Thưởng 1000 USD/bài báo

Như tôi có nhắc đến trong một bài trước về sáng kiến của ông Nguyễn Thiện Nhân về việc thưởng 1000 USD cho tác giả có đăng một công trình nghiên cứu trên tập san quốc tế. Nguyên văn bài báo trên vnn trích ý kiến của ông Nhân như sau: “Về nghiên cứu khoa học, quan điểm của Bộ GD-ĐT là sẽ thưởng 1.000 USD/bài, cho những bài viết được đăng tải trên các tạp chí khoa học nước ngoài. Có thể làm thí điểm ở ĐHQG HN.”


Hôm nay thấy ông Nguyễn Quang Á “thọc lét” ngài bộ trưởng một cách ngoạn mục. Theo ý anh A thì nhà nước không nên dính dáng hay cho tiền thưởng. Tôi đồng ý với ý kiến của anh A. Nhưng tôi muốn viết thêm đôi điều về chuyện này bởi vì nó dính dáng đến một ý tôi đề nghị trước đây cũng vài năm.


Trong tình trạng nghèo nàn về hoạt động khoa học, nhất là tình trạng công bố quốc tế như hiện nay, tôi nghĩ cần phải có cơ chế khuyến khích các nhà khoa học làm việc có năng suất hơn và chất lượng hơn. Cụ thể là phải nhắm vào việc công bố kết quả nghiên cứu trên các tập san quốc tế. Một trong những cơ chế khuyến khích là thưởng tiền mặt mà nhiều trung tâm nghiên cứu ở phương Tây vận dụng. Tôi cũng từng đề nghị cơ chế này trên báo chí. Nói ra không phải là dành công, nhưng ý tưởng này tôi đã nêu trên Tia Sáng cũng hơn 2 năm rồi.
Ở Viện tôi, người ta có chế độ thưởng 1000$ cho tác giả của những bài báo nguyên thủy (original contribution) được đăng trên các tập san có impact factor trên 10 (tức là loại tập san hàng đầu thế giới). Nguồn tiền thưởng không phải của Viện mà là của một Quĩ do các nhà từ thiện đóng góp.
Do đó, tôi đồng ý với như Nguyễn Quang A là Bộ GDĐT không nên dính dáng vào những chuyện nhỏ nhặt như tặng thưởng tiền bạc cho nhà khoa học có bài báo đăng trên tập san quốc tế. Việc đó đúng là chẳng có liên quan gì đến Nhà nước. Lấy tiền của dân đóng thuế để đem cho mấy ông làm khoa học là bậy, là có tội. 


Tuy nhiên, anh A cho rằng chẳng biết nước nào có chính sách như thế thì tôi nghĩ không đúng. Ở Nhật, Hàn Quốc, Pakistan, và Trung Quốc, chính phủ vẫn thưởng cho những công trình tốt. Số tiền thưởng lên đến cả 3000 USD (như ở Hàn Quốc), và công trình này phải được bình bầu bởi một hội đồng khoa học gồm 10 chuyên gia. Hôm nào rảnh, tôi sẽ viết về chủ đề này cho rõ ràng hơn.


Bởi vì mục tiêu là tạo sự cạnh tranh giữa các trường đại học, tôi đề nghị việc tưởng thưởng nên để cho trường đại học hay trung tâm nghiên cứu quyết định. Còn nguồn ngân quĩ ở đâu ra thì đó là chuyện của trường, chứ Bộ không nên chi cho họ. Phải để cho họ tự bươn chãi, chứ không nên cứ rót sữa mãi như hiện nay được.
NVT

Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét