Thụ tinh trong ống nghiệm tại VN: Bước chân thần tốc


Lâu lâu đọc được thành tựu từ giới khoa học trong nước tôi rất mừng, chẳng hạn như bản tin dưới đây. Bài báo có cái tiêu đề rất kêu: “bước chân thần tốc”, hàm ý nói rằng khoa học thụ tinh trong ống nghiệm ở nước ta tiến bộ vượt bực. Nhưng có lẽ công bằng hơn là vượt bực so với các nước trong vùng thôi, chứ chúng ta còn phải học thế giới nhiều hơn nữa. Thật ra, trong lần về nước vài tháng trước có người trong nghề cho tôi biết rằng chúng ta chẳng có gì vượt trội so với Thái Lan và Phi Luật Tân, nhưng ta nói hay hơn họ! Chẳng biết hư thực ra sao. 



Thật vậy, đã từ lâu tôi nghe về những thành công ngoạn mục về thụ tinh trong ống nghiệm của Bv Từ Dũ, nhưng rất khó kiểm chứng vì không thấy báo cáo khoa học nào đáng tin cậy để đọc. Ngay cả bài báo dưới đây cho biết “tỷ lệ thành công khá cao” nhưng chúng ta vẫn không biết bao lăm là cao. Nhưng may mắn thay, bài báo có đề cập đến một bài báo khoa học của nhóm Bs Vương Thị Ngọc Lan công bố. Chỉ cần không đầy 2 phút tôi đã tìm ra bài báo đăng trên tập san Reproductive BioMedicine Online. Theo bài báo này thì tỉ lệ thụ thai lâm sàng là khoảng 30%. Như vậy, tỉ lệ thành công cũng tương đương với nhiều nghiên cứu trên thế giới, thậm chí thấp hơn tỉ lệ ở Brazil (khoảng 40%).

Tôi chú ý đến đoạn sau đây của bài viết: “Năm 2008, Việt Nam đã bắt đầu có những báo cáo khoa học được đăng tải trên tạp chí khoa học uy tín trên thế giới. Mới đây nhất là bài báo của Th.S – BS Vương Thị Ngọc Lan cùng cộng sự đã được đăng tải trên tạp chí Reproductive BioMedicine Online – một trong những tạp chí uy tín nhất thế giới về y sinh học do Giáo sư Robert Edward, người thực hiện TTTON đầu tiên trên thế giới làm tổng biên tập. Điều đáng nói là, hiện nay mỗi năm ngành y của Việt Nam chỉ có vài bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế, chủ yếu do các tác giả nước ngoài đứng tên chính, tác giả Việt Nam là cộng sự.”
Tôi hơi nghi ngờ câu này: “tạp chí Reproductive BioMedicine Online – một trong những tạp chí uy tín nhất thế giới về y sinh học.” Sự thật thì tập san này mới thành lập, và cho đến nay vẫn chưa có impact factor. Với một tập san non trẻ như thế, chưa đủ thời gian để gây ảnh hưởng hay tạo uy tín hay gây ảnh hưởng lớn trong ngành Ob&G, khó có thể nói rằng đó là tập san uy tín nhất thế giới về y sinh học được. Tuy nhiên, "có còn hơn không", tôi nghĩ thành tựu như thế cũng đáng hoan nghênh và cũng góp phần nâng cao uy tín y học nước ta trên trường quốc tế.
NVT
====

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét