16/9
Tôi từng làm về lĩnh vực loãng xương ở đàn ông (osteoporosis in men) cũng khá lâu. Công trình đầu tiên của tôi về lĩnh vực này đã công bố từ 14 năm về trước, và tính đến nay số lần trích đã hơn 150, tức cũng có ảnh hưởng. Bài nói chuyện về mối liên hệ giữa các nội tiết tố giới tính (sex hormones) và tử vong sau khi gãy xương ở đàn ông được chọn trình bày năm nay.
Năm nay, ban tổ chức dành nguyên một phiên họp về loãng xương ở đàn ông. Đó là một tiến bộ đáng kể, vì mấy năm trước đây rất ít người quan tâm đến vấn đề này. Nhưng rất tiếc là cái session này lại diễn ra vào ngày cuối cùng của hội nghị và song song với session về treatment (điều trị), nên số người tham dự tương đối ít (khoảng 200 người, so với khoảng 500 người của session về điều trị). Xong bài nói chuyện trong hội nghị, tôi chạy đến thăm một người bạn quen qua báo chí đã trên 10 năm nay. Hóa ra chỗ người bạn này làm và hội trường hội nghị chỉ cách vài phút đi bộ. Gặp nhau nói được vài ba câu, thì tôi phải tìm cách đi ... ăn sáng. Chọn món hủ tíu Nam Vang (đương nhiên là không phải hủ tíu Nam Vang thứ thiệt, mà chỉ là loại hủ tíu nhại thôi). Ấy thế mà cũng gần trưa, nên phải chạy về khách sạn để check-out.
Ôi, đúng là khách sạn "chém". Chỉ ở có 6 đêm gì đó mà khách sạn chém chúng tôi thẳng tay. Thôi thì ráng chịu. Dù là tiền của cơ quan (cũng là tiền người dân đóng thuế) nhưng tôi vẫn giận vì thấy bọn Canada này "dã man" quá. Tôi khộng dằn được cơn giận, nên sau khi thanh toán xong, tôi nói muốn gặp riêng để nói chuyện riêng. Tôi nói rằng tôi không hài lòng với phục vụ của khách sạn, tôi biết rằng khách sạn đã lợi dụng hội nghị để chặt chém chúng tôi, nhưng tôi không chấp nhận kiểu làm ăn chụp giựt này. Nói xong, không để cho cô ấy trả lời, tôi bỏ đi. Tính tôi là thế: cái gì không hài lòng là nói thẳng ra ngay, và sau đó thì quên đi để tập trung vào chuyện khác. Nói ra ấm ức của mình cũng là một liệu pháp điều trị vậy.
Ra phi trường Montréal để đi về California thăm mấy thằng em họ. Kiểu cách check-in ở đây cũng ngồ ngộ so với các phi trường khác. Nhân viên hãng hàng không chỉ kiểm tra danh tính của hành khách, chứ thật ra chẳng check-in gì cả. Kiểm tra danh tính xong, hành khách phải tự mình mang hành lí vào một khu phía trong để gửi hành lí cho mấy nhân viên đứng đó. Xong phần này, hành khách phải qua khu hải quan của Mĩ (không phải Canada) và họ làm thủ tục y chang như là hành khách đáp máy bay xuống một phi trường ở Mĩ (tức là cũng lấy dấu hai ngón tay trỏ, chụp hình, điền form 1C, v.v...)
Rồi mọi thủ tục cũng xong. Tôi phải bay sang Chicago và chở ở đó khoảng 1 giờ để bay đi Los Angeles. Máy bay mà tôi bay nhìn bề ngoài chẳng khác gì Boeing nhưng chỉ có 70 chỗ gì đó thôi. Tôi tò mò xem mình bay máy bay gì thì mới biết máy bay hiệu Embraer do Brazil ráp! Trời, Brazil mà cũng ráp máy bay! Thế giới này đúng là tiến bộ nhanh quá, nếu không đi ra ngoài thì tôi đâu biết Brazil cũng phát triển kinh tế nhanh như Á châu mình thôi. Như vậy, những phát triển ở nước mình, nếu so với các nước khác, thì chắc tốc độ phát triển của nước mình chắc chẳng có gì đáng tự hào.
Phi trường Chicago là một trong những cảng hàng không lớn của Mĩ. Đi từ khu B sang khu C cũng gần ... ná thở. Hèn gì trên máy bay phi hành đoàn có nói rằng nếu ai có nhu cầu di chuyển từ khu B (tức khu máy bay đáp) sang khu C (khu tôi bay về Los Angeles [LA]) thì nói cho họ biết để bố trí phương tiện vận tải. Đi một hồi thì cũng đến nơi, định gọi về cho thằng em ở LA để nó ra đón, nhưng cái điện thoại công cộng cứ đòi ngốn tiền mà nó không cho nói chuyện. Bực mình, tôi đến hỏi ông bán báo thì ổng nói: "No, you have to buy a phone card" (Không, mày phải mua một cái thẻ điện thoại). OK, bao lăm? 10 đô. Gọi được bao lăm phút? 40 phút. Thật ra, khi gọi thì mới biết họ lại "chém" mình nữa. Tiếng nói ỏng ẹo của một cô Mĩ trong điện thoại báo cho tôi biết rằng chi phí nối đường dây (connection fee) là 1.5 USD! Thôi kệ, đến nước này thì đành phải để cho đế quốc nó chém, chứ biết làm sao bây giờ. Tôi thấy giới thương mại ở Mĩ họ chém khách hàng rất có bài bản (bài bản hơn ở trong nước); nó chém mà mình phải chịu và chỉ biết cười trừ. Bởi vậy tôi ít có thiện cảm với giới làm thương mại, nhưng tôi nghĩ mình cũng cần họ ...
Đi máy bay ở các vùng trung tây (MidWest) nước Mĩ có khi là một cực hình. Và, lần này tôi suýt nữa trải qua cực hình. Chuyến bay từ Chicago về LA, như thường lệ, đầy nghẹt hành khách (dân trong nghề gọi là "full flight"). Nhìn hàng người rồng rắn xếp hàng để lên máy bay Boeing 757 tôi phát ngán. Càng ngán hơn khi thấy trong nhóm hành khách này có nhiều ông bà da đen ... mập quá. Không, tôi không bao giờ kì thị người da đen hay da màu, vì bản thân mình cũng là dân da vàng mà thôi. Nhưng tôi ngại ngồi gần mấy người béo phì này. Có lẽ các bạn ở trong nước chưa từng đi Mĩ chưa thể tưởng tượng người da đen ở vùng trung tây nước Mĩ béo phì ra sao. Đối với mấy người này, cái BMI > 30 chẳng có nghĩa lí y khoa gì cả, bởi vì chỉ số BMI của họ đều cỡ 40-50! Nói thật, chứ không phải đùa đâu. Đã có lần nhiều người đề nghị mấy người béo phì này mua vé máy bay thì phải charge thêm họ, vì họ thường "lấn" sang ghế hành khách bên cạnh, do cái thân hình quá phì nhiêu của họ (chứ chẳng phải họ ăn gian gì đâu).
Nhìn hàng người xếp hàng và số người da đen phì nhiêu tôi thử tính thầm xác suất mà tôi sẽ ngồi gần họ. Chà, có vẻ hơi cao đây. Nhưng vẫn còn ... cơ hội. Đến khi lên máy bay, tôi ngồi số 9D (tức khu đầu, và may mắn thay cho tôi, Nguyên đặt ghế phía ngoài -- Aisle). Nhìn qua nhìn lại chẳng thấy ai gần mình, tôi thầm tự hào rằng mình may mắn quá. Nhưng chưa hết tự hào thì một anh da đen khổng lồ, thở khì khì, nặng nhọc lê lết tấm thân phì nhiêu đến xin phép vào ngồi. Tôi tái mặt nhưng đành chịu chứ biết sao. Ôi, may phước quá, anh ta ngồi ghế cửa sổ, tức cách tôi 1 ghế. Thoát nạn.
Chưa kịp mừng thì đến một cô da trắng, tóc vàng hoe, ăn mặc theo kiểu business, nước hoa đắt tiền, nhưng nhìn qua thì thấy khuôn mặt có vẻ "hình sự" và khó thân thiện. Tôi đi ngoài để nhường cho cô ta vào giữa, nhưng cô ta chỉ tôi vào ghế giữa! Ủa, sao có chuyện này vậy cà? Tôi hỏi: ghế của chị số mấy? Chị ta nói 9E. Tức là ghế giữa. Tôi nói: xin lỗi chị, cách hay nhất là chúng ta giữ ghế đi, đừng phiền phức quá. Chị ta nói nhỏ: ông có thấy cái thằng negro (chữ miệt thị dành cho người da đen) đó không, nó chiếm gần phân nửa ghế của tôi rồi, ông không có lỗi gì cả, tôi sẽ không ngồi đó. Trời ơi, cô có đứng nổi trong suốt 3 giờ máy bay không (thời gian bay từ Chicago về LA)? Cô ta dứt khoát không ngồi ghế đó, và đi tìm tiếp viên để chuyển ghế ngồi. Thương lượng một hồi, cô ấy cũng được chuyển ghế ngồi, và thay vào ghế 9E là một em bé người da đen.
Phải nói rằng đây là một kinh nghiệm mới đối với tôi. Dù tôi biết rằng sự kì thị giữa người da trắng và da đen vẫn âm thầm xảy ra, nhưng ít khi nào lộ ra ngoài mặt như lần này. Thật ra, chưa chắc cô ấy kì thị anh chàng da đen, nhưng có lẽ cô ấy kì thị người béo phì. Câu chuyện này làm tôi nhớ đến cuốn sách "The Myth of Obesity" mà trong đó tác giả lí giải rằng, béo phì là một biểu hiện của giai cấp. Béo phì thường hay thấy ở người nghèo, da đen hay Mễ, những người thuộc giai cấp lao động trong xã hội Mĩ, những người phải đấu tranh hàng ngày với cuộc sống đầy khó khăn. Họ là khách hàng của McDonald, của KFC, hay nói chung là các nhà hàng ăn nhanh (fast food restaurants).
Mỉa mai thay, các nhà hàng này lại đang tìm về Việt Nam để mở rộng thị trường, và ở Việt Nam khách hàng của họ là người có thu nhập cao! Bởi vậy, có thống kê cho thấy ở các nước đã phát triển, bệnh tiểu đường thường tập trung ở người nghèo, giai cấp lao động; còn ở các nước đang phát triển (như nước ta) thì tiểu đường lại hoành hành ở người có thu nhập cao.
Đến LA lúc 8 giờ tối. Anh em kéo nhau ra nhà hàng ăn uống. Mấy ngày nay, phải "chiến đấu" với các món ăn Việt cải biên ở Montréal, tôi háo hức chờ đi ăn món ăn Việt thứ thiệt ở California. Có lẽ nói không ngoa rằng các nhà hàng Việt ở California là ngon nhất thế giới (ngoại trừ Việt Nam). Kêu món cơm tấm để bù lại những ngày khó khăn đói khát ở Montréal. Đến khi người ta dọn ra dĩa cơm, tôi ... hết hồn. Đếm sơ sơ qua có đến 10 thứ trong đĩa cơm tấm khổng lồ: thịt gà nướng thơm ngon, trứng, bì, tàu hủ ki, rau xanh và dưa leo, cải muối, v.v... Tôi viết "khổng lồ" là đúng, vì kích thước của dĩa rau này tôi chưa từng thấy ở trong nước hay ở Úc. Kinh dị. Nhưng ngon, rất ngon. Tôi thanh toán chỉ phân nửa, chứ không tài nào làm hết. Vì thấy ngon quá nên phải lấy về để sáng mai còn ... ăn tiếp. :-))
Ăn uống xong thì đã 10 giờ tối. Tôi đề nghị ghé thăm Mợ Tư tôi đang sang đây đoàn tụ cùng gia đình thằng em. Đến nơi thì thấy Mợ ... chuẩn bị về Việt Nam. Trời ơi, tại sao? Mợ buồn rầu kể rằng thời gian 3 tháng qua là địa ngục với Mợ vì buồn quá, chẳng có hàng xóm nói chuyện, tối ngày cứ thơ thẩn trong nhà, còn mấy đứa con cháu thì đều đi làm hay đi học. Ngày Mợ lên đường sang đoàn tụ háo hức bấy nhiêu, thì nay Mợ thất vọng bấy nhiêu. Chừng nào Mợ về? Ngay mai. Ủa, sao nhanh vậy? Không chờ được, phải về Việt Nam con à, chỉ có quê mình Mợ mới sống được. Mợ nói về VN và chắc sẽ không qua lại Mĩ, hay nếu có qua thì lâu lắm mới đi để thăm cháu chứ không ở đây. Tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, nhưng biết làm gì ngoài những câu yên ủi tinh thần. Nghe giọng nói của Mợ tôi sợ rằng sức khỏe của Mợ suy giảm nhiều quá, và chưa biết Mợ có dịp đi thăm cháu trong tương lai hay không. Từ chuyện của Mợ Tư, tôi cũng nghĩ về chuyện tuổi già của mình (nay thì chưa già, nhưng mai mốt thì sẽ già). Tôi sẽ ở đâu và làm gì?
17/9
Tôi quyết định đi về San Diego (cách Los Angeles khoảng 250 cây số, tức tương đương khoảng đường từ TPHCM về Rạch Giá). Xa lộ 605 và 405 về San Diego ban đêm vắng xe nên chạy cũng khá nhanh. Đến gần 1 giờ sáng thì tôi cũng về đến nhà thằng em. Nói hỏi đủ thứ, nhưng tôi nói: cho tao ngủ. Đến sáng, kéo nhau ra nhà hàng ăn hủ tíu. Ôi, hủ tíu gì mà dở quá trời. Thôi, đi mua đồ điện tử cái đã, rồi sẽ tính chiều nay làm gì. Mới trưa đã nghe con em họ nó điện thoại nói rằng nó sẽ mua đồ nấu bún mắm cho tôi. Nó biết tôi ưa món này, nên lần nào sang đây nó cũng chuẩn bị mấy món dân dả này.
Chỉ có 2 năm, trở lại thành phố San Diego tôi thật sự ấn tượng về sự phát triển của thành phố này. Xa lộ mọc lên khá nhiều, các trung tâm công nghệ sinh học thì có hẳn một khu để phát triển. Ngày mai tôi sẽ ghé thăm đồng nghiệp ở UCSD (Đại học California, San Diego), hi vọng sẽ có nhiều chuyện vui và hợp tác trong tương lai. Tối nay về sẽ viết phần Introduction cho một bài báo quan trọng ... (nếu bọn nó đừng cho tôi say).
NVT
Xem thêm:Nhật kí Los Angeles
- Blogger Comment
- Facebook Comment
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét