì quá kém, quá nghèo nàn. Tuy nghèo nàn về nội dung nhưng rất phong phú về quảng cáo. Thật ra, có thể nói không ngoa rằng phần lớn những tờ báo ở Bolsa mà tôi đã có dịp xem qua từ những 15 năm nay chỉ có thể nói là những tờ quảng cáo thương mại chứ không phải cơ quan truyền thông đúng nghĩa. Chẳng hạn như tờ Người Việt (NV) -- tờ nhật báo tiếng Việt lâu đời và lớn nhất ở Bolsa -- có 4 phần với tổng số 46 trang, nhưng có đến 27 trang dành cho quảng cáo. Phần nội dung xoay quanh tin tức chủ yếu dịch từ báo chí Mĩ, hay lấy từ các tờ báo trong nước qua mạng internet (nhưng họ thay đổi “Việt Nam” thành “Cộng sản Việt Nam”). Phần lớn những thông tin lấy từ báo chí Việt Nam là những bản tin mang tính tiêu cực như tham nhũng, kinh tế khó khăn, giáo dân gây rối ở Thái Hà, v.v… rồi họ “thêm mắm thêm muối” cho bản tin có cường điệu tiêu cực cao hơn. Tờ NV cũng có một phần bình luận bàn về chuyện trên trời dưới đất, nhưng dù sống ở đất Mĩ, nhưng họ có vẻ thích bàn chuyện tận bên … Việt Nam. Họ trốn tránh thực tế hàng ngày để bàn chuyện xa xôi. (Cái này giới tâm lí học có một thuật ngữ mà nay tôi đã quên). Ngay cả bàn chuyện bên Việt Nam, nhưng giọng điệu thì rất cổ điển: lúc nào cũng lên giọng dạy đời, lấy Mĩ làm cái chuẩn để phán xét người khác và nước khác. Mục “Diễn Đàn” hình như là nơi để cho độc giả xả stress hay xả xú bắp, nên ôi thôi đủ thứ đề tài như lẩu thập cẩm thời sự được đưa ra trên các trang giấy. Ở mục này, tôi vẫn thấy những từ ngữ quen thuộc và những luận điệu chống cộng cổ điển, những luận điệu mà các chuyên gia tuyên truyền Mĩ đã phát triển và sử dụng từ thời Chiến tranh Lạnh. Một số bài viết thể hiện tác giả ôm quá chặt cái quá khứ vàng son của mình, và không có khả năng phán xét thực trạng của đất nước hiện nay một cách khách quan.
Mở tờ Việt Tide (VT) ra đọc tôi cũng thấy những từ ngữ và bài viết na ná như NV. Cũng như NV, Viet Tide dành nhiều trang cho quảng cáo: trong số 120 trang in ấn đẹp mắt, có đến 72 trang quảng cáo thượng vàng hạ cám, từ phòng mạch chưng sĩ với chi chít những bằng cấp, đến điện thoại cầm tay, và kể luôn cả những thứ sữa ong chúa mà người ta cho rằng có khả năng chữa chưngh bệnh. Dù tờ tuần báo được quảng cáo là “tờ báo của trào lưu mới”, nhưng tôi chẳng thấy mới chút nào về nội dung. Cũng giống như NV, Viet Tide dịch tin tức từ báo chí Mĩ và lấy tin tức từ báo chí trong nước qua mạng internet. Chẳng hạn như Viet Tide trích đăng tập hồi kí của Nguyễn Đăng Mạnh viết về Hữu Thỉnh, nhưng còn chêm thêm vào đó những từ ngữ rất nặng nề: “Liên tiếp hồi ký Đi tìm cái tôi đã mất của Nguyễn Khải, tiểu thuyết Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường, và nay hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh làm đau đầu các nhà lãnh đạo văn hóa văn nghệ. Chịu sức ép nặng nề, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã phải thông qua đài RFI tuyên bố không chấp nhận bất cứ trang web nào được công bố hồi ký của ông. Vì yêu cầu của giáo sư không nhắm vào báo giấy nên chúng tôi xin giới thiệu cùng độc giả chương nói về Hữu Thỉnh – một gương mặt vô cùng nham nhuốc hơn một thập kỷ nay vẫn chễm chệ ngồi trên ghế chủ tịch Hội nhà văn dẫu rằng chân tướng đê tiện của hắn đã được nhà văn Võ Văn Trực lột trần trong cuốn tiểu thuyết Cái đầu hói.” Không biết nếu Nguyễn Đăng Mạnh đọc được những dòng chữ này ông sẽ nghĩ gì? Hình như người viết cũng xem thường độc giả vì tác phẩm của Võ Văn Trực là “Vết sẹo và cái đầu hói”. Tôi đã đọc cuốn này, chẳng thấy chỗ nào ông ấy ám chỉ Hữu Thỉnh cả. Mới chỉ đọc những dòng chữ của Nguyễn Đăng Mạnh (tức thông tin chỉ một chiều), chưa biết sự thật ra sao, mà Viet Tide đã vội vã chửi Hữu Thỉnh nặng nề như thế thì tôi nghĩ đạo đức làm báo của họ quả có vấn đề.
Thật ra, ngôn ngữ và cường độ chống cộng của VT có phần còn hơn NV. Chẳng hạn như trong mục “Thư gửi bạn ta”, người phụ trách mục này (Bùi Bảo Trúc) viết về Hội đồng tỉnh Acapulco (Mexico) quyết định cho dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những từ ngữ hết sức nặng nề, những từ ngữ mà tôi nghĩ khó chấp nhận trên báo giấy. Ông BBT viết như sau: “Nhưng Acapulco đã làm một việc rất mất dậy và vô giáo dục như thế để chọc tức Hoa Kỳ vì họ thừa hiểu người Mỹ không thèm chấp nhũng trò chơi đểu giả như thế”. Ông BBT hình như có vốn từ vựng với những “mất dậy”, “vô giáo dục” và “đểu giả” hơi bị nhiều. Tưởng cần nhắc lại rằng ông BBT cũng từng dùng những chữ “mất dậy” và “vô giáo dục” để thóa mạ họa sĩ Huỳnh Thủy Châu khi cô này sử dụng hình cờ vàng ba sọc trong chậu nước như là một tác phẩm nghệ thuật của mình. Trong bài thóa mạ Huỳnh Thủy Châu, ông viết: “Việc vẽ lá cờ vào cái chậu rửa chân không thể là việc tôn vinh những người Việt Nam và đất nước Việt Nam như con ranh con hỗn láo vô gíáo dục, mất dậy Trần (sic) Thủy Châu này đã nói.
Đọc tờ Viet Tide tôi có cảm giác tờ báo này muốn tự chứng tỏ rằng họ còn Mĩ hơn Mĩ. Họ khen Mĩ là “một quốc gia tử tế nhưng lại luôn luôn bị đối xử rất là khốn nạn”. Tôi nghĩ các bạn có thể lấy hằng trăm ví dụ để phản biện câu này, nhưng có lẽ không cần thiết. Ca ngợi Mĩ như thế, nhưng khi đến Mexico thì ngôn ngữ trở nên dạy đời và trịch thượng: “Đó là một quốc gia để cho dân chúng đẻ lia lịa, nuôi không nổi, mặc cho dân bỏ trốn sang nước Mỹ làm những nghề cu ly hèn hạ nhất. Đáng lẽ phải biết liêm sỉ và tự trọng để dậy dỗ dân chúng kiêu hãnh về đất nước mình, quê hương mình, sống chết với nơi ra đời, gắn bó với quê cha đất mẹ, và nếu có ra đi nước ngoài thì hãy cố gắng sống cho ra người, giữ gìn danh dự quốc thể, đừng làm những việc quá thấp.” Tôi không biết nếu người Mễ đọc được những dòng chữ này họ sẽ nghĩ gì về một ông Mĩ gốc Mít lên giọng dạy đời họ như thế. Tôi thì nghĩ chuyện gì cũng có căn cơ của nó, kể cả chuyện người Mễ trốn sang Mĩ làm cu li (đáng thương chứ sao đáng trách) cũng có một quá trình lịch sử phức tạp. Lịch sử đó theo tôi biết không đơn giản như cái nhìn của ông BBT. Ngay cả một người cực đoan như Samuel Huntington phê phán Mexico rất nhiều nhưng ông cũng không bao giờ sử dụng đến những từ ngữ trịch thượng và nặng nề như ông Mĩ gốc Mít này. Đó là lí do tôi nói một số người Việt ở Mĩ có thái độ Mĩ hơn Mĩ.
Nói chung, tôi thấy báo chí tiếng Việt ở Bolsa chỉ quanh quẩn với những tuyên truyền chống cộng. Chủ nghĩa cộng sản là một học thuyết, và người ta có quyền tin hay phê phán một học thuyết. Thành ra, tôi thấy họ có quyền chống cộng (cũng như người khác có quyền theo cộng sản), nhưng tôi thấy cách chống cộng của họ thiếu tính trí thức và thiếu tính khách quan. Thật vậy, mở phần diễn đàn hay các bài bình luận của vài cây bút chống cộng trên báo chí Bolsa ai cũng có thể thấy đó là những diễn đàn chửi bới, chứ không phải tranh luận. Chửi bới khác với tranh luận, bởi vì tranh luận cần lí thuyết và tri thức, còn chửi bới thì chỉ cần thóa mạ bằng những ngôn từ dung tục như giới hàng tôm hàng cá.
Còn khái niệm khách quan thì hầu như không hiện hữu trong báo chí Bolsa. Thay vào đó, người ta viết theo cảm tính cá nhân, và để cho cảm tính dẫn dắt ngòi bút đi từ xuyên tạc này sang xuyên tạc khác, và chu kì cứ thể tiếp diễn. Đối với họ, bất cứ cái gì bên Việt Nam làm cũng sai, và nguồn gốc của sai lầm chỉ vì … cộng sản. Theo đó, thay đổi chế độ thì mọi chuyện sẽ ok. Một lối suy nghĩ quá đơn giản! Có lẽ họ chưa chịu khó đầu tư tri thức để suy nghĩ vấn đề cho đến nơi đến chốn, nên họ không ngần ngại tiếp tay với các thế lực chống Việt Nam để gây khó khăn cho đất nước.

Như tôi đề cập trên, báo chí tiếng Việt Bolsa bàn về Việt Nam nhiều hơn là bàn về sự việc địa phương mà họ sinh sống. Tôi nghĩ ngoài lí do chạy trốn thực tế, còn có vấn đề voyeurism nữa. Ngồi ghế salon trong phòng khách bên Mĩ để chỉ tay năm ngón và lên giọng dạy đời thì chắc chắn đơn giản và dễ hơn là đi tìm hiểu thực tế hỗn độn và phức tạp. Đương nhiên, tôi nghĩ phía Việt Nam và Nhà nước Việt Nam cũng cần biết người ngoài nghĩ gì, nhưng tôi không nghĩ phía Việt Nam sẽ tiếp thu những ý kiến mang nặng phần chửi bới hơn là lí giải. Hệ quả là báo chí Bolsa trở nên irrelevant với những gì mà người trong nước quan tâm, và không có đóng góp nào cho phát triển ở trong nước.

Tôi còn có cảm tưởng rằng báo chí Bolsa là một phương tiện nhồi sọ, chứ không phải cung cấp thông tin khách quan cho cộng đồng. Có lẽ vì thế mà nhiều người Việt ở Mĩ khi về thăm quê hương họ cũng ăn nói y như báo chí Bolsa. Nhưng đến khi biết tình hình thực tế trong nước thì họ không còn tin vào báo chí Bolsa nữa. Còn người nào biết tiếng Anh, có cơ hội tiếp cận internet thì họ chẳng cần đến báo chí tiếng Việt, vì đọc báo chí nước ngoài, báo trong nước, và kiểm chứng sự thật, họ có thể đi đến những nhận xét riêng cho mình chứ không để cho báo chí tiếng Việt nhồi sọ một cách quá trắng trợn.
Tôi quen biết khá nhiều người trong giới báo chí, kể cả báo chí Bolsa, và viết ra những nhận xét trên chắc họ sẽ buồn (nếu họ đọc được). Nhưng tôi nghĩ có lẽ họ cũng cần/muốn biết người ngoài cuộc suy nghĩ gì, và hi vọng rằng những nhận xét trên là nhận xét của một người ngoài cuộc.

Bài này viết trên máy bay nên ý nghĩ có vẻ lung tung và linh tinh. Xin các bạn thông cảm.
NVT

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét