ĐH đẳng cấp quốc tế: Lãng mạn nhưng thiếu nhiều tiêu chí

Đọc bài post dưới đây tôi thấy suy nghĩ của mấy vị quan chức giáo dục nước ta còn quá đơn giản, và giông giống như thời bao cấp. Họ nói đến tiêu chí để một trường đại học đạt được đẳng cấp quốc tế. Nhưng xin thưa: làm gì có tiêu chí cụ thể cho một đại học đẳng cấp quốc tế. Trên thế giới không có ai nói đến tiêu chí để thẩm định một đại học là đẳng cấp quốc tế hay đẳng cấp địa phương. Hoàn toàn không có những tiêu chí để cân đo đong đếm như lên kế hoạch kinh tế. 

Để được công nhận là đại học “đẳng cấp quốc tế” (world class university), nó không đơn giản là phải có máy chiếm phim khi giảng bài, hay thầy cô biết nói tiếng Anh, hay công bố nghiên cứu khoa học. Không, không đơn giản như thế đâu. Thật là buồn cười khi người ta nói trường có máy chiếu phim là thế là đã đạt được một phần của tiêu chí đẳng cấp quốc tế. Trời ơi, sao mà … trẻ con vậy không biết nữa! Những thứ như projector để giảng bài là chuyện đương nhiên (obvious), nó chẳng phải là tiêu chí gì cả.
Có nhiều yếu tố làm nên uy tín của một đại học, và tôi đã bàn đến trong một bài trước đâu đó trên Vietnamnet. Những yếu tố (chứ không phải tiêu chí) này bao gồm năng suất và chất lượng nghiên cứu khoa học, đội ngũ giáo sư, cơ sở vật chất, thư viện, sinh viên đến từ địa phương hay quốc tế, uy danh của sinh viên sau khi tốt nghiệp, v.v… Những yếu tố này mất nhiều năm để xây dựng, chứ không phải theo kiểu kế hoạch 5 năm hay 10 năm như thời bao cấp.
Trước đây tôi cũng có đề nghị nên thưởng cho những ai có công trình công bố trên các tập san khoa học quốc tế, nhưng lúc đó chẳng ai chú ý. Nay thấy bài này có nhắc đến ý kiến đó. Tuy nhiên tôi nghĩ kiểu suy nghĩ như:
Về nghiên cứu khoa học, quan điểm của Bộ GD-ĐT là sẽ thưởng 1.000 USD/bài, cho những bài viết được đăng tải trên các tạp chí khoa học nước ngoài. Có thể làm thí điểm ở ĐHQG HN.”
còn quá đơn giản. “Bài viết” là công trình gì? Chẳng lẽ review hay Letter cũng được thưởng? Còn “tạp chí khoa học nước ngoài” cũng cần xem lại, vì tạp chí của Nhật hay thậm chí của Thái Lan cũng là “nước ngoài”, nhưng chắc chắn chẳng ai trong giới khoa học quan tâm. Nếu có ý triển khai đề nghị của tôi thì cũng nên tham vấn người nào đó có kinh nghiệm ở ngoài này chứ không nên làm đại trà theo kiểu nói trên và cuối cùng lại gây ra tiêu cực + tốn kém tiền của người dân.
Nước mình nghèo mà chơi sang. Ở ngoài này, bọn Tây phương nó no đủ, mà cũng không có chế độ thưởng đến 1000 USD / bài báo; chỉ có một số ít đại học và trung tâm nghiên cứu thưởng tiền, nhưng phải là bài báo trên các tập san có impact factor cao (chẳng hạn như trên 10) và số tiền thưởng cũng không nhiều như dự tính của Bộ GDĐT. Đúng là nghèo mà vung tay quá trán! Ông bà mình thường nói “liệu cơm gấp mắm”. Các quan chức khoa học và giáo dục nên học câu này!
NVT

======
ĐH đẳng cấp quốc tế: Lãng mạn nhưng thiếu nhiều tiêu chí
Trường ĐH Khoa học tự nhiên (KHTN), ĐHQGHN đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành trường ĐH nghiên cứu ngang tầm khu vực. Còn gần 13 năm để hoàn thành, rất ý kiến nhiều trái chiều đã được đưa ra tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với trường vào sáng 23/9.
13 năm cho mục tiêu lãng mạn trường ĐH quốc tế?
Ông Bùi Duy Cam, Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN, xác định mục tiêu đến năm 2020 là: Trở thành trường ĐH nghiên cứu tiên tiến, trong đó một số ngành và chuyên ngành có chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học ngang tầm các trường ĐH tiên tiến trong khu vực châu Á.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng ý với mục tiêu này và nhấn mạnh: Trường ĐHKHTN là phấn đấu trở thành trường ĐH nghiên cứu đẳng cấp khu vực.
Trường ĐHKHTN là một trong số ít trường ở Việt Nam có số cán bộ là TS, GS, PGS chiếm tỷ lệ cao. Quy mô toàn trường là gần 11 nghìn HSSV, trong đó chính quy và tại chức đều có số lượng hơn 4.100 người.
Về cơ sở vật chất (CSVC), hầu hết các giảng đường lớp học đều đã có màn chiếu và đảm bảo đủ yêu cầu về projector cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy của thầy.
Tuy nhiên, để vươn lên tầm quốc tế thì Trường ĐHKHTN còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết mà từ nay đến năm 2020 chỉ còn 13 năm, một thời hạn khá ngặt nghèo ...
Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, lại cho rằng mục tiêu đến năm 2020 đạt đẳng cấp ngang tầm khu vực là khiêm tốn quá! Còn gần 13 năm thì phải được đặt ở cấp quốc tế. Ông Long nhấn mạnh: Nếu Trường ĐHKHTN không làm được thì khó có trường nào làm được.
Các trường phải xác định mỗi ngành học đào tạo ra để làm gì. Việc này các trường phải tự cứu mình, đợi Bộ GD-ĐT thì chậm lắm. Trường ĐH KHTN cần dự báo được hết nhu cầu cho từng ngành, chỉ ra được tương lai cũng như định hướng cho người học ra trường sẽ đi làm việc được ở đâu và hạn đến tháng 4/2009 phải có câu trả lời.
(Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân)
Tuy khẳng định như vậy nhưng ông Long cũng dẫn ra hàng loạt khó khăn phải đối mặt như: Các phòng học còn chật chội, thiết bị trong phòng thí nghiệm còn ít nên hạn chế sự làm việc của nghiên cứu sinh. Thêm vào đó, phương pháp đổi mới giảng dạy chưa rõ được điểm nhấn...
Đây mới chỉ là những điều mắt thấy tai nghe khi ông Long và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự giờ môn Điện và từ ở lớp B3K52 ngày 23/9 chứ không phải là những tiết học thông thường của trường.
Không chia sẻ quan điểm lãng mạn cùng ông Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Đình Tiến đưa ra nhận xét thực tế hơn và đề nghị phải xác định các tiêu chí rõ ràng, cụ thể: 13 năm mà trường đạt cấp khu vực đã là cao và khó khăn khi so với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore...
Ông Tiến nhận xét, Trường ĐHKHTN là một trong những nơi có kết quả nghiên cứu khoa học cao, nhưng vẫn còn hạn chế với nhiều yếu tố chưa phát huy được. So với các trường của các nước trong khu vực như Thái Lan thì còn thấp. Để đạt được chất lượng trường tiên tiến chắc chắn phải có định hướng và đặc biệt phải có tiêu chí cụ thể.
Cùng quan điểm với Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Đình Tiến , ông Trần Quốc Toản, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng: để tiến tới ĐH nghiên cứu đẳng cấp quốc tế, trường phải xác định tiêu chí để đánh giá và có so sánh. Trong đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực cần xác định vấn đề then chốt là “quả đấm” chủ lực để tạo đà nâng chất lượng giáo dục ĐH. Nếu phát triển theo mô hình “quả mít” (cái gì cũng là mũi nhọn, bình quân chủ nghĩa) thì không chỗ nào vượt lên được cả!
Thứ trưởng Nguyễn Bích Đạt, Bộ Kế hoạch-Đầu tư cũng cho rằng Bộ GD-ĐT cần đưa ra tiêu chí như thế nào là tiêu chuẩn trường tiên tiến quốc tế.
Thiếu điều kiện thỏa mãn những tiêu chí quốc tế
Thứ trưởng Bộ KHCN Lê Đình Tiến chỉ rõ 2 chuẩn cơ bản gồm chuẩn mực trong giáo dục cũng như chuẩn nghiên cứu khoa học. Cơ sở cho 2 chuẩn này phải là con người: Đã là trường đẳng cấp quốc tế thì trình độ giảng viên giảng bằng tiếng quốc tế là bao lăm phần trăm, trường đề ra là 25% thì ít quá.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý với quan điểm này và nhấn mạnh: ĐH đẳng cấp quốc tế nhất định phải có thầy đi dạy ở nước ngoài song song với việc mời thầy nước ngoài về dạy. Lúc đó, việc trao đổi giảng viên song phương với các trường quốc tế là rất cần thiết.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, chiều mời thỉnh giảng về thì khá dễ, nhưng chiều đi giảng tại quốc tế thì khó. Để có thầy giáo "mang chuông đi đánh xứ người" thì không chỉ đơn thuần là giảng dạy được bằng tiếng Anh mà trước hết phải có các công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, mang tầm quốc tế. Lúc đó, thế giới mới có thể biết đến các thầy và mời đi giảng.
Về nghiên cứu khoa học, quan điểm của Bộ GD-ĐT là sẽ thưởng 1.000 USD/bài, cho những bài viết được đăng tải trên các tạp chí khoa học nước ngoài. Có thể làm thí điểm ở ĐHQG HN.
(Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân)
Được biết, Trường ĐHKHTN là một trong những trường có thế mạnh trong nghiên cứu khoa học. Đây là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo và đội ngũ giảng viên. Nhưng năm 2008, tổng kinh phí trường thu về trong hoạt động này mới đạt gần 25 tỷ đồng với các loại đề tài từ cấp Nhà nước xuống đến cấp trường. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã công bố được 110 công trình trên các tạp chí khoa học quốc tế. Trong phương hướng phát triển của trường năm 2009, trường cũng chỉ đặt ra mức kinh phí cho hoạt động này là hơn 30 tỷ đồng.
Gợi ý tiếp yếu tố thứ hai, ông Tiến cho rằng đó là CSVC, mà ở đây chủ yếu là phòng thí nghiệm. Trường phải trang bị cho đạt chuẩn để tiếp cận được nghiên cứu ở trình độ quốc tế. "Tôi chỉ thấy có một phòng thí nghiệm gọi là đạt chuẩn tương đối, còn hầu hết khá sơ sài dù có thiết bị tốt", ông Tiến đánh giá.

Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vẫn cho rằng: nếu năm 2020 Trường ĐHKHTN mới đạt cấp quốc tế thì hơi chậm với cả nước vì các trường ĐH sau này đang chạy khá nhanh.


Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét