Một bạn đọc viết thư hỏi tôi khái niệm “tenure track professor” và “tenured professor” khác với associate professor và professor ra sao.
Tenure và non-tenure là những danh từ dùng để chỉ qui chế bổ nhiệm (bởi vậy có khi người ta kèm theo từ track để viết tenure track), còn associate professor và professor là danh từ chỉ các chức danh khoa bảng. Một professor hay associate professor có thể được bổ nhiệm theo qui chế tenure, nhưng cũng có thể là non-tenure.
Tôi nghĩ tenure chắc tương đương với biên chế trong hệ thống đại học ở nước ta hiện nay?
Trước hết, qui chế có tên là tenure track là cách gọi bên Mĩ và Canada . Khái niệm tenure được Hiệp hội Giáo sư Đại học Mĩ (American Association of University Professors) đề nghị vào năm 1940. Tenure một chức vụ mang tính vĩnh viễn, suốt đời. Người được bổ nhiệm theo qui chế tenure có nghĩa là người đó mang chức danh đó suốt đời, trường đại học không có quyền đuổi việc nếu họ không phạm lỗi lầm gì đáng kể. Tuy nhiên, trong thực tế cũng có người phạm lỗi lầm (chẳng hạn như sách nhiễu tình dục với sinh viên) thì đương sự vẫn bị đuổi việc như thường.
Mục đích của qui chế tenure là nhằm đảm bảo quyền tự do tri thức (tôi dịch từ chữ academic freedom) cho các nhà khoa học và giáo sư đại học. Với qui chế tenure, giáo sư sẽ cảm thấy an toàn hơn, tự do hơn, vì họ có thể theo đuổi bất cứ nghiên cứu nào họ thích. Ngoài ra, họ có thể bất đồng ý kiến với chính phủ, có thể phát biểu những ý kiến đi ngược lại chính sách của chính phủ, phê phán xã hội, v.v… mà trường đại học không có quyền “đụng” đến họ.
Để được bổ nhiệm theo qui chế này, các ứng viên phải có những thành tích khoa học “dày” và uy tín cao. Thành ra, các giáo sư cấp thấp (như assistant professor hay lecturer) khó mà được bổ nhiệm theo qui chế tenure track. Đây cũng chính là một phàn nàn mà các giáo sư trẻ hay nêu.
Ở Anh và Úc không có danh từ này tenure track, nhưng có qui chế tương tự. Ngày xưa, ở Úc và Anh, khi được bổ nhiệm giáo sư thì người đó sẽ mang chức danh này suốt đời (họ gọi là permanent appointment). Nhưng đó là chuyện xưa, còn ngày nay, đại đa số các đại học không còn theo chế độ tenure nữa, bởi vì họ lí giải rằng khi giáo sư đã đạt được tenure thì họ bắt đầu … lười biếng. Có nhiều bằng chứng cho thấy lí giải này đúng. Nhiều giáo sư phấn đấu rất cao để leo lên được tenured professor, rồi sau đó họ cứ ngồi ì đó mà chẳng làm gì đáng kể cả. Lâu lâu cho ra một sản phẩm, phần còn lại là làm … chính trị khoa học. Do đó, các đại học yêu cầu các giáo sư đại học ngày nay phải kí hợp đồng thường xuyên với trường, và hợp đồng thường chỉ có giá trị 1 năm đến 5 năm (tức là qui chế non-tenure). Trong thời gian đó, nếu giáo sư không có năng suất cao hay “làm ăn không khá” họ có lí do để đuổi việc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét