Về một cuốn "Thi nhân Việt Nam"


Cuốn Thi nhân Việt Nam là một trong những cuốn tôi đọc rất sớm, có lẽ vào năm đệ tứ hay gì đó. Cho đến nay, tôi vẫn nghĩ đó là một trong những cuốn bình thơ hay của Việt Nam. Sau này tìm hiểu thêm tôi kinh ngạc phát hiện rằng tác giả viết cuốn đó trong độ tuổi 20s! Trời, mới tuổi đó mà đã có những nhận xét sâu sắc, những phát hiện độc đáo! Quả là thiên tài. Bài sau đây do Từ Sơn (con của Hoài Thanh) viết về cuốn sách. Có vài chi tiết thú vị.

Mới đây Gs Nguyễn Đăng Mạnh có tập hồi kí cũng có dành 1 chương dài viết về Hòai Thanh. Trong đó có nhiều đoạn ông nhận xét các nhà văn khác rất … vui. Tôi thấy giới nghệ sĩ họ rất văn vẽ trong sáng tác, nhưng đến khi bình luận về đồng nghiệp thì câu chữ của họ có vẻ … ác. :-). Xin trích vài đoạn:

<<>>
[…]

Có lẽ một trong những điều khổ tâm nhất của Hoài Thanh là hầu hết các cây bút cùng thời với ông và cùng theo cách mạng như ông, đều gọi ông là “thằng nịnh” (Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên...) Cho nên Xuân Sách có thơ:

Vị nghệ thuật nửa đời người
Nửa đời còn lại vị người cấp trên.

Tôi nghe nói, hồi kháng chiến chống Pháp, ở chiến khu Việt Bắc Hoài Thanh luôn luôn sát cánh với Tố Hữu, luôn gần gũi trò chuyện thân mật với Tố Hữu, trong khi anh em khác thường lảng đi chỗ khác, sợ mang tiếng cầu thân với cán bộ lãnh đạo. Tâm lý anh trí thức thường như thế. Và họ phản ứng với thái độ của Hoài Thanh.

Tôi thì cho rằng, Hoài Thanh là con người sống bằng tình cảm. Hồi cách mạng tháng Tám, ông ở Huế. Lúc ấy Tố Hữu còn rất trẻ mà đã làm chủ tịch uỷ ban khởi nghĩa của Huế. Một thanh niên vào tù ra tội, lại là một thi sĩ thật sự và cũng mê Kiều như ông, hợp với ông, nên ông phục lắm. Tố Hữu cũng rất quý và tin cậy Hoài Thanh. Khi được gọi ra Bắc để lãnh đạo văn nghệ, người đầu tiên Tố Hữu cần gặp là Nguyễn Tuân. Tố Hữu đã nhờ Hoài Thanh đến Nguyễn Tuân, thương lượng và hẹn thời gian, địa điểm gặp (Nguyễn Tuân hẹn gặp ở nhà hàng Thuỷ Tạ bờ hồ Hoàn Kiếm). Tố Hữu còn là chỗ dựa về chính trị của Hoài Thanh nữa.

Từ Sơn, con Hoài Thanh, có lần nói với tôi: có một bữa, ông Hoài Thanh nằm trên giường, có vẻ mệt. Bỗng ông nói với con: “Cha mà không có anh Lành thì Bùi Công Trừng nó giết cha rồi!” Té ra là thế! Cái chuyện vị nghệ thuật, vị nhân sinh có chết ai đâu mà những ông cộng sản làm to chuyện thế, và thù dai thế! Người ta đã đi theo cách mạng, theo kháng chiến bao năm rồi mà vẫn không tha (cho mãi đến kỳ tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996), họ cũng không tặng cho Hoài Thanh, trong khi sẵn sàng tặng cho Hà Xuân Trường, Hồ Tôn Trinh, tuy sự nghiệp của hai vị này có đáng gì đâu so với Hoài Thanh).

Tôi cứ nghĩ mãi, không hiểu sao, đối với trí thức, các ông cộng sản lại hẹp hòi và ngu xuẩn đến thế. Chính các ông ấy, đã làm hại cách mạng nhiều lắm. Anh Từ Sơn còn cho biết, hồi Hoài Thanh phụ trách tuần báo Văn nghệ. Có một số báo, trang đầu in ảnh Trường Chinh. ảnh bị cái tít in quá đậm ở mặt sau làm mờ đi. Trường Chinh gọi Hoài Thanh đến nói: “Anh in ảnh tôi như thế này à?” Hoài Thanh sợ quá, cứ đi lang thang ngoài đường, vô cùng hoang mang. Cái án vị nghệ thuật trở thành cái án chính trị, vẫn như lưỡi gươm lơ lửng treo trên đầu.

Đúng vậy, Hoài Thanh là con người chủ yếu sống bằng tình cảm. Cái tạng ông nó thế (Người ta từng cho ông thuộc loại phê bình tình cảm - để phân biệt với phê bình lý trí, phê bình khoa học chủ nghĩa scientisme). Cho nên, ông có quan hệ đặc biệt với Tố Hữu, viết rất say sưa về thơ Tố Hữu, tập thơ nào củaTố Hữu ra đời cũng lập tức có một bài phê bình rất tâm huyết của ông. Đó, cũng là do cái nợ tình, nợ nghĩa mà ra.

Nhưng cái: “án chính trị vị nghệ thuật” chắc cũng làm cho ông phải lên gân lên cốt khi phủ nhận triệt để Thi nhân Việt Nam:

Thi nhân còn một chút duyên
Chẳng cầm cho vững lại lèn cho đau.
(Xuân Sách)

Chẳng lẽ một con người giầu tình như ông mà lại dễ dàng dứt tình với đứa con tinh thần mà ông đã gửi cả tâm hồn vào đấy. Từ Sơn nói, cuối đời, có lần Hoài Thanh nói với anh: “Nhờ có cuốn Thi Nhân Việt Nam mà người ta mới coi cha là một nhà văn”.

Vậy mà ông lại phủ nhận Thi nhân Việt Nam (Nhìn lại phong trào Thơ mới và cuốn Thi nhân Việt Nam) đến mức Trần Huy Liệu cho là quá đáng, và Tố Hữu thì nói: “Hoài Thanh đã tát mình đau quá”.

Cho nên tôi vẫn cứ ngờ ngợ thế nào về cái thái độ quá cứng, quá tả của Hoài Thanh. Tiếp xúc với ông, thấy ông luôn luôn nói lập trường cách mạng, lập trường giai cấp. Phải có tình cảm đúng, tình cảm đúng là tình cảm của giai cấp công nhân. Ông tỏ ra rất phục các lãnh tụ cộng sản, coi phát ngôn của các vị ấy là chân lý mình phải lấy làm chuẩn, kể cả những phát biểu về văn chương.

[…]

Có lần ông nói với tôi về Viện văn học và tờ Tạp chí văn học do ông phụ trách (Lúc này Hoài Thanh làm Viện phó Viện Văn học, thư ký toà soạn Tạp chí văn học): “Viện văn học của chúng tôi làm sao có uy tín được như Tự lực văn đoàn ngày trước. Nó đưa ai lên là được lên. Nó hạ ai xuống là phải xuống”.

Bây giờ ta đang chống Mỹ (1967), tạp chí của chúng tôi vẫn ra được đều đều là coi như thắng Mỹ rồi. Mỗi số ra được đúng kì hạn là một trận thắng... Chứ thực ra nhiều bài có chất lượng gì đâu. Tôi khổ với các ông HMĐ, HSV quá, chữ nghĩa, câu văn, tôi cứ phải sửa rất nhiều mới đăng được.

Ông nói về Chế Lan Viên: “Chế Lan Viên sắc sảo, nhiều sáng tạo khá hấp dẫn. Nhưng tôi cứ lởn vởn ý nghĩ về chỗ trung thực của anh. Cuốn Thi nhân Việt Nam của tôi có nhiều sai lầm. Nhưng điều tôi hối hận hơn cả là đã qúa khen Chế Lan Viên. Thực thì chắc có thực, nhưng có thực đến mức ấy không? Có thật “Hồn ai trú ẩn ở đầu ta”, có thật có “tâm hồn Chàm” thế không? Có muốn trốn lên “một tinh cầu giá lạnh” thật không? Xuân Diệu thì chân chất, thật thà.

Về Nguyễn Đình Thi, ông nói vắn tắt: “Chưa bao giờ tôi đánh giá cao nhân cách của Nguyễn Đình Thi”.

Hoài Thanh cũng đánh giá rất thấp con người Huy Cận: “Có người nhân cách tốt nhưng thơ lại không hay, như Thanh Tịnh. Có người nhân cách kém mà thơ lại hay, như Huy Cận”. Đây là ông nói Huy Cận trước cách mạng, Huy Cận “Lửa thiêng”. Thơ Huy Cận sau cách mạng, ông cho là tầm thường (vulgaire) – Trong tập Di bút, ông có ghi lại cuộc trao đổi của ông với Trường Chinh ở chiến khu Việt Bắc hồi kháng chiến chống Pháp về Huy Cận. Họ thống nhất với nhau: thơ Huy Cận vulgaire (Khi in tập Di bút thành sách, anh Từ Sơn ngại đụng chạm nên cắt bỏ đi, cả ý kiến của Hoài Thanh về văn của HMĐ nữa).

[…]

Nguyễn Tuân không ưa Hoài Thanh, nói về ông nhiều câu rất ác. Nhưng nhận xét về Nguyễn Tuân, thái độ của Hoài Thanh vẫn rất công bằng: “Nguyễn Tuân địch có thể lợi dụng, như trước cách mạng, nó tặng anh ấy giải thưởng Alexanơre de Rhodes – Sau cách mạng thì bọn Nhân văn lôi kéo. Nhưng Nguyễn Tuân không bao giờ hạ mình làm những điều phi nghĩa. Nguyễn Tuân không phải Nhân văn, không bê tha truỵ lạc trong sinh hoạt như cánh Nhân văn. Nguyễn Tuân thích phát hiện những cái lặt vặt, thứ yếu vì cho rằng những cái quan trọng ai cũng biết cả rồi. Nguyễn Tuân rất bướng. Cần góp ý kiến gì với anh ấy, chúng tôi phải nhờ anh Tố Hữu. Tố Hữu nói mới nghe, mà cũng nghe vừa phải thôi. Anh ấy cho giáo điều thì sinh ra xét lại. Vào Đảng như một thứ nhân sĩ, không gắn bó với một trách nhiệm cụ thể nào, coi mình như một thế giới uỷ, chính uỷ của thế giới, có trách nhiệm với toàn nhân loại. Cho nên chậm tiến. Đi trong kháng chiến như đi chơi, tuy đi chơi trong kháng chiến khác đi chơi trước cách mạng. Bài Tờ hoa của Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên có công phát hiện, đã bỏ đi. Thế mà sau lại đăng báo được. Tờ hoa là có ý chửi cải cách ruộng đất. Cái gì quen đi rồi cũng thành nghề. Nguyễn Tuân có nghề chửi. Chửi rất ác. Không thể phê bình thái ân nội bộ được. Nguyễn Tuân cứ phải chửi ác. Nay vớ được thằng phi công Mỹ, tốt quá! Ta chửi Mỹ lâu rồi, song trước kia nó ở tận đâu đâu ấy, nay nó trực tiếp đánh ta, ta nhìn rõ mặt nó rồi. Cái nghề chửi của Nguyễn Tuân được dùng đến, rất tốt. Nguyễn Tuân ghét conformisme. Tôi cho tác dụng của Nguyễn Tuân còn lâu dài đối với cách mạng giải phóng dân tộc.

Hoài Thanh nói về Nguyên Hồng: “Lắm lúc không biết anh ấy thật hay giả. Trên diễn đàn, đang nói, dừng lại: “Cho tôi khóc một lúc đã”. Nguyên Hồng cũng không gắn với một trách nhiệm cụ thể nào, nên chậm tiến bộ”. Hoài Thanh luôn luôn cho rằng phải sống gắn bó với quần chúng, có trách nhiệm cụ thể với cách mạng mới tiến bộ được.

<<>>.

Thôi bây giờ mời các bạn đọc bài của Từ Sơn.

NVT
===





Về một cuốn sách "bảy nổi ba chìm với nước non"



Tôi nghĩ: với "Thi nhân Việt Nam", Hoài Thanh đã và đang trên đường tìm về tâm hồn Việt thanh khiết, cao quý được thể hiện qua những vần thơ, những hồn thơ mang đậm hương sắc dân tộc trong một thời đại cơ hồ như bị Âu hóa và nỗi đau lớn nhất của con người Việt Nam lúc bấy giờ là bị làm nô lệ, bị mất nước.



Sau mười năm dõi theo và say mê nghiên cứu "Thơ mới" (từ 1932 đến 1941), Hoài Thanh (cộng tác với Hoài Chân) đã viết xong "Thi nhân Việt Nam" trong một căn nhà nhỏ ở số 5b đường Phó Đức Chính, Tp Huế. Đó là một căn nhà (kiểu nhà cấp 4) thuê của một viên đội xếp.



Hoài Thanh vừa đi dạy học ở Trường Thuận Hóa vừa cắm cúi viết "Thi nhân Việt Nam" trong tiếng bễ thụt phù phù và tiếng búa đập chát chúa của nhà hàng xóm làm nghề lò rèn. Sách viết xong cuối năm 1941 được ông Hoài Chân (tức Nguyễn Đức Phiên) đưa ra nhà Thụy Ký ở Hà Nội in ngay cuối năm ấy. In theo phương thức "tự xuất bản". Vì vậy ở bìa trong của sách có ghi: "Nguyễn Đức Phiên xuất bản". Sách phát hành đầu năm 1942, bán rất chạy nên cuối năm 1942 đã phải tái bản và cũng được bán hết.



Tuy nhiên, từ đó cho mãi đến năm 1960, "Thi nhân Việt Nam" mới được Trường đại học Tổng hợp Hà Nội xin phép in lại theo lối in rônêô với số lượng bản in rất hạn chế, dành cho thầy giáo và sinh viên khoa ngữ văn tham khảo.



Ở Sài gòn, năm 1968, NXB Hoa Tiên in lại hai lần một cách dè dặt (vì Hoài Thanh là … "Việt cộng").



Năm 1985, NXB Đông Nam Á do một vị linh mục đứng ra tái bản "Thi nhân Việt Nam" ở Paris. Vị linh mục này có viết thư cho tôi biết rằng "sách bán chậm" mà không nói lý do.
Một chi tiết thú vị: Năm 1986, NXB Giáo dục có đề nghị gia đình Hoài Thanh cho biên tập lại nội dung "Thi nhân Việt Nam" để in làm sách tham khảo trong nhà trường. Gia đình không đồng ý. Cùng năm 1986, NXB Văn học cũng có đề nghị tương tự nhưng gia đình vẫn không đồng ý. Mãi đến năm 1988, NXB Văn học đáp ứng yêu cầu của gia đình (in theo đúng bản chính từ bìa đến nội dung) nên mới xuất bản được. Tuy vậy để vượt qua được một số áp lực "nặng ký" bấy giờ, NXB Văn học tìm ra được một "cái chốt an toàn" là đề ở bìa trong của cuốn sách là "Sách nghiên cứu" (!).



Một điều trớ trêu là tôi và Phan Hồng Giang là hai người con được Hoài Thanh ghi trong "Mấy lời để lại cho các con cháu" trước khi ông mất rằng hai chúng tôi có trách nhiệm giữ gìn và chăm sóc các công trình nghiên cứu, bài vở, bản thảo để lại của ông nhưng thật tình mà nói đến lúc này (tháng 8/2008) chúng tôi không thể đưa ra con số "Thi nhân Việt Nam" đã được tái bản chính xác là bao lăm lần. Đơn giản là bởi cái tình trạng coi thường pháp luật về bản quyền của một số nhà xuất bản và nhất là của một số doanh nghiệp có cái tên là "nhà sách" này nọ đã cho in lại "Thi nhân Việt Nam" mà không một lời xin phép gia đình Hoài Thanh và những người thừa kế hợp pháp của ông.
Mới gần đây thôi, khoảng đầu tháng 7/2008, tình cờ tôi xem một hàng sách ở vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh thấy có bày bán "Thi nhân Việt Nam". Lật vội bìa sau thấy đề tên một nhà sách ở 808 đường Láng. Điều ấy có nghĩa, theo quy định hiện hành, nhà sách ấy là "đầu nậu" in và phát hành. Lật trang cuối cuốn sách thì thấy ghi: "Biên tập: Ban văn học nước ngoài". Chúng tôi gọi điện hỏi NXB: Tại sao sách in từ 2006 mà gia đình không được hỏi ý kiến để cho phép in? Đại diện NXB trả lời đại ý: "Nhà sách ấy bậy lắm, họ in rồi cũng không báo và nộp sách cho NXB. Để chúng tôi có ý kiến với họ". Ô hay, giấy phép là NXB cấp mà NXB cũng không theo dõi xem đối tác làm ăn thế nào. Đấy là chưa kể hà cớ gì "Ban văn học nước ngoài" lại đứng ra "biên tập" cuốn sách này?".



Tính đến nay (8-2008) "Thi nhân Việt Nam" đã được tái bản trên 40 lần. Tôi chỉ dám nói trên 40 lần vì không kể 5 lần tái bản từ năm 1942 đến 1985 ở trong nước và ngoài nước đã kể trên thì từ năm 1988 đến nay đã có 5 NXB in lại "Thi nhân Việt Nam" 37 lần. Năm 1988, NXB Văn học tái bản lần đầu trong thời Đổi mới đã cho ấn hành tới 15.000 bản. NXB Văn học cũng giữ kỷ lục in lại "Thi nhân Việt Nam" (trực tiếp tái bản hoặc liên kết xuất bản với các nhà sách hoặc tổ chức văn hóa) tới 33 lần, mỗi lần các NXB in lại đều đề số lượng in là 1.000 bản (trên thực tế, số lượng thường vượt hơn 1.000 bản). Tôi biết chắc người ta đã in lại "Thi nhân Việt Nam" một cách không hợp pháp (không xin phép gia đình Hoài Thanh) ít nhất là 5 lần. Những trường hợp in lậu theo lối "luộc sách" phổ biến hiện nay thực tình tôi không nắm chắc được là bao lăm lần.



Từ thân phận "chìm nổi" của "Thi nhân Việt Nam" vừa kể trên, có thể rút ra một vài nhận xét như sau:



"Thi nhân Việt Nam" chìm hay nổi trong hơn sáu mươi năm qua có nguyên nhân là do các biến thiên lịch sử, do "thời tiết chính trị". Dấu ấn thời đại trong các thời điểm tái bản "Thi nhân Việt Nam" đều hiện ra rất rõ.



Có nhu cầu tìm đọc rất lớn của nhiều thế hệ công chúng nên "Thi nhân Việt Nam" là một trong nhiều tác phẩm văn học xuất bản trước cách mạng Tháng Tám được in đi, in lại nhiều lần với số lượng phát hành rất lớn: cả trăm ngàn bản.



Từ hai nhận xét nêu trên, khó lòng có thể xem "Thi nhân Việt Nam" là một tác phẩm "chìm sâu hơn nữa vào con đường nghệ thuật vị nghệ thuật" (như cố Giáo sư Phan Cự Đệ từng nhận định trong cuốn "Nhà văn Việt Nam 1945-1975"). Không lý gì nhiều thế hệ bạn đọc hôm nay lại chạy theo trào lưu "nghệ thuật vị nghệ thuật" từng nhiều lần bị lên án một cách chính thống trong thời gian khá dài?
Vậy vì sao "Thi nhân Việt Nam" đã và đang tiếp tục được bạn đọc yêu mến, được đánh giá là một đỉnh cao của văn học hiện đại Việt Nam và tác giả của nó là một nhà phê bình văn học kiệt xuất, một "thiên tài" văn chương như nhiều nhà nghiên cứu và bạn đọc bình phẩm, thẩm định?

Trả lời cho câu hỏi này không thể là gì khác ngoài giá trị văn chương đích thực của "Thi nhân Việt Nam". Đích thực cả trên hai phương diện: Thơ của 46 nhà thơ cùng với 169 bài thơ của họ được tuyển vào "Thi nhân Việt Nam" hầu hết đều là những bài thơ hay và phương diện thứ hai là "con mắt tinh đời", "lấy hồn tôi để hiểu hồn người" của Hoài Thanh được thể hiện từ cách sưu tầm, tuyển chọn từ "hơn một vạn bài thơ dở" qua nhiều sách báo suốt trong mười năm (từ 1932 đến 1941) đến công việc tổng kết một cách khoa học, khách quan với rất nhiều công sức, với trí tuệ sắc sảo, với những nhận xét tinh tế và đặc biệt là với những lời bình duyên dáng, ý nhị, độc đáo, giàu chất thơ của tác giả "Thi nhân Việt Nam". Nhờ vậy, "Thi nhân Việt Nam" đã trở thành tấm bia vàng không thể hao mòn đánh dấu một thời huy hoàng cách tân nền thi ca dân tộc.



Tôi xin phép không phân tích, chứng minh cho những nhận định có tính tổng quát về "Thi nhân Việt Nam" vừa nêu trên. Bởi vì đã có rất nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về "Thi nhân Việt Nam" được công bố trên các sách báo của nhiều tác giả đã đưa ra những nhận định đúng đắn, khoa học được chứng minh một cách đầy sức thuyết phục về giá trị đích thực và vĩnh cửu của "thơ mới" và "Thi nhân Việt Nam".



Lúc còn sống, những lần gặp tôi, nhà thơ Huy Cận thường nói: "Trong Thi nhân Việt Nam có 40 nhà thơ thì Hoài Thanh là nhà thơ 41". Huy Cận đánh giá rất cao sự nghiệp văn chương của Hoài Thanh. Ông cho rằng Hoài Thanh: "Là một nhà bình luận văn chương hiếm thấy trong văn học thế giới". (Xin xem: "Hoài Thanh với khát vọng chân - thiện - mỹ" - Từ Sơn và Phan Hồng Giang biên soạn NXB Hội Nhà văn-1999, tr.260). Hồi 19 giờ ngày 17-6-2000, nhà thơ Huy Cận gọi điện cho tôi và bảo tôi ghi lại bài thơ ông mới viết về Hoài Thanh. Bài thơ ấy tôi đã mạn phép vong hồn nhà thơ Huy Cận trong một bài viết của tôi đăng trên báo Văn nghệ số 24 ra ngày 16-6-2007. Tiện đây, tôi xin chép lại bài thơ ấy như sau:



NHỚ HOÀI THANH



Lấy hồn tôi hiểu hồn ngườiCâu văn tri kỷ một thời thơ ca.Cũng người một hội đâu xaNỗi đau nhân thế cũng là niềm chung. Trăm năm một hội tao phùngRằng thi thoại ấy bạn cùng thi nhân!
"Nỗi đau nhân thế" theo tôi, chính là hạt nhân làm nên giá trị vĩnh cửu của "Thơ mới" và "Thi nhân Việt Nam".



Lại nhớ: trong "Di bút" của Hoài Thanh có đoạn kể lại: "Anh Huỳnh Văn Gấm, họa sĩ kể: Khoảng giữa năm 1947, anh Gấm lúc bấy giờ trong Tỉnh ủy Tân An có chèo thuyền đưa anh Duẩn (đồng chí Lê Duẩn - TS) đi tránh giặc. Tàu giặc chạy trên sông Vàm Cỏ Tây. Hai anh tránh vào một chỗ có lá che khuất nhưng vẫn nghe tiếng tàu giặc. Anh Duẩn nói về nghệ thuật. Anh nhắc đến cuộc tranh luận giữa Hoài Thanh và Hải Triều, theo anh, nghệ thuật có thể phản ánh gián tiếp. Không nhất thiết bức tranh nào cũng trình bày bằng hình ảnh công nông. Một bông hồng rung rinh dưới ánh mặt trời trong sương sớm sao lại không được xem là nghệ thuật vị nhân sinh? Anh Gấm không biết do đâu mà lại có chuyện bông hồng này nó vốn là một hình ảnh tôi từng đưa ra để nói về nghệ thuật và đã bị phái vị nhân sinh phê phán rất gắt gao. Anh Duẩn lúc bấy giờ là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ”. (Xem "Hoài Thanh - Di bút và di cảo" - Từ Sơn sưu tầm và biên soạn- NXB Văn học, 1993,tr.55).

Tôi nghĩ: với "Thi nhân Việt Nam", Hoài Thanh đã và đang trên đường tìm về tâm hồn Việt thanh khiết, cao quý được thể hiện qua những vần thơ, những hồn thơ mang đậm hương sắc dân tộc trong một thời đại cơ hồ như bị Âu hóa và nỗi đau lớn nhất của con người Việt Nam lúc bấy giờ là bị làm nô lệ, bị mất nước.


Hoài Thanh cũng như các nhà "Thơ mới" bị giam hãm trong một môi trường thiếu năng lượng, thiếu chất đốt của niềm tin, nên thơ của họ cũng như cuộc sống của họ có những hạn chế, tầm nhìn của họ còn chưa đủ thấy được tương lai tươi sáng của ngọn lửa Cách mạng đang được nhen nhóm để đưa dân tộc tới một cuộc đổi đời lớn sau này. Nhưng dù sao trong trái tim họ cũng đã lập lòe "ngọn lửa Đancô" trên thảo nguyên mịt mùng của cuộc đời. Đó là ngọn lửa của tình ái con người Việt Nam, yêu non sông đất nước Việt Nam, yêu tiếng mẹ đẻ…
Từ Sơn
Share on Google Plus

About Dat le

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét